Năm cũ vừa qua và năm mới vừa tới. Ngày đầu
năm là ngày cầu cho hòa bình thế giới, đặc biệt là mừng kính Thánh Mẫu Thiên
Chúa.
Bà Êlidabét là người đầu tiên tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:42-43) Sau vài thế kỷ, Giáo Hội mới tuyên bố tín điều Mẹ Thiên Chúa, qua Công Đồng Êphêsô năm 431.
Điều đó trở nên tiêu chuẩn của giáo
huấn Giáo Hội về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Khi bế mạc công đồng, nhiều người đã diễu
hành và hô to: “Tôn vinh Đấng Theotókos!” Truyền thống đó còn
tới ngày nay. Trong chương nói về vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội, Hiến chế về Giáo Hội (Dogmatic Constitution on the Church,
Công đồng Vatican II) đã 12 lần tuyên tín Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa,” tiếng
Hy Lạp là Theotókos [θeoˈtokos]
– Người Mang Thiên Chúa.
ĐGH Phaolô VI cho biết trong Hiến chế Tín Lý
về Giáo Hội “Lumen Gentium” (11-1964): “Vì
đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha
trong đền thánh, và cùng đau khổ với con mình chết trên thập giá. Đức Maria đã
cộng tác rất đặc biệt trong công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục,
nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho
các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người thật là Mẹ chúng ta.”
(số 61)
Bản chất làm mẹ là nguyên lý nội tại soi rọi
mọi lĩnh vực sống người phụ nữ, gắn liền với nữ tính, được hình thành và phát
triển theo chiều hướng nữ tính ngay khi sự sống được hình thành trong cung lòng
người mẹ. Làm mẹ là một bản năng, đồng thời là một thiên chức kỳ diệu và cao
quý trong hai thiên chức đặc thù của nữ giới: Làm vợ và làm mẹ. Gia đình sẽ hạnh
phúc nếu người mẹ/vợ có 7 đức tính này: Khiêm Nhường, Thật Thà, Kín Đáo, Vị Tha,
Chung Thủy, Biết Điều, Lạc Quan.
Sau nhiều năm nghiên cứu tâm lý con người – đặc
biệt là nữ giới, nhà phân tâm học Helene Deutsch (1884-1982, Ba Lan, đồng
nghiệp với Sigmund Freud) nhận định: “Nơi
con người, không một yếu tố nào đứng biệt lập khỏi yếu tố khác. Vì thế, con người
là một hữu thể quá phức tạp nhưng đầy hấp dẫn.”
PHÚC CỦA CON – ĐỨC CỦA MẸ
Phàm nhân chẳng đáng gì, chỉ là bụi tro, nhưng
lại hơn muôn loài, đặc biệt là có BA NGƯỜI MẸ. Chúng ta mất Người Mẹ thứ nhất:
Bà Tổ Êva. Thiên Chúa lại ban cho chúng ta Người Mẹ thứ nhì: Đức Maria. Không
chỉ vậy, Ngài còn ban cho chúng ta Người Mẹ thứ ba: Mẹ riêng của mỗi người. Kế
hoạch của Thiên Chúa kỳ diệu, thế nên người ta xác định: “Phúc đức tại mẫu.”
Về tâm linh, ân phúc chúng ta được tận hưởng
nhờ lời “xin vâng” của Đức Mẹ: Ngôi Hai nhập thể và khởi đầu công trình cứu độ.
Đúng là con cái có phúc ấm nhờ đức độ của người mẹ – cả đời thường và tâm linh.
Trình thuật Lc 2:16-21 đề cập Thánh Mẫu Thiên Chúa, một phụ nữ vốn dĩ là một
thôn nữ bình thường, nhưng lại có đức tính nhu mì khác thường, đức độ khô lường.
Thánh sử Luca cho biết rằng các mục đồng liền
hối hả ra đi sau khi nghe thiên thần báo Tin Vui kỳ lạ. Đến nơi, họ gặp Đức
Maria, Đức Giuse, cùng với Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Tận mắt tỏ tường, sự thật
minh nhiên chứ không mơ hồ hoặc mộng mị. Chắc chắn lúc đó các mục đồng vui vẻ nói
cười với nhau và thích thú lắm.
Ai cũng biết rằng họ là dân nghèo, khi thấy hoàn
cảnh của Thánh Gia như thế thì họ cũng cảm thấy được an ủi và vui sống kiếp
nghèo. Vâng, họ chỉ là những người chăn thuê nhưng họ thật diễm phúc vì được
trở nên các chứng nhân đầu tiên về sự kiện trọng đại: Con Chúa giáng sinh. Vấn
đề quan trọng là các mục đồng đã TIN thật lòng, và họ tin đúng. Nếu là chúng
ta, chắc gì chúng ta đủ lòng tin như họ!
Sau khi mục sở thị, các mục đồng đi kể lại
điều đã được thiên thần nói về Hài Nhi được “bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc
2:12) Trẻ em hoàn toàn đơn sơ, chân thật, có sao nói vậy, không giấu giếm, lọc
lừa,... Nghe các mục đồng thuật lại “chuyện lạ,” ai cũng ngạc nhiên vì chuyện
quá lạ lùng, ngoài sức tưởng tượng. Nhưng họ cũng tin lời kể của đám trẻ nghèo
kia. Những lần Đức Mẹ hiện ra với các trẻ em, người ta chẳng tin lời chúng, cho
rằng chúng “có vấn đề” về thị lực hoặc trí tuệ. Nhưng chẳng hề sai khi người ta
khuyên: “Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ.”
Người Mẹ Trẻ Maria có động thái rất lạ: “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ
lại trong lòng.” Đức Mẹ kín đáo, ít nói, chỉ cười thôi. Thật vậy, khi hiện
ra với cô bé Bernadette ở Lộ Đức (1858), Đức Mẹ cũng hay cười. Bernadette hỏi
mãi rồi Đức Mẹ mới xác nhận Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm.
Mọi sự tỏ tường, các mục đồng ra về, họ vừa
đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe,
đúng như đã được thiên thần báo trước với họ. Thánh sử Luca cho biết: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến
lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, đó là tên mà sứ
thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.” Mọi
điều diễn biến hoàn toàn ứng nghiệm đúng như lời tiên tri đã nói từ xa xưa.
Người Mẹ lạ lùng. Tình Mẹ kỳ diệu. Khi Thiên
Chúa muốn Con Một Giêsu giáng sinh làm người, Ngài biết đường đời gian nan lắm
nên Ngài đã tiền định cho Con Trẻ một Người Mẹ đặc biệt. Chúng ta thực sự hạnh
phúc vì cũng được tiền định làm con cái của Đức Maria – Thánh Mẫu Thiên Chúa.
MẸ LÀ TẤT CẢ CỦA CON
Có mẹ là có niềm vui và được an toàn, vì mẹ
là tất cả, là “sợi dây” mong manh nhưng vững bền, khả dĩ đưa cánh diều đời con cao
vút bay lên. Không ai hiểu hết Tình Mẫu Tử. Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa tạo nên
Người Mẹ!
Chính Con Thiên Chúa đã sống trong sự che chở
và đùm bọc của Đức Mẹ suốt 30 năm trời. Biết bao tác phẩm nghệ thuật diễn tả
Tình Mẹ nhưng chẳng bao giờ đầy đủ, không thể trọn vẹn, chỉ có thể diễn tả một
phương diện nào đó. Mỗi người mỗi cách nhìn, các danh nhân diễn tả Tình Mẹ theo
cảm nhận riêng: “Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ,” (Florian) “Trên môi và
trong trái tim đứa con: Mẹ chính là tên của Thượng Đế,” (Thackeray) “Tương lai
của con là công trình của mẹ,” (Napoléon I) “Trái tim người mẹ là kiệt tác của
Thượng Đế,” (Gretry) hoặc “Lòng mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự khoan dung.”
(Balze)
Người cha và người mẹ có một vị trí riêng, nhưng
vị trí của mẹ luôn đặc biệt, hầu như không thể thay thế. Có lẽ thấy Tình Mẫu Tử
quá đặc biệt và kỳ diệu mà thi sĩ Chế Lan Viên đã xác định: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ; Đi hết đời,
lòng mẹ vẫn theo con.” (thi phẩm “Con Cò”) Con vui thì mẹ mừng, nhưng con
đau một thì mẹ đau mười. Còn mẹ thì hạnh phúc, nhưng mất mẹ thì bất hạnh, bởi vì
mồ côi cha là một lần mồ côi, nhưng mồ côi mẹ là bảy lần mồ côi. Tục ngữ Việt
Nam nói: “Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ
liếm lá đầu đường.” Mồ côi mẹ khổ thật!
Chắc chắn phàm ngôn không thể diễn tả đủ về
Tình Mẫu Tử. Có thể ví Tình Mẹ như nốt trầm trong “bản giao hưởng cuộc đời,” nốt
trầm ít được lưu ý nhưng lại rất quan trọng, vì đó là nốt làm nền để làm nổi
bật những nốt khác, làm nổi bật cả giai điệu. Cố NS Y Vân đã cảm nhận sâu sắc
về Tình Mẹ trong ca khúc Lòng Mẹ. Ông so sánh: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, Tình Mẹ tha thiết như dòng
suối hiền ngọt ngào…”
Đức Chúa đã phán với ông Môsê từ xa xưa: “Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi
chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này: Nguyện Đức Chúa chúc lành
và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương
anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là
đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho
chúng.” (Ds 6:22-27) Lời chúc bình an luôn được sử dụng nhiều, cả trong tôn
giáo lẫn xã hội. Lời chúc lành đẹp nhất chắc hẳn là lời chúc bình an: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
(Lc 2:14)
Cuộc sống trần gian luôn thiếu bình an – cả
tinh thần và thể lý, thế nên chúng ta luôn tha thiết cầu xin ơn bình an: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần
gian, xin ban bình an cho chúng con.” Ai cũng biết rằng chiến tranh rất
nguy hiểm, vì thế mà cần có hòa bình – dù về phương diện xã hội hoặc tinh thần,
nhưng phải là hòa bình đích thực. Nền hòa bình trọn vẹn phải được an toàn cả về
thể lý lẫn tinh thần. Một đất nước không xảy ra chiến tranh bom đạn được cho là
có hòa bình, nhưng rất có thể đó chỉ là hòa bình giả tạo, bởi vì nhân dân còn
bất an về nhiều mặt, công lý không nghiêm minh thì không thể có hòa bình đích
thực, dân chúng không an sinh.
Thánh Vịnh gia đã cầu xin: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối
Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.” (Tv 67:2-3) Ước nguyện là một
dạng cầu chúc, ước cho chính mình và mong cho người khác, và cũng là lời cầu
nguyện: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy
Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài! Ước gì muôn nước reo hò mừng
rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo
đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ
Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.” (Tv 67:4-6)
Chúng ta đã cầu trời cao đổ sương thánh xuống
và xin ngàn mây mưa Đấng Cứu Tinh. Chúng ta đã thỏa nguyện trong đêm Con Chúa giáng
sinh: “Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái:
Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.” (Tv 67:7) Đấng Emmanuel đang ở
với chúng ta. Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó, chỉ hưởng thụ mà quên cầu
nguyện. Người ta rất dễ ngủ quên trong chiến thắng, vì thế vẫn phải luôn tỉnh
thức và cầu xin: “Nguyện Chúa Trời ban
phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8)
Tất cả các lời tiên tri đã ứng nghiệm chính
xác: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách,
Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến THỜI SAU HẾT,
tức là TRONG NHỮNG NGÀY NÀY, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con.” (Dt
1:1-2) “Những ngày này” không chỉ là Tuần Bát Nhật Giáng Sinh hoặc Mùa Giáng
Sinh, mà là thời đại chúng ta đang sống. Thế kỷ XXI là thế kỷ của khoa học tiến
bộ, đặc biệt về Internet, nhưng lại là thời viên mãn, thời cánh chung.
Thánh Phaolô cho biết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh
làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề
Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái,
Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba,
Cha ơi!” (Gl 4:4-6) Không gì có thể so sánh với niềm hạnh phúc đó. Thánh
Phaolô giải thích: “Anh em KHÔNG còn phải
là nô lệ nữa, nhưng là CON, mà đã là con thì cũng là NGƯỜI THỪA KẾ, nhờ Thiên
Chúa.” (Gl 4:7)
Hạnh phúc tăng theo cấp số nhân, vì chúng ta
chỉ là tội nhân đáng án tử mà lại được trắng án, đặc biệt hơn nữa là được phục
hồi nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, được làm con cái Chúa và được kế thừa di
sản thánh: “Người yêu đến nỗi cho chúng
ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3:1) Đó là sự thật rõ
ràng, không mơ hồ hoặc ảo tưởng, cũng chẳng là điều không tưởng.
Hiệp nguyện với Đức Mẹ, tín nhân hân hoan hòa
khúc Ngợi Ca Magnificat của Đức Mẹ và Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi để
cầu bình an cho thế giới, cho mọi dân nước, đặc biệt là cho quê hương Việt Nam yêu
dấu mau thoát ách quỷ thần.
Lạy
Thiên Chúa chí thánh, xin thương xót phận phàm nhân chúng con, xin gia ân tăng lực
để chúng con vững tin Ngài và hoàn tất việc phải làm. Xin tha thứ tội lỗi, biến
đổi chúng con, giúp chúng con can đảm bảo vệ công lý, và xin ban hòa bình đích
thực cho đời sống chúng con. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin nguyện giúp cầu thay và giúp
chúng con sống lời khuyên của Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu
Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Thánh Gia & Sự Thánh Thiện Trong Gia Đình
✽ Bí Quyết Tổ Ấm Của Thánh Gia
✽ Suy Tư về Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/12/suy-tu-ve-gia-inh.html
✽ Kinh Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/kinh-gia-inh.html
✽ Men Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/men-gia-inh.html
✽ Xác Định Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/ieu-gi-xac-inh-mot-gia-inh.html
✽ Gia Đình - Tế Bào Gốc – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/gia-inh-te-bao-goc.html
LÒNG MẸ – Y Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment