Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong bốn mùa, cả về màu sắc và thời tiết. Mùa
Xuân không nóng bức và hanh khô như mùa Hạ, không se lạnh và bâng khuâng như
mùa Thu, không băng giá và buồn bã như mùa Đông.
Trái ngược với các mùa khác, mùa Xuân ấm áp, màu sắc tươi đẹp, ngàn hoa khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi vật sinh động, đất trời bừng sáng, mùa chim chóc làm tổ, mùa đôi lứa xây tổ uyên ương,... Do đó, mùa Xuân còn được mệnh danh là Mùa Yêu Thương, Mùa Đoàn Tụ, Mùa Hạnh Phúc.
Ai cũng mong chờ Mùa Xuân, và ai cũng vui sướng khi đón Xuân về, chào Tết
đến. Với tâm tình phấn khởi đó, NS Minh Kỳ đã sáng tác nhạc phẩm “Xuân Đã Về”
rất phổ biến từ hơn nửa thế kỷ qua. Ca khúc này được viết ở nhịp 2/4, âm thể Ré
Trưởng (D), với tiết tấu đơn giản nhưng vẫn tạo được nét độc đáo.
NS Minh Kỳ chứng
tỏ Mùa Xuân thực sự đã về tràn ngập trên quê hương: “Xuân đã về, Xuân đã về, kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông.” Không
chỉ đơn giản vậy, ông dẫn chứng thêm: “Trên
cánh đồng, chim hót mừng, đang thướt tha từng đàn tung bay vui say.”
Và còn nữa, ngàn
hoa nở tươi thắm như những đôi môi cười rạng rỡ: “Xuân đã về, Xuân đã về, ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới.” Đúng
là Xuân đã về thật, thế nên chúng ta cũng hãy mau ca vang để mừng Xuân mới: “Xuân đã về, Xuân đã về, ta hát vang lên câu
ca mừng chào Xuân.”
Xuân về có khác.
Tất cả như được thay da đổi thịt, người và vật đều tươi mới: “Nhìn trời bao la xinh tươi bao cô gái đẹp
cười trông xinh như hoa, lập lòe tà áo xanh xanh chen bông tím vàng đẹp hơn
tiên nga, và bầy em bé rúc rích, khúc khích tiếng cười rủ nhau vui ca, từng đàn
chim non xinh xinh tung bay khắp trời cùng ríu rít ca.” Xuân tuyệt vời
thật, Tết vui ơi là vui!
Ngày xưa, người
ta không chỉ ca hát để mừng Xuân mà còn có tiếng pháo vang rền suốt mấy ngày
Tết, hầu như nhà nào cũng đốt pháo, chí ít cũng là một bánh pháo (tràng pháo
ngắn khoảng 40 cm) để mừng xuân: “Một bài
ca đón chào mừng hòa theo tiếng pháo đì đùng, mừng Xuân nay đã về rồi và Đông đã
vừa qua.” Mừng lắm, nam phụ lão ấu đều vui hớn hở, chỗ nào cũng nghe người
ta nói nói cười cười râm ran như pháo nổ: “Ngập
trời bao tiếng chào mừng, nàng Xuân duyên dáng về rồi, về gieo bao thắm tươi
vui, lòng ta thấy yêu đời.” Nhà giàu còn đốt pháo khi hết Tế, gọi là “đốt
tết.”
Mùa Xuân khiến
người ta vui hơn, tin tưởng hơn, yêu đời hơn. Đôi khi Xuân có vẻ đến sớm, nhưng
không bao giờ đến muộn. Xuân về rồi, Tết đến rồi, hãy vui ca và chúc mừng nhau
những điều tốt đẹp nhất, người ơi!
Xuân đã về, và
Chúa Xuân đã đến qua việc Ngài nhập thế làm người để cứu độ nhân loại, khởi đầu
từ Belem. Mùa Xuân vừa về thì mùa Chay cũng chợt đến. Đón Xuân, ăn Tết, vui
mừng tưng bừng, nhưng người Công giáo vẫn không được quên việc sám hối để khả
dĩ hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót mà được cứu độ, được trường sinh bất tử, được
làm công dân Nước Trời, và mãi mãi được hưởng Mùa Xuân Vĩnh Cửu là Thiên Đàng.
Mùa Chay đến có vẻ u buồn trong sắc Tím, nhưng vẫn tràn trề niềm hy vọng: Hy
vọng được hưởng Ơn Cứu Độ.
Chúng ta cùng
nhau “hát dâng Chúa những bài Thánh Vịnh,
Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng” (Cl 3:16) để tôn vinh Thiên Chúa,
và cũng là để mừng Xuân vui Tết bằng đức tin. Nhưng chúng ta vẫn phải tin cậy
vào Ngài, vì Đức Kitô đã nói: “Không có Thầy, anh em
chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Dù có tội lỗi đến đâu cũng đừng quên điều quan trọng này: “Hãy tin vào Thiên Chúa!” (Mc 11:22; Ga
14:1)
Thật vậy, đừng tự
mãn vì mình là “chiên ngoan,” nhưng cũng đừng mặc cảm mà tuyệt vọng, vì “dù tội
đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng hóa trắng như
bông.” (Is 1:18) Máu và Nước của Chúa Giêsu sẽ tẩy sạch tất cả, chỉ với điều
kiện duy nhất: Sám hối chân thành.
Chúc Mừng Năm Mới
an khang, thịnh vượng, tấn tài, tấn lộc, và chúc mọi người sống thánh đức trong
niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.
TRẦM THIÊN THU
✽ Minh Kỳ (1930-1975)
tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc Huế, sinh tại Nha Trang, Khánh Hòa. Theo
gia phả hoàng tộc triều Nguyễn, Minh Kỳ là cháu 5 đời của Vua Minh Mạng. Năm
1959, ông vào định cư tại Saigon. Tại đây ông cùng với Anh Bằng, Lê Dinh lập nên
nhóm Lê-Minh-Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Chức vụ cuối cùng trước 30-4-1975
là đại uý cảnh sát. Sau biến cố 30-4-1975, bị bắt đi cải tạo và bị chết oan vì
lựu đạn vào khuya ngày 31-8-1975.
Minh Kỳ (1930-1975)
tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc Huế, sinh tại Nha Trang, Khánh Hòa. Theo
gia phả hoàng tộc triều Nguyễn, Minh Kỳ là cháu 5 đời của Vua Minh Mạng. Năm
1959, ông vào định cư tại Saigon. Tại đây ông cùng với Anh Bằng, Lê Dinh lập nên
nhóm Lê-Minh-Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Chức vụ cuối cùng trước 30-4-1975
là đại uý cảnh sát. Sau biến cố 30-4-1975, bị bắt đi cải tạo và bị chết oan vì
lựu đạn vào khuya ngày 31-8-1975.
Ông có một số ca
khúc tiêu biểu: Bao Giờ Em Lấy Chồng (viết chung với NS Hoài Linh), Biệt Động
Quân, Biệt Kinh Kỳ (viết chung với NS Hoài Linh), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (viết
chung với NS Hoài Linh), Chuyện Hai Người (viết chung với NS Hoài Linh), Chỉ Có
Một Người, Đừng Quên Nhau (viết chung với NS Mạnh Phát), Mưa Trên Phố Huế (phổ
thơ Tôn Nữ Thụy Khương), Mưa Buồn (viết chung với NS Hoài Linh), Mây Trắng Biên
Thùy (viết chung với NS Y Vân), Năm Cụm Núi Quê Hương, Người Em Vỹ Dạ, Lá Rụng
Hoàng Hôn, Lời Mẹ Tôi, Sầu Tím Thiệp Hồng (viết chung với NS Hoài Linh), Từ Giã
Kinh Kỳ, Thương Về Xứ Huế,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment