Có vài thứ thách thức sự yên tĩnh của chúng ta và kích thích cảm giác sợ hãi tồn tại sâu sắc hơn ý nghĩ về cái chết. Nếu tất cả những gì chúng ta đã phấn đấu – tất cả những gì chúng ta đã học biết và trải nghiệm, tất cả những người chúng ta yêu quý – chỉ đơn giản là chẳng đạt được gì, chúng ta tự nhủ: “Liệu có còn điểm nào để sống, và cuộc sống có ý nghĩa gì không?”
Thật đúng như Công Đồng Vatican II đã nhận
xét: “Chính khi đối mặt với cái chết, điều
bí ẩn về sự tồn tại của con người trở nên sắc bén nhất. Con người không chỉ bị
giày vò bởi nỗi đau và sự suy giảm ngày càng tăng của cơ thể, mà còn bởi nỗi sợ
hãi của sự hủy diệt vĩnh viễn.” (Tông Huấn Gaudium et Spes, 18)
Trong suốt lịch sử, nhiều người tin chắc rằng
phải có sự sống nào đó sau khi chết thì cuộc đời mới có ý nghĩa. Chưa hết, một
số quan điểm về sự sống sau khi chết cũng có thể khiến cuộc đời này dường như
vô nghĩa.
Nếu Thiên Đàng tuyệt vời như vậy, tại sao lại
lãng phí thời gian của chúng ta trên trái đất? Tất cả những gì chúng ta đã đấu
tranh, tất cả các mối quan hệ của chúng ta, tình yêu của chúng ta và sự cống
hiến của chúng ta cho người khác thì sao? Chúng ta có đơn giản là từ bỏ tất cả
những gì chúng ta yêu quý khi chết? Đối với nhiều người, ngay cả những người
tin có đời sau, nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là mất đi mối liên hệ với những
người họ yêu thương.
Vì vậy, quan điểm về cuộc sống tốt đẹp cho
con người trong cuộc đời này không được mâu thuẫn với cuộc sống của những người
được chúc phúc trên Thiên Đàng – và ngược lại. Nếu “cuộc sống tốt nhất cho con
người” là cuộc sống nhân đức, thì chúng ta không thể, không mắc tội mâu thuẫn
nghiêm trọng, cho rằng cuộc sống của những người được chúc phúc trên Thiên Đàng
liên quan tình dục phóng đãng với bảy mươi trinh nữ.
Tương tự, nếu một Kitô hữu tin rằng Thiên
Đàng là cõi của tình yêu vị tha đối với Thiên Chúa và tha nhân nhưng hiện đang
sống theo đuổi của cải, quyền lực và địa vị, thì người đó đã không nắm bắt được
mối liên hệ thiết yếu giữa đời này và đời sau.
Một điều chúng ta tìm thấy trong mặc khải của
Thiên Chúa, được xác nhận một cách đầy đủ nhất trong các lần Chúa Giêsu phục
sinh hiện ra là Ngài hứa ban sự sống đời đời, kể cả sự sống lại của thân xác.
Đáng buồn thay, nhiều Kitô hữu dường như không biết về giáo lý trọng tâm này
trong đức tin của họ. Mặc dù mỗi khi lặp lại Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng
đức tin của mình vào “sự sống lại của thân xác,” nhưng việc nhận thức giáo huấn
Kitô giáo về sự sống lại của thân xác dường như hiếm hoi.
Nếu một Kitô hữu tuyên bố rằng cái chết đòi
hỏi sự giải thoát linh hồn khỏi thể xác, như Socrates có vẻ đã nghĩ vậy, thì
quan điểm của họ sẽ trái ngược không chỉ với lời dạy của Thánh Phaolô về sự sống
lại của thể xác mà còn với sự hiểu biết của Kitô hữu về sự tính duy nhất nội
tại của thân xác và linh hồn. Ngay cả các Kitô hữu biết đức tin của họ bao gồm
niềm tin vào sự sống lại của thân xác cũng sẽ hỏi: “Điều đó nghĩa là gì?”
Rõ ràng đây là vấn đề lớn hơn nhiều thứ có
thể được giải quyết trong một mục ngắn, vì vậy tôi hy vọng độc giả sẽ tha thứ
cho tôi nếu tôi dành một chút thời gian để nói về cuốn sách mới của tôi – cuốn “From
Here to Eternity: Reflections on Death, Immortality, and the Resurrection of the
Body” (Từ Đây Đến Vĩnh Hằng: Suy Ngẫm Về Sự Chết, Sự Bất Tử, và Sự Phục Sinh
của Thân Xác) do NXB Emmaus Press ấn hành. Hãy để tôi cung cấp cho bạn ý chính
của nó để bạn có thể quyết định xem đó là thứ bạn cần hay không.
Tôi cho rằng quan điểm của Kitô hữu về đời
sau được bộc lộ đầy đủ nhất trong Con Người của Đức Kitô Phục Sinh. Có những
hình ảnh Kinh Thánh khác về “Thiên Đàng” cũng quan trọng, nhưng chúng vẫn chỉ
là hình ảnh. Sự mặc khải trọng tâm và quan trọng nhất về đời sau được chính Đức
Kitô ban cho trong thân xác phục sinh của chính Ngài.
Sự mặc khải đó bảo đảm với chúng ta rằng, sau
khi chết, nếu chúng ta đáp lại những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban, chúng ta có
thể thông phần trọn vẹn vào tình yêu ba ngôi của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần. Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng chúng ta sẽ được kết hợp với Thiên
Chúa theo cách mà chúng ta không đánh mất đặc tính của mình hoặc mối liên hệ
của chúng ta với những người chúng ta yêu thương. Đức Kitô Phục Sinh, Đấng bày
tỏ chính Ngài trong Phòng Tiệc Ly vẫn là Chúa Giêsu, Đấng mà họ biết, không
phải là một “linh hồn” theo thuyết ngộ đạo được giải thoát bằng cái chết của
thân xác Ngài.
Đức Mẹ và các thánh không được “hấp thụ” vào
Thiên Chúa như giọt nước trở về đại dương. Các ngài vẫn là những ngôi vị riêng
biệt, vẫn kết nối với chúng ta trong tình yêu, thậm chí còn mật thiết hơn,
không chỉ ở bên cạnh chúng ta, nhưng bây giờ ở trên và ở trong chúng ta, cầu
nguyện cho chúng ta mạnh mẽ hơn nữa vào mọi lúc, liên kết với chúng ta vì được
kết hợp với Thân Xác Phục Sinh của Chúa Kitô.
Sự Phục Sinh của Đức Kitô và sự sống lại của
các tín hữu đem lại cho chúng ta niềm hy vọng – không chỉ là hy vọng thoát khỏi
cuộc đời này, rời bỏ tất cả những người chúng ta yêu thương. Đó là hy vọng cho
sự biến đổi và cứu chuộc của cuộc sống này – một hành trình bắt đầu ngay bây
giờ, gay hôm nay, trong cuộc đời này, mặc dù nó chỉ đến ga cuối trong kiếp sau.
Thánh Phaolô viết cho người Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được
dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào
trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng
ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ
cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một
đời sống mới.” (Rm 6:3-4)
Cũng như Giáo Hội từ lâu đã cho rằng ân sủng
không vi phạm tự nhiên nhưng hoàn thiện nó, do đó, quan niệm của Kitô giáo về đời
sau không phủ nhận giá trị của cuộc sống này nhưng là hoàn thiện nó. Lời hứa
của Kitô giáo là, khi cuộc sống của chúng ta liên kết với Đức Kitô chịu đóng
đinh và sống lại, ngay bây giờ chúng ta cũng đang sống nếm trước cuộc sống mà những
người được chúc phúc đang tận hưởng trên Thiên Đàng. Họ là các thánh mà chúng
ta mừng kính ngày đầu Tháng Mười Một.
Do đó, sứ điệp Kitô giáo là: HÃY BẮT ĐẦU CUỘC
SỐNG TRÊN TRỜI NGAY BÂY GIỜ, đó là cuộc sống của Chúa Kitô chịu đóng đinh và
sống lại, cuộc sống được thanh tẩy cái tôi giả tạo và sự ích kỷ của chúng ta,
để dọn đường cho “cuộc sống vĩnh cửu,” cuộc sống tận hiến cho tình yêu vị tha
của Thiên Chúa và người lân cận. “Tin tốt lành” là không một quyền lực nào trên
trái đất, dù to lớn đến đâu, thậm chí kể cả cái chết, có thể tách chúng ta khỏi
tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận.
RANDALL SMITH
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Mùa
Cầu Hồn – 2022
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/10/nguoc-len-va-nhin-xuong.html
✽ Cuối Đường Đua – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/cuoi-uong-ua.html
✽ Vui Mừng & Hy Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/10/vui-mung-va-hy-vong.html
✽ Bốn Điều Cuối Cùng – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/11/bon-ieu-cuoi-cung.html
✽ Chuyến Cuối Cùng – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/chuyen-cuoi-cung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment