Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

DỤ NGÔN

Trong cuốn “Jesus: A Pilgrimage” (Chúa Giêsu: Một Cuộc Lữ Hành), James Martin kết hợp sự phê bình lịch sử với phản ánh cá nhân và tâm linh khi tác giả tới những nơi Chúa Giêsu đã rao giảng. Tại Vịnh Dụ Ngôn (Bay of Parables), nơi được coi là Chúa Giêsu đã rao giảng nhiều, Martin phát hiện ý nghĩa mới ẩn sau các dụ ngôn nổi tiếng nhất của Chúa Giêsu. Ngài không giải thích nhiều dụ ngôn, có vẻ ngụ ý rằng người nghe phải tự hiểu. Chúng ta hãy xem lại vài dụ ngôn nổi tiếng và cách hiểu của tác giả Martin có được trong hành trình của ông.

DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG – Mt 13:4-9; Mc 4:3-9; Lc 8:5-8

Dụ ngôn này dùng phép ẩn dụ: Nông dân gieo hạt giống trên ruộng. Một số hạt rơi trên vệ đường, trên sỏi đá, hoặc nơi bụi gai, làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của hạt giống. Chúa Giêsu giải thích rằng hạt là Lời Hằng Sống và đất cằn cỗi là các lý do người ta khước từ Lời đó.

Chúa Giêsu giải thích khi mô tả những người tiếp nhận Phúc Âm, cũng có thể hiểu đó là có những người trong chúng ta dễ tiếp thu. Trong gia đình hoặc nơi làm việc? Chúng ta cần mở lòng đón nhận ở đâu? Thiên Chúa có thể giúp chúng ta loại bỏ những viên đá hoặc cỏ dại, những thứ ngăn cản chúng ta bước theo Ngài.

DỤ NGÔN PHÚ HỘ VÀ LADARÔ – Lc 16:19-31

Dụ ngôn này trong Phúc Âm theo Thánh sử Luca. Người nghèo Ladarô là người ăn xin khốn khổ. Khi cả người giàu và người nghèo cùng chết, người nghèo được đưa vào lòng Ápraham, còn người giàu phải vào Hỏa ngục vì tội không biết thương xót người nghèo, dù người nghèo ở ngay trước cửa nhà.

Chúa Giêsu nói dụ ngôn này tại thành phố Caphácnaum, một vùng khá nghèo. Tuy nhiên, gần ngay đó có hai thành phố hoang phí là Xêphori và Tibêria, nơi thì quá giàu và nơi thì quá nghèo. Chúa Giêsu biết rõ và rất thực tế khi nói dụ ngôn này. Ngày nay, chúng ta có nhận ra sự bất công ở xung quanh chúng ta? Làm sao chúng ta thấy số phận của người giàu để làm gương nhắc nhở chúng ta về cách sống và cách liên quan tới người khác?

DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU – Lc 10:29-37

Dụ ngôn này kể chuyện một người bị trọng thương bên đường. Thầy Lêvi và tư tế thản nhiên đi qua, còn người Samari (người ngoại đạo) chạnh lòng thương và giúp bằng cách đưa nạn nhân đi cấp cứu và chăm sóc tới lúc người lạ khỏe lại. Thầy Lêvi và tư tế là ai? Chúng ta có trả lời được hoặc có dám trả lời thật hay là… ngại?

Dụ ngôn này nói về người lân cận cần được yêu thương mà chúng ta làm ngơ. Ngày nay chúng ta vẫn vô cảm trước bao cảnh đời khốn khổ, dù chúng ta vẫn tự cho mình là người đạo đức, và rồi biện hộ bằng nhiều lý do. Chúng ta có định kiến và ác cảm với người khác? Trong lòng chúng ta có chỗ nào cho sự tha thứ và chấp nhận người khác để có thể yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu?

DỤ NGÔN CON CHIÊN LẠC – Mt 18:12-14; Lc 15:4-7

Dụ ngôn này ngắn gọn. Trong đó, Chúa Giêsu ví Thiên Chúa như người chăn chiên (ở Việt Nam là chăn trâu, chăn bò, chăn vịt,…) lo lắng đi tìm con chiên lạc, dù phải bỏ cả đàn 99 con chiên khác.

Khi tới Thánh Địa Giêrusalem, Martin thấy một bé trai Maasai đứng một mình. Ông biết cậu bé đó đang tìm một con chiên. Thật vậy, Martin thấy bên tay trái cậu bé có đàn chiên đang ăn cỏ. Rõ ràng đó là “phong cách” của người chăn chiên đích thực, điều mà Chúa Giêsu đã nói. Ngài nhắc nhở các môn đệ về việc chủ chiên và chiên phải biết nhau, phải hiểu “tiếng nói” của nhau. Đôi khi chúng ta tưởng là hiểu nhau, nhưng thực ra chỉ là giả tạo, có bao nhiêu chủ chiên như Thánh LM Gioan Maria Vianney?

DỤ NGÔN NHỮNG NÉN BẠC – Mt 25:14-30; Lc 19:11-27

Dụ ngôn này nói về chủ đất giàu có, ông sắp đi xa nên giao một số tiền cho các gia nhân. Ông giao 5 nén cho người có khả năng nhất, người kế tiếp nhận 2 nén, rồi người khác nhận 1 nén. Hai người có tài đều đầu tư và sinh lời gấp đôi, người thứ ba thì giấu kỹ, vì anh ta biết chủ nhân hà khắc nên anh ta “lạnh xương sống.” Chủ về và thưởng cho hai người biết làm sinh lời, rồi ông trừng phạt kẻ nhát đảm đem vốn cất kỹ.

Người thứ ba bị phạt vì anh ta sợ chủ là người khó tính. Có thể anh ta bị phạt vì không biết sử dụng tiền bạc. Người công chính cũng bị phạt vì không làm lợi cho những người xung quanh. Mỗi khi nói dụ ngôn, Chúa Giêsu thường hỏi các môn đệ: “Dụ ngôn này nghĩa là gì?” Và Ngài cũng vẫn đang hỏi mỗi chúng ta như vậy!

DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU – Lc 15:11-32

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để đối lại việc người ta kết án Ngài ăn uống với người tội lỗi. Dụ ngôn này nói về người con thứ còn trẻ, ham chơi nên đòi tiền cha rồi đi hoang đàng chi địa. Lúc trắng tay rồi mới nhớ đến cha, đành quay về xin lỗi cha, và người cha vẫn rộng lòng tha thứ. Người anh thì lại so đo, tính toán thiệt hơn, tức giận với đứa em và cả người cha, nhưng người cha vẫn nhẹ nhàng lý giải chứ không la rầy.

Chúng ta là hình ảnh của cả hai người con. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không trách chúng ta, vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tha thứ, chỉ cần chúng ta biết thành tâm sám hối.

DỤ NGÔN VĨ ĐẠI NHẤT – CHÚA GIÊSU

Nếu Chúa Giêsu nói bằng các dụ ngôn, chúng ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa muốn giáo huấn chúng ta bằng những câu chuyện. Tác giả Martin nói: “Có thể nói rằng chính Chúa Giêsu là DỤ NGÔN của THIÊN CHÚA.” Chúng ta có thể sử dụng chuyện của Ngài để thấu hiểu, không chỉ theo tình huống mà còn theo tính cách của Ngài. Rõ ràng không ai biết Thiên Chúa, nhưng qua Đức Kitô, chúng ta được biết câu chuyện tuyệt vời cho phép chúng ta hình dung Ngài đối với chúng ta. Chính Chúa Giêsu là Dụ Ngôn vĩ đại nhất!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment