Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

BỆNH TIM

NÊN BIẾT VỀ BỆNH TIM

1. LÀM SAO BIẾT MÌNH BỊ BỆNH TIM?

Không thể tự chẩn đoán. Nếu nghi ngờ bị bệnh tim, hãy đến bác sĩ để được khám. Vì cơn đau tim có thể khiến bệnh nhân chết trong vòng bốn giờ, không thể chần chừ! Đa số bệnh nhân thường cảm thấy khó thở và bị tức ngực vài phút. Các bệnh nhân cũng có các triệu chứng khác như đau một hoặc hai cánh tay, đau lưng, đau cổ, đau hàm, thậm chí đau bao tử cũng có thể là triệu chứng bệnh tim. Hãy chú ý các triệu chứng bất thường chưa từng có, chẳng hạn toát lạnh mồ hôi, ói mửa, đầu óc lâng lâng, mệt dữ dội, và có linh cảm như “tận số” (phụ nữ nhạy bén về điều này).

2. CÓ CẢM GIÁC ĐAU TỨC NGỰC?

Có thể có và có thể không. Trong cơn đau tim, nguồn máu chuyển tới cơ tim bị gián đoạn và các tế bào cơ tim bắt đầu… chết, khiến bệnh nhân đau thắt ngực — nhưng đôi khi lại không có triệu chứng này, nhất là ở phụ nữ. Đa số các cơn đau tim “tích lũy” dần dần, từ đau nhẹ tới mức khó chịu.

3. AI CÓ THỂ BỊ ĐAU TIM?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đau tim, các bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhưng khó biết — gọi là “đau tim thầm lặng”. Có thể bạn không có triệu chứng đau tức ngực, nhưng có thể bạn buồn nôn, khó thở, hoặc uể oải.

4. LÚC NÀO DỄ BỊ ĐAU TIM?

Cơn đau tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng thường xảy ra nhất vào những giờ đầu của buổi sáng. Có khoảng 40% phổ biến xảy ra trong khoảng từ 6 giờ tới trưa. Cũng vậy, độ tử vì đau tim chiếm 29% phổ biến vào buổi sáng.

5. NÊN LÀM GÌ NẾU NGHĨ MÌNH BỊ ĐAU TIM?

Hãy nói cho người khác biết tình trạng của mình. Gọi cấp cứu ngay, và cứ bình tĩnh. Ngồi im (không nằm) và nhai ngay 1 viên aspirin 300 mg — aspirin giúp giảm thiểu tổn thương tim hoặc đông máu bằng cách làm giảm “độ dính” của các tiểu huyết cầu (platelet). Tiểu huyết cầu giữ vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Đừng ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Hãy mở rộng cửa để người cấp cứu có thể vào nhanh đưa bệnh nhân đi ngay.

6. CÓ HY VỌNG KHI TỚI BỆNH VIỆN?

Bạn sẽ được tiếp ô-xy và thuốc giảm đau trong khi làm điện tâm đồ (ECG — electrocardiogram) để đo nhịp tim và kiểm tra xem có nhịp nào bất thường hay không. Bạn sẽ được lấy máu xét nghiệm xem cơ tim có tổn hại hay không, thời gian có thể tới 12 giờ kể từ lúc nghi ngờ bị đau tim. Xét nghiệm máu để đo mức enzyme gọi là troponin, chất được phóng ra trong mạch máu nếu cơ tim tổn thương hoặc chết. Tùy bệnh trạng hoặc mức nghiêm trọng của cơn đau tim, có thể bạn phải nằm bệnh viện để theo dõi và biết kết quả chính xác nhất.

7. CÓ PHẢI PHẪU THUẬT?

Nếu bạn tới bệnh viện sớm, các bác sĩ có thể mở động mạch vành theo kỹ thuật y khoa. Một ống nhỏ được đưa vào động mạch vành, trong ống có chất màu để dễ theo dõi qua video. Ống này được bơm phồng lên trong động mạch, và khi rút ống ra, một miếng kim loại nhỏ (gọi là stent) được đặt lại phía trong để giữ động mạch mở và ngăn ngừa bị nghẽn. Một số stent cũng có thể “nhả” thuốc ra để làm sạch động mạch.

8. CÓ THỂ TẬP THỂ DỤC SAU CƠN ĐAU TIM?

Tập thể dục làm giảm nguy cơ bệnh tim lần sau, nhưng nên nói cho bác sĩ biết để có cách tập an toàn nhất. Các bác sĩ có thể khuyên bạn nên tập các dạng như đi bộ, jogging, đi xe đạp, hoặc bơi lội, để làm mạnh cơ tim. Đừng bao giờ tự tập nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

9. CÓ THỂ ÂN ÁI SAU CƠN ĐAU TIM?

Nếu bác sĩ cho phép bạn tập thể dục vừa phải thì chuyện ân ái cũng an toàn. Sau khi đau tim được hai hoặc ba tuần, đa số người ta có thể làm “chuyện ấy”, nhưng luôn cần hỏi bác sĩ trước, và phải chắc chắn rằng bạn không còn đau ngực hoặc nhịp tim không đập nhanh.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Reader’s Digest)

TRIỆU CHỨNG BỆNH TIM

Cuộc đời có những thứ tưởng là ghê gớm nhưng lại bình thường, nhưng có những thứ tưởng là “chuyện nhỏ” nhưng lại là vấn đề quan trọng. Và sức khỏe thể lý cũng vậy! Bệnh tim có thể xảy đến với những triệu chứng xảy ra tiệm tiến. Các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, lo âu, buồn nôn,... có thể là cơ thể đang báo động cho bạn biết rằng bạn nên đi khám bệnh đấy!

1. MỆT MỎI NHIỀU

Một triệu chứng phổ biến là mệt mỏi dữ dội. Nghiên cứu cho thấy rằng các phụ nữ bị mệt mỏi sẽ dẫn tới chứng  đau tim. Các phụ nữ cho biết rằng tư thế ngủ cũng có thể gây đau tim.

2. NÓNG CỔ, ĐỔ MỒ HÔI

So với nam giới, phụ nữ có nhiều vấn đề về bao tử và đường ruột. Nếu thường xuyên bị nóng cổ dù không ăn nhiều gia vị hoặc uống cà phê, thường buồn nôn và đổ mồ hôi, rất có thể là vấn đề đáng lưu ý liên quan chứng đau tim.

3. ĐAU HÀM, ĐAU LƯNG

Theo Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association), cơn đau tim xảy ra mỗi 34 giây! Các triệu chứng phổ biến như đau hàm và đau lưng có thể là yếu tố của chứng đau tim.

4. ĐAU TIM MÀ KHÔNG TỨC NGỰC

Trên website của Hội Tim Hoa Kỳ, bác sĩ Nieca Goldberg cho biết: “Phụ nữ có thể cảm thấy tức phần bụng trên, choáng váng, lảo đảo hoặc uể oải, tức phần lưng trên hoặc rất mệt mỏi. Mặc dù cả nam và nữ đều có thể có lúc cảm thấy đau nhói hoặc tức ngực, nhưng riêng phụ nữ lại có thể bị đau tim mà không cảm thấy đau tức ngực.”

5. GIỐNG NHƯ CẢM CÚM

Triệu chứng buồn nôn và giống như cảm cúm có thể là triệu chứng đau tim. Mỡ đọng trong động mạch có thể làm cản máu chảy về tim và bao tử nên cơ thể cảm thấy đau nhức.

6. ĐIỀU NÊN LÀM

Trước tiên, đừng nên lo sợ hoặc hoang mang. Nếu bạn cảm thấy mình có nguy cơ đau tim thì hãy đến bác sĩ để được khám.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Warnings That a Heart Attack is Coming)

 Triệu Chứng Đột Quỵ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/chung-ot-quy.html
 Triệu Chứng Alzheimer – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/10/trieu-chung-benh-alzheimer.html
 Ăn Vặt – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/an-vat.html
 Ngăn Ngừa Ung Thư – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/ngan-ngua-ung-thu.html
 Aspirin Kỳ Diệu – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/aspirin-ky-dieu.html
 Thực Phẩm Giàu Dưỡng Chất – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/09/thuc-pham-giau-duong-chat.html
 Thực Phẩm Gây Dị Ứng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/12/thuc-pham-de-gay-di-ung.html
 Liệu Pháp Thực Phẩm – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/tri-au-nhuc-bang-thuc-pham.html
 Cách Giảm Nguy Cơ Ung Thư – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/01/7-cach-giam-nguy-co-ung-thu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment