“Hằng ngày” hay “siêu thực”? Chữ nào sát nghĩa nhất với chữ Hy Lạp “epiousios” trong Kinh Lạy Cha? Cả hai đều hợp lệ. Chúng ta quen cách nói “hằng ngày” hơn, chỉ sự nuôi dưỡng cơ bản. “Siêu thực” ý nói món quà phi thường, có vẻ như hoàn toàn trái ngược với hằng ngày. Hãy để thần học gia Bênêđíctô XVI giải quyết bằng cách nhận xét rằng sống đời Kitô hữu hằng ngày đòi hỏi sự nuôi dưỡng siêu thực thể.
Hằng ngày và siêu thực. Thường ngày và kỳ
diệu. Có điều tương tự đang diễn ra trong câu chuyện về việc hóa bánh và cá ra
nhiều. Đó là một sự kiện phi thường, quan trọng đến mức các tác giả Tin Mừng
đều ghi lại. (Mt 14:13-21; Mc 6:32-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-15) Đồng thời nó thu
hút sự chú ý đến những gì bình thường trong đời sống Kitô hữu. Đó là một phép
lạ siêu thực dạy chúng ta về lòng sùng kính hằng ngày. Cụ thể, đó là một phép
lạ Thánh Thể làm nổi bật những gì là chuẩn mực cho lòng sùng kính Thánh Thể.
1. NƯƠNG TỰA VÀO CHÚA KITÔ – Mặc dù Thánh
Gioan không đề cập điều này, nhưng các nhà truyền giáo cho chúng ta biết rằng
đám đông đã theo Chúa Giêsu đến một “nơi hoang vắng.” Họ theo Ngài đến một nơi
mà họ sẽ cần đến, một nơi vượt quá khả năng của họ. Các Kitô hữu cũng vậy. Để
được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể (trái ngược với việc chỉ rước lễ) đòi
hỏi chúng ta phải đặt mình vào vị thế cần đến Ngài và khiến mình phụ thuộc vào
Ngài. Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta đến mức chúng ta phụ thuộc vào Thánh
Thể.
Điều này có nghĩa là đi theo Chúa Kitô bất cứ
nơi nào Ngài dẫn chúng ta tới. Khi trao Mình Thánh cho người hấp hối, Thánh Thể
được gọi là “của ăn đàng” (viaticum) – lương thực cho hành trình. Thật vậy, Thánh
Thể luôn luôn chỉ dành cho những người đang lữ hành. Thánh Thể không nuôi dưỡng
những người bằng lòng ở lại một nơi mà chỉ nuôi dưỡng những người có ý định
theo Chúa Kitô, thậm chí đến những nơi hoang vắng.
2. CHẤP NHẬN LỜI DẠY CỦA CHÚA – Trong trình thuật
Mc 6:30-44, Thánh Máccô kể rằng khi nhìn thấy đám đông, Ngài đã dạy họ rất
nhiều. Họ đã nhận được lời Ngài trước khi họ nhận được bánh kỳ diệu. Họ đã tin
trước khi họ được nuôi dưỡng, và họ đã được nuôi dưỡng vì họ đã tin. Toàn bộ bối
cảnh có cấu trúc của Thánh Lễ: đầu tiên là Phụng vụ Lời Chúa, sau đó là Phụng
vụ Thánh Thể. Cầu nối giữa hai phần là Kinh Tin Kính – lời tuyên tín. Bởi vì
đức tin đi trước và chuẩn bị cho việc rước lễ.
3. TRAO SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA CHO NGÀI –
Chúa Giêsu hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu
ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6:5) Ngài không hỏi vì Ngài cần câu trả lời mà
vì chúng ta cần suy ngẫm về câu hỏi đó. Chính Ngài đã có ý định thực hiện một
phép lạ. Ngài đặt câu hỏi đó cho thấy rằng những gì cần phải làm là vì vượt quá
khả năng của con người – và đồng thời để mời gọi sự hợp tác của con người. Ông Anrê
đã giải cứu với cậu bé anh hùng là người đã trao cho Chúa những gì ít ỏi mà cậu
bé có: “Ở đây có một em bé có năm chiếc
bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu?” (Ga
6:9) Cuộc trao đổi này nắm bắt được cả sự thiếu hụt về nguồn lực của các tông
đồ và sự mong muốn sử dụng chúng của Chúa Giêsu.
Mỗi ngày, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta dâng
cho Ngài sự thiếu thốn của mình. Những gì Ngài tìm cách hành động trong chúng
ta, cho chúng ta vượt quá khả năng hiểu biết và sức mạnh của mình. Nhưng Ngài
cũng muốn biến chúng ta thành những người cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu
độ. Ngài mong muốn chúng ta dâng những gì ít ỏi mà chúng ta có để Ngài có thể
hoàn thành những điều lớn lao với số vốn đó. Hãy tưởng tượng, nếu cậu bé đó từ
chối trao 5 chiếc bánh và 2 con cá của mình thì sao? Nếu cậu bé nhìn xung
quanh, thấy đó là nơi vắng vẻ và đám người đông đảo, rồi quyết định giữ lại những
gì mình có thì sao? Nếu không có sự đóng góp ít ỏi đó, sẽ không có phép lạ xảy
ra. Nếu không có sự dâng hiến từ sự thiếu thốn của chúng ta, Ngài không có gì
để làm trong cuộc sống của chúng ta.
Trong Thánh Lễ, Chúa mời gọi chúng ta kết hợp
lời cầu nguyện của mình với hy tế của Ngài. Những lời cầu nguyện đó cũng không
đủ như bánh và cá của cậu bé, nhưng khi kết hợp với Chúa Kitô trong hy tế Thánh
Lễ, chúng sẽ có sức mạnh lớn lao hơn. Những lời cầu nguyện vốn dĩ không đủ của
chúng ta sẽ trở nên dư dật qua bàn tay linh mục.
4. BẢO VỆ ÂN SỦNG NGÀI BAN – Sau khi thực
hiện phép lạ kỳ diệu này, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6:12) Bạn nghĩ
rằng Đấng có thể làm phép lạ như vậy sẽ không quan tâm những mảnh vụn, nhưng
mệnh lệnh vẫn có, và đó là bài học cho chúng ta. Bởi vì chúng ta có thể bất cẩn
và lơ là với những món quà ân sủng của Ngài.
5. THU LẠI NHỮNG MIẾNG THỪA – Hầu hết chúng
ta không thu lại những “miếng vụn” Thánh Thể. Chúng ta vội vã rời khỏi nhà thờ mà
không nghĩ đến những gì vừa xảy ra và những gì chúng ta vừa lãnh nhận. Do đó,
chúng ta mất đi nhiều ân sủng của Bí tích Thánh Thể. Bánh Thánh không phải là
viên thuốc năng lượng tâm linh tác dụng khi chúng ta đón nhận. Thánh Thể là thực
phẩm tâm linh đòi hỏi sự rèn luyện tâm linh để có thể tăng cường sức khỏe của
chúng ta.
Điều đó có nghĩa là chúng ta nên dành thời
gian để tạ ơn sau khi rước lễ. Đó không chỉ là phép lịch sự, mà còn là cách
chúng ta bảo đảm và hấp thụ các ân sủng được ban cho chúng ta. Người rước lễ
hay quên sẽ không được hưởng lợi từ các ân sủng Thánh Thể được ban cho họ. Chỉ
có người biết tạ ơn – biết thu lại những mảnh vụn – mới kết hợp món quà này
ngày càng nhiều hơn vào cuộc sống hằng ngày của mình, sống bằng bánh hằng ngày
và siêu thực.
LM. PAUL D. SCALIA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Lễ Thánh Mácta, 29-07-2024
✽ Thánh Thể & Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/03/thanh-va-gia-inh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment