Ngày xưa, thời còn học tiểu học (nay gọi là cấp I), một thời thơ ngây và hồn nhiên thật đáng yêu. Suốt 5 năm chung lớp, vả lại, Thảo và tôi lại là hàng xóm, nên rất thân nhau. Tôi hơn Thảo 3 tháng tuổi, nên chúng tôi chỉ xưng tên với nhau.
Thảo và tôi không chỉ học chung trường, chung lớp, mà còn học giáo lý chung. Thời đó, chiều nào cũng học giáo lý chứ không chỉ học giáo lý vào Chúa Nhật như bây giờ. Tôi nhớ năm đó, Thảo và tôi cùng được xưng tội và rước lễ lần đầu, ngay hôm sau lại được ĐGM phụ tá P.X. Trần Thanh Khâm ban bí tích Thêm Sức. Với tôi, đó là điều đặc biệt lắm.
Hồi đó, tôi hay vẽ hình vua chúa, hoàng hậu,
công chúa, hoàng tử, và hiệp sĩ bằng phấn trên nền nhà đất. Thảo thường sang
chơi, thấy tôi vẽ cứ lại gần chọc phá tôi, có khi xóa “công chúa” và “hoàng tử”
của tôi. Tôi giận quá – vì tôi rất nóng tính – nên tát Thảo một cái như trời
giáng. Thảo khóc ơi là khóc. Trời lúc đó đang mưa, Thảo không về được, cứ ngồi
khóc nức nở. Phải một hồi lâu sau mới hết, và tôi thấy hối hận. Lúc đó chẳng có
ai ở nhà, tôi lén lấy gói kẹo mẹ mua còn để đó để bắt đền Thảo. Nhìn gói kẹo
hồi lâu Thảo mới chịu cầm. Trời còn mưa nhẹ, Thảo vừa đi về vừa phụng phịu:
– Nguyên ác lắm, đánh Thảo đau quá đi, về nói
bác gái à nghe!
Quả thật tôi nóng quá. Tôi ác thật. Và tôi
sợ. Sợ thật. Sợ Thảo méc mẹ và sợ mẹ biết mất gói kẹo. Tôi cầu trời cho không
xảy ra chuyện gì. Cả tuần sau chẳng thấy mẹ nói gì cả. Cũng từ hôm đó, tôi
chẳng dám rủ Thảo đi học mỗi sáng, và Thảo cũng chẳng sang chơi như trước.
Sáng hôm đó, mẹ định lấy gói kẹo ra gói lại
để đi biếu ai đó. Thấy mất gói kẹo, mẹ hỏi mà tôi cứ nói quanh, thế là mẹ mới
cho tôi một trận đòn nên thân vì tội lấy đồ khi chưa được phép.
Biết tôi bị đòn, chiều hôm đó Thảo sang chơi,
chắc là muốn biết nguyên nhân nhưng không dám vào, cứ thập thò ngoài cửa. Đang
làm tập làm văn, thấy vậy nên tôi lên tiếng trước:
– Vào chơi, Thảo!
Thảo lẳng lặng bước vào một cách rụt rè. Tôi
vội cười trấn an:
– Thảo giận Nguyên hả?
– Ai bảo…
Thảo cúi đầu buồn buồn. Đôi mắt bồ câu của
Thảo hình như long lanh. Tôi vội nói:
– Cho Nguyên xin lỗi. Đừng giận nghe Thảo!
Thảo chợt ngước lên nhìn tôi và tặng tôi một
nụ hàm tiếu miễn phí, rồi khẽ nói:
– Lúc đó giận lắm. Bây giờ thì… hết rồi. Thảo
muốn đưa cho Nguyên cái này.
Tôi ngạc nhiên, vừa cười vừa hỏi:
– Cái gì vậy?
Thảo đi ra cửa lấy gói kẹo hôm trước tôi bắt
đền vào đưa cho tôi:
– Thảo không lấy đâu. Mẹ Thảo nói vậy.
– Thảo cứ cầm đi. Không sao đâu.
– Nguyên xạo Thảo ha!
– Thiệt mà!
– Hồi sáng bác gái đánh Nguyên nè.
Tôi luống cuống như gà mắc tóc, và ấp úng:
– À… ừ… Tại Nguyên bị… điểm bốn đó.
Tôi nói dối vậy để chữa thẹn. Hẳn là Thảo
cũng biết, vì Thảo học chung lớp mà. Thảo nhất định đưa lại gói kẹo cho tôi nên
tôi đành… để lại chỗ cũ. Ai cũng nhận lỗi về phần mình. Dễ giận mà cũng dễ bỏ
qua. Thế là huề. Cứ dễ thương mà cũng dễ ghét!
Từ lần ăn tát tới nay, Thảo “sợ” tôi hẳn. Một
điều hỏi, hai điều hỏi, làm tôi đâm ngại. Nhưng nhờ vậy mà tôi bớt nóng tính
hơn nhiều. Cảm ơn Thảo. Dẫu sao cũng vui vì đã “bình thường hóa quan hệ.”
Thấm thoát đã lớp Chín. Vậy là Thảo và tôi
học chung suốt 5 năm cấp I và 4 năm cấp II. Thời gian qua nhanh quá! Con trai
thì vẫn như thường, có khác chăng là tóc biết rẽ đường ngôi, mặc quần áo ủi.
Con gái lại khác hẳn từ cách đi đứng tới cách ăn nói. Thảo bây giờ để tóc thề
một suối ngang lưng, trông ra dáng một thiếu nữ, e lệ, “hay hay” sao ấy! Nhưng
học chung từ nhỏ nên Thảo và tôi vẫn thân thiện như hồi nào.
Thảo dung dị, không kiểu cách, không làm dáng
như các bạn cùng trang lứa. Thảo học giỏi và hiền lắm. Tôi không học giỏi bằng
Thảo, nhưng tôi rất chăm học nên học lực cũng trên trung bình. Có lẽ đúng như
ông bà thường nói: “Cần cù bù thông minh.”
Thi thoảng trường tổ chức mỗi lớp làm một tờ
bích báo (báo tường). Tôi có nét chữ “coi được” – như các thầy, cô nói vậy – và
tôi còn vẽ phỏng được các hình ảnh ở báo, nên cả lớp đồng ý giao cho tôi “trọng
trách” viết và trang trí tờ bích báo của lớp.
Có lần thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ I),
bài thi Văn của tôi được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Bất ngờ quá! Tôi mắc cở,
vì hồi đó tôi nhút nhát lắm, như thỏ đế vậy. Về nhà, Thảo đòi mượn bài Văn của
tôi cho bằng được. Tôi khá Văn, còn Thảo giỏi Toán. Qua những việc như vậy, tôi
thấy mến Thảo, và ngược lại. Một thứ tình cảm đơn sơ, nhẹ nhàng, và trong sáng
của một thời học sinh đáng yêu làm sao!
Hết cấp II, lên cấp III. Tôi đi học nội trú
xa. Thảo cũng chuyển trường, nhưng gần đó. Cuối năm học lớp Mười thì đất nước
thống nhất, gia đình Thảo chuyển đi nơi khác. Tôi không biết ở đâu. Riêng tôi
vẫn ráng tiếp tục học, tuy có bị gián đoạn vài năm.
Không biết Thảo bây giờ làm gì. Nghe vài
người quen nói hình như Thảo làm nhân viên ở một tòa soạn báo khá có tiếng. Cứ
mỗi lần trời chuyển mưa, tự dưng tôi lại miên man nhớ về Thảo với cái tát “nổ
đom đóm mắt” ngày đó, nét bình dị và đôi mắt bồ câu của Thảo. Nhớ ngày xưa như
có chút níu kéo, lưu luyến, chưa muốn xa những gì đã xa, dù muốn hay không thì
ngày xưa đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng hóa thành ký ức và kỷ niệm. Không phải
vì ích kỷ mà tôi chỉ muốn ôn lại những gì đẹp đẽ và dễ thương, nhất là một
người như Thảo, cô bé ngày xưa ấy!
Tôi lấy ra cây viết Thảo đã tặng và viết vài
dòng như để gởi cho Thảo vậy:
Cây viết đã theo tôi suốt mấy chục năm, dù có
cũ với thời gian nhưng vẫn mới với kỷ niệm. Đặc biệt trên cây viết có khắc hai
chữ Thảo Nguyên với nét bay bướm. Sự nhút nhát của tôi đã không thể hiểu ngụ ý
của con gái. Con gái ký lạ quá. Con gái là một Thế Giới Mới, một Thế Giới Bí
Ẩn, hiểu được con gái chẳng khác gì Kha Luân Bố (Colombus) tìm ra Tân Thế Giới
(Mỹ châu). Sự hiểu muộn màng có tính tất yếu đặc thù của cái mà người ta thường
gọi là tình cảm đầu đời, tình cảm tuổi mới lớn, còn Anh ngữ gọi là Puppy-Love.
Tất cả đã qua, nhưng kỷ niệm sẽ còn mãi, để
rồi người ta có những lúc bâng khuâng… Ngày xưa thân ái và đẹp lạ lùng. Thời
gian nhìn tới thì dài mà nhìn lại thì sao ngắn quá!
Tình cờ gặp lại mẹ của Thảo trong một lần đi
lễ ở Nhà thờ Đức Bà, bác đã già ngoài bát tuần nhưng nhìn bác vẫn còn sinh khí
của tuổi già. Chuyện qua lại, tôi thực sự ngạc nhiên khi bác cho biết Thảo đang
là Chị Tổng (ngày xưa gọi là Mẹ Bề Trên) của một dòng nữ ở GP Phú Cường.
Bác nói sắp đi công chuyện ở Bình Dương và tiện ghé thăm con gái luôn. Bác rủ
tôi đi, và tôi hứa sẽ đi với bác. Quả thật, trái đất tròn. Rất tròn! Tạ ơn Chúa
luôn quan phòng mọi sự và luôn yêu thương chan chứa…
Tôi chợt nhớ một bài thánh ca của thầy tôi là nhạc sư Hùng Lân và ngâm nga: “Chúa có mặt trong lịch sử loài người, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi…” [2]
TRẦM THIÊN THU
[1] Thất tình – bảy cảm xúc của con người: Hỉ,
nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
[2] Thánh ca “Chúa Có Mặt Trong Lịch Sử“” của NS Hùng Lân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment