“Bóng tối
chỉ có thể phá tan bằng ánh sáng, hận thù chỉ có thể khuất phục bằng tình yêu.” (Thánh Gioan Phaolô II)
Tên cúng cơm của ngài là Karol Józef Wojtyła (tên thánh là
Giuse). Ngài sinh ngày 18-5-1920, mất ngày 2-4-2005. Chứng nhân thứ nhất của Lòng Thương Xót Chúa là Thánh nữ Faustina
(1905-1938), Thánh Gioan Phaolô II là nhân chứng thứ nhì, với Thông điệp “Thiên
Chúa Giàu Lòng Thương Xót” (Dives in Misericordia, 30-11-1980). Ngài cai quản
Giáo hội Công giáo La Mã trên cương vị Giáo hoàng gần 27 năm (1978-2005). Ngài
được mệnh danh là Sứ Giả Hòa Bình.
Ngài thụ phong linh mục ngày 1-11-1946, lúc
26 tuổi, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha giáo phận Kraków chủ phong.
Sau đó, ngài dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Kraków. Rồi ngài được đi Rôma
học tiến sĩ ở Viện Giáo hoàng Thánh Thomas
Aquinas (Pontifical
Athenaeum of St. Thomas Aquinas), thường gọi
là “Angelicum.” Ở đó ngài học thêm về thần học và chính trị. Ngài nghiên cứu các bài
viết của ĐGH Grêgôriô II, các giáo huấn của Thánh Gioan Thánh Giá, hiện tượng học
(phenomenology) của Max Scheler. Ngài còn
nghiên cứu cả Yves Congar, một nhà
lý luận quan trọng về đại kết (ecumenism).
Ngài học 2 năm tại Đại học Bỉ ở Rôma. Đại học
này chỉ có 22 sinh viên là linh mục và chủng sinh, trong đó có 5 người Mỹ.
Trong môi trường đa ngữ này, LM Wojtyła trau dồi thêm tiếng Pháp và tiếng Đức,
đồng thời bắt đầu học tiếng Ý và tiếng Anh. Trong luận án tiến sĩ “Doctrina de
fide apud S. Ioannem a Cruce” (Học thuyết Đức tin theo Thánh Gioan Thánh Giá),
ngài nhấn mạnh bản chất gặp gỡ riêng với Thiên Chúa.
Mặc dù luận án tiến sĩ của ngài được chấp thuận hồi tháng 6-1948, ngài vẫn
không được nhận bằng tốt nghiệp vì ngài không có văn bản luận án (đó là luật
của Angelicum). Ngày 16-12-1948, ban giảng huấn thần học tại ĐH Jagiellonian ở Kraków xem xét lại luận án của ngài, và Lm Wojtyła được cấp bằng.
Trở về Ba Lan vào mùa hè năm 1948, ngài được
bổ nhiệm mục vụ tại giáo xứ Niegowić, cách Kraków 15 dặm. Đến Niegowić vào
mùa thu hoạch, việc đầu tiên của ngài là quỳ xuống và hôn đất – một “thói quen
tốt” mà ngài vẫn làm khi làm giáo hoàng. Động thái này trở thành “thương hiệu”
của ngài, nhưng không phải của chính ngài, vì ngài nói rằng ngài bắt chước vị
thánh người Pháp của thế kỷ 19 là Lm Gioan Maria Vianney, cha sở
xứ Ars (Curé d'Ars).
TGM Eugeniusz Baziak qua đời tháng 6-1962, và
ngày 16-7-1962, GM Karol Wojtyła được bổ nhiệm làm giám quản (Vicar Capitular)
của tổng giáo phận cho đến khi bổ nhiệm TGM. Ngày 5-10-1962, ĐGM Karol Wojtyła
đi Rôma tham dự Công đồng Vatican II. Là một giám mục trẻ và có chức vụ tương
đối thấp trong hàng giáo phẩm, ĐGM Wojtyła ngồi ở cạnh cửa Đền thờ Thánh Phêrô.
Trước khi tới Công đồng, ĐGM Wojtyła đã gởi một tiểu luận cho các ủy viên để
chuẩn bị Công đồng, ngài đề nghị rằng thế giới muốn biết giáo hội phải nói gì
về con người và tình trạng con người.
Ngài góp 2 tài liệu ảnh hưởng nhất và mang
tính lịch sử nhất của Công đồng là “Decree on Religious Freedom” (Sắc lệnh về
Tự do Tôn giáo – bản Latin là Dignitatis Humanae) và “Pastoral
Constitution on the Church in the Modern World” (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội
trong Thế giới Hiện đại – bản Latin là Gaudium et Spes).
Ngày 30-12-1963, ĐGH Phaolô VI bổ
nhiệm ngài làm TGM của TGP Kraków. Năm 1960, TGM Wojtyła xuất bản cuốn “Tình
yêu và Trách nhiệm” (Love and Responsibility), đó là lời biện hộ các giáo huấn
truyền thống của giáo hội về giới tính và hôn nhân quan điểm thần học mới. Năm
1967, ngài có công trong việc công thức hóa Tông thư “Humanae Vitae”
(Sự sống Con người) – tông thư này giải quyết các vấn đề tương tự, cấm phá thai
và kế hoạch hóa gia đình vì nhân tạo. Năm 1967, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm TGM Wojtyła
làm hồng y.
Tháng 8-1978, sau khi ĐGH Phaolô VI qua đời,
ĐHY Wojtyła được vào Mật viện Giáo hoàng (Papal Conclave). Khi đó, các hồng y
bầu chọn ĐHY Albino Luciani, TGM Venice, với tông hiệu Gioan Phaolô I. Ngày
16-10-1978, ĐHY Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng, trở thành đấng kế vị
Gioan Phaolô I, với tông hiệu Gioan Phaolô II, huy hiệu giáo hoàng của ĐGH
Gioan Phaolô II có chữ M, đó là viết tắt chữ Maria. Điều đó cho thấy Đức Mẹ rất
quan trọng trong đời sống tâm linh của ngài..
Ngày 13-5-1981, ĐGH Gioan Phaolô II vào Quảng
trường Thánh Phêrô, ngài bị Mehmet Ali Ağca bắn bị thương nặng, hắn là tay súng
chuyên nghiệp thuộc nhóm Sói Xám (Grey Wolves). Hắn dùng súng lục 9 ly bán tự
động bắn ngài vào bụng, xuyên qua đại tràng và ruột non vài phát. Ngài được đưa
ngay vào bệnh viện Gemelli. Ngài bất tỉnh trên đường đến bệnh viện. Dù không bị
đứt động mạch nhưng ngài bị mất 3/4 lượng máu trong cơ thể. Cuộc phẫu thuật kéo
dài 5 giờ. Khi tỉnh lại, trước khi phẫu thuật tiếp, ngài nói các bác sĩ đừng gỡ
bỏ Dây Quàng Vai (Brown Scapular, dây các phép) khi phẫu thuật. Ngài nói rằng Đức
Mẹ Fatima đã cứu ngài. Sau đó, chính ngài đã tới nhà tù trực tiếp tha thứ cho
Ağca.
Thứ Bảy, 2-4-2005 (khoảng 15:30 CEST), ngài
nói bằng tiếng Ba Lan: “Pozwólcie mi
odejść do domu Ojca.” – nghĩa là “Hãy để tôi về Nhà Cha.” Theo Lm Jarek
Cielecki, lời cuối của ngài trước khi qua đời là tiếng “Amen” rồi ngài nhắm
mắt lại. Tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày an táng ĐGH Gioan Phaolô II, người
ta đã hô vang: “Santo subito!” –
nghĩa là “Hãy phong thánh ngay!” Và ước mong đó của mọi người đã thành hiện
thực. Ngài được ĐGH Phanxicô tuyên thánh cùng với ĐGH Gioan XXIII ngày
27-4-2014, Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót.
TRẦM THIÊN THU
▶ Sứ Giả Hòa Bình – https://youtu.be/WAHfCfCrdV8
▶ Gioan Phaolô II – https://youtu.be/mIMIccMaMTc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment