Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

QUYỀN TÔNG TÒA và SỰ THẬN TRỌNG DÂN SỰ

Khả năng đưa ra những đánh giá thận trọng về lợi ích chung của một quốc gia cụ thể, với những truyền thống, thói quen và lối sống chung đặc trưng của quốc gia đó, là một kỹ năng thường chỉ có được nhờ kinh nghiệm. Việc thông qua những đạo luật tốt, không quá áp bức cũng không quá tự do, sẽ có đủ ý nghĩa đối với đa số người dân và có thể được thực thi một cách phù hợp, đòi hỏi sự phán xét, thường có được nhờ sự giảng dạy kiên nhẫn và kinh nghiệm sâu rộng. Tôi không phủ nhận rằng đôi khi Thiên Chúa có thể truyền vào một cá nhân sự khôn ngoan cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, nhất là khi vấn đề cấp bách. Nhưng đây không phải là cái cớ cho sự lười biếng và thiếu chuẩn bị.

Hãy cân nhắc tuyên bố rằng những người cai trị nhà nước phải tuân theo giáo quyền. Nói “tuân theo” hoặc “bị chi phối,” chúng tôi muốn nói rằng các cơ quan dân sự khi đưa ra các phán đoán thận trọng của riêng mình phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc luân lý được mặc khải trong Kinh Thánh và được làm sáng tỏ qua nhiều thế kỷ nhận xét, được truyền thống Giáo Hội truyền lại, và rồi đồng ý. Cũng vậy, khi những người hữu trách của Giáo Hội cảnh báo, với toàn quyền chức vụ của mình, rằng các nhà chức trách thế tục đang vi phạm các chuẩn mực đạo đức cơ bản, ngoại lệ của luật tự nhiên, thì một lần nữa, tốt nhất là các nhà chức trách thế tục nên tuân theo phán quyết đó của Giáo Hội.

Nhưng nếu “tuân theo” hoặc “được điều khiển” bởi Giáo Hội có nghĩa là các phán quyết thận trọng của các cơ quan Giáo Hội sẽ chi phối các phán quyết của các nhà lãnh đạo thế tục có thiện chí với sự hiểu biết vững chắc về công lý và luật tự nhiên, câu trả lời sẽ phải là không.

Các giám mục không còn khả năng phán đoán thuế nên tăng hay giảm, thâm hụt thương mại có quá cao hay không, mức độ nhập cư nào tốt nhất, hay mức lương tối thiểu nên là bao nhiêu so với bất kỳ ai, ngay cả khi họ thực sự là những giám mục thánh thiện. Đặc sủng của thẩm quyền tông tòa không bảo đảm sự khôn ngoan dân sự. Vì vậy, những người hữu trách Giáo Hội công khai bày tỏ quan điểm về những vấn đề thực tế như vậy, trong khi làm ngơ việc giết hại trẻ sơ sinh, đã lầm lẫn bản chất đặc sủng và thẩm quyền của họ.

Sẽ tốt hơn nếu khẳng định rằng sự thận trọng thực sự sẽ khiến người ta nhận ra những hạn chế về kỹ năng và khả năng của mình, một giám mục có sự thận trọng hoàn hảo sẽ không bao giờ dám đưa ra (và sau đó cố gắng thực thi công khai) các phán quyết thận trọng liên quan các vấn đề mà mình không có chuyên môn đặc biệt. Có lẽ một vị giám mục thánh thiện như vậy sẽ nhận ra rằng ngài phải mất nhiều năm để có được sự khôn ngoan và kinh nghiệm cần thiết để hiểu dân tộc của mình và điều hành giáo phận của mình một cách khôn ngoan – luôn luôn với sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, có thể phải mất nhiều năm mới có được sự khôn ngoan cần thiết để quản lý cộng đồng dân Chúa một cách khôn ngoan.

Tôi cho rằng một chính khách thực thụ phải đọc nhiều, nghiên cứu kỹ thuật quản lý nhà nước và quan sát các nhà lập pháp khác để tìm hiểu điều gì hiệu quả và điều gì không. Người đó hẳn đã thường xuyên gặp đồng bào để hiểu nhu cầu của họ cũng như sự khoan dung của họ đối với các quy tắc và việc áp đặt khác nhau đối với quyền tự do của họ. Các phán đoán thận trọng của một nhà lập pháp như vậy sẽ được thông báo bởi lời khuyên của Thánh Tôma Aquinô rằng “các luật áp đặt lên con người phải phù hợp với điều kiện của họ, vì như Isidore nói, luật pháp phải khả thi theo cả bản chất và phong tục của đất nước.”

Đưa ra các phán đoán thận trọng kiểu này không chỉ đơn thuần là việc tham khảo danh sách các mệnh lệnh đạo đức trong sách về công bằng xã hội và sau đó chuyển chúng thành luật. Sự thận trọng cần có để đưa ra các đánh giá như vậy đòi hỏi phải được đào tạo và có kinh nghiệm. Nó có được theo thời gian, bằng cách thử thách và sai lầm, học hỏi từ những sai lầm và tấm gương tốt của người khác. Những người là Kitô hữu tin rằng quá trình này được hướng dẫn và thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng trong vấn đề này, câu châm ngôn của Thánh Tôma Aquinô được áp dụng: “Ân sủng không xâm phạm tự nhiên mà hoàn thiện nó.”

Nhưng ít nhất chúng ta không nên yêu cầu các nhà lãnh đạo dân sự của chúng ta phải là người Công giáo sao? Tùy. Lịch sử tuyển dụng tại các trường đại học Công giáo cho thấy rằng chỉ thuê một người đánh dấu vào ô “Công giáo,” ngay cả người đi lễ thường xuyên, cũng không đảm bảo cho sự hiểu biết hoặc lòng sùng kính đối với sứ mạng Công giáo của trường. Rất ít người chống Công giáo như những người Công giáo giận dữ, xa lánh. Tốt hơn nên có được một học giả Do Thái tận tụy quan tâm giáo dục nghệ thuật khai phóng hơn là một người Công giáo không quan tâm.

Vì vậy, việc yêu cầu chúng ta chỉ chấp nhận các nhà lãnh đạo Công giáo sẽ quá gần với quan điểm của người theo chủ nghĩa Calvin cho rằng chỉ những thành viên được bầu mới đủ tư cách để cai trị thành phố hoặc quốc gia. Người Công giáo chưa bao giờ nhấn mạnh vào điều này. Thay vào đó, phần lớn họ đã giữ quan điểm, như trong cuốn “The State in Catholic Thought” (Nhà Nước Trong Tư Tưởng Công Giáo) có uy tín, Heinrich Rommen viết: “Quyền lực chính trị được thành lập trên luật tự nhiên. Người cai trị, hoặc nói chung, quyền lực chính trị không cần sự chấp thuận hay sự hợp pháp của Giáo Hội, và người cai trị không theo Kitô giáo cũng không cần bất kỳ hình thức đồng ý cụ thể nào từ phía những người dân theo Kitô giáo. Không tồn tại Libertas Christiana cấm sự cai trị của những người không theo Kitô giáo đối với những người theo Kitô giáo, như những người theo giáo phái từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo đã tranh cãi. Sự hợp pháp hóa duy nhất và thỏa đáng của quyền lực chính trị là luật tự nhiên nói chung, và cụ thể là việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với công ích.”

Người Công giáo không nên mong muốn lặp lại những sai lầm của đầu thế kỷ XX khi vào những năm 1930 chẳng hạn, nhiều người Công giáo đã ủng hộ Engelbert Dolfuss của Áo khi ông giải tán quốc hội trong nỗ lực xây dựng một nhà nước “Công giáo,” hoặc khi người Công giáo ủng hộ nhà độc tài Antonio Salazar của Bồ Đào Nha, và nhà độc tài Francisco Franco của Tây Ban Nha, cả hai đều sử dụng cơ chế kiểm duyệt và cảnh sát mật để dập tắt sự phản đối. Tôi cũng không nghĩ người Công giáo nên nhìn lại với sự yêu mến và tự hào về sự cai trị chuyên chế của Đức Piô IX đối với các quốc gia của giáo hoàng.

Có một người cai trị hoặc nhà hành pháp Công giáo, ngay cả một người chính thống và thánh thiện, cũng không bảo đảm rằng người đó có đức tính quản lý công dân thận trọng.

RANDALL SMITH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment