Chúa Giêsu đã hứa qua Thánh nữ Faustina: “Từ Balan sẽ trổi lên một tia sáng để chuẩn
bị cho lần trở lại thế giới thứ hai của Ta.” Tia sáng đó chính là ĐGH Gioan
Phaolô II, người thiết lập Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thế giới,
mừng kính vào Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh. Ngài đã được phong chân phước vào
chính ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, 01-05-2011, và nay được Giáo hội tuyên
hiển thánh, ngày 27-4-2014, cũng là Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót.
Dưới đây là Di Chúc Tâm Linh của Thánh GH Gioan Phaolô
II, Tòa Thánh Vatican ấn hành ngày 7-4-2005.
DI CHÚC
Ngày 6-3-1979 (và những lần thêm kế tiếp)
Con tùy thuộc tất cả về Mẹ – Totus Tuus ego sum, nhân
danh Chúa Ba Ngôi cực thánh. Amen.
“Hãy tỉnh
thức, vì các con không biết ngày nào Chủ các con đến.” (x. Mt 24:42) Những lời này gợi trong tôi lời gọi cuối cùng sẽ
đến vào lúc mà Chúa sẽ muốn. Tôi ao ước theo Ngài và tôi ao ước tất cả những gì
thuộc về đời sống trần gian của tôi đều chuẩn bị tôi cho lúc này. Tôi không
biết khi nào Ngài đến, nhưng như với mọi sự, tôi cũng đặt cả giây phút này trong
tay Người Mẹ của Chúa tôi: Tất cả dâng cho Mẹ (Totus Tuus). Trong đôi tay mẫu
tử, tôi đặt hết mọi sự và tất cả những người mà đời sống cũng như ơn gọi của
tôi đã có mối dây liên lạc. Trong Đôi Tay này, tôi xin trao cách đặc biệt Giáo
Hội cũng như Quê Hương tôi và tất cả nhân loại. Tôi cảm tạ tất cả. Tôi xin tất cả thứ
lỗi cho tôi. Tôi cũng
xin một lời nguyện để Lòng Nhân Từ của Chúa tỏ hiện lớn hơn sự yếu đuối và sự bất xứng của tôi.
Trong những dịp linh thao, tôi đã đọc lại lời di
chúc của ĐGH Phaolô VI. Bài đọc đó thúc đẩy tôi viết bản di chúc này.
Tôi không để lại sau
tôi một của cải gì mà cần thiết phải giữ cả. Về những đồ vật mà tôi dùng thường ngày và hữu ích
cho tôi, tôi mong sao chúng được phân phối một cách thuận tiện nhất. Những điều
ghi chép bằng tay, xin được đốt đi. Về điểm này, tôi yêu cầu Lm Stanislao lo
liệu, người mà tôi cảm ơn về sự cộng tác và giúp đỡ trong suốt bao năm trường
với đầy sự cảm thông. Ngược lại, tất cả những lời cảm tạ khác, tôi xin giữ
trong tim tôi trước Thiên Chúa, bởi vì rất khó để diễn tả những lời đó.
Về phần mai táng, tôi lập lại những điều khoản mà ĐGH
Phaolô VI đã đặt ra. (Ở đây có một lời ghi chú bên lề: “Quan tài trong đất
chứ không trong hòm đá,” 13-3-1992.)
“Vì ở nơi
Chúa là lòng nhân từ, và nơi Người là ơn cứu độ chan hòa” (kinh “Từ Vực Sâu”) – De Profundis: “Qui apud
Dominum misericordia: et copiosa apud Eum redemptio.”
Ký tên: GIOAN-PHAOLÔ II
o0o
Sau khi tôi chết, tôi xin những thánh lễ và lời cầu
nguyện.
Ngày 5-3-1990
Tôi diễn tả với lòng trông cậy sâu xa nhất, mặc dù
với tất cả sự yếu đuối của tôi, rằng Chúa sẽ cho tôi tất cả ân sủng cần thiết
để đối phó, theo Thánh Ý Ngài, bất cứ công việc nào, thử thách nào và khổ đau
nào mà Ngài muốn cho đầy tớ của Ngài chịu trong cuộc sống. Tôi cũng tin tưởng
rằng, qua thái độ của tôi: những lời nói, những công việc và những sơ sót, Ngài
sẽ không bao giờ để tôi có thể phản bội những bổn phận của tôi trên Ngai Thánh giáo
hoàng này.
Ngày 24-2 tới 1-3-1980
Cũng trong dịp linh thao này, tôi đã suy ngẫm về
chân lý của Chức Vụ Linh Mục của Đức Kitô trong viễn tượng của chuyến hành
trình, đối với mỗi người trong chúng ta, là chính lúc mình chết. Đối với chúng
ta, Sự Phục Sinh của Đức Kitô là một dấu chỉ hùng hồn (được viết thêm phía trên:
“quan trọng”) của lúc từ giã cõi đời này, để được sinh ra trong thế giới bên
kia, thế giới tương lai.
Như thế tôi cũng đã đọc lại bản di chúc của tôi viết
hồi năm ngoái, cũng vào dịp cấm phòng – tôi đã so sánh bản ấy với bản di chúc
của vị vĩ đại đi trước tôi là Cha Phaolô VI, với chứng tá tuyệt vời về sự chết
của một Kitô hữu và một Giáo hoàng – và tôi đã canh tân trong tôi ý thức về
những câu hỏi mà bản di chúc ngày 6-3-1979 đã đề cập mà tôi đã chuẩn bị (đúng
hơn là chỉ tạm thời).
Hôm nay, tôi chỉ mong thêm vào bản di chúc đó điều
này: Chớ gì mỗi người phải giữ trong tâm trí viễn tượng của sự chết và phải
biết sẵn sàng trình diện trước Thiên Chúa là Đấng Thẩm Phán – đồng thời là Đấng
Cứu Độ và Người Cha. Tôi cũng thế, tôi ý thức sự nối tiếp này, giao phó giờ
quan trọng này cho Mẹ của Đức Kitô và của Giáo Hội – Người Mẹ của niềm hy vọng nơi
tôi.
Thời gian mà chúng ta đang sống rất khó diễn tả,
thật là khó khăn và đáng quan ngại. Con đường của Giáo Hội cũng thật khó khăn
và khô cằn, bằng chứng tiêu biểu của thời đại này, vừa đối với các tín hữu cũng
như các chủ chăn. Trong vài quốc gia (chẳng hạn quốc gia mà tôi đã đọc một vài
điều liên quan đến trong những dịp cấm phòng), Giáo Hội lâm vào một giai đoạn
của bách hại đến độ cũng chẳng kém gì những thế kỷ đầu, và còn hơn thế nữa, nó
còn vượt quá bởi mức độ của sự khinh bỉ và oán ghét. “Máu các Thánh Tử Đạo – mầm
giống của các Tín Hữu” (Sanguis martyrum – semen christianorum). Và thêm vào
điều đó biết bao người vô tội mất tích, kể cả trong quốc gia mà chúng ta đang
sống…
Tôi ao ước một lần nữa trao phó trọn vẹn bản thân
tôi vào ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ mình Ngài sẽ quyết định khi nào và như thế
nào về đời sống trần gian và chức phận mục vụ của tôi phải kết thúc. Trong cuộc
sống và trong sự chết, “Tất cả dâng cho Mẹ” (Totus Tuus), qua Đức Vô Nhiễm
Nguyên Tội. Bằng cách chấp nhận ngay từ bây giờ sự chết này, tôi hy vọng rằng
Đức Kitô sẽ ban ơn cho tôi cho đoạn đường cuối cùng, nghĩa là sự phục sinh của
tôi. Tôi cũng hy vọng là Ngài sẽ biến sự chết này thành hữu ích cho cả mục tiêu
quan trọng hơn mà tôi hằng kiếm cách phục vụ: Sự cứu rỗi con người, sự bảo trì
gia đình nhân loại, và qua nhân loại, tất cả các quốc gia và các dân tộc (trong
các quốc gia này, tôi cũng đặc biệt xin cho Quê Hương trần gian của tôi), hữu
ích cho những người mà Ngài đã giao phó cho tôi một cách đặc biệt, cho vấn đề
của Giáo Hội, cho sự vinh danh của chính Chúa nữa.
Tôi không muốn thêm gì nữa vào điều đã được viết
cách đây một năm, chỉ nhắc lại sự bộc phát tự nhiên và cùng lúc với sự tin
tưởng mà tuần linh thao này đã lại khơi dậy trong tôi lần nữa.
Ký tên: GIOAN-PHAOLÔ II
o0o
“Totus Tuus ego sum”
Ngày 5-3-1982
Qua dịp linh thao của năm nay, tôi đã nhiều lần đọc bản
di chúc ngày 6-3-1979. Mặc dù tôi cho rằng bản đó còn tạm thời, tôi để lại nó
dưới hình thức như thế. Tôi không thay đổi gì cả (trong lúc này), và tôi cũng
chẳng thêm gì liên quan các dự định được viết trong bản di chúc.
Vụ ám sát tôi vào ngày 13-5-1981, một hình thức nào
đó, đã xác định sự chính xác của những lời đã được ghi chép trong dịp linh thao
của năm 1980 (từ 24-2 đến 1-3).
Tôi lại càng cảm thấy sâu xa hơn khi tôi thấy mình
hoàn toàn ở trong bàn tay của Thiên Chúa – và tôi luôn sẵn sàng theo Ý Chúa, từ
bỏ mình cho Ngài qua Mẹ Vô Nhiễm của Ngài.
Ký tên: GIOAN-PHAOLÔ II
o0o
Ngày 5-3-1982
Liên quan câu cuối cùng của bản di chúc của tôi viết
ngày 6-3-1979 (về điều liên quan nơi chốn, nghĩa là nơi chôn cất, xin Hội Đồng
Hồng Y và các đồng bào của tôi quyết định), tôi muốn nói là Đức TGM thành Cracovie
hay Hội Đồng Giám Mục Ba Lan. Như thế, tôi xin Hội Đồng Hồng Y thỏa mãn, nếu có
thể, những yêu cầu của những người đã được kể trên.
Ngày 1-3-1985 (trong dịp cấm phòng)
Một lần nữa, về điều liên quan câu “Hồng Y Đoàn và
các đồng hương”: “Hồng Y Đoàn” không có sự bắt buộc nào phải kêu gọi các “người
đồng hương” về điều liên quan vấn đề này. Tuy nhiên, Hồng Y Đoàn có thể làm
điều đó, nếu vì một lý do nào đó Hồng Y Đoàn cảm thấy điều đó phải làm.
Ký tên: GIOAN-PHAOLÔ II
o0o
Dịp linh
thao của Năm Thánh năm 2000, từ 12 đến 18-3-2000 (cho bản di chúc)
1. Ngày 16-10-1978, khi Hội Đồng Mật các Hồng Y chọn
Gioan-Phaolô II, Vị Giáo Trưởng Giáo Hội Ba Lan, ĐHY Stefan Wyszynski nói với
tôi: “Bổn phận của Đức Tân Giáo Hoàng sẽ
là phải đưa Giáo Hội vào đệ tam thiên niên kỷ.” Tôi không nhớ chính xác
những lời nói của ngài, nhưng đại ý là lời của Nhân Vật đã đi vào lịch sử như
Vị Giáo Trưởng của thiên niên kỷ, một vị Giáo Trưởng vĩ đại. Tôi đã là nhân
chứng về sứ vụ của ngài, về sự phó thác hoàn toàn của ngài, về những cuộc phấn
đấu của ngài, về sự chiến thắng của ngài. “Khi nó đến, sự chiến thắng đó sẽ là
sự chiến thắng qua Mẹ Maria.” Đức Hồng Y lập lại thường xuyên những lời này của
vị đi trước ngài, ĐHY August Hlond.
Tôi như thế là được rồi, theo hình thức nào đó, chuẩn
bị cho phận vụ mà ngày 16-10-1978 đã được trao phó cho tôi. Vào lúc mà tôi viết
những lời này, Năm Thánh 2000 đã là một thực tế tác động. Đêm 24-12-1999, chúng
tôi đã mở Cánh Cửa biểu tượng của Năm Thánh trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô,
sau đó là cửa của Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, rồi đến cửa của Đền thờ Đức Bà
Cả vào Năm Mới, và ngày 19-1, cánh cửa của Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Biến cố cuối cùng này, vì tính cách hoàn vũ của nó, được ghi ấn trong ký ức một
cách đặc biệt.
2. Lần lượt theo sự tiến triển của Năm Thánh 2000, thế
kỷ XX tự đóng dần, ngày này tiếp ngày nọ, sau chúng ta và thế kỷ XXI đang mở ra.
Theo các dự án của Đấng Quan Phòng, tôi đã sống trong một thế kỷ khó khăn đang
đi vào lịch sử, và bây giờ, năm mà tôi trở thành Bát Tuần (octogesima adveniens
– có chú thích: đây là Tông Thư của ĐGH Phaolô VI viết ngày 14-5-1971 dịp kỷ
niệm 80 năm Thông Điệp Rerum Novarum [Tân Sự] của ĐGH Lêô XIII), phải tự hỏi nếu
không phải đã đến giờ phải lập lại lời của ông Simêon trong Kinh Thánh: “Bây giờ xin hãy cho tôi ra đi.” (Nunc
dimittis)
Ngày 13-5-1981, ngày ám sát giáo hoàng trong buổi
yết kiến chung tại công trường thánh Phêrô, Chúa Quan Phòng đã cứu tôi khỏi
chết một cách nhiệm mầu. Đấng chính là Thiên Chúa duy nhất của sự sống và sự chết
đã kéo dài đời sống tôi, một cách nào đó, Ngài đã cho lại tôi sự sống. Từ giây
phút đó, đời sống tôi tùy thuộc vào Ngài nhiều hơn nữa. Tôi hy vọng Ngài sẽ
giúp tôi nhìn nhận đến lúc nào tôi phải tiếp tục phận sự này mà Ngài đã gọi tôi
vào ngày 16-10-1978. Tôi xin Chúa vui lòng gọi tôi về với Ngài khi Ngài muốn. (x.
Rm 14:8) Tôi cũng hy vọng Lòng Nhân Từ của Chúa vui lòng cho tôi những sức
mạnh cần thiết để làm phận vụ này chừng nào tôi còn phải chu toàn phận vụ Giáo
Hoàng trong Giáo Hội.
3. Như mỗi năm vào dịp linh thao, tôi đều đọc lại bản
di chúc của tôi viết ngày 6-3-1979. Tôi tiếp tục giữ những điều khoản được ghi
trong đó. Điều đã được thêm vào qua những lần cấm phòng kế tiếp, phản ảnh tình
thế chung khó khăn và căng thẳng đã in hằn trong thập niên 1980. Tình huống này
đã thay đổi kể từ mùa thu năm 1989. Thập niên cuối cùng của thế kỷ đã qua, đã
không có những căng thẳng của những thập niên trước; điều này không có nghĩa là
thập niên cuối đã không có những vấn đề mới, những khó khăn. Xin ca tụng Chúa Quan
Phòng một cách đặc biệt cho sự kiện là giai đoạn của “chiến tranh lạnh” đã được
chấm dứt, không có tranh chấp, bạo lực hạt nhân mà sự đe dọa của nó lơ lửng
trên thế giới trong suốt giai đoạn trước.
4. Đứng thẳng trước ngưỡng cửa của đệ tam thiên niên kỷ,
giữa lòng Giáo Hội (in medio Ecclesiae), tôi ước mong lần nữa diễn tả sự biết
ơn của tôi với Chúa Thánh Thần đã ban đặc ân cho Công Đồng Vatican II, mà đối
với Công Đồng và toàn thể Giáo Hội, nhất là với cộng đoàn giám mục hoàn cầu,
tôi mang một món nợ. Tôi tin rằng các thế hệ tương lai còn có thể múc được sự
phong phú trong thời gian lâu dài mà Công Đồng này của thế kỷ thứ XX đã ban cho
chúng ta. Với cương vị của một giám mục đã tham dự vào Công Đồng này từ ngày
đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi ước mong trao phó di sản vĩ đại này lại cho
tất cả những vị đang và sẽ được gọi để thực hiện những quyết định của Công
Đồng. Về phần tôi, tôi cảm tạ Vị Chủ Chăn đời đời đã cho phép tôi phục vụ sự nghiệp
lớn lao này trong suốt những năm tháng trên ngôi vị giáo hoàng của tôi.
“Giữa lòng Giáo Hội”... kể từ ngay những năm đầu của
sứ vụ giám mục, chính xác hơn là nhờ vào Công Đồng, tôi đã thu thập được kinh
nghiệm của sự thông hiệp huynh đệ của hàng giám mục. Là linh mục của TGP
Cracovie, tôi đã thực nghiệm sự thông hiệp huynh đệ trong linh mục đoàn, Công
Đồng đã đem lại một kích thước mới cho kinh nghiệm này.
5. Có biết bao người mà tôi phải viết ra đây! Có lẽ
Chúa đã gọi về với Ngài một số lớn trong nhóm. Về phần những người còn tại thế,
ước gì những lời của bản di chúc này nhắc nhớ đến họ, tất cả và mọi nơi, dù họ
ở bất cứ nơi nào.
Từ lúc tôi chu toàn bổn phận giáo hoàng, nghĩa là
hơn 20 năm, “trong lòng Giáo Hội”, tôi đã thực hiện sự cộng tác khoan dung và
cũng rất là phong phú của rất nhiều hồng y, tổng giám mục và giám mục, rất
nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, và rất nhiều giáo dân, trong lòng Giáo Triều Rôma,
tại GP Rôma cũng như ngoài những nơi này.
Không thể không ôm vào lòng tất cả các hàng giáo
phẩm trên thế giới, với sự biết ơn đáng nhớ, mà tôi đã gặp trong những lần thăm
viếng mộ các tông đồ (Ad limina apostolorum).
Cũng không thể không nhớ biết bao anh em đông đúc Kitô
hữu và không Công giáo! Vị Giáo Trưởng Do Thái giáo thành Rôma và rất nhiều
những vị đại diện các tôn giáo ngoài Kitô giáo! Và biết bao vị đại diện thế
giới thuộc lĩnh vực văn hoá, khoa học, chính trị và các phương tiện truyền
thông xã hội.
6. Dần dần mức giới hạn đời sống trần gian của tôi
tăng trưởng, với ý tưởng tôi trở về thuở ban đầu, về cha mẹ tôi, về anh chị tôi
(người mà tôi đã không được biết vì đã chết trước khi tôi sinh ra), về giáo xứ
Wadowice, nơi tôi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đến “thành phố này mà tôi đã từng rất
yêu mến,” đến các đồng hương của tôi, các bạn bè của tôi, bạn trai và gái,
trường tiểu học, trường trung học, đại học, đến giai đoạn quê hương bị chiếm giữ,
lúc tôi làm việc như một thợ thuyền, và sau đó đến giáo xứ Niegowic, giáo xứ S.
Floriano ở Cracovie, mục vụ các đại học, tại các nơi... tất cả mọi nơi... ở
Cracovie và Rôma... đến những người đã được Thiên Chúa trao phó cho tôi một
cách đặc biệt.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất: “Chớ gì Thiên Chúa ban thưởng cho quý vị.” “In
manus Tuas, Domine, commendo spiritum meum – Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”
Ngày 17-3-2000
(Trích dịch “Di chúc
của ĐGH Gioan Phaolô II,” người qua đời ngày 2-4-2005, áp lễ kính Lòng
Chúa Thương Xót, theo bản tiếng Anh của Lm Lorenso thuộc Bộ Giáo lý Đức
tin, Rôma)
TRẦM THIÊN THU
Ngày tuyên
thánh nhị vị giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, 27-04-2014
Đám Tang ĐGH Gioan Phaolô II
✽ Thánh Gioan Phaolô II – Người Thay Đổi Đời Tôi
https://tramthienthu.blogspot.com/2013/10/nguoi-thay-oi-oi-toi.html
✽ Thánh Gioan Phaolô II Cảm Ơn Phụ Nữ
https://tramthienthu.blogspot.com/2018/03/thanh-gh-gioan-phaolo-ii-cam-on-phu-nu.html
✽ Vị Giáo Hoàng Đặc Biệt
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/04/vi-giao-hoang-ac-biet.html
✽ Vị Thánh Sứ Giả Hòa Bình
https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/thanh-gioan-phaolo-ii-su-gia-hoa-binh.html
✽ Thánh Gioan Phaolô II Cảm Ơn Phụ Nữ
✽ Vị Giáo Hoàng Đặc Biệt
✽ Vị Thánh Sứ Giả Hòa Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment