Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

TRIỆU CHỨNG ALZHEIMER

Bệnh Alzheimer làm suy yếu não, làm cho thay đổi suy nghĩ, lý luận và cư xử. Ước tính có tới 5,4 triệu người Mỹ bị bệnh này, thường phổ biến ở những người 65 tuổi trở lên, nhưng vẫn có thể xảy ra ở những người ngoài 30, 40 và 50 tuổi. Không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, nhưng ngày nay, có nhiều cách điều trị và hỗ trợ cho các bệnh nhân Alzheimer, đặc biệt là nếu bệnh được phát hiện sớm.

Hội Alzheimer (www.alz.org) đã đưa ra 10 triệu chứng có thể xác định bệnh Alzheimer hoặc dạng loạn trí khác. Danh sách này không thay thế cho sự tư vấn, nhưng cung cấp thông tin hữu ích để có thể hỏi bác sĩ.

1. TRÍ NHỚ

Trí nhớ thay đổi khiến ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Mỗi chúng ta đều bị suy giảm trí nhớ vào một lúc nào đó. Chẳng hạn, chúng ta có thể quên tên ai đó nhưng lại nhớ sau đó. Tuy nhiên, nếu việc suy giảm trí nhớ tái diễn và ảnh hưởng hoạt động hàng ngày – chẳng hạn, quên đường về nhà, hoặc hỏi đi hỏi lại một câu hỏi, rất có thể đó là triệu chứng của trí nhớ bị tổn thương.

2. XỬ LÝ

Cảm thấy khó khăn hoạch định hoặc giải quyết vấn đề. Bị “quá tải” công việc là chuyện bình thường. Nhưng nếu những công việc tương tự như làm một việc mình ưa thích mà khó hoàn tất, đó có thể là triệu chứng liên quan sức khỏe trí óc.

3. NHIỆM VỤ

Khó hoàn tất nhiệm vụ quen thuộc. Nhiều người bỗng dưng khó sử dụng bộ điều khiển ti-vi (rờ-mốt). Nhưng nếu một nhiệm vụ đơn giản như vậy mà khó thực hiện thì rất nên tới bác sĩ để khám ngay.

4. LẦM LẪN

Lầm lẫn thời gian hoặc nơi chốn. Thi thoảng, chúng ta có thể quên nhưng rồi lại nhớ, đó là bình thường. Bệnh Alzheimer có thể ảnh hưởng một phần não liên quan quá trình định hướng thời gian và nơi chốn, thế nên khó định hướng hoặc không nhớ rõ thời gian, nơi chốn. Người bị bệnh Alzheimer có thể mất cảm giác về thời gian và nơi chốn.

5. THỊ LỰC

Rối loạn thị lực về hình ảnh và không gian mà không rõ nguyên nhân. Nhiều người có vấn đề về thị lực liên quan các bệnh về mắt như chứng tăng nhãn áp (glaucoma) hoặc chứng đục nhân mắt (cataract). Vấn đề thị lực liên quan bệnh Alzheimer bao gồm việc khó đọc và khó hiểu những gì được viết ra, cũng khó xác định khoảng cách. Một số người bị bệnh Alzheimer có thể đi qua một tấm kiếng mà cứ tưởng gặp ai đó, hoặc khó xác định giờ trên đồng hồ. Cần tới bác sĩ khám để xác định vấn đề.

6. LỜI NÓI

Khó nói hoặc viết. Tùy trường hợp, nhiều người có thể khó khăn tìm được từ đúng để diễn tả, đôi khi căng thẳng, có thể mất khả năng nói. Đối với người bị bệnh Alzheimer, việc giao tiếp hàng ngày có thể rất khó và cứ lặp đi lặp lại, không thể theo dõi nói chuyện lâu, quên trước quên sau, rất khó diễn tả.

7. QUÊN LÃNG

Đặt vật dụng sai vị trí và rồi không biết nó ở đâu. Chẳng hạn quên chìa khóa. Người bị bệnh Alzheimer rất có thể thường xuyên quên như vậy, và rồi lại đổ lỗi cho người khác. Khi tìm được vật mất, người bị bệnh Alzheimer cũng không còn nhớ đã thấy nó ở đâu.

8. PHÁN ĐOÁN

Phán đoán sai lạc. Bệnh Alzheimer có thể ảnh hưởng vùng não liên quan sự quyết định và phán đoán. Người bị bệnh Alzheimer có thể giao tiền cho người lạ mà không biết, cũng chẳng nhớ mình đã làm gì hoặc nói gì nữa.

9. KHÉP KÍN

Tránh né công việc và các hoạt động xã hội. Vào một lúc nào đó, mỗi chúng ta sẽ muốn sống khép kín, tránh né công việc và không thích đông người. Những người bị bệnh Alzheimer có thể tránh né mọi hoạt động mà họ từng yêu thích, như thú tiêu khiển hoặc thể thao. Họ sợ thay đổi, muốn tránh né người khác. Họ có thể quên các chi tiết về điều mà họ từng làm, và họ không nhớ cách chơi một trò chơi bình thường.

10. TÍNH KHÍ

Thay đổi tính khí và tính cách. Sự thay đổi bề ngoài có thể khiến họ căng thẳng và khó chịu. Tính khí và tính cách thay đổi ở những người bị bệnh Alzheimer như lẫn lộn, nghi ngờ, trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, nhất là nếu những điều này xảy ra trong những trường hợp bình thường. Những người bị bệnh Alzheimer cũng có thể bối rối nếu họ ra khỏi vùng an toàn của họ, và họ có thể chú trọng việc muốn được cảm thấy an toàn.

MAUREEN PRATT

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ nguyên tác Alzheimer’s Signs)

 Triệu Chứng Đột Quỵ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/chung-ot-quy.html
 Alzheimer Tâm Linh – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/02/trieu-chung-alzheimer-tam-linh.html

7 ĐIỂM SỨC KHỎE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment