Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

ĐỨC MẸ và THÁNH THỂ

Không ai sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn Đức Mẹ. Trái tim, tâm trí, thể xác và linh hồn của Mẹ hoàn toàn được sắp xếp theo Ngài. Tâm hồn Mẹ hoàn toàn đón nhận những hoạt động của Chúa. Mẹ cân nhắc mọi việc trong lòng trước khi hành động. Mẹ thâm nhập các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện sâu sắc. Trong sự tiếp nhận và đời sống cầu nguyện sâu sắc này, Mẹ đã bừng cháy lên tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Đời sống cầu nguyện nội tâm của Mẹ là mẫu mực cho sự phục hưng Thánh Thể vì Mẹ chỉ cho chúng ta cách kết hợp mật thiết với Con của Mẹ.

Lễ Hiện Xuống đầu tiên đến qua sự bao phủ của Chúa Thánh Thần trên Đức Maria lúc Truyền Tin. Trái tim Mẹ bừng cháy ngọn lửa tình yêu Ba Ngôi khi Thánh Thần là hiền thê của Mẹ đến trên Mẹ để Chúa Kitô được ngự vào cung lòng Mẹ. Khi Mẹ cầu nguyện với các Tông Đồ và các phụ nữ ở Phòng Tiệc Ly, Mẹ đã nhận được Chúa Thánh Thần. Mẹ cầu bầu và hướng dẫn những đứa con tinh thần là Giáo Hội non trẻ vào Lễ Ngũ Tuần. Ngày nay Mẹ tiếp tục cầu bầu và dẫn đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến sự phục hưng Thánh Thể.

Cuộc sống của Mẹ trên trái đất là đời sống cầu nguyện liên tục trong Thánh Thần. Đức Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2:19) Bất cứ khi nào các mầu nhiệm của Thiên Chúa diễn ra xung quanh, Mẹ luôn đưa vào lời cầu nguyện. Tâm hồn rộng mở của Mẹ đón chào hoạt động của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Mẹ không bao giờ giữ riêng điều gì. Mẹ sống một đời hoàn toàn dễ tiếp thu, điều đó cho phép Mẹ trao cho người khác tất cả những gì Mẹ đã nhận được.

Chín tháng Chúa Cứu Thế ngự trong lòng Mẹ đã biến Mẹ thành nhà tạm sống động. Mẹ không ngừng tôn thờ và chiêm ngưỡng mầu nhiệm sâu xa Thiên Chúa ngự trong mình. Mẹ tìm kiếm sự kết hợp ngày càng sâu sắc hơn với Chúa. Trong cuốn “Divine Intimacy” (Thân Mật Thiêng Liêng), Lm. Gabriel viết: “Ai có thể tưởng tượng được những cuộc giao tiếp bí mật giữa Đức Maria và Ngôi Lời Nhập Thể khi Mẹ cưu mang Ngài trong cung lòng trinh khiết của mình? Mặc dù bề ngoài không có gì phân biệt Mẹ với các phụ nữ khác có cùng hoàn cảnh, nhưng trong thâm tâm Mẹ đã sống kết hiệp gần gũi nhất giữa Thiên Chúa và một thụ tạo. Tất cả vinh quang của Mẹ đều đến từ bên trong. Tất cả vinh quang và sự cao cả của Mẹ đều ở nội tại.”

Đức Mẹ cho chúng ta biết rằng vinh quang và sự cao cả thực sự được tìm thấy bên trong, nơi chúng ta sống trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Sự hiệp nhất mật thiết này chỉ có thể tìm thấy được trong lời cầu nguyện. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chúng ta phải sống trong thái độ cởi mở và dễ tiếp thu. Chúng ta không thể nắm bắt được Thiên Chúa hoặc những gì thuộc thế gian này. Chúng ta phải thưa lời xin vâng với Thiên Chúa bằng cách sẵn sàng tham gia cuộc chiến rất khó khăn là cầu nguyện hằng ngày. Chúng ta phải tìm cách mở rộng tâm hồn mình hơn cho Ngài qua việc từ bỏ chính mình và những thứ của thế gian. Điều này có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ kế hoạch riêng mình cho kế hoạch của Ngài và ưu tiên việc cầu nguyện sâu sắc mỗi ngày.

Giáo Hội ngày nay đang bị cản trở trong sứ vụ của mình vì chúng ta đã từ bỏ xu hướng nội tâm này của Đức Mẹ. Thế giới không bị biến đổi bởi các dự án, ủy ban và kế hoạch của chúng ta. Nó chỉ được biến đổi bởi một Giáo Hội sống nội tâm của Đức Maria. Với tư cách tương ứng nữ tính với Đầu nam tính là Chúa Kitô, Giáo Hội phải sống thân mật với Chúa Kitô, đó là hoa trái của lời cầu nguyện.

Chính trong lời cầu nguyện mà chúng ta trở nên dễ tiếp nhận Ngài và các hoạt động của Ngài trong chúng ta. Cầu nguyện chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống Kitô hữu. Trước hết là qua Thánh Lễ và các Bí Tích, nhưng sau đó là qua đời sống suy niệm sâu sắc, cởi mở với ơn chiêm niệm và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn chúng ta thành vùng cuồng nhiệt của tình yêu Thiên Chúa. Chỉ nhờ đời sống nội tâm sâu sắc, chúng ta mới có thể được sai đi để dẫn dắt người khác đến với Chúa Kitô. Việc tông đồ phải phát sinh từ việc cầu nguyện, kể cả việc phục hưng Thánh Thể.

Tính nội tâm này rất cần thiết vì Giáo Hội muốn đem lại sự phục hưng Thánh Thể. Sẽ không có sự phục hưng nếu không quay trở lại với việc cầu nguyện và sống nội tâm. Nhiều thập niên hoạt động tích cực và công bằng xã hội đã chết dần trước việc làm chứng tá của Giáo Hội. Nó đã tạo ra một môi trường khiến các Kitô hữu khó có thể bước vào sự thân mật với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta không thể thực sự đón nhận Chúa trong Bí tích Thánh Thể một cách yêu mến nếu chúng ta không là những người cầu nguyện nội tâm. Chính trong môi trường cầu nguyện mà tâm hồn chúng ta được mở rộng hơn để đón nhận sự ngự trị của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Đức Mẹ là mẫu gương của chúng ta về cách kết hợp sâu sắc hơn với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Mẹ là nhà tạm sống động khi Mẹ cưu mang Chúa Kitô trong lòng, nhưng cũng cả khi Mẹ đón nhận Ngài trong mỗi Thánh Lễ. Lm. Gabriel mô tả kinh nghiệm của Đức Mẹ về tình yêu Thiên Chúa, điều mà Mẹ có được qua việc suy ngẫm và cầu nguyện trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô trong cung lòng Mẹ: “Trong cung thánh đích thực này, nơi che giấu Đấng Chí Thánh, Đức Mẹ là bình thánh sống động của Ngôi Lời Nhập Thể, bừng cháy tình yêu, say mê tôn thờ. Mang trong mình “lò lửa bác ái” nên Đức Mẹ bị ngọn lửa ấy thiêu đốt mãi mãi. Càng bừng cháy tình yêu, Mẹ càng hiểu được bí ẩn của tình yêu đang diễn ra trong mình.”

Đức Mẹ là “bình thánh sống động” đầu tiên tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa. Mẹ đã sống đời cầu nguyện nội tâm, kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô. Tất cả các thành viên của Giáo Hội Chúa Kitô đều trở thành “bình thánh sống động” bất cứ khi nào chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đến ngự trong chúng ta để đốt lên “lò lửa bác ái” trong tâm hồn chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Bác Ái.

Sự kết hợp nội tâm với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hầu như không thể thực hiện nếu chúng ta không phải là người cầu nguyện nội tâm. Nếu không tích cực tìm kiếm sự thân mật với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sẽ không thể bước vào mầu nhiệm ngự trong chúng ta bất cứ khi nào chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Những sự xao lãng, tội lỗi, yếu đuối và cám dỗ khiến chúng ta đặt những bức tường xung quanh trái tim và tâm trí. Cầu nguyện là nơi Chúa phá bỏ những bức tường này. Chính sự suy sụp khi cầu nguyện và sống nội tâm đã mở đường rộng cho sự hoài nghi vào sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Người bận rộn là người không thể hồi tâm. Không có sự hồi tâm này, chúng ta sẽ có rất ít sự thân mật với Chúa và rất ít sự biến đổi trong cuộc sống. Chúng ta sẽ không bị nung nấu bởi tình yêu Thiên Chúa như Đức Mẹ đã có mặt ở trần gian và trên trời. Chúng ta sống như những “tiếng cồng chiêng” vì chưa nhận được trọn vẹn tình yêu cháy bỏng mà Chúa Kitô muốn ban cho mỗi chúng ta.

Cách duy nhất để có được sự phục hưng Thánh Thể là chúng ta “suy ngẫm tất cả các mầu nhiệm này” trong tâm hồn mình như Đức Mẹ. Sẽ không có sự phục hưng nếu chúng ta không quay trở lại đời sống cầu nguyện sâu sắc và thân mật với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Các kế hoạch của chúng ta sẽ vô ích nếu đời sống nội tâm cầu nguyện không biến đổi. Các kế hoạch của chúng ta sẽ vô ích nếu chúng không phải là kế hoạch của Chúa. Chúng ta chỉ biết được kế hoạch của Ngài qua đời sống cầu nguyện nội tâm sâu sắc.

Đức Mẹ chỉ cho chúng ta thấy mỗi chúng ta được mời gọi sống nội tâm như thế nào. Nếu chúng ta mở lòng đón nhận hoạt động của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh như Mẹ đã làm khi còn ở trần gian, chúng ta sẽ cảm nghiệm được trái tim bừng cháy tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa. Chính nhờ tình yêu cháy bỏng nội tâm này mà chúng ta có thể đi vào thế giới tan vỡ để đưa các linh hồn về với Chúa Kitô. Để trở thành dân tộc Thánh Thể thực sự, chúng ta phải sống nội tâm Thánh Mẫu và suy ngẫm tất cả những điều này trong tâm hồn. Chỉ khi đó chúng ta mới cảm nghiệm được sự ngự trị của Ngôi Lời Nhập Thể mỗi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Chúa Ba Ngôi – 2024

 Đức Mẹ & Nhân Bản – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/05/uc-me-nhan-ban.html
 Đức Mẹ & Tôn Giáo – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/02/uc-me-va-ton-giao.html
 Đức Mẹ & Kinh Tin Kính – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/uc-me-kinh-tin-kinh.html
 Chủ Nghĩa Không Tưởng – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/chu-nghia-khong-tuong.html
 Vai trò Đức Mẹ & Các Thánh Chống Lại Ma Quỷ
     https://tramthienthu.blogspot.com/2021/11/vai-tro-cua-uc-me-va-cac-thanh-chong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment