Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

LÀM DẤU

Người Công giáo thường làm Dấu Thánh Giá như một cử chỉ đẹp để bắt đầu và kết thúc lời cầu nguyện. Nhưng khi chúng ta học cách thực hiện hành động này một cách nghiêm túc, thường xuyên làm dấu với đức tin và lòng tôn kính, những kết quả đáng chú ý có thể diễn ra. Chúng ta thấy mình đang làm tốt hơn đáng kể trong cuộc sống Kitô hữu của mình: cầu nguyện với nhiều nhiệt huyết hơn, chống lại những khuynh hướng xấu một cách hiệu quả hơn và đối xử tử tế hơn với người khác.

Xét cho cùng, Dấu Thánh Giá không chỉ là một cử chỉ đạo đức, mà là một lời cầu nguyện mạnh mẽ, một bí tích của Giáo hội.

Kinh Thánh, các giáo phụ, các thánh, và giáo lý Công giáo đưa ra 6 điều về Dấu Thánh Giá, cho thấy lý do làm Dấu Thánh Giá mở ra cho chúng ta những ân sủng biến đổi cuộc sống. Khi nắm bắt được, chúng ta có thể thực hiện việc này với nhiều đức tin hơn và trải nghiệm những phúc lành tuyệt vời của Dấu Thánh Giá.

I. LÝ DO LÀM DẤU

1. KINH TIN KÍNH RÚT GỌN

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa như Ngài đã mặc khải. Dấu Thánh Giá là hình thức rút gọn Kinh Tin Kính của các Tông Đồ.

Chạm vào trán, ngực và hai vai (trong một số nền văn hóa, chạm cả môi nữa), chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào những gì Thiên Chúa đã làm – việc tạo dựng muôn vật, sự cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, và việc thành lập Giáo hội, nơi đem đến sự sống mới cho tất cả mọi người. Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta đang nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và mở lòng mình ra với hành động của Ngài trong cuộc đời chúng ta.

Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để biến đổi chúng ta về mặt tinh thần, phải không? Nhưng còn nhiều hơn thế.

2. LẶP LẠI LỜI HỨA RỬA TỘI

Thế kỷ I, các Kitô hữu bắt đầu làm Dấu Thánh Giá như một lời nhắc nhở và đổi mới về những gì đã xảy ra với họ khi được rửa tội, điều đó vẫn có tác dụng tương tự đối với chúng ta.

Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên bố rằng trong Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã chết theo bí tích với Chúa Kitô trên Thập Giá và sống lại với Ngài trong đời sống mới. (x. Rm 6:3-4; Gl 2:20) Chúng ta cầu xin Thiên Chúa đổi mới những ân sủng của Bí tích Rửa Tội trong chúng ta.

Chúng ta cũng công nhận rằng Phép Rửa đã kết nối chúng ta với Nhiệm Thể Đức Kitô và trang bị cho chúng ta vai trò cộng tác với Ngài trong công việc cứu mọi người khỏi tội lỗi và sự chết.

3. DẤU CHỈ MÔN ĐỆ

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã tuyên bố chúng ta là của riêng Ngài bằng cách đánh dấu chúng ta bằng Dấu Thánh Giá. Bây giờ, khi chúng ta tự làm dấu để xác định trung thành với Ngài. Bằng cách vẽ Dấu Thánh Giá trên thân thể, xác nhận chúng ta không thuộc về chính mình mà chỉ thuộc về một mình Ngài. (x. Lc 9:23)

Các giáo phụ đã dùng cùng một từ ngữ cho Dấu Thánh Giá mà thế giới cổ đại dùng để chỉ quyền sở hữu. Cùng một từ ngữ đặt tên cho dấu hiệu của người chăn chiên đối với đàn chiên, hình xăm của một vị tướng trên những người lính, dấu hiệu của người chủ gia đình trên những người hầu, và dấu hiệu của Thiên Chúa trên các môn đệ của Ngài.

Việc làm Dấu Thánh Giá trên mình chứng tỏ chúng ta là chiên của Chúa Kitô và có thể trông cậy vào sự chăm sóc của Ngài, là những người lính của Ngài, được giao nhiệm vụ làm việc với Ngài để mở rộng Vương Quốc của Ngài trên trái đất, và là những người hầu của Ngài, tận tụy làm bất cứ điều gì Ngài bảo chúng ta làm.

4. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ

Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng đau khổ sẽ là một phần bình thường trong cuộc sống của người môn đệ. (x. Lc 9:23-24) Vì vậy, khi chúng ta đánh dấu cơ thể mình bằng Dấu Thánh Giá là chúng ta chấp nhận bất kỳ nỗi đau nào đến như là hệ quả của đức tin mà chúng ta đặt vào Chúa Kitô. Làm Dấu Thánh Giá là chúng ta vác thập giá và theo Ngài. (x. Lc 9:23)

Tuy nhiên, đồng thời điều này cũng an ủi chúng ta khi nhận ra rằng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, giờ đây cùng chia sẻ đau khổ và nâng đỡ chúng ta.

Việc làm Dấu Thánh Giá cũng loan báo một sự thật quan trọng khác: cùng với Thánh Phaolô, chúng ta đang vui mừng rằng những đau khổ của chúng ta với tư cách là thành viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô góp phần vào Công Trình Cứu Độ của Ngài là hoàn thiện Giáo hội trong sự thánh thiện. (x. Cl 1:24)

5. GƯƠM HAI LƯỠI CHỐNG MA QUỶ

Khi ma quỷ nhìn thấy Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, nó lầm tưởng nó đã giành được chiến thắng lớn lao. Nhưng Chúa Giêsu đã khiến nó ngạc nhiên với thất bại nhục nhã. (x. 1 Cr 2:8) Từ buổi sáng Phục Sinh đầu tiên cho đến hiện tại, Dấu Thánh Giá luôn khiến ma quỷ phải sợ hãi và bỏ chạy.

Ở mức độ nào đó, việc làm Dấu Thánh Giá là động thái phòng thủ, tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chúng ta đối với ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng quan trọng hơn, Dấu Thánh Giá cũng là vũ khí tấn công, giúp chúng ta cùng với Chúa Kitô đòi lại tất cả những gì Satan đã làm mất trên Thập Giá. Dấu Thánh Giá tuyên bố sự hợp tác của chúng ta với Chúa Giêsu trong sự tiến triển bất khuất của Vương Quốc Thiên Chúa chống lại vương quốc bóng tối.

6. CHIẾN THẮNG XÁC THỊT

Trong Tân Ước, chữ “xác thịt” tóm tắt tất cả những khuynh hướng xấu của bản chất cũ tồn tại trong chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết với Chúa Kitô trong Bí tích Rửa Tội. (x. Gl 5:16-22) Việc làm Dấu Thánh Giá diễn tả quyết định đóng đinh những ham muốn của xác thịt và sống theo Chúa Thánh Thần.

Giống như việc cởi bỏ chiếc áo bẩn, việc làm Dấu Thánh Giá cho thấy chúng ta đang từ bỏ những khuynh hướng xấu và mặc lấy những hành vi của Chúa Kitô. (x. Cl 3:5-15)

Các giáo phụ dạy rằng Dấu Thánh Giá làm giảm sức mạnh của những cám dỗ mạnh mẽ như giận dữ và ham muốn. Vì vậy, bất kể chúng ta bị cám dỗ mạnh mẽ thế nào, chúng ta có thể sử dụng Dấu Thánh Giá để kích hoạt sự tự do của mình trong Chúa Kitô và chiến thắng ngay cả những tội lỗi đeo bám chúng ta.

II. THỰC HÀNH

Ngay bây giờ, bạn có thể khắc ghi trong tim mình 6 sự thật về Dấu Thánh Giá bằng cách thực hiện 6 lần, mỗi lần áp dụng một quan điều.

1. Hãy Dấu Thánh Giá để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.

2. Hãy nhớ rằng bạn đã chết với Chúa Kitô trong Phép Rửa Tội.

3. Hãy làm Dấu Thánh Giá để xác nhận bạn thuộc về Chúa Kitô với tư cách là môn đệ của Ngài và vâng lời Ngài.

4. Hãy Dấu Thánh Giá để đón nhận bất kỳ đau khổ nào đến và kết hiệp đau khổ của bạn với đau khổ của Chúa Kitô.

5. Hãy làm Dấu Thánh Giá để chống lại ma quỷ và sự tấn công của Vương Quốc Thiên Chúa chống lại nó.

6. Hãy làm Dấu Thánh Giá để đóng đinh tính xác thịt của bạn, mặc lấy Chúa Kitô cùng với các hành vi của Ngài.

Hãy thường xuyên thực hiện 6 điều này trong lời cầu nguyện buổi sáng, và chờ xem ân sủng chảy qua bí tích này trong những ngày sắp tới.

BERT GHEZZI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SimplyCatholic.com)

Dấu Thánh Ba Ngôi – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/06/dau-thanh-ba-ngoi.html
Dấu Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/09/dau-thanh.html
Dấu Thánh Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/05/dau-thanh-gia.html
Đam Mê & Dục Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/11/am-me-va-duc-vong.html
Đời Sống Kitô Hữu – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/oi-song-kito-huu_30.html
Vui Phục Vụ Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/09/vui-mung-phuc-vu-chua.html
Chúa Cứu Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/09/chua-cuu-gia-inh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment