Cuộc đời là cuộc lữ hành – không chỉ là miệt mài “marathon” mà còn thực sự là một cuộc thi, cuộc đua. Ai cũng là những người tham gia cuộc đua này, không phải để giành giải tầm thường đời này mà là được phần thưởng đời đời: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm PHẦN THƯỞNG KHÔNG BAO GIỜ HƯ NÁT.” (1 Cr 9:24-25)
Muốn đoạt giải
thì không thể là tay đua kiệt sức, mà phải cố gắng là tay đua kiệt xuất. Thánh
Phaolô nói: “Phần chúng ta, được ngần ấy
nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và
tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta,
mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã
khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô
nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Dt 12:1-2)
Theo phương diện tâm linh, gọi là “cuộc đua” nhưng không có tính thi
đua như các cuộc thi ở đời. Trong cuộc đua thế gian, người ta có thể dùng “xảo
thuật” hoặc “mánh lới” để triệt hạ người khác để giành chiến thắng. Còn trong
cuộc đua tâm linh, người ta KHÔNG ĐƯỢC PHÉP đè bẹp người khác để giành chiến
thắng, mà người ta phải giúp “kéo” người khác vượt lên để cùng nhau chiến
thắng. Điều kiện thi đơn giản: Thực hành Bát Phúc – Tám Mối Phúc Thật. (Mt 5:1-12)
NGƯỜI CHIẾN THẮNG ĐÃ VINH QUANG
Các thánh là những người đã hoàn tất đường đua trần gian và đã đến đích
vinh quang. Có những vị thánh sống không thọ, thậm chí còn chết yểu, nhưng các
ngài đã hoàn thiện ngay trên thế gian này, và được vào Thiên Quốc ngay khi trút
hơi thở cuối cùng. Có các thánh nhân trẻ như Thánh Saviô, CP Chiara Luce
Badano, CP Carlo Acutis, CP Sandra Sabattani,..
Các thánh là “đoàn người áo trắng” rất đông đảo. Thánh Gioan cho biết:
“Tôi thấy một đoàn người thật đông KHÔNG
TÀI NÀO ĐẾM NỔI, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng
trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.” (Kh 7:9) Sách Khải Huyền là sách có
lối hành văn mặc khải (khải mạc), viết khoảng năm 95-96, có nhiều từ ngữ bí ẩn.
Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, vô số kể, chứ không mang nghĩa “số đếm” như
cách tính của loài người chúng ta.
Với kinh nghiệm riêng về thi đua, Thánh Phaolô chia sẻ: “Tôi đây cũng CHẠY như thế, chứ không chạy
mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi BẮT
THÂN THỂ PHẢI CHỊU CỰC và PHỤC TÙNG, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính
tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:26-27) Nếu “chính tôi bị loại” như vậy thì thật nguy
hiểm – gọi là Vô Phúc!
Là tín nhân – những người tin nhận Thiên Chúa, tin nhận Đức Giêsu Kitô
là Đấng Cứu Độ duy nhất, bất cứ ai cũng phải không ngừng nỗ lực chạy đua trên
đường nhân đức để khả dĩ đạt tới đích hoàn thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn
thiện.” (Mt 5:48) Hoàn thiện để nên thánh. Các cuộc đua có sơ khảo và chung
khảo, có chạy vòng loại và có lúc chạy nước rút. Về tâm linh, thời chúng ta
đang sống là “thời cuối cùng,” là thời gian “chạy nước rút,” sắp sửa đón Đức
Kitô quang lâm. Biết “cách chạy” là tỉnh thức chờ đón Con Thiên Chúa: “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em
không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12:40)
Xin các thánh hiển vinh
cầu thay nguyện giúp cho chúng con đang lữ hành trần gian. Amen.
NGƯỜI CHIẾN THẮNG CHƯA VINH QUANG
Các linh hồn đang ở Luyện Ngục là các tín
nhân đã trung thành tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, cả đời tuân giữ Thánh
Luật. Họ là các linh hồn thánh, chắc chắn sẽ được hưởng Nước Trời, nhưng vì chưa
thực sự tinh tuyền nên còn phải chịu thanh luyện để xứng đáng diện kiến Thiên
Chúa. Chỉ có những linh hồn tinh tuyền mới được nhìn thấy Ngài, vì Ngài là Đấng
Thánh. (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is
6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16; Ga 6:69)
Kiếp người ngắn ngủi lắm, chứ không như người
ta tưởng. Thánh Gióp cảm nhận: “Ngày đời
tôi trôi nhanh hơn kẻ chạy đua, nó qua mau, mà không thấy hạnh phúc.” (G
9:25) Vì thế mà phải miệt mài nỗ lực hoàn thiện kẻo không kịp. Chịu đau khổ rất
hữu ích, bởi vì Thánh Catarina Genoa cho biết điều quan trọng: “Việc thanh luyện và hồi phục tình trạng
tinh tấn nguyên tuyền cho linh hồn NGAY Ở ĐỜI NÀY là một nhiệm vụ, và để KHỎI
CHỊU LUYỆN NGỤC ở đời sau.” Đúng là nhất cử lưỡng tiện, và thực sự tốt cho
chính mình.
Hoàn thiện bằng cách nào? Mt 5:1-12 ghi lại bản Tuyên Ngôn
Thiên Quốc do Chúa Giêsu công bố, gồm 8 nhân đức tạo nên các mối phúc: Tâm hồn NGHÈO KHÓ, sống HIỀN LÀNH, chịu SẦU KHỔ, KHÁT
KHAO sự công chính, biết XÓT THƯƠNG người, có tâm hồn TRONG SẠCH, luôn XÂY DỰNG
HOÀ BÌNH, chấp nhận BỊ BÁCH HẠI.
Loài hoa Forget-Me-Not (Lưu Ly Thảo) nhắc nhở chúng ta về lời kêu
cứu tha thiết của các linh hồn nơi Luyện Ngục: “Xin Đừng Quên Tôi!” Thương người là thương mình. Kinh Thánh dạy: “Hãy khóc thương kẻ ly trần, vì nó đã mất ánh sáng.” (Hc 22:11) Nhớ tới các linh
hồn là cách tự nhắc nhở về một sự thật minh nhiên bất biến: “Hãy Nhớ Mình Phải Chết – Memento Mori.”
Và đó cũng là “Nghệ Thuật Chết – Ars Moriendi” đối với các tín nhân. Thiên Chúa là ĐẤNG CẦM QUYỀN SINH TỬ. (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13) Chúng ta sống hay chết là do Ngài quan phòng và
tiền định.
Người ta thường nói: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.” Nhưng trong đợt dịch bệnh cao điểm
vừa qua, chúng ta đã thấy quá nhiều quan tài và không đủ nước mắt để rơi xuống.
Chết không là dấu chấm hết, nhưng vấn đề quan trọng là một đi không trở lại, một
lần là mãi mãi: “Theo dòng thời gian, tên
tuổi ta cũng chìm vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm. Đời ta sẽ
qua như một thoáng mây trôi, sẽ biến đi như màn sương sớm bị ánh nắng đẩy lùi
và sức nóng mặt trời áp đảo. Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là
không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa.” (Kn 2:3-5)
Năm 1917, Đức Mẹ Fatima
dạy ba trẻ rằng, khi lần Chuỗi Mân Côi, hãy dùng lời nguyện này: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, XIN
ĐƯA CÁC LINH HỒN LÊN THIÊN ĐÀNG, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa
Thương Xót hơn.” Đó là lời nguyện hiệu quả để cứu giúp các linh hồn.
Thánh Faustina được Chúa cho thị kiến Hỏa
Ngục và Luyện Ngục, và thánh nữ cho biết: “Tôi
bị thiêu đốt trong lòng bằng lửa yêu mến Chúa và muốn cứu các linh hồn mà tôi
cảm thấy mình bị thiêu đốt. Tôi sẽ chiến đấu với ma quỷ bằng Vũ Khí Lòng Thương
Xót. Tôi khao khát cháy bỏng là cứu các linh hồn. Tôi đi xuyên qua sức mạnh và
hơi thở của thế giới và mạo hiểm đến nỗi các biên giới và các vùng đất hoang vu
nhất để cứu các linh hồn. Tôi làm điều này bằng cách CẦU NGUYỆN và HY SINH.”
(Nhật Ký, số 754)
Cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ là nhiệm
vụ liên đới, mà còn là việc bác ái, đồng thời cũng đền tội mình ngay bây giờ. Số
phận có thể thay đổi bằng lời cầu nguyện: “Trong
tất cả lời cầu nguyện, lời cầu nguyện XỨNG ĐÁNG NHẤT được Thiên Chúa chấp nhận
là lời cầu nguyện cho người đã qua đời, bởi vì lời cầu nguyện đó hàm chứa tất
cả đức ái, cả thể lý và tinh thần.” (Thánh Lm Thomas Aquino)
Mất Thiên Chúa là
cuộc đời mất trắng. Ước gì mỗi tín nhân noi gương Thánh Thomas Aquino, tác giả
bộ Tổng Luận Thần Học, xác định: “Lạy
Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.” Đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất
và tuyệt vời nhất. Có Thiên Chúa là có tất cả, như vậy thì cuộc đời không uổng
phí, mà thực sự có giá trị.
Các linh hồn đang
đau khổ nơi Luyện Ngục nhưng các Ngài vẫn hạnh phúc yêu mến Thiên Chúa. Hy vọng
chúng ta cũng hoàn tất đường đua thế gian này và được Chúa Giêsu đón ở đích
đến.
Xin các linh hồn nguyện
giúp cầu thay cho chúng con đang lữ hành trần gian. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Cầu Hồn – 2021
✽ Viếng Nghĩa Địa – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/11/vieng-nghia-ia.html
✽ Từ Nay Tới Muôn Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/11/tu-nay-toi-muon-oi.html
✽ Vui Mừng & Hy Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/10/vui-mung-va-hy-vong.html
✽ Bốn Điều Cuối Cùng – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/11/bon-ieu-cuoi-cung.html
✽ Chuyến Cuối Cùng – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/chuyen-cuoi-cung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment