Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Phép Rửa), mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa trao ban ba thiên chức: Vương Giả (Vương Đế), Tư Tế và Tiên Tri (Ngôn Sứ) – nói theo cách nói ngày nay, đó là “thiên chức ba trong một.”
1. Thiên Chức VƯƠNG GIẢ
Chúng ta vẫn nghe nói về thiên chức này, nhưng có thể có những người vẫn mơ hồ, chưa thực sự hiểu. Đại để có thể chúng ta hiểu rằng thiên chức Vương Giả là có quyền cai trị, chỉ dành rêng cho giáo sĩ, những người có nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên. Giáo dân chỉ là “tép riu,” có mơ cũng chẳng được thiên chức cao quý này.
Giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã công bố: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.” (1 Pr 2:9-10)
Rõ ràng là mỗi chúng ta là Hoàng tử hoặc Công chúa của Chúa Giêsu, Chúa tể càn khôn, Vua trời đất. Có thật vậy hay chỉ là mạo nhận hoặc ảo tưởng? Không, cứ an tâm. Chính Thánh Gioan, người-môn-đệ-được-Chúa-yêu, đã xác nhận: “Thiên Chúa yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3:1) Chúng ta đúng là con của Ngọc Hoàng, thực sự thuộc dòng dõi quý tộc hoặc hoàng gia.
Khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong Tình Phụ Tử, người ta có thể càng ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn về thiên chức này, như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2:20)
Chúa Giêsu nói: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” (Ga 14:10) Như vậy, thiên chức Vương giả được thể hiện rõ nét khi chúng ta sống bằng tâm tình yêu mến như Chúa Giêsu, Người Con Yêu Dấu của Chúa Cha. Chúng ta phải để cho Ngài hành động, làm chủ và điều khiển cuộc đời mình. Đó chính là Thiên chức Vương giả đúng thánh hiệu nơi mỗi chúng ta.
2. Thiên Chức TƯ TẾ
Khi nói tới chức Tư Tế, người ta thường nghĩ tới Thiên chức Linh mục, chứ không dám nghĩ mình là Tư tế. Cầu nguyện, đọc kinh, dự Thánh lễ, đó là bổn phận làm việc đạo đức của mỗi Kitô hữu, không thể không làm. Có “ngon” hơn thì làm công tác từ thiện, làm việc tông đồ, cố gắng hy sinh đôi chút,... Còn Tư tế là trách nhiệm của giám mục, linh mục và phó tế.
Nhưng không phải vậy. Khi hiện ra với thị nhân Catalina Rivas (Bolivia), Đức Mẹ nói: “Hãy chú ý. Có thiên thần bản mệnh của mỗi người cùng hiện diện. Đây là lúc các thiên thần bản mệnh chuyển các lễ vật và lời cầu của con lên trước bàn thờ Thiên Chúa.” Khi một số thiên thần cầm cái gì đó như chén vàng, bên trong có gì đó rất sáng chói như ánh sáng trắng vàng. Đức Mẹ nói thêm: “Hãy chú ý! Đó là các thiên thần bản mệnh dâng Thánh Lễ này với những ý nguyện; những người đó biết tầm quan trọng của việc cử hành này, họ đã kính dâng Thiên Chúa điều gì đó… Hãy dâng lễ vật của con vào lúc này… Hãy dâng mọi lo âu, đau khổ, mơ ước, niềm vui, nỗi buồn,… và lời cầu của con. Hãy nhớ rằng Thánh Lễ có giá trị vĩnh cửu. Do đó, con hãy đại lượng khi dâng lễ và cầu xin.”
Trước bàn thờ bắt đầu có những bóng như bóng người, màu xám, và họ giơ tay lên. Đức Mẹ nói: “Đó là các linh hồn nơi luyện hình chờ đợi lời cầu nguyện của con để được mát mẻ. Đừng ngừng cầu nguyện cho họ. Họ có thể cầu nguyện cho con nhưng họ không thể cầu nguyện cho chính họ…”
Khi linh mục dâng Mình Máu Thánh, Đức Mẹ căn dặn: “Đừng cúi đầu, mà hãy ngước lên nhìn ngắm Chúa Ngôi Hai. Hãy lặp lại lời cầu tại Fatima: Lạy Chúa, con tin kính, tôn thờ, tín thác và yêu mến Chúa. Hãy nói với Ngài rằng con rất yêu mến Ngài và tôn kính Vua các vua.”
Rõ ràng mỗi Kitô hữu đều là Tư tế. Do đó, việc cầu nguyện, đọc kinh, dâng lễ và hy sinh, việc tông đồ, từ thiện,... không chỉ là bổn phận và trách nhiệm, mà còn là cách biểu lộ tình yêu mến của của chúng ta dành cho Thiên Chúa, Cha chúng ta. Ngay cả những việc riêng như ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, vệ sinh, học tập, giải trí,... thậm chí là “chuyện vợ chồngm” cũng kết hiệp với Chúa và dâng cho Chúa: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:20)
Quả thật, hằng ngày chúng ta vẫn thực hiện Thiên chức Tư tế khi dâng chính mình qua những công việc bình thường để làm lễ vật dâng Chúa. Đó là của lễ yêu mến của mỗi chúng ta cùng liên kết với Lễ Tế Thánh là chính Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu có phong cách Tư tế thế này: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10:6-7) Quả thật, “vâng lời trọng hơn của lễ.” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9)
Vì “nhiễm” các động thái của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12:1) Hành động liên lỉ chứ không chỉ một lúc nào đó, hành động thực sự chứ không nói suông, và hoàn toàn hành động vì Danh Đức Kitô chứ không vì bất kỳ thứ gì hoặc bất kỳ ai.
3. Thiên Chức TIÊN TRI
Tiên Tri là Ngôn Sứ, là biết trước, biết chắc chứ chứ không tiên đoán hoặc dự trù. Thiên chức Tiên tri là dấn thân, là ra đi, là ra khơi, là thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lệnh Chúa Giêsu truyền: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo,” (Mc 16:15) Thiên chức này phải được thực hiện mọi nơi và mọi lúc: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.” (2 Tm 4:2) Khi thực hiện thiên chức Tiên tri cũng là lúc thực hiện mệnh lệnh khác của Chúa Giêsu: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời.” (Mt 5:48) Biết gì thì phải trao hết cho người khác theo khả năng hiểu biết của mình, cứu độ người khác là cứu độ là cứu độ chính mình. Muốn vào Nước Trời một mình là ích kỷ!
Tư tế Menkixêđê được coi là người bảo trợ của Tổ phụ Ápraham, vị tiền nhiệm của Vua Đavít, và giống hình ảnh của Đức Giêsu Kitô. Ông Menkixêđê vừa là vua vừa là tư tế của Salem (Tv 76 đồng hóa với Giêrusalem). Ông Menkixêđê thiết đãi Tổ phụ Ápraham một bữa ăn gồm bánh và rượu như một nghi thức giao ước, (x. St 31:44-46; Gs 9:12-15) rồi ông chúc lành cho Tổ phụ Ápraham, sau đó Tổ phụ Ápraham dâng cống vật cho ông. Các việc đó được thực hiện trước mặt Thiên Chúa tối cao, Thiên Chúa duy nhất của Tổ phụ Ápraham.
Ông Menkixêđê được gọi là “tư tế muôn đời,” (Tv 110) có vẻ quá đáng, nhưng thích hợp để chỉ Đấng Được Xức Dầu cuối cùng là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Chính Ngài liên kết chức tư tế và vương quyền nơi mình. Các tiên tri cũng loan báo điều tương tự, (Gr 33:14-22; Dcr 3:6) và dòng tộc Macabê ủy thác vương quyền cho thượng tế. (1 Mcb 10:20-65; 1 Mcb 14:41-47) Có mối liên kết chặt chẽ giữa chức tư tế và vương quyền nơi Đức Giêsu Kitô.
b. Thứ nhì, linh mục là những người được thánh hiến, những người lãnh nhận Thiên chức Tư tế Thừa tác, nghĩa là được gọi huấn luyện để chăn dắt dân tư tế và dâng Hy lễ Thánh Thể cho Thiên Chúa Cha, như chính Chúa Kitô dâng lên. Trong Thánh Lễ Truyền Dầu long trọng nhắc đến chức Tư Tế duy nhất của Đức Giêsu Kitô, nói lên ơn gọi tư tế của Giáo hội – nhất là của các giám mục và các linh mục hiệp nhất với giám mục. Chúa Kitô không chỉ thông ban chức tư tế vương giả cho toàn dân đã được cứu rỗi, Ngài còn ưu tuyển một số người và cho họ tham dự vào tác vụ cứu rỗi của Ngài qua việc “đặt tay.”
c. Thứ ba, Công Ðồng Vaticanô II đề cập mối liên hệ chung: “Tất cả những ai đã được Rửa Tội được thánh hiến để kết thành nơi cư ngụ thiêng liêng và một chức tư tế thánh, để dâng lên, qua tất cả những công việc của người kitô, những lễ vật thiêng liêng.” (Lumen Gentium, số 10) Mỗi Kitô hữu đều là tư tế, nhưng là Thiên chức Tư tế Cộng đồng, thúc giục các tín hữu (những ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy) dâng hiến cho Thiên Chúa qua việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác, sống chứng nhân giữa lòng đời bằng cách sống thánh thiện, cầu nguyện, tham dự phụng vụ, đọc kinh, từ bỏ chính mình, và thể hiện đức bác ái qua từng lời nói, cử chỉ, động thái, ánh mắt, câu chữ, bài viết, bài thơ, bài hát,...
Giáo lý Công giáo (số 871) cho biết: “Các tín hữu Chúa Kitô là những người thâm nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép rửa tội và làm thành dân Thiên Chúa, vì lẽ đó họ tham dự theo cách của mình vào chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ (Tiên Tri) và Vương Giả của Chúa Kitô và được kêu gọi để thực thi, mỗi người theo bậc riêng của mình, sứ mạng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Giáo hội phải chu toàn trên thế giới.” Trong Tông huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân” Thánh GH Gioan Phaolô II đã xác định và nhấn mạnh đến sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mọi Kitô hữu, đồng thời gọi giáo dân là “những viên đá sống động xây dựng nước Chúa” trong các lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật,...
Mỗi Kitô hữu đều phải sống tốt cả ba chức năng Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả như Chúa Giêsu truyền: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất, vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:18)
Đây là lĩnh vực thần học, như Công đồng Vatican II đã đề cập trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 10). Đại ý: Thiên chức Tư tế (linh mục là tư tế thừa tác, Kitô hữu là tư tế cộng đồng) là để hiến dâng của lễ cứu độ loài người; Tiên tri (hoặc Ngôn sứ) là để loan báo Tin Mừng Nước Trời; Thiên chức Vương giả (hoặc Vương đế) là để phục vụ dân riêng của Thiên Chúa.
Với mỗi Kitô hữu (dù là giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân, thành viên Đạo Binh Đức Mẹ, Lòng Chúa Thương Xót, Phạt Tạ Thánh Tâm, Con Đức Mẹ, Dòng Ba Đa Minh, Cursillo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội đồng Giáo xứ,...), đều được Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em em như những viên đá sống động mà xây lên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa dắt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:5)
Thật vậy, Công đồng Vaticanô II đã nói rõ nguồn gốc chức tư tế của bắt nguồn từ Bí tích Thánh tẩy và việc xức dầu: “Thật vậy, những người đã lãnh nhận phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần được thánh hiến để trở thành chổ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng hy tế thiêng liêng vào rao truyền những kỳ công của Thiên Chúa…” (Hiến chế về Giáo hội, số 10)
Theo đó, các Kitô hữu nói chung, đều thi hành sứ vụ tư tế qua các hình thức: “Dâng thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện, đời sống chứng nhân thánh thiện.” Công đồng Vatican II dạy rõ về Thánh lễ: “Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch tột đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa lễ vật thần linh và họ tự dâng chính mình cùng với lễ vật ấy.” (Hiến chế về Giáo hội, số 11)
Lạy Chúa, xin cho mọi người nên MỘT trong Thiên Chúa Ba Ngôi. (Ga 17:21)
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM số 483, tháng 03-2018, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Ơn Gọi Yêu
Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/on-goi-yeu-thuong.html
✽ Ơn Gọi Độc Thân – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/co-on-goi-song-oc-than.html
✽ Nhận Thức Ơn Gọi – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/04/nhan-thuc-on-thien-trieu.html
✽ Ơn Gọi Độc Thân – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/co-on-goi-song-oc-than.html
✽ Nhận Thức Ơn Gọi – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/04/nhan-thuc-on-thien-trieu.html
✽ Bí Tích & Kinh Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/bi-tich-va-kinh-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment