CON CÁI TRUNG
THỰC SỐNG TỐT HIỀN NGOAN
Gia đình là tế bào của xã hội, nhỏ mà cần
thiết. Có thể là gia đình “nhỏ” với vợ chồng và con cái (một hoặc nhiều), cũng có
thể là gia đình “lớn” với tam đại hoặc tứ đại đồng đường, nhưng tất cả vẫn cơ
bản là vợ chồng và con cái. Gia đình rất quan trọng vì là “cái nôi” của tương
lai – đối với xã hội và Giáo Hội. Đối với xã hội, gia đình là nơi sản sinh nhân
tài cho đất nước; đối với Giáo Hội, gia đình là nơi chuẩn bị cho Thiên Chúa một
dân tộc hoàn hảo.
Nhà không cần rộng lớn hoặc sang trọng, mà
cần có đầy ắp yêu thương và tiếng cười. Như vậy mới có thể gọi là tổ ấm, nếu không
thì chỉ là tổ lạnh. Hãy nghe Kinh Thánh nhận định: “Con đàn cháu đống của phường vô đạo nào có làm nên tích sự gì: Chúng
như phát xuất từ những chồi hoang, rễ ăn không sâu, gốc bám không chặt!”
(Kn 4:3) Nhà dột từ
nóc, quả là không sai chút nào!
Gia đình cũng không nhất thiết là mang dòng
máu của ai, mà quan trọng là yêu thương và chia sẻ. Những người không cùng
huyết thống nhưng biết quan tâm lẫn nhau, đó chính là gia đình. Cùng huyết
thống, cùng dòng máu, cùng là thân tộc, cùng một dân tộc,… nhưng ghen ghét nhau
và tìm cách hại nhau, thế thì KHÔNG THỂ LÀ GIA ĐÌNH, và còn TỆ HƠN KẺ THÙ.
Chắc chắn rằng trong cuộc sống, người ta có
thể chọn lựa nhiều thứ cho mình, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ hoặc nơi
sinh. Dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là cha mẹ của mình. Cha mẹ là khởi đầu
một gia đình. Mà gia đình chính là tế bào cơ bản của xã hội, được mệnh danh là
Tổ Ấm, là Chiếc Nôi Hạnh Phúc. Tổ ấm nghĩa là không được lạnh, không được nóng,
mà nhất thiết phải ấm. Việt ngữ thật tuyệt vời!
Mẹ Teresa Calcutta đã nghiêm túc đặt vấn đề: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế
giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.” Bất cứ một tổ chức nào
cũng cần có quy luật để điều chỉnh, luật vị nhân sinh, chứ nhân sinh bất vị
luật. Tổ ấm cũng có nguyên tắc cơ bản làm nền tảng – gọi là Gia Phong. Tất cả
khởi đầu từ đó: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
CÔNG LAO
Khi ngắm nhìn hang đá giáng sinh, chúng ta
thấy một gia đình nghèo nàn nhưng hạnh phúc. Nhìn vào hang đá, chúng ta cũng
nhớ công ơn cha mẹ như biển trời lai láng, khôn ví và khôn tả. Thật vậy, ca dao
Việt Nam đã mô tả ơn nghĩa mà cha mẹ dành cho con cái, đơn giản mà sâu sắc:
Ơn
cha nặng lắm, cha ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang
Đặc biệt nói riêng về người mẹ, vì người mẹ
luôn âm thầm chịu đựng những sự khó nhọc:
Thương
thay chín chữ cù lao
Tam niên nhũ bộ, biết bao nhiêu tình!
Cù lao là gì? Đó là chín đức tính – Sinh,
Cúc, Phủ, Dục, Súc, Trưởng, Cố, Phục, Phúc (sinh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ,
cho bú, nuôi lớn, trông nom, chăm sóc, che chở). Tuy đề cập người mẹ nhưng cũng
ngụ ý nói về người cha. Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà “coi nhẹ” Tình Cha,
vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người Cha khởi đầu
cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Ai cũng từng là con trẻ, và mang năng công ơn
cù lao của cả cha và mẹ. Hai vai hai gánh nặng bằng nhau, chẳng bên nào hơn
hoặc kém.
Theo dòng thời gian, ngày qua tháng lại, sau
cuộc hành hương Silô, bà Anna thụ thai, sinh con trai và đặt tên con trẻ là
Samuen, vì bà xác nhận: “Tôi đã xin Đức
Chúa được nó.” (1 Sm 1:20) Bà đã cầu xin và khóc nức nở vì bị người ta mỉa
mai là “cây độc không trái”. Bà tự nhận là người tâm thần đau khổ, nỗi khao
khát có con và lời cầu xin thành tâm của bà đã được Thiên Chúa chấp nhận. Ngày
nay chúng ta gọi đứa con như thế là “con cầu con khấn”. Thật ra ai cũng nhờ ơn
Chúa mà có thể hiện hữu trên cõi đời này, nhưng có một số “hiếm hoi” thôi,
trường hợp bà Anna là một điển hình. Khi đó, người chồng là Encana lên với cả
gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của
mình. Bà Anna không lên, vì bà nói với chồng: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra
mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi.” (1 Sm 1:22)
Nó là đứa con cầu tự nên phải được dâng hiến
cho Thiên Chúa, điều mà chính vợ chồng Encana và Anna đã thề hứa với Thiên
Chúa, và họ muốn giữ trọn lời hứa đó. Sự uy tín của họ đã làm cho Thiên Chúa
xót thương hơn.
Thời gian cai sữa cho con đã qua, bà đưa nó
lên Nhà Đức Chúa với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và
một bầu da đầy rượu. Đó là giữ luật Cựu Ước, một dạng “ăn theo thuở, ở theo
thời”. Hai ông bà này cũng không ngoại lệ. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Silô,
rồi họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Êli. Bà nói: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng
sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện
với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi
điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi
ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa.” (1 Sm 1:26-28) Lời lẽ của người
đàn bà nhà quê chân chất thật thà nhưng đầy vẻ quyết liệt. Và họ đã thờ lạy Đức
Chúa ở đó.
Trình thuật Kinh Thánh hôm nay gợi nhớ việc
Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ngày nay, sau khi sinh con – nhất là mỗi
khi đưa con đi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, các bậc cha mẹ nên chân thành dâng
con trẻ cho Thiên Chúa, và cũng là cách tạ ơn Chúa.
Càng sống lâu người ta càng dễ nhận thấy rằng
tất cả đều là hồng ân, từ điều nhỏ tới điều lớn, đơn giản là mỗi chúng ta đều
có không khí hít thở hằng ngày, hít thở từng giây, và lại có một gia đình – dù
là gia cảnh nghèo nàn. Vì thế, “hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp
của Người, loan báo giữa muôn dân.” (Tv 105:1) Thánh Vịnh gia tha thiết mời
gọi: “Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy
gẫm mọi kỳ công của Người. Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm
kiếm Chúa, nào hoan hỷ. Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm
kiếm Thánh Nhan. Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những
quyết định Người phán ra, hỡi anh em, dòng dõi Ápraham tôi tớ Chúa, con cháu
Giacóp được Người tuyển chọn!” (Tv 105:2-6) Chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa
không chỉ là trách nhiệm mà còn là diễm phúc đối với chúng ta.
Thật vậy, không tạ ơn sao được, bởi vì “chính
Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là luật chung cho
cả địa cầu. Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến
ngàn thế hệ!” (Tv 105:7-8) Đó cũng chính là điều đã giao ước cùng Tổ phụ Ápraham,
đã đoan thề cùng Isaac. Rất nghiêm túc.
Thiên Chúa là tình yêu, giàu lòng thương xót.
Thánh Gioan dẫn chứng: “Anh em hãy xem
Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con
Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận
biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (1 Ga 3:1) Thật tuyệt
vời! Và thánh nhân nói thêm: “Anh em thân
mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều
ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên
giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga
3:2)
Ngày đó là ngày cánh chung, ngày tận thế,
ngày Chúa Giêsu giáng lâm – tái lâm, quang lâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể
hiểu theo hiện tại, khi chúng ta đang sống trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, được
mãn nhãn khi chiêm ngưỡng Con-Thiên-Chúa-mặc-xác-phàm, hạnh phúc và bình an
đang tràn ngập địa cầu. Thêm điều đặc biệt nữa là đến lúc đón Tân Niên với nhiều
thứ khởi đầu mới.
Cảm xúc dạt dào dâng trào, Thánh Gioan nói
một hơi dài: “Anh em thân mến, nếu lòng
chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và
bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân
giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Đây là điều răn của
Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu
thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn
của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là
nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.” (1 Ga 3:21-24) Ai trong
chúng ta cũng đã quá quen với “luật yêu thương” của Chúa, thế nhưng nghe nhiều
mà có thể chưa giữ được bao nhiêu. Thật vậy, ngay cả những người thân trong gia
đình mà chúng ta cũng chưa yêu thương đúng nghĩa. Con người quá yếu đuối, đúng
là buồn thật đấy!
TÌNH NGHĨA
Qua trình thuật Lc 2:22-40, Thánh sử
Luca kể: Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.
Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm
trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại
Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn
lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen
thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà quyết quay trở lại Giêrusalem để tìm cho được
Con Trẻ.
Ôi chao! Người đông, đất rộng, đường xa, thế
mà cha mẹ lại lạc mất Con Trẻ, thật là khổ! Lòng như lửa đốt, cha mẹ lại lội bộ
ngược dòng người để tìm Con. Mà đâu phải gặp ngay, mãi sau ba ngày mới tìm thấy
con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.
Mệt nhoài, nhưng cha mẹ vẫn có thể thở phào, vì “cậu ấm” đang đối chất với
những người lớn hơn mình và giỏi hơn mình. Có lẽ lúc đó Cô Maria vui vẻ nói với
Chú Giuse: “Anh ơi! Con mình giỏi thật!” Nhưng Chú Giuse vốn kiệm ngôn, không nói nhiều, chắc chỉ nhìn Bà Xã và mỉm cười
mà thôi!
Vô cùng kỳ lạ, mọi người nghe Cậu Giêsu nói đều
ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp sắc xảo của cậu. Tuổi trẻ, tài
cao. Khi nhận ra Con Trẻ, hai ông bà sửng sốt, và Đức Mẹ liền nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Nhưng đó lời
trách yêu, chứng tỏ rằng Đức Mẹ rất đau khổ khi phải xa Con, dù chỉ là một
thoáng, huống chi đã ba ngày qua. Con Trẻ Giêsu đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của
Cha con sao?” Chắc hẳn hai người biết điều này, nhưng vì lạc mất Con, lo
lắng quá mà quên thôi. Bản chất con người là thế, Chúa không trách mà chỉ nhắc
nhở thôi.
Mặc dù là cha mẹ của Chúa Giêsu, nhưng ông bà
vẫn không hiểu lời Ngài vừa nói. Cũng đúng thôi, bởi vì cha mẹ là phàm nhân,
còn Con là Thiên-Chúa-làm-người mà. Nói là nói vậy, nhưng sau đó, Con Trẻ Giêsu
vẫn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc
2:51a) Con Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng, vâng lời và hiếu thảo với cha mẹ. Đó
là Ngài đã làm gương cho chúng ta, chứng tỏ gia đình rất quan trọng trong cuộc
sống loài người, không trừ bất kỳ ai, đồng thời nhắc nhở những người con phải
giữ trọn chữ hiếu – bằng mọi cách và mọi động thái.
Theo Kinh Thánh, có hai điều thực sự quan
trọng này: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi
nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan,
thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2:51b-52) Đức Mẹ luôn suy niệm, Chúa Giêsu càng khôn lớn càng kết hiệp thân mật với Thiên
Chúa và được người đời yêu mến. Ngôn ngữ liên quan những thứ khác, trong số đó
có lời hứa. Thảo nào Kinh Thánh đã cho biết: “Người ghét thói ba hoa sẽ tránh được sự dữ. Quân tử thì phải nhất
ngôn, như thế, con sẽ không bị hại.” (Hc 19:6-7)
Tương tự các vấn đề khác, gia đình cũng có
những chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện buồn như cái gai nên dễ nhận ra. Chẳng
hạn vài trường hợp mới đây…
Tháng 4-2018, Nguyễn Thắng (30 tuổi – phường
Thanh Hải, TP Phan Thiết) đi nhậu về rồi xảy ra mâu thuẫn với cha ruột và bị
cha đánh. Thằng con bất hiếu đã cầm dao đâm cha nhiều nhát và ngăn cản người
đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đó là ông Nguyễn Chuyên (51 tuổi).
Rạng sáng ngày 22-7-2018, Lương
Thị Kim Phượng (20 tuổi – thôn Tân Mỹ, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng
Ngãi) đi hát karaoke về và bị cha la rầy, cô đã ra tay sát hại cha là ông Lương
Ngọc Thanh (46 tuổi) bằng cách lấy gậy và gạch đập vào đầu cha.
Đọc báo, nghe đài, và lướt web, chúng ta thường
thấy có những nghịch tử đối xử tồi tệ với cha mẹ. Thật ngán ngẩm! Phải chăng đó là hậu quả của
việc giáo dục không đề cao tôn ti trật tự trong gia đình, coi nhẹ gia phong lễ
giáo? Ngày xưa, chương trình giáo dục có cho học bộ sách Nhị Thập Tứ Hiếu, ngày nay không thấy có!
Có những nghịch tử thì cũng có những hiếu tử.
Hình ảnh thật đẹp về tính nhân bản ở cô hoa hậu Mint Kanistha (Thái Lan, 17
tuổi, năm 2015). Sau khi đăng quang, cô đã về nhà và quỳ lạy tạ dưới chân người
mẹ ngay bên những thùng rác. Người đàn bà kia chỉ là một người thu gom rác,
nhưng bà vẫn là mẹ của cô, và cô vẫn phải kính trọng hết lòng. Bất cứ ai, dù có
là gì (cả đời và đạo) thì trước tiên cũng vẫn phải là con người đối với xã hội
và là người con trong một gia đình.
Là con người, ai cũng đã và
đang làm con, thế nên ai cũng có bổn phận làm con. Đó cũng là một trong Mười
Điều Răn của Thiên Chúa: Thảo kính cha mẹ. Đã là giới răn thì không thể không
thi hành, có vậy mới làm đẹp lòng Chúa. Bổn phận làm con không chỉ phải thực
hiện đối với cha mẹ, mà còn phải đối với ông bà, người trên, người lớn tuổi, ân
nhân,...
Cách cư xử chứng tỏ có tiếp thu sự giáo dục
đúng mức hay không. Tiên học lễ, hậu học văn. Có tài mà mất dạy thì chỉ là rác
rưởi, phân tro. Nền giáo dục của một quốc gia thế nào sẽ cho biết tương lai đất
nước đó ra sao. Những người có trách nhiệm giáo dục mà thiếu đạo đức và thiếu
năng lực thì đừng trách tại sao giới trẻ hư đốn, thoái hóa. Chúng vô lễ vì
chúng không được giáo dục về nhân bản, thậm chí người có trách nhiệm giáo dục
còn chưa có đạo đức đủ mức thì còn dạy được ai? Bằng cấp không là gì cả, năng
lực mới thực sự quan trọng.
Lạy
Thiên Chúa nhân lành nhưng công minh chính trực, chúng con chân thành xin lỗi
về những thiếu sót trong bổn phận làm con đối với Ngài, với ông bà, cha mẹ và
người lớn. Xin giúp chúng con biết noi gương Con Chúa thực hiện đầy đủ bổn phận
hằng ngày đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Nhi Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
▶ GIA ĐÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment