Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

HAI CUỘC ĐỜI

Chết Đi Để Rồi Được Sống Lại
Sống Lại Rồi Sẽ Vui Trường Sinh
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nghĩa là không thể rút kinh nghiệm cho lần khác theo kiểu luân hồi. Và chắc chắn KHÔNG hề có kiếp luân hồi. Nhưng về tâm linh, con người có hai cuộc đời, hai lần sống – đời này và đời sau.
Thế gian có nhiều loại “cuộc,” nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê. Thế nên luôn phải chiến đấu không ngừng, người đời gọi là bể khổ, Chúa Giêsu bảo phải vác thập giá.
Khổ đủ kiểu nên phải chiến đấu đủ thứ. Thánh Augustino phân tích: “Việc suy niệm của chúng ta về đời sống hiện tại phải ở trong lời ca ngợi Thiên Chúa; bởi vì niềm hoan lạc của đời sống muôn đời mai sau sẽ là lời ca ngợi Thiên Chúa. Ai chưa thực tập điều ấy ngay từ bây giờ thì không thể phù hợp với đời sống tương lai. Những lời cầu nguyện hằng ngày của các tín hữu đền bồi những sai lỗi sơ sài nhỏ mọn thường ngày của họ, những điều mà cuộc sống này không thể tránh được.” Thánh José Escriva nói: “Bằng những giọt nước mắt, những giọt nước mắt nam nhi nóng hổi, anh em có thể thanh tẩy được quá khứ và siêu nhiên hóa cuộc sống hiện tại của mình.” Chân phước Julian Norwich chia sẻ: “Khi bị trở tính và cô quạnh trong nỗi ngao ngán, chán chường với cuộc sống và bực dọc với bản thân, tôi đã nhẫn nại để tiếp tục sống giữa những khó khăn… và lập tức sau đó, Chúa lại ban cho linh hồn tôi niềm an ủi và thanh thản trong hoan lạc và vững tin.” Đúng là đời này khổ thật!
Cuộc đời cũng là cuộc sống, có sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa là Nguồn Sống. (Tv 36:10) Mỗi người đều có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh quan trọng vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là Nguồn Sống. (Tv 36:10) Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14:6) Đúng như Thánh Vịnh gia đã phân tích: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” (Tv 104:29-30)
Là người đời nhưng có những người “biết sống” rất khôn khéo. B. Brech nhận định: “Điều đáng sợ không phải là chết, mà là sống rỗng tuếch.” Còn Maxwell Winston Stone khuyên: “Đừng nghĩ đến cái chết về thể xác mà hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã HOÀN THÀNH SỨ MỆNH CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH chưa? Nhắc đến cái chết và chuẩn bị cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia dường như khiến người ta bị quan, lo sợ. Nhưng theo nghĩa lạc quan, có một điều mới lạ sắp đến. Khi đó, bạn không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi nữa.” Rất độc đáo!
Thật vậy, “chính Ngài ban Sự Sống cho muôn vật, muôn loài,” (Nkm 9:6) nguyên tổ Ađam là người đầu tiên được đón nhận sự sống: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2:7) Được sinh ra làm người là hồng ân rồi, dù chúng ta như thế nào – thậm chí có người sống đời thực vật, chứ chúng ta không có quyền đòi hỏi hoặc chọn lựa: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.” (1 Sm 2:6; x. Kn 16:13 và Tv 30:4) Chắc chắn bất cứ ai cũng không thoát khỏi tay Ngài. (Tb 13:2; Ed 43:13)
Có bị bệnh mới biết quý sức khỏe, có gặp nguy hiểm mới nhận thức sự sống rất cần, cụ thể là trong tình hình phức tạp của đại dịch Corona hiện nay. Vì thế, ai cũng phải ý thức có trách nhiệm bảo vệ sự sống – cho mình và cho người khác. Sự sống liên quan không khí, dưỡng khí hoặc ô-xy chúng ta hít thở từng phút, từng giây. Thiếu không khí vài phút thì mọi vật chết hết, cả sinh vật và động vật. Chính không khí là đại hồng ân Thiên Chúa trao ban cho mọi loài, chúng ta sử dụng liên tục mà vẫn coi thường, vô ơn bạc nghĩa, dám làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh, tiêu diệt sự sống. Đó là tự hại chính mình, tức là tự sát.
Từ ngàn xưa, qua ngôn sứ Êdêkien, chính Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Israel: “Ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng rằng Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta!” (Ed 37:12-13). Được ra khỏi huyệt mộ là thoát khỏi cõi chết, là được sống. Thật là đại phúc nhãn tiền!
Như để giải thích, Thiên Chúa cho biết: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm.” (Ed 37:14) Chúng ta được Thiên Chúa “thổi hơi” để ban Thần Khí, nhờ đó mà chúng ta sống. Và còn hơn là sống, bởi vì chúng ta còn được sống dồi dào, (Ga 10:10) đúng như Chúa Giêsu đã hứa. Lời Chúa xác quyết “Ta đã phán là Ta làm” khiến chúng ta an tâm. Quả thật, Ngài rất thẳng thắn và không bao giờ sai lời. Tuyệt vời là thế, bởi vì Thiên Chúa luôn trung tín và yêu thương trọn niềm.
Bất cứ ai ở trong bóng tối là CHẾT, ở trong ánh sáng là SỐNG. Tất cả chúng ta đã từng “chết” khi ở trong bóng tối – bóng tối tội lỗi. Vì thế, chúng ta luôn phải van xin: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” (Tv 130:1-2) Đó là lời cầu cấp tốc, lời cầu khẩn cấp, như tiếng còi vang lên từ xe cứu thương, cứu hỏa – và còn hơn thế nữa.
Chính điều đó lại là hồng ân, nghĩa là chúng ta biết kịp thời đánh moóc  SOS nên được sống, nhờ Thiên Chúa cứu vớt. Vâng, ước gì mỗi khi gặp hoạn nạn, chúng ta luôn biết cầu xin và thành tín: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.” (Tv 130:3-4) Tuy nhiên, muốn vậy cũng không hề dễ dàng nếu chúng ta không “hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Chúa.” (Tv 130:5) Thực sự muốn được sống thì phải tâm niệm rạch ròi: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa. Chính Ngài sẽ cứu khỏi tội khiên muôn vàn.” (Tv 130:6-8) Và chỉ một mình Ngài mới có thể cứu sinh mà thôi.
Thánh Gioan Eudes so sánh: “Không khí chúng ta thở, cơm bánh chúng ta ăn, trái tim đập trong lồng ngực chúng ta cũng không cần thiết để giúp chúng ta có thể sống đúng là một con người cho bằng lời cầu nguyện giúp cho chúng ta có thể sống đúng là một tín hữu.” Chuyện sống – chết liên quan cả xác và hồn. Cụ thể là thân xác, nhưng cũng cần phân biệt “xác thịt” và “tính xác thịt”. Đôi khi “tính xác thịt” còn nguy hiểm hơn “xác thịt.” Có lẽ vì thế mà Giáo Hội “đề nghị” lời cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ 5 Mùa Thương: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.” Đặc biệt là chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38) Quả thật, không hề đơn giản!
Nếu nói vậy thì có lẽ có thể có người muốn “nổi loạn” và muốn “kiện” Chúa, vì cho rằng Ngài đã tạo nên một dạng thân-xác-yếu-hèn. Ý nói là Chúa đã “cài đặt” mặc định (default) như vậy rồi, y như máy vi tính đã “đóng băng” (Deep Freeze), chúng ta có thay đổi mọi thứ thì nó cũng trở về “mặc định” sau khi nó được khởi động lại (restart). Thế nhưng không phải như vậy. Lý do? Thứ nhất, đó là điều mầu nhiệm, chúng ta không đủ trình độ để hiểu thấu. Thứ nhì, đó là Thiên Chúa KHÔNG BAO GIỜ TẠO ĐIỀU XẤU, vì Ngài là Đấng chí thánh, nơi Ngài CHỈ CÓ ĐIỀU TỐT LÀNH mà thôi.
Tính xác thịt ra sao? Thánh Phaolô cho biết: “Những ai bị TÍNH XÁC THỊT chi phối thì KHÔNG THỂ vừa lòng Thiên Chúa.” (Rm 8:8) Thật nguy hiểm! Nhưng diễm phúc cho chúng ta bởi vì chúng ta được làm “con cái Thiên Chúa,” như Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9) Thế thì trên mức tuyệt vời rồi, và thực sự mỗi chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. (1 Cr 3:16-17; 1 Cr 6:19)
Liên quan chuyện sống – chết, Thánh Phaolô vừa giải thích vừa xác định: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em ĐƯỢC SỐNG, vì anh em đã được TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu SỐNG LẠI từ cõi chết, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được SỰ SỐNG MỚI.” (Rm 8:10-11)
Quyền sinh tử thuộc về Thiên Chúa, không một phàm nhân nào được làm hại sự sống của con người, dù sự sống đó chưa được sinh ra là một hài nhi. Đúng như vậy, bởi vì “Thiên Chúa nắm chủ quyền trên mọi xác phàm.” (Đn 14:5) Thật vậy, chính Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô quyền trên mọi phàm nhân (Ga 17:12) và trên mọi chi tộc. (Kh 13:7)
Một câu chuyện cổ-tích-có-thật được Thánh sử Gioan kể lại qua trình thuật Ga 11:1-45 rất thú vị. Sự thể là có một người bị đau nặng tên là Ladarô, quê ở Bêtania, em trai của hai chị em cô Mácta và Maria (người sau này sẽ xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simôn Cùi – Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Lc 7:36-48; Ga 12:1-8). Anh Ladarô bị đau nặng và không tránh khỏi lưỡi hái tử thần. Nhà có đám tang.
Trước đó, khi thấy em trai bị bệnh nặng, hai chị em gái cho người đến báo tin buồn cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Cách nói đó cho thấy Ladarô rõ ràng là “người mà Chúa Giêsu thương mến,” vậy mà Ngài vẫn thản nhiên bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” Chúa Giêsu không dùng từ nào thừa hoặc thiếu, nhưng rất chính xác và đầy đủ, vì Ngài biết Ngài sắp làm gì.
Kinh Thánh cho thấy Chúa Giêsu quý cả ba chị em Mácta, Maria và Ladarô, nên lần đó Ngài đã lưu lại thêm hai ngày rồi mới cùng các môn đệ trở lại Giuđê. Các môn đệ thấy người Do Thái mới tìm cách ném đá Thầy, nên muốn can ngăn. Nhưng Ngài bảo: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng nơi mình!” [*]
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ladarô, BẠN của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi ĐÁNH THỨC anh ấy đây.” Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” Họ không hiểu ý của hai từ “yên giấc” mà Ngài sử dụng, họ cứ tưởng Ngài nói về giấc ngủ bình thường. Thế nhưng Ngài muốn đề cập SỰ CHẾT. Và rồi Ngài nói rõ: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” Ôi chao! Thấy người ta chết mà lại bảo là “mừng.” Coi bộ “căng” thật! Nhưng đúng vậy, Ngài mừng vì Ngài không có mặt ở đó để người ta thêm tin khi thấy việc Ngài làm: Cải tử hoàn sinh cho anh bạn Ladarô. Cái gì cũng có lý do của nó!
Nhờ vậy, hôm đó các môn đệ đã đồng tâm nhất trí muốn “cùng chết với Sư Phụ.” Tốt lắm, ít ra cũng phải vậy. Dù CHƯA làm được điều mình muốn thì ít ra cũng biết MUỐN điều mình MUỐN THỰC HIỆN, ý muốn thực sự rất quan trọng để có thể thực hiện.
Kinh Thánh không nói rõ nhưng chắc hẳn Ladarô bệnh nặng lắm nên mới mau chết như vậy. Mặc dù đường không xa, nhưng khi Chúa Giêsu đến nơi thì người ta đã an táng Ladarô được bốn ngày rồi. Làng Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số, nhưng thời đó cuốc bộ suốt nên mất nhiều thời gian. Có nhiều người Do Thái đến phúng điếu và chia buồn với chị em Mácta và Maria, bởi vì nghĩa tử là nghĩa tận.
Hôm đó, khi nghe tin Đức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Ngài, còn cô Maria thì cứ ngồi ở nhà, cứ bình thường, như không có gì quan trọng. Hay thật, có lẽ phong cách của cô rất thản nhiên. Nhà hiếu chưa yên chuyện buồn thì lại có chuyện khác. Cuộc đời đúng là rắc rối thật, không như mình tưởng.
Lòng buồn rười rượi, nhưng Mácta vẫn tin tưởng nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Ngài bảo: “Em chị sẽ sống lại!” Mácta thưa rằng cô vẫn tin kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Và Ngài nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” Ngài hỏi Mácta có tin như vậy hay không, Mácta mạnh mẽ xác tín: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Là một nữ nhi mà có lời tuyên xưng thật tuyệt vời!
Và rồi Mácta đi nói nhỏ với Maria: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” Nghe vậy, Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Ngài chưa vào làng, vẫn ở chỗ Mácta đã ra đón. Những người Do Thái thấy Maria vội vã đứng dậy đi ra thì cũng đi theo, vì họ tưởng cô ra mộ khóc em. Nhiều sự kiện đan xen nhau trong ngày hôm đó.
Vừa đến gần Đức Giêsu, Maria liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Cả hai chị em đều đặt tình huống “nếu” với Đức Giêsu. Thật là tội nghiệp hết sức! Thấy cô khóc, những người Do Thái đi với cô cũng khóc, rồi Đức Giêsu thổn thức trong lòng và cảm thấy xao xuyến. Lúc đó chắc là Maria khóc em trai dữ lắm. Rồi Ngài hỏi xác anh ấy ở đâu. Họ mời Ngài đến xem, và Ngài đã khóc. Thấy thế, người Do Thái bảo nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” Có vài người thắc mắc là Chúa Giêsu đã từng mở mắt cho người mù mà sao lại không làm cho anh ấy khỏi chết. Nghe họ nói vậy nên Chúa Giêsu lại thổn thức trong lòng. Thương lắm chứ, thế nên Ngài đã “chạnh lòng thương” tới ba lần! Rồi Ngài đi tới mộ Ladarô, phiến đá vẫn đậy kín cửa hang. Ngài bảo lấy phiến đá ra. Mácta bảo nặng mùi rồi, vì Ladarô đã an táng được bốn ngày. Chúa Giêsu nhắc lại chuyện đức tin. Và không ai dám có ý kiến gì. Họ lăn tảng đá ra...
Lúc đó, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong, Ngài kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Thật lạ lùng, người chết bước ra trong khi vẫn còn quấn vải liệm. Chắc hẳn ai cũng vừa kinh ngạc vừa sợ hãi. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Hai bà chị cũng ngạc nhiên không kém, nhưng họ rất vui mừng không chỉ vì em trai sống lại, mà chính họ biết niềm tin của họ hoàn toàn chính xác: Đúng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phải đến thế gian này.
Có điều đặc biệt trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, đó là Thánh sử Gioan cho biết rằng những người Do Thái đến đám tang Ladarô hôm đó đã chứng kiến việc Đức Giêsu làm, và có NHIỀU KẺ ĐÃ TIN VÀO NGÀI. Những người đã tin vào Chúa Giêsu là những người thực sự diễm phúc. Nhận biết và tin là một hành trình, nhưng không phải ai cũng làm được.
Liên quan đức tin, chợt nhớ lại một mối phúc đặc biệt mà chính Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, đã nói với tông đồ Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20:29) Không thấy thì khó tin hơn, nhưng khó hơn mà tin thì mới có phúc hơn.
Lạy Thiên Chúa hằng sống, chúng con còn yếu đuối lắm, xin thêm đức tin cho chúng con, bởi vì không có Ngài thì chúng con không thể làm gì được. (Ga 15:5) Lạy Cha toàn năng, xin biến đổi đức tin yếu kém của chúng con thành đức tin mạnh mẽ nhờ Con Yêu Dấu của Ngài – Đức Giêsu Kitô, để chúng con vẫn mãi thuộc về Ngài dù SỐNG hay CHẾT. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Có lẽ vì “người Do Thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu” nên ngày xưa, Chúa Nhật V Mùa Chay được các Kitô hữu “thân thương” gọi là “lễ ném đá.” Thời đó, các ảnh tượng trong nhà thờ đều được “che kín” bằng vải tím.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment