Chân phước Piô IX là giáo hoàng thứ 255 của Giáo Hội Công giáo, với khẩu hiệu: “Crux de Cruce – Thập Giá của Thập Giá.” Ngài là người đã công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8-12-1854 qua Sắc lệnh Ineffabilis Deus – Thiên Chúa Bất Khả Ngộ.
Đức Piô IX sinh ngày 13-05-1792 tại Senigallia, Ý, là con trai của Gerolamo của ông bà bá tước Mastai Ferretti và Caterina Solazzi, thuộc giới quý tộc địa phương. Ngài được rửa tội vào ngày sinh của mình với tên thật là Giovanni Maria Mastai-Ferretti. Với thể chất mỏng manh nhưng có trí thông minh linh hoạt, tuổi thơ của ngài được đánh dấu bằng những việc làm nhỏ tự nguyện và một đời sống tôn giáo mãnh liệt.
Triều đại giáo hoàng của Đức Piô IX kéo dài
32 năm, từ ngày 16-06-1846. Ngài cai quản Giáo Hội 32 năm, triều đại dài thứ
nhì sau giáo hoàng tiên khởi Phêrô – triều đại dài nhất, có thể ngài tử đạo năm
64 hoặc 67, nghĩa là triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài 34 hoặc 37 năm. ĐGH Gioan
Phaolô II 26 năm làm giáo hoàng, triều đại giáo hoàng dài thứ ba. Ngài có công triệu
tập Công Đồng Vatican I (1869-1870) để bàn về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng,
nhưng Công Đồng phải rút ngắn vì không còn các Quốc Gia Giáo Hoàng. Ngài qua
đời ngày 07-02-1878, hưởng thọ 85 tuổi.
Năm 1854, ĐGH Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ
Vô Nhiễm, đồng thời cũng thúc đẩy lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Ngài là vị tối cao cuối cùng của các Quốc gia Giáo hoàng không còn từ năm 1870
– ngoại trừ Quốc gia Vatican nhỏ bé, thành lập năm 1929.
Triều đại giáo hoàng của Đức Piô IX cũng là
cơ hội thúc đẩy cho công cuộc truyền giáo mới: 133 tòa giám mục và 50 đại diện
tông tòa được thành lập là vùng truyền giáo. ĐGH Piô IX cũng là người triệu tập
Công Đồng Vatican I và xác định ơn bất khả ngộ của giáo hoàng (papal infallibility).
Trong Hiến chế Pastoraeternus – Đấng Chăn
Chiên Vĩnh Hằng, Đức Piô IX nói: “(...)
Chúng tôi dạy và tuyên bố rằng Giáo Hội Rôma, do sự sắp đặt của Thiên Chúa, có
quyền tối thượng và năng quyền thường xuyên trên mọi Giáo Hội khác, và rằng
quyền tài phán của giáo chủ Rôma thì trực tiếp như quyền giám mục. Những mục tử
các cấp và thuộc mọi nghi lễ cùng mọi tín hữu, từng người và toàn thể đều có
bổn phận tùy thuộc do phẩm trật và vâng lời thật sự, không những trong những
vấn đề liên hệ đến đức tin phong hóa, mà cả trong vấn đề kỷ luật và quản trị
Giáo Hội trải rộng khắp thế giới. (...) Quyền này của Đức giáo hoàng không hề
cản trở quyền tài phán thường xuyên và trực tiếp của các Giám mục, qua đó các
Giám mục, được Thánh Thần thiết lập, kế vị các Tông đồ, để chăm sóc và cai quản
đoàn chiên được ủy thác cho các ông như những mục tử chân thực. (...) Chúng tôi
truyền dạy và công bố tín điều đã được Thiên Chúa mạc khải: Đức giáo hoàng Rôma
khi ông lên tiếng từ tòa (ex cathedra) nghĩa là chu toàn trách vụ mục tử và
thầy dạy mọi Kitô hữu, dùng quyền tông đồ tối cao, để xác định một giáo thuyết
về tín lý hay luân lý thì toàn thể Giáo Hội phải chấp nhận, vì khi đó ông được
hưởng sự trợ giúp thần linh đã được hứa cho Phêrô, về ơn bất khả ngộ mà Chúa
Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo Hội để định tín về đức tin và luân lý. Do đó,
những định tín của đức giáo hoàng Rôma không thể thay đổi, chứ không phải vì sự
nhất trí của Giáo Hội.”
Đức Piô IX khẳng định tín điều bất khả ngộ
không phải là tín điều mới mà chỉ là xác định một chân lý đã được Giáo Hội toàn
cầu biết và chấp nhận: “Thưa chư huynh
đáng kính, quyền tối cao của giáo hoàng không bóp chết nhưng tăng thêm, không
tiêu diệt mà xây dựng và trong nhiều trường hợp còn củng cố trong chức vị, hiệp
nhất trong đức ái, trợ lực và bảo vệ các quyền lợi của chư huynh, nghĩa là của
hàng giám mục.”
Trong bản Syllabus of Errors (cáo trạng) năm
1864, Đức Piô IX kết án 80 sai lầm của thời đại. Trong đó phản đối chủ nghĩa
duy lý, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa đạo
đức tương đối, tình trạng tục hóa, sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước. Ngài
tái xác nhận một cách dứt khoát giáo huấn Công giáo ủng hộ việc thiết lập đức
tin Công giáo là quốc giáo ở các quốc gia nơi phần lớn dân số theo Công giáo.
Tuy nhiên, di sản quan trọng nhất của ngài là Công Đồng Vatican I, được triệu
tập vào năm 1869 để xác định tín điều về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng, nhưng
đã bị gián đoạn khi quân đội theo chủ nghĩa dân tộc Ý đe dọa Rôma. Công Đồng
Vatican I được coi là đã góp phần vào việc tập trung giáo quyền ở Vatican, đồng
thời xác định rõ quyền giáo huấn của giáo hoàng.
Theo ĐGM Liberati, Hội Tam Điểm phản đối việc
tuyên thánh cho Đức Piô IX vì ngài đã kết án những người Công giáo tham gia Hội
Tam Điểm qua Tông thư Multiplices Inter ban hành ngày 25-09-1865.
Kể cả bán đảo Ý, Âu châu ở giữa cơn sốt chính
trị đáng kể khi giám mục của Imola là ĐHY Giovanni Maria Mastai Ferretti được
bầu làm giáo hoàng. Ngài chọn tông hiệu Piô theo tên người bảo trợ hào phóng
của ngài và là tù nhân khổ sai của Napoléon, đó là Đức Piô VII. Ngài đã được
bầu bởi nhóm hồng y đồng tình với sự tự do hóa chính trị đang lan rộng khắp Âu
châu, và việc cai quản các Quốc gia Giáo hoàng ban đầu của ông đưa ra bằng
chứng về sự đồng tình ôn hòa của ngài. Một loạt các hành động khủng bố được bảo
trợ bởi những người theo chủ nghĩa tự do và dân tộc Ý, bao gồm vụ ám sát Bộ
trưởng Bộ Nội Vụ Pellegrino Rossi, và buộc chính Đức Piô IX phải chạy trốn khỏi
Rôma một thời gian ngắn năm 1848, cùng với cuộc cách mạng lan rộng ở Âu châu,
khiến sự hoài nghi của ngài ngày càng tăng đối với chương trình nghị sự tự do
và chủ nghĩa dân tộc. Suốt những năm 1850 và 1860, những người theo chủ nghĩa
dân tộc Ý đã đạt được những thành tích quân sự chống lại các Quốc gia Giáo
hoàng, mà đỉnh điểm là việc chiếm giữ thành phố Rôma năm 1870 và giải tán các
Quốc gia Giáo hoàng.
Sau đó, Đức Piô IX từ chối chấp nhận Luật Bảo
đảm từ chính phủ Ý, điều này có thể khiến Tòa Thánh phụ thuộc vào luật mà quốc
hội Ý có thể sửa đổi bất cứ lúc nào. Đức Piô từ chối rời Vatican, tuyên bố mình
là “tù nhân của Vatican.” Các chính sách Giáo Hội đối với các quốc gia khác – chẳng
hạn như Nga, Đức hoặc Pháp – không phải lúc nào cũng thành công, một phần là do
thay đổi các thể chế thế tục và sự phát triển nội bộ ở các quốc gia này. Tuy
nhiên, các giáo ước (concordat – ký kết giữa Giáo Hội và các quốc gia) đã được quyết
định với nhiều quốc gia như Áo-Hung, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Canada, Tuscany,
Ecuador, Venezuela, Honduras, El Salvador và Haiti.
Trong thông điệp Ubi Primum, Đức Piô IX nhấn
mạnh vai trò của Đức Maria trong việc cứu rỗi. Năm 1854, ngài công bố tín điều
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nêu rõ niềm tin Công giáo lâu đời rằng Đức Maria,
Mẹ Thiên Chúa, được thụ thai mà không mắc tội nguyên tổ. Ngài đã phong tặng
danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho một biểu tượng Byzantine nổi tiếng từ Crete
được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1862, ngài triệu tập 300 giám mục đến
Vatican để phong thánh cho 26 vị tử đạo của Nhật Bản.
Gần đây, nhiều ký giả và sử gia của Giáo Hội đặt
câu hỏi về cách tiếp cận của Đức Piô IX. Lời kêu gọi của ngài về việc ủng hộ
của công chúng trên toàn thế giới đối với Tòa Thánh sau khi ngài trở thành “tù
nhân của Vatican” đã dẫn đến sự hồi sinh và lan rộng ra toàn thể Giáo Hội Công
giáo về chương trình “Tiền Xu Phêrô” – Peter's Pence, ngày nay được sử dụng để giáo
hoàng giúp những người chịu hậu quả chiến tranh, đàn áp, thiên tai, dịch bệnh. Sau
khi ngài qua đời năm 1878, án phong thánh cho ngài được Đức Piô X mở vào ngày
11-02-1901, điều đó gây ra nhiều tranh cãi trong nhiều năm. Án phong thánh đã
bị khép lại nhiều lần trong các triều đại của Đức Benedict XV và Đức Piô XI.
Đức Piô XII đã mở lại ngày 07-12-1954, và Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài
là Bậc Đáng Kính ngày 06-07-1985 và tôn phong Chân Phước cho ngài ngày
03-09-2000. Đức Piô IX được ấn định ngày lễ theo phụng vụ là ngày 07 tháng 02,
ngày mất của ngài.
Năm 1809, Đức Piô IX đến Rôma để học cao hơn.
Một căn bệnh không được chẩn đoán chính xác, một số người gọi là động kinh, đã
buộc ngài phải gián đoạn việc học năm 1812. Ngài được nhận vào Đội Cận Vệ Giáo Hoàng
năm 1815, nhưng vì mắc bệnh nên ngài phải nghỉ. Đó là thời điểm Thánh Vincent
Pallotti tiên đoán ngài sẽ trở thành giáo hoàng và Đức Mẹ Loreto sẽ cứu ngài
khỏi căn bệnh quái ác đó.
Sau khi phục vụ một thời gian ngắn trong Học
viện Giáo dục Tata Giovanni, ngài tham gia với tư cách là giáo lý viên năm 1816
trong một sứ mệnh đáng nhớ ở Senigallia, và ngay sau đó, ngài quyết định gia
nhập chủng viện, rồi được thụ phong linh mục vào năm 1819. Ý thức về địa vị cao
quý của mình, ngài tránh quan tâm sự nghiệp giám mục để chỉ phục vụ Giáo Hội mà
thôi.
Ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Nhà thờ Thánh
Anna tại Học viện Tata Giovanni, nơi ngài được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và ở đó
cho đến năm 1823. Ngay lập tức ngài được công nhận là người siêng năng cầu
nguyện, cử hành Lời Chúa, cử hành phụng vụ, ngồi tòa giải tội, và trên hết là thi
hành chức vụ hằng ngày để phục vụ những người khiêm tốn nhất và nghèo khó nhất.
Ngài khéo léo kết hợp đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm: sẵn sàng cho
các nhu cầu mục vụ, nhưng luôn nhớ sống nội tâm, với lòng sùng kính Thánh Thể
và Đức Mẹ mãnh liệt, trung thành với việc suy niệm và xét mình hằng ngày.
Năm 1823, ngài rời học viện để làm Sứ Thần Tòa
Thánh tại Chilê. Ngài ở đó cho đến năm 1825, khi ngài được bầu làm trưởng Nhà Tế
Bần St Michael, một tổ chức lớn nhưng phức tạp, cần được cải cách hiệu quả. Vì
vậy, ngài dấn thân với nhiều kết quả hơn là hài lòng, nhưng không bao giờ bỏ
qua sứ vụ linh mục. Hai năm sau, ở tuổi 35, ngài được phong làm Tổng Giám Mục
GP Spoleto. Năm 1831, cuộc cách mạng bắt đầu ở Parma và Modena đã lan đến
Spoleto. Đức TGM không muốn đổ máu và sửa chữa, càng nhiều càng tốt, vì tác
động nguy hại của bạo lực. Khi bình an được phục hồi, ngài ân xá cho tất cả,
ngay cả những người không có công trạng gì.
Một cuộc gặp gỡ đầy sóng gió khác vẫn chờ đợi
ngài ở Imola, nơi ngài được chuyển đến năm 1832. Ngài vẫn là nhà thuyết giáo
hùng hồn, luôn hướng về lòng bác ái đối với mọi người, nhiệt thành với các vấn
đề siêu nhiên cũng như phúc lợi vật chất của giáo phận, tận tình với giáo sĩ và
chủng sinh, khuyến khích giáo dục giới trẻ, nhạy cảm với nhu cầu sống chiêm
niệm, tận tụy với Thánh Tâm và Đức Mẹ, nhân từ đối với tất cả mọi người nhưng
kiên định với các nguyên tắc của mình. Năm 1840, ngài nhận mũ hồng y lúc 48
tuổi.
Mặc dù lẩn tránh vinh dự, vào tối ngày 16-06-1846,
ngài cảm thấy mình chịu gánh nặng lớn nhất, đó là khi ngài được bầu làm giáo
hoàng và chọn tông hiệu Piô IX.
Ngài đã trải qua một triều đại giáo hoàng khó
khăn, nhưng chính vì vậy mà ngài là một giáo hoàng vĩ đại, chắc chắn là một
trong những người vĩ đại nhất. Ý thức sâu sắc về việc “đại diện Chúa Kitô” và
chịu trách nhiệm về các quyền của Thiên Chúa và của Giáo Hội, ngài rất rõ ràng
và kiên định. Ngài kết hợp sự kiên định và thấu hiểu,lòng trung thành và cởi
mở.
Ngài bắt đầu bằng hành động hào hiệp và nhạy cảm
của Kitô giáo: ÂN XÁ CHO CÁC TỘI NHÂN CHÍNH TRỊ. Thông điệp đầu tiên của ngài
là một tầm nhìn có lập trình, nhưng đã đoán trước vấn đề. Trong đó ngài lên án
các xã hội bí mật, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản. Năm 1847, ngài công
bố một sắc lệnh cho phép tự do báo chí rộng rãi và thiết lập một đội bảo vệ dân
sự, hội đồng thành phố và công xã, hội đồng quốc gia và hội đồng bộ trưởng. Từ
đó, những can thiệp của ngài với tư cách là người cha của các quốc gia và hoàng
tử tạm thời vẫn tiếp tục, không hề suy giảm.
Vấn đề độc lập của Ý, mà ngài đồng thuận,
không đặt hoàng tử đối lại giáo hoàng, một thực tế khiến những người theo phe tự
do không khoan nhượng đã xa lánh. Tình hình trở nên căng thẳng vào ngày 15
tháng 11 khi người đứng đầu chính phủ là Pellegrino Rossi bị giết và Đức Piô IX
phải đến lánh nạn ở Gaeta.
Sau khi tuyên bố Cộng Hòa La Mã ngày 09-02-1849,
ngài chuyển đến Portici và sau đó quay trở lại Rôma ngày 12-04-1850. Ngài tổ
chức lại Hội đồng Quốc gia, thành lập Hội đồng Tài chính, ban lệnh ân xá mới,
thiết lập lại hệ thống phẩm trật Công giáo ở Anh và Hà Lan.
Năm 1853, ngài lên án các học thuyết của
Gallican và thành lập chủng viện danh tiếng “Seminario Pio.” Ngài thành lập Ủy
ban Khảo cổ Kitô giáo, xác định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 08-12-1854
và thánh hiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô được xây dựng lại vì bị hỏa
hoạn thiêu rụi năm 1823.
Năm 1856, ngài phê duyệt kế hoạch đường sắt ở
các Quốc gia Giáo hoàng, ngày 24-4-1859 khánh thành đoạn đầu tiên giữa Rôma và
Civitavecchia. Năm 1857, ngài đến thăm các Quốc gia Giáo hoàng và được khắp nơi
hân hoan chào đón. Ngài đã gửi các nhà truyền giáo đến Bắc Cực, Ấn Độ, Miến
Điện, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, những đám mây đen tụ tập trên
ngài với sự nổi dậy tại Ý, các cuộc thôn tính của người Piedmont đã phá hủy các
Quốc gia Giáo hoàng và tước đoạt các vị đại diện hoặc phái viên. Đau khổ nhưng
không nản lòng, Đức Piô IX tiếp tục thể hiện lòng bác ái và sự quan tâm đối với
tất cả mọi người. Năm 1862, ngài thành lập cơ quan tự do để giải quyết các mối
quan tâm của người Công giáo theo nghi thức Đông phương; năm 1864, ngài công bố
bản Syllabus, lên án những sai lầm hiện đại; năm 1867, ngài kỷ niệm 1.800 năm
ngày tử đạo của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô; năm 1869, ngài nhận được sự tôn
kính của cả thế giới dịp ngân khánh linh mục. Cuối năm đó, ngài khai mạc Công
Đồng Vatican I, viên ngọc bích trong triều đại giáo hoàng của ngà. Công Đồng
Vatican I bế mạc ngày 18-07-1870.
Quyền lực Rôma suy sụp ngày 20-09-1870, Đức
Piô IX đã nhận mình là “tù nhân của Vatican,” chống lại “Luật Bảo Đảm,” nhưng
chấp thuận “Công Việc của Quốc Hội.” Ngài đã thánh hiến Nhà thờ Thánh Tâm Chúa
Giêsu, kỷ luật những người Công giáo tham gia sinh hoạt chính trị qua sắc lệnh “Non
Expedit” (1874) và khôi phục hệ thống cấp bậc Công giáo của Tô Cách Lan. Vì sức
khỏe yếu, ngài đã đọc diễn văn cuối cùng của mình trước các linh mục quản xứ ở
Rôma ngày 02-02-1878. Ngày 07-02, triều đại giáo hoàng của Đức Piô IX kết thúc
bằng cái chết tốt lành thánh thiện của ngài.
Ngày 03-09-2000, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên
chân phước cho Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII. Lần cải táng trong tiến trình
tuyên chân phước, người ta phát hiện thi hài của Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII vẫn
nguyên vẹn. Lần này, thi hài của Đức Piô IX được khám xét theo tiến trình phong
thánh. ĐGM Carlo Liberati, cáo thỉnh viên, nói với Vatican News: “Quá trình tuyên thánh cho CP Piô IX đang
được tiến hành.”
Xin
Thiên Chúa thể hiện Thánh Ý Ngài dưới đất cũng như trên trời, cho công lý được
thực hiện theo sự quan phòng của Ngài. Xin Thánh Piô IX cầu thay nguyện giúp
cho chúng con, nhất là những Việt nhân khốn khổ chịu đọa đày nơi lao tù trần
gian này. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG số 426, tháng 02-2022, Dòng
Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ ĐGH Piô IX – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/09/uc-giao-hoang-pio-ix.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment