Wednesday, July 19, 2023

CHUYỆN ẨN Ý

Người Việt có câu: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo.” Thế nhưng đôi khi lời người khôn làm cho có kẻ dại như “nửa khùng nửa điên” thật đấy. Ẩn ý không có nghĩa là nói úp mở hoặc nói nước đôi, vì đó là kiểu nói của kẻ xấu. Ẩn ý là cách nói xa, nói bóng, nói khôn khéo khi chưa thực sự cần nói thẳng.

Người ta có ẩn dụ và hoán dụ. Ẩn dụ là biện pháp tu từ được dùng để gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau). Hoán dụ là biện pháp tu từ được dùng để gọi tên sự vật này bằng tên của sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương cận (gần gũi).

Ẩn Dụ dựa vào điểm tương đồng về cách thức, cảm giác hay phẩm chất, làm cho câu văn hấp dẫn. Hoán Dụ dựa vào điểm tương cận, làm cho câu văn dễ hiểu.

Kinh Thánh nói: “Trong các kho tàng của khôn ngoan, có nhiều ẩn dụ thâm thúy, nhưng đối với người tội lỗi, tôn thờ Thiên Chúa lại là điều ghê tởm.” (Hc 1:25) Và Kinh Thánh cho biết: “Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.” (Hc 3:29)

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa tuyên phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Hãy dùng dụ ngôn mà nói với nòi phản loạn.” (Ed 24:3) Thời Tân Ước, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng NHÌN MÀ KHÔNG NHÌN, NGHE MÀ KHÔNG HIỂU.” (Lc 8:10; Mt 13:13) Ngài rất chắc chắn, rất cương quyết: “Cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.” (Mc 4:11-12)

DỤ NGÔN – NGỤ NGÔN

Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn. Như chúng ta đã biết, dụ ngôn là nét đặc trưng của Kinh Thánh. Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn để minh họa các giáo huấn, với các hình ảnh thực tế ngay trong đời thường nhưng mang ý nghĩa cao siêu. Có lẽ loại văn dụ ngôn độc đáo nên Ngài thích dùng, như Kinh Thánh nói: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn.” (Mt 13:34; Mc 4:34) Chúa Giêsu dùng dụ ngôn không phải là Ngài “làm khó” người nghe mà vì chỉ vì người ta cố chấp thái quá, hầu như tâm hồn họ hóa đá rồi!

Có lẽ cũng nên biết điều này: Dụ Ngôn cũng là Ngụ Ngôn, nhưng cả hai danh vừa đồng nghĩa vừa dị nghĩa.

1. Ngụ Ngôn – Anh ngữ: parable, fable; Pháp ngữ: parabole, fable. Đó là câu chuyện ngắn gọn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học giá trị luân lý, mang tính giáo dục, răn đời. Các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

2. Dụ Ngôn – Anh ngữ: parable; Pháp ngữ: parabole. Đó là câu chuyện ngắn gọn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng có điều khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Do đó, Chúa Giêsu dùng thể loại này – tức là Ngài dùng Dụ Ngôn chứ không dùng Ngụ Ngôn.

Cuộc sống luôn có những thái cực không chỉ dị biệt mà còn đối lập. Cặp đôi cụ thể nhất là Tốt – Xấu, hoặc Thiện – Ác, nói thẳng ra là Thiên Thần – Ác Quỷ.

Đại diện phe Thiện là TLTT Micae, Thiên Thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, là trưởng trong các Tổng Thần, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích về sức mạnh, sự thật và sự chính trực; đại diện phe Ác là Quỷ Vương Luxiphe, kẻ đã từng là thần lành nhưng hóa ra thần dữ vì kiêu ngạo – mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu.

Tốt và xấu cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái gì tốt thì luôn đẹp, nhưng cái gì đẹp chưa chắc tốt. Cái tốt và cái xấu xuất hiện trong mỗi hành động, giữa hai thứ là một lằn ranh mong manh. Phải luôn cảnh giác cao, chớ coi thường sự cẩn trọng trong mỗi suy xét hoặc phán đoán về người khác. Thánh Têrêsa Avila có lời khuyên chí lý: “Hãy hiền từ với mọi người nhưng nghiêm khắc với chính mình.”

Với các hình thức và mức độ khác nhau, cuộc chiến giữa “cái tốt” và “cái xấu” không bao giờ kết thúc, ở bất kỳ nơi nào hoặc trong bất kỳ ai, việc của chúng ta không phải là đứng ngó và dùng niềm tin của mình để phân định ai tốt và ai xấu, rồi ngỡ ngàng khi niềm tin mơ hồ ấy tan biến theo sự thay đổi của con người. Ma quỷ không có giờ giải lao, chúng không ngừng rình rập, bất kể đêm hay ngày, vui hay buồn. Nó rất tinh ranh, có thể “chen” vô mọi khe hở nhỏ bé nhất.

Thánh Antôn nói: “Sự dữ gắn liền với bản tính của chúng ta như hoen rỉ với sắt, hoặc cáu ghét với thân xác. Nhưng hoen rỉ không do người thợ sắt và cáu ghét không do cha mẹ tạo ra thế nào, thì sự dữ cũng không do Thiên Chúa làm ra như vậy. Ngài ban cho con người lương tâm và lý trí để tránh lánh sự dữ, vì Ngài biết nó tai hại và đem lại khổ hình cho họ. Hãy cẩn thận cảnh giác, và khi gặp người giàu có và quyền thế, đừng để ma quỷ lừa phỉnh mà chiều theo chúng. Hãy lập tức để sự chết hiện ra trước mắt, và anh em sẽ không bao giờ ước muốn bất cứ điều gì xấu xa hoặc phàm tục.”

Ai sinh ra cũng đều là người tốt – tốt đúng nghĩa, bởi vì chúng ta được chính Thiên Chúa tác tạo nên giống hình ảnh Ngài theo Thánh Ý Ngài. (St 1:26-27) Tiền nhân cũng nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” Nhưng có “máu tự kiêu” nên phàm nhân rất “chảnh,” dám nghe lời đường mật của ma quỷ mà bất tuân Thiên Chúa, muốn “đấu tranh” với Ngài, chỉ vì ảo tưởng mà phàm nhân đã sập bẫy của nó. Chính cái tội “chảnh” đó đã làm cho con người bị “biến tướng,” trở nên xấu xa, không còn “tính bổn thiện” như trước nữa. Mất khôn nên hóa khốn!

Chiến thuật và chiến lược tuyên truyền của ma quỷ rất đáng sợ. Cảnh giác không bao giờ thừa, như Thánh Phêrô cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Ma quỷ không chỉ xảo quyệt mà nó còn lắm mưu nhiều kế và không bao giờ mệt mỏi trong việc cám dỗ người ta, thậm chí chúng còn tăng tốc cám dỗ dữ dội hơn.

Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta, mặc dù chúng ta quá ngu dại, xấu xa và khốn nạn, vì Thiên Chúa vẫn yêu thương tội nhân chúng ta trước sau như một, không bao giờ suy giảm – dù chỉ một chút xíu. Kinh Thánh minh định: “Thiên Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công.” (Kn 12:13) Chúng ta thực sự rất diễm phúc!

NGỤ NGÔN ĐỨC MẾN

Một hôm, gã SỢ HÃI đến gõ cửa nhà TÂM HỒN, chị ĐỨC TIN ra tiếp và bảo: “Bạn ơi, không có ai ở nhà cả!” Gã SỢ HÃI nên lặng lẽ bỏ đi!

Một lần khác, gã SỢ HÃI lại gõ cửa nhà TÂM HỒN một cách hốt hoảng và vội vã. Lần này, chị TRÔNG CẬY ra mở và nói: “Bạn ơi, bạn hãy chịu khó kiên nhẫn chờ ngoài này một tý nhé! Chủ nhà còn đang bận cầu nguyện.”

Thời gian trôi qua, gã SỢ HÃI càng lúc càng thấy sốt ruột. Nóng bức quá nên nó cởi bớt cái áo choàng HỐT HOẢNG ghê rợn ra để chỉ còn mỗi chiếc áo BÌNH AN hằng ngày. Đúng lúc ấy, chị ĐỨC MẾN bước ra, niềm nở ân cần ôm chào rồi mời khách vào nhà.

Đức Mến không bao giờ sợ hãi, đặc biệt là “Đức Mến không bao giờ mất được.” (1 Cr 13:8)

VĨ NGÔN

Với chính mình, hãy thẳng thắn và chân thật, đừng bao giờ ngụ ý hoặc ẩn ý gì cả. Không ai biết mình hơn chính mình. Tốt hay xấu không tùy thuộc nhận xét của người khác, mà chính mình mới là quan tòa xét xử chính xác nhất. Giấu giếm, làm ngơ, giả vờ,… đều là ẩn ý của ma quỷ. Như Chúa Giêsu xác định: “Hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5:37)

Cuộc sống có nhiều cái KHÓ, nhưng có lẽ đây là bảy cái khó “nổi bật” nhất: Điều khó nhất có thể chống lại là CÁM DỖ, điều khó nhất có thể duy trì là SỨC KHỎE, điều khó nhất có thể giải thích là HẠNH PHÚC, điều khó nhất có thể xử lý là MỐI QUAN HỆ, điều khó nhất có thể thay đổi là THÓI QUEN, điều khó nhất có thể nắm bắt là CƠ HỘI, điều khó nhất có thể đạt được là LÒNG NGƯỜI.

TRẦM THIÊN THU

Dụ Ngôn – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/06/du-ngon.html

 Hoàn Thiện – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/06/hoan-thien.html
 Tiêu Chuẩn Nên Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/03/tieu-chuan-nen-thanh.html
 Nên Thánh Hằng Ngày – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/06/nen-thanh-hang-ngay.html
 Lãnh Đạo – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/10/lanh-ao.html
 Bão Tố Trong Kinh Thánh
     https://tramthienthu.blogspot.com/2018/09/bao-to-trong-kinh-thanh.html

No comments:

Post a Comment

Comment