Khi đọc Kinh Mân Côi chung với nhau thì giống như dàn đồng ca nhưng đối đáp như bản hợp xướng kỳ diệu. Tiếc rằng ngày nay rất ít người còn đọc kinh này hoặc giữ thói quen “đọc kinh chung” trong gia đình, có người cho rằng “không nên đọc kinh nhiều” nên bỏ việc đọc Kinh Mân Côi chung.
Đức Mẹ Fátima đã đặt vấn đề: “Nếu loài người
biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.” Ngày xưa,
hầu như nhà nào cũng đọc kinh chung trong gia đình mỗi buổi tối, mà không đọc
kinh ít như ngày nay, đúng nghĩa gọi là “giờ kinh” – chứ không phải “phút kinh.”
Thiết tưởng, “đọc kinh chung” là một thói quen tốt lành, vì chính Chúa Giêsu xác
định: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân
danh Thầy thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ.” (Mt 18:20) Đặc biệt là trong giờ kinh
gia đình luôn có lời nguyện “Dâng Gia đình cho Trái Tim Mẹ” với lời nguyện cuối
thật thấm thía: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn,
sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ, chúng con biết cậy trông ai? Đời
chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có
Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu
đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. Amen.” Đó là tận hiến cho Đức Mẹ vậy.
Lời nguyện ngắn gọn mà xúc tích, nhẹ nhàng mà
tha thiết, giản dị mà thâm thúy, cầu nguyện cho cả phần hồn lẫn phần xác, và đó
cũng là những lời thề hứa với Đức Mẹ. Thực sự đó là lời tâm sự của người con
nói với Người Mẹ của chính mình – Thánh Mẫu Maria. Nỉ non như vậy thì Mẹ không thể
làm ngơ. Ngày xưa, Đức Mẹ cũng thường xuyên cầu nguyện chung với các tông đồ: “Các
Tông đồ từ núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn
đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi
các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma,
Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê – con ông Anphê, Simôn – thuộc nhóm Quá Khích, và
Giuđa – con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu
nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria – thân mẫu Đức Giêsu, và với anh
em của Đức Giêsu.” (Cv 1:12-14)
Khi Chúa Giêsu mới chịu chết và phục sinh, ai
cũng sợ bị người ta bách hại – nhất là những người có liên hệ với Ngài. Tuy
nhiên, sự cùng nhau cầu nguyện đã giúp mọi người an tâm nhờ tín thác vào Thiên
Chúa. Thời đó chưa có Kinh Mân Côi nên không liên quan, nhưng sách Công Vụ cho
thấy sự “đồng tâm nhất trí” và sự “cầu nguyện chuyên cần” của các tông đồ cùng
với một số phụ nữ nhiệt thành lo việc đạo đức, trong đó có Đức Mẹ và thân nhân
của Chúa Giêsu. Khi đọc Kinh Mân Côi chung với nhau – chí ít cũng là hai người,
phải có sự đồng tâm cầu nguyện,
thể hiện sự hiệp nhất và hiệp hành.
Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta không chỉ suy
niệm các mầu nhiệm, tôn vinh Thiên Chúa và chúc tụng Đức Mẹ, mà còn liên quan
“thực tế” về sự liên hệ với nhau: Người này phải biết lắng nghe và chờ đợi người
kia, thể hiện sự nhường nhịn. Hai động thái đơn giản nhưng cần thiết, điều đó
nhắc nhở chúng ta cũng phải biết lắng nghe và chờ đợi nhau trong cuộc sống
thường nhật. Đó là động thái yêu thương, không yêu thương thì không thể đồng
tâm nhất trí. Rõ ràng Kinh Mân Côi kéo chúng ta đến gần với nhau hơn.
Mùa đi và mùa tới, tháng cũ qua và tháng mới tới:
Tháng Mười – đặc biệt là Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chắc hẳn đây là dịp thuận tiện để
chúng ta nghiêm túc xét mình với ba mệnh lệnh Fátima: Cải Thiện Đời Sống, Tôn Sùng
Mẫu Tâm, Lần Chuỗi Mân Côi.
Thiên Chúa xác định: “Các người PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.”
(Lv 11:44; Lv 20:7) Thánh Phêrô nhắc nhở: “Hãy sống thánh thiện vì Thiên
Chúa là Đấng Thánh.” (1 Pr 1:16) Và chính Chúa Giêsu giáo huấn: “Hãy
hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
Có nhiều con đường dẫn đến với Chúa Giêsu,
nhưng Con Đường ngắn nhất và chắc chắn nhất chính là Đức Maria, như Giáo Hội đã
xác định: Ad Jesum Per Mariam – Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Cầu nguyện
bằng Kinh Mân Côi là bí quyết giúp nhớ Kinh Thánh. Biết Kinh Thánh thì mới biết
Đức Kitô Giêsu.
Mỗi Kinh Kính Mừng là một Đóa Hồng, mỗi Chuỗi
Mân Côi là một Triều Thiên Hoa Hồng dâng lên Đức Mẹ. Thánh Maximiliano Kolbe
cho biết: “Bao nhiêu Chuỗi Mân Côi là bấy
nhiêu linh hồn được cứu rỗi.” Thánh Louis de Montfort nói: “Không có ai
lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày mà bị lạc đường. Đây là lời xác nhận mà tôi vui
mừng ký nhận bằng máu của tôi.” Kinh
Mân Côi là linh khí khiến ma quỷ phải run sợ.
Chắc chắn Thiên Chúa sẽ đại lượng với những
ai thành tâm tôn kính Thân Mẫu của Ngài, bởi vì Ngài là Đấng Trung Tín (2 Tx
3:3; Dt 10:23) và giàu Lòng Thương Xót. (Ep 2:4)
Lạy
Đức Mẹ Mân Côi, xin cầu thay nguyện giúp cho tội nhân chúng con, bây giờ và khi
lìa đời, và dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Đức Mẹ Mân Côi – 2024
✽ Văn Hóa Xảo Quyệt Chống Đức Mẹ
✽ Nguồn Gốc Mân Côi – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/09/nguon-goc-man-coi.html
✽ Lược Sử Kinh Mân Côi – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/05/luoc-su-kinh-man-coi.html
✽ Bốn Mùa Mân Côi – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/10/bon-mua-man-coi.html
Video bằng Pháp ngữ:
1. https://www.youtube.com/watch?v=CzOD2ZZWSAI
2. https://www.youtube.com/watch?v=seffTjJeN2E
[ Video hát theo âm thể Do thứ – bài lời Việt hạ xuống La thứ cho vừa giọng]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment