Trình thuật Lc 22:54-62 (≈ Mt 26:57, 69-75;
Mc 14:53-54, 66-72; Ga 18:12-18, 25-27) cho biết: Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người
đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và
đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên
ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”
Một lát sau, có người khác thấy ông, liền
nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn
chúng!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này
anh, không phải đâu!” Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì
bác ta cũng là người Galilê.” Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói,
thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối
Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Có lẽ ba lần ông Simôn Phêrô chối Thầy là lúc
đáng tiếc nhất trong đời ông. Biết rõ Thầy mình là Đức Giêsu Kitô, là sư phụ, là
bạn hữu, và Chúa, thế mà ông vẫn chối phăng. Thật khiêm nhường khi Phêrô chia
sẻ chuyện buồn đó với Giáo Hội sơ khai, và thật tuyệt vời vì Chúa Thánh Thần linh
hứng để câu chuyện đó được ghi chép lại trong các Phúc Âm. Ông Simôn Phêrô cho
chúng ta biết rằng người sa ngã có thể đứng dậy, người lang thang có thể trở về,
các tội nhân đều có thể được tha thứ, dù cho người đó phạm tội nặng thế nào
cũng có thể trở nên các vị đại thánh.
Chúa Giêsu phục hồi chức vụ cho Phêrô sau khi
Ngài sống lại, lúc đó có đống lửa ở bờ biển Galilê. Như phản ánh ba lần Phêrô
chối Thầy, Chúa Giêsu cũng hỏi ông ba lần: “Này
anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Simôn Phêrô thưa: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu bảo ông chăm sóc chiên con và chiên mẹ. Bí tích Hòa Giải (xưng tội) là
cách gặp gỡ Chúa Giêsu khi chúng ta tuyên xưng tình yêu của mình dành cho Thiên
Chúa và lãnh nhận ơn tha thứ qua thừa tác viên linh mục.
Mặc dù tội của Simôn Phêrô đã được tha nhưng
vẫn không phải là không mất mát và các cơ hội bị lãng phí. Trong khi Chúa Giêsu
chịu khổ nạn, người ta thấy Ngài kiệt sức nên bắt ông Simôn người Kyrênê vác đỡ
thập giá. Nếu Simôn Phêrô không phạm tội chối Thầy đêm trước thì có lẽ ông có
mặt lúc đó để giúp đỡ Thầy mình bằng cách vác thập giá mà đi với Thầy. Thế
thì tuyệt vời biết bao! Nhưng cơ hội lại dành cho ông Simôn khác.
Tạ ơn Chúa, Thánh Phêrô đã sám hối. Ông không
thất vọng như Giuđa Iscariot. Khi Giuđa thấy Chúa Giêsu bị kết án tử và bị dẫn
đi hành hình, ông cũng rất hối hận về việc làm sai trái của mình. Có người cho
rằng lý do Giuđa bán Thầy vì muốn đối chất với các nhà lãnh đạo Israel về việc
bắt Chúa Giêsu phải dùng quyền năng của Ngài và lên ngôi. Giuđa đã trả lại 30
đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục rồi thú nhận: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt
27:4a) Nhưng họ thản nhiên trả lời: “Can
gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” (Mt 27:4b) Chính tay Giuđa đã ném trả số
bạc đó vô Đền Thờ rồi đi thắt cổ.
Nếu như chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Giuđa chạy
ngay lên Canvê thì sao? Nếu ông sụp lạy dưới chân thập giá đang treo Đức Kitô
và xin Ngài tha thứ thì sao? Chúa Giêsu đã nói gì và làm gì? Có lẽ ai cũng biết
câu trả lời, hoặc là cũng đoán được kết quả. Chắc hẳn là Chúa Giêsu đã tha thứ
cho Giuđa.
Hãy đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hòa Giải,
không bao giờ muộn, tội gì cũng có thể được tha thứ. Chúng ta biết rằng mọi tội
lỗi hoặc trì hoãn thú tội đều kéo theo hệ lụy mất mát, và cơ hội bị bỏ lỡ.
LM VICTOR
FELTES
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ parishableitems.wordpress.com)
Khởi
đầu Tuần Thánh – 2019
ĐẶC ĐIỂM GIUĐA
Giuđa Iscariot là một trong mười hai môn đệ
của Chúa Giêsu, nhưng Giuđa “nổi tiếng” vì là kẻ phản bội, bán Thầy để lấy ba
mươi đồng bạc (silver coins). Ngoài chuyện phản bội, ít người biết đến con
người này.
Đây là 9 điều ít được biết về Giuđa Iscariot:
1. Ý NGHĨA TÊN GỌI – Giuđa là tên phổ biến
đối với người Do Thái. Tiếng Hy Lạp là Judas, tiếng Do Thái là Judah, và có
nghĩa là Ca Ngợi, Chúc Tụng, hoặc Tán Dương.
2. QUÊ HƯƠNG – Giuđa Iscariot đến từ Kerioth,
một thành phố cách Hebron 15 dặm về phía Nam, Israel. Tiếng Do Thái là
Ishkeriyyoth, ý nói Iscariot là “người làng Keriyyoth.”
3. ĐƯỢC CHÚA GIÊSU GIÁO DỤC – Giuđa Iscariot không
chỉ cùng đi đây đó với Chúa Giêsu, mà còn được Ngài giáo huấn trong ba năm trời.
4. ĐƯỢC CHÚA GIÊSU TIN TƯỞNG – Giuđa Iscariot
là tông đồ của Chúa Giêsu. Ngài rất tin tưởng Giuđa nên được làm thủ quỹ của
Nhóm Mười Hai.
5. CON NGƯỜI NĂNG ĐỘNG – Giuđa Iscariot không
chỉ là tông đồ được tuyển chọn, mà còn là người rao giảng Tin Mừng, người chữa bệnh tật và trừ quỷ.
6. CON TRAI CỦA SIMON ISCARIOT – Mặc dù có
nhiều tên Simon được đề cập trong Kinh Thánh và không được xác định, nhưng các
Phúc Âm đều cho biết rằng Giuđa là con trai của Simon Iscariot.
7. TRỘM TÚI TIỀN CỦA NHÓM MƯỜI HAI – Ga 12:6
cho biết rằng Giuđa Iscariot “không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là
một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào
quỹ chung.”
8. KHÔNG XIN CHÚA THA THỨ – Giuđa Iscariot cố
gắng hủy bỏ điều nguy hại đã lỡ làm sau khi phản bội và đã trả lại tiền những
người mua chuộc, nhưng Giuđa lại không xin Chúa tha thứ. Ông nghĩ rằng quá muộn
rồi, thế nên ông thất vọng và tự tử.
9. ĐỘNG LỰC PHẢN BỘI – Một số học giả tin
rằng tham lam không là động lực khiến Giuđa phản bội Chúa Giêsu. Xét chung, động
lực phản bội của Giuđa có vẻ là tham lam, nhưng một số học giả nghĩ rằng tham
vọng chính trị là động lực khiến ông phản bội.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ
Beliefnet.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment