May mắn thay những ai còn Mẹ, nhưng bất hạnh
thay những ai không còn Mẹ. Nếu còn Mẹ, bạn đã làm gì cho Mẹ có chút niềm vui?
Thế nhưng bạn có bao giờ cảm ơn và xin lỗi Mẹ chưa? Nếu còn Mẹ, xin đừng làm Mẹ
khóc; nếu còn Cha, xin đừng làm Cha buồn! Cha mẹ rất quan trọng, chữ Hiếu rất
lớn, cả đời cũng chẳng thể nào đền đáp. Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con có
Cha và có Mẹ!
Có lẽ không ai lại không biết và cũng đã từng
hơn một lần ngâm nga ca khúc Lòng Mẹ nổi tiếng của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng
mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt
ngào…” Dù khi viết ca khúc này ông còn là một thanh niên, nhưng ông đã cảm
nhận sâu sắc với cả giai điệu và ca từ đều nhẹ nhàng, lắng đọng, đủ sức rung
động lòng người.
Và hẳn là rất nhiều người còn nhớ tập truyện
“Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 người con có hiếu) mà ngày xưa có dạy trong chương trình
học phổ thông. Đó là những tấm gương sáng về những người con biết yêu thương
cha mẹ. Thế nhưng trên đời này vẫn có những người con nhẫn tâm với chính các
đấng sinh thành và dưỡng dục mình. Kinh Thánh dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ.”
Còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không
gì bằng bất hiếu.” Thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm nhiều!
Mùa Hạ về, những giọt mưa đầu mùa làm dịu mát
cơn oi nồng, và đặc biệt là tháng Năm có ngày dành cho những người mẹ, và cũng
là để nhắc nhớ những người con về LÒNG HIẾU KÍNH dành cho đấng sinh thành của
chính mình… Thật vậy, ca dao ví von:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
HIẾU TỬ
1. Người Mẹ và Đứa Con Tật Nguyền – Đỗ
Minh Triệu sinh năm 1968, bị mắc chứng loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy) quái
ác làm teo cơ bắp từ năm 10 tuổi, không thể ngồi lâu, chỉ còn xử dụng được một
ngón tay duy nhất để gõ phím và bấm chuột. Anh vẫn phải để cho mẹ chăm sóc,
thay quần áo, tắm rửa, gội đầu, đút cơm, thay tã lót cho như một em bé sơ sinh.
Anh cảm thấy mình là đứa con được mẹ thương yêu nhất trần gian. Nhiều đêm bệnh
hành hạ không ngủ được, anh càng thương mẹ khi nhìn mẹ tóc bạc da mồi nằm
giường bên đang thiếp ngủ mệt, sau một ngày vất vả lo cho con.
Bao lần anh nghĩ và hiểu là nếu anh chết đi,
mẹ sẽ đau buồn lắm. Nhưng nỗi buồn của mẹ rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Hằng
ngày mẹ phải thấy anh sống tật nguyền đau đớn, hình hài chẳng khác bộ xương
cách trí... Mẹ biết con đã nghĩ đến cái chết, nên bà thường hay nói với anh: “Con
là lẽ sống của mẹ, cả đời mẹ được chăm sóc con như một em bé, mẹ rất hạnh phúc.
Con cần can đảm sống để đối diện, thi gan, thử thách với bệnh tật. Con hãy nói
với Chúa: Lạy Chúa, này con đây. Con đến để thực thi Ý Chúa!”
Anh thương mẹ và vâng lời. Anh cảm thấy mình tồn
tại trên đời này hơn 40 năm qua cũng là một phép lạ, một sự tỏ rõ quyền năng
của Đấng Tạo Hóa đã ban sự sống cho con người. Anh nói: “Chúa chưa muốn đem
tôi ra khỏi thế gian này, tôi còn phải sống bằng cách này hay cách khác trong
khổ đau.”
2. Lòng Mẹ – Sinh con được 17 tháng
tuổi, gia đình mới phát hiện những triệu chứng bất thường của Toàn. Người mẹ
cuống cuồng mang con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh nhưng các bác sĩ đều bó
tay vì không thể chẩn đoán em bị bệnh gì, chỉ biết cơ chân của em không bình
thường cần phải tập vật lý trị liệu. Mỗi tuần ba lần, người mẹ kiên trì chở con
bằng xe đạp từ Q.8 đến trung tâm phục hồi chức năng trẻ bị bại liệt ở đường Bà
Huyện Thanh Quan (Q.1) để tập vật lý trị liệu.
Bác sĩ chẩn đoán Toàn bị thoái vị màng tủy,
không thể đi lại được. Người mẹ Mai Thị Ba đã cạn nước mắt vì thương con. Nhìn
con thơ mà đau lòng mẹ, chị không biết rồi tương lai con mình sẽ đi về đâu với
đôi chân tật nguyền: “Với tôi, mọi thứ lúc ấy như mất hết, nhìn đứa con chưa
biết nói đã chịu tật nguyền, lòng tôi quặn thắt.”
Toàn chỉ bị liệt chân còn não bộ vẫn bình
thường. Trường học không nhận hồ sơ và bảo đến trường khuyết tật. Chị như muốn
buông xuôi. Nhưng nghe tiếng con: “Mẹ ơi, cho con đi học giống các bạn đi,
con muốn đi học.” Chị cương quyết đi năn nỉ hiệu trưởng cho con đi học. Mỗi
sáng đưa con đến trường, chị xin ở lại đợi con. Giờ ra chơi chị xin vô lớp đưa con
đi vệ sinh hay nói chuyện với con, chiều lại đưa con về. Chuyện cứ vậy. Nhìn
con ngồi ngặt ngoẹo nơi góc nhà mà chị không cầm được nước mắt.
Không phụ lại công lao hy sinh to lớn của mẹ,
tuy khuyết tật về hình thể nhưng ý chí và nghị lực của Toàn được thầy cô, bạn
bè, hàng xóm rất nể phục và yêu thương. Toàn học rất giỏi môn Tin học và Anh
văn. Đó là phần thưởng vô giá của người mẹ.
Ngày khai giảng năm học mới đây, thầy cô và
học sinh trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cùng mọi người tham dự đều lặng đi
vì xúc động khi em La Thành Toàn (lớp 10/10) được mẹ bế lên lễ đài nhận phần
thưởng của Hội Khuyến học. Đôi chân của em chính là người mẹ, dù người mẹ này đang
phải một nách nuôi sáu đứa con, một mẹ già và người chồng tàn phế.
3. Bà Mẹ Mù Lòa – Khi đi qua Trung tâm
thương mại Tx Sa Đéc (Đồng Tháp), người ta thấy một người phụ nữ mù ngồi ở góc
phía trái chân cầu thang, cầm chiếc ca nhựa chờ người qua lại bố thí. Bà ăn xin
nhưng không hề cất tiếng van xin, chỉ ngước khuôn mặt lên ngóng chờ tiếng chân
người qua lại, nét mặt như van nài. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi ngày bà
đến đây từ 8g30 đến 21g, bà lại lọ mọ khua gậy dò đường về nhà. Khổ thay chồng
bà lại bị tật nguyền. Đó là bà Nguyễn Thị Gấu (55 tuổi), đã ăn xin hàng chục
năm nay để nuôi 2 con gái vào đại học.
Lúc đầu, vợ chồng bà sống nhờ vào cha mẹ hai
bên và sự đùm bọc của xóm giềng. Rồi lần lượt các con ra đời, cảnh nghèo càng
túng quẫn thêm. Bà nói: “Tôi mù, ổng không có khả năng lao động, chỉ còn
cách đi xin, nhờ vào lòng hảo tâm của người khác mà sống.”
Ý thức về hoàn cảnh gia đình, không phụ lòng
cha mẹ, các con bà đều học hành chăm chỉ. Cả ba chị em Phạm Thị Hương, Phạm Thị
Thùy Lan và Phạm Thị Thùy Dung đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Thầy cô và
bạn bè đều yêu mến. Các em quyết phấn đấu học giỏi để thoát khổ.
4. Gánh Nước Nuôi Con – Hơn 30 năm qua,
một tay của chị Nguyễn Thị Xuyến (xã Phương Sơn) bị tê liệt cùng với việc giảm
trí nhớ, nhưng phụ nữ này vẫn cặm cụi ra chợ từ mờ sáng để gánh nước thuê nuôi
con trai ăn học, dù chỉ kiếm được dăm bảy ngàn. Gương mặt chị khắc khổ vì gian
truân, dù mới tuổi 40, căn chòi như chứa đầy nỗi ưu tư khắc khoải.
Chị là “gái lỡ thì,” chị “xin” được một đứa
con từ một người bán kem dạo khi chị 26 tuổi. “Cuộc tình dạo” của chị khá nổi
tiếng ở phố Sàn. Chị ảnh hưởng hơi nóng của bom dội xuống nhà nên chị thành đứa
trẻ ngẩn ngơ, không tinh nhanh như bạn cùng thời. Cả não và nửa bên người trái của
chị bị ảnh hưởng từ lúc chị 3 tuổi. Nhiều năm chị phải bán thân bất toại.
Chị thổ lộ: “Tôi và bố cu Kiên không hề
biết nhau. Thấy anh ấy hiền lành, nghe mọi người xui đến xin một đứa con.”
Và chị “xin” thật. Mới đầu, anh bán kem không đồng ý vì sợ có chuyện không hay
xảy ra với cô gái bệnh tật. Anh này đã có vợ và hai con trai. Nhưng rồi anh
cũng đồng ý “biếu không” chị Xuyến một đứa con.
Một ngày như mọi ngày, sáng từ 3 giờ, chị đi
bộ gần 2km ra chợ, gánh nước thuê, làm tất cả mọi việc người ta thuê. Hôm nào
cũng vậy, còn gạo trong nhà, chị nấu cơm để sẵn cho con trai thức dậy ăn và đi
học. Ước mong của chị đơn giản chỉ là con trai có đủ sách vở, có bộ quần áo mới
trong năm học mới, đủ ăn ngày hai bữa.
5. Cõng Con Đi Học – Sinh ra trong một
gia đình nông dân nghèo ở xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An), nhưng chị Nguyễn Thị
Hợi mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 1 tuổi. Tuổi thơ buồn đi qua cùng những
gánh hàng của ông bà ngoại. Cuộc đời không ưu ái chị thì chị phải tự tìm lối đi.
Chị có mối tình thời áo trắng với anh trai làng Lê Văn Tư, rồi họ cưới nhau và
có 3 con.
Nhưng hình như niềm vui nào cũng ngắn ngủi. Anh
Tư vào cõi vĩnh hằng sau một cơn tắc nghẽn mạch máu não, không một lời trăng
trối. Con trai giữa là Lê Văn Đông bị teo chân và liệt từ lúc 1 tuổi. Thời ấy
tất cả bệnh viện ở TP Vinh đều không chữa được. Các bác sĩ kết luận cháu bị
liệt chân phải và teo cơ. Họ định đưa con ra Hà Nội, nhưng thời ấy nếu bán cả
ngôi nhà chắc cũng không đủ tiền trang trải. Họ đành chấp nhận số phận.
Đường từ nhà tui ra trường học xa 15 km. Lầy
lội và bùn sình. Nhất là vào mùa mưa lũ. Chị vẫn kiên trì hằng ngày cõng con đi
học. Đưa con vào trường rồi chị lại ra ruộng mò cua, bắt ốc, chờ tiếng trống
tan trường thì chị lại cõng con về. Những hôm trời mưa tầm tã, vừa cõng con mà
chị vừa khóc vì tủi thân. Chị bộc bạch: “Thương mình một thì thương con
mười. Có lúc mò cua trên đồng, tôi đã ngẩng mặt lên trời hỏi cao xanh rằng sau
này con tui sẽ ra sao? Tui rồi cũng có tuổi, có theo suốt nó cả cuộc đời được
đâu. Nhưng ngẫm lại ở đời, đôi khi có những nhân quả rất đáng ngẫm ngợi. Cuộc
đời đã không cho đứa con của chị đôi chân lành lặn thì bù lại đã cho con một
nghị lực, khát vọng sống mãnh liệt và học giỏi.”
NGHỊCH TỬ
Có những chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ. Tháng
11-2010, CA Hòa Bình bắt giữ Lường Văn Nhiễu, 35 tuổi, vì tội GIẾT MẸ RUỘT Đinh
Thị Thắm tại nhà ở huyện Minh Châu do mâu thuẫn. Nhiễu gây án và tạo hiện
trường giả rồi bỏ trốn, nhưng không thoát được “lưới trời lồng lộng.” Ngày 28-11-2010,
Võ Văn Vũ (17 tuổi), ở xã Thừa Đức, huyện Bình Định, Bến Tre, bị CA bắt giữ. Vũ
cần tiền tiêu xài nên xin tiền mẹ, không được đáp ứng thỏa mãn nên đã CỐ Ý SAT
HẠI MẸ là chị Thương. Vũ mua a-xít về, khi mẹ đang ngồi xem ti vi thì Vũ tạt vô
mẹ. Thấy mẹ kêu la vì đau thì Vũ lại lấy khăn bịt miệng, siết cổ mẹ cho đến
chết, rồi cạy tủ lấy tiền trốn đi.
Bà Yến đã 70 tuổi mà vẫn phải còng lưng làm
việc kiếm đôi đồng, bà ngồi bán nước chè (trà) ven đường từ sáng sớm đến tối
mịt. Khách đến uống nước đều có cảm tình với bà lão chủ quán nước vì thấy bà vui
vẻ, đon đả, nhưng tiềm ẩn trong nụ cười của bà luôn đượm buồn. Khi không có
khách thì bà lại quệt nước mắt luôn. Chồng bà đã về chầu tiên tổ. Bà có 3 người
con trai là Thắng, Long và Minh, nhưng đã chẳng giúp gì cho bà lại còn đang tâm
HANH HẠ bà đủ điều. Thắng thì cờ bạc, Long thì ma túy và là mạc-rô của đám gái
mại dâm, còn Minh có máu “anh chị” nên sẵn sàng nói chuyện bằng “đấm đá.” Minh
bị HIV nên đã chết, còn lại hai con trai. Bà Yến ở với vợ chồng Long.
Vào mùa mưa, quán nước vắng khách, bữa cơm
trở nên đạm bạc. Thấy vậy, Long hất tung mâm cơm và lên giọng: “Cho tôi ăn
cơm chó à? Đừng khinh thằng này không có tiền mà đối xử thế nào cũng được nhé.
Ít nhất cơm cũng phải có miếng thịt mới nuốt được chứ toàn rau cho lợn thế à?”
Cô con dâu “hùa” vào: “Tiền cũng chẳng làm được gì. Khó quá thì bán nốt căn
nhà này đi. Đời được mấy tí đâu.” Rồi chúng lấy sổ đỏ nhà lúc nào bà không
biết, bà ngã ngửa khi biết nhà đất đã thuộc quyền người khác!
Hai nghịch tử đều vào tù. Bà chỉ còn vuông
nhà chỉ đủ chỗ ngả lưng, không đủ hai người nằm. Tuổi thất thập cổ lai hy rồi
mà bà Yến vẫn không được chút thảnh thơi cả tinh thần lẫn thể xác! Ngày nay,
qua các phương tiện truyền thông, chúng ta vẫn thấy có những nghịch tử đáng lên
án!
VĨ NGÔN
Tình mẹ bao la và diệu kỳ, không ai khả dĩ
hiểu hết. Quả thật, “cánh tay mẹ là câu nói vĩnh cửu” (Chatea Briand) và “chỗ
trú ẩn chắc chắn nhất là lòng mẹ.” (Florian) Trong thi phẩm “Con Cò,” thi sĩ Chế
Lan Viên xác định: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn
theo con.”
Người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống tình yêu và
hạnh phúc, còn người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Mẹ và Cha có
cái “khác nhau” nhưng đó là điểm dị-biệt-tương-đồng trong một
tổng-thể-yêu-thương-kỳ-diệu.
Còn cha mẹ là hạnh phúc lớn lao, mồ côi cha
mẹ là nỗi bất hạnh khôn tả. Cha mẹ không thể sống đời với chúng ta. Chưa làm
vui lòng các ngài thì cũng đừng làm buồn lòng các ngài, dù chỉ là một động thái
nhỏ bất xứng. Hãy biểu hiện lòng yêu thương và hiếu kính với song thân trước
khi quá muộn vậy!
Có mẹ thật hạnh phúc, mẹ là tất cả, mẹ biết
tất cả, mẹ hiểu tất cả, dù đứa con không nói gì. Mẹ biết rõ đứa con nào như thế
nào, tính tình ra sao. Với người mẹ trần gian còn như vậy, huống chi Người Mẹ
tâm linh. Phàm nhân chúng ta càng hạnh phúc hơn vì có một Hiền Mẫu là Đức
Maria, vì chính Chúa Giêsu đã trao phó chúng ta cho Đức Mẹ chăm sóc, với người
đại diện là Thánh Gioan: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ.” (Ga 19:26) Nhưng
đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm với Đức Mẹ vì Chúa Giêsu cũng trao
phó Đức Mẹ cho chúng ta: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19:26)
Chúng ta cùng học với Thánh Gioan Phaolô II về
việc tận hiến cho Đức Mẹ: TOTUS TUUS – Tất Cả Nhờ Đức Mẹ.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM tháng 05-2020, Dòng Mẹ
Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/12/gia-inh.html
✽ Kinh Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/kinh-gia-inh.html
✽ Men Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/men-gia-inh.html
✽ Xác Định Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/ieu-gi-xac-inh-mot-gia-inh.html
✽ Môi Trường Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/07/moi-truong-gia-inh.html
✽ Gia Đình & Hôn Nhân Đồng Giới
https://tramthienthu.blogspot.com/2015/06/gia-inh-va-hon-nhan-ong-gioi.html
✽ Gia Đình, Tế Bào Gốc – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/gia-inh-te-bao-goc.html
✽ Kinh Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/kinh-gia-inh.html
✽ Men Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/men-gia-inh.html
✽ Xác Định Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/ieu-gi-xac-inh-mot-gia-inh.html
✽ Môi Trường Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/07/moi-truong-gia-inh.html
✽ Gia Đình & Hôn Nhân Đồng Giới
✽ Gia Đình, Tế Bào Gốc – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/gia-inh-te-bao-goc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment