Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

VỊ GIÁO HOÀNG THÁCH THỨC HITLER

Cuối Thế Chiến II, ĐGH Piô XII được mọi người ca ngợi vì sự lãnh đạo can đảm của ngài. Sử gia Do Thái Pinchas Lapide thừa nhận rằng Giáo hội đã cứu mạng sống của 850.000 người Do Thái ở Slovakia, Croatia, Romania và Hungary. Giáo trưởng Do Thái của Rôma là Israel Zolli đã xin gia nhập Công giáo. Để cảm ơn và tôn vinh Đức Piô XII, ông lấy tên là Eugenio, theo tên khai sinh Eugenio Pacelli của Đức Piô XII.

Khi Đức Piô XII qua đời, Bộ Trưởng Ngoại Giao Israel Golda Meir đã viết: “Khi sự tử đạo đáng sợ đến với dân tộc chúng tôi trong thập kỷ khủng bố của Đức Quốc Xã, tiếng nói của Đức Piô XII đã cất lên vì các nạn nhân.” Leonard Bernstein đã yêu cầu khán giả tại buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng New York một phút mặc niệm “vì sự ra đi của con người rất vĩ đại là Đức Piô XII.”

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm sau cái chết của Đức Piô XII, có những nỗ lực bắt đầu vu khống ngài. Những thông tin sai lệch của Liên Xô đã tìm cách làm mất uy tín ngài. Nhưng đặc biệt là vở kịch năm 1963, “The Vice” – Thói Xấu, của Rolf Hochhuth, một thư ký vô danh tại một nhà xuất bản Đức và là cánh tả cực đoan, đã vẽ Đức Piô XII là một người bài Do Thái ủng hộ Đức Quốc Xã, ý nói ngài đã im lặng trong khi 6 triệu người Do Thái bị sát hại.

Việc ghi chép thực tế không ngăn được sự vu khống. Tu sĩ Robert Graham, Dòng Tên, một học giả của thời kỳ đó, được yêu cầu giải thích lý do. Với tất cả các thông tin khủng khiếp được tiết lộ về các trại tập trung của Đức Quốc Xã trong những năm 1960 và 1970, ai đó “bị đổ lỗi cho cuộc thảm sát.” Người ta đã quy cho Đức Piô XII.

Từ năm 2020, văn khố đầy đủ của Vatican về Đức Piô XII đã được mở cho các học giả. Hai cuốn sách đã xuất bản dựa trên tài liệu lưu trữ đó: “The Pope and the Holocaust: Pius XII and the Vatican Secret Archives” của sử gia Michael Hesemann; và “The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini, and Hitler” của giáo sư Brown David I. Kertzer.

Nghiên cứu chi tiết của Hesemann cho thấy Đức Piô XII đã phê bình thẳng thắn đối với Đức Quốc Xã trong những năm 1920 và 1930. Chẳng hạn, trong một bức thư công khai năm 1935 gửi các giám mục của Cologne, Đức Piô XII gọi Đức Quốc Xã là “các tiên tri giả với lòng tự kiêu của Luxiphe.” Ngài (khi còn là hồng y) cũng là tác giả chính của thông điệp “Mit Brennender Sorge” (Với Mối Quan Tâm Cháy Bỏng) của Đức Piô XI, được viết bằng tiếng Đức và được công bố vào Chúa Nhật Thương Khó năm 1937.

Thông điệp này đã lên án lý thuyết chủng tộc của Đức Quốc Xã: “Bất cứ ai đề cao chủng tộc, hoặc dân tộc, hoặc nhà nước hoặc một hình thức nhà nước riêng, hoặc kho chứa quyền lực, hoặc bất kỳ giá trị cơ bản nào khác của cộng đồng con người... hơn giá trị tiêu chuẩn của họ và coi thường họ đến mức sùng bái thần tượng, bóp méo và làm đảo lộn trật tự thế giới được hoạch định và tạo ra bởi Thiên Chúa.”

Đức Quốc Xã đã gọi Đức Piô XII là hồng y “yêu Do Thái.” Sau khi biết về cuộc bạo động Kristallnacht [*] năm 1938 nhằm vào người Do Thái, ngài đã lập kế hoạch cho phép 200.000 người, “những người bị Đệ Tam Đế Chế coi là người Do Thái, được di cư, do đó ngài đã cứu họ khỏi bị đàn áp thêm.” Nếu các chính phủ khác nhau cấp thị thực, Vatican sẽ đài thọ chi phí di chuyển. Hesemann báo cáo rằng mặc dù Đức Piô XII đã làm việc rất tích cực, nhưng do “thiếu sự hợp tác từ các chính phủ,” chỉ vài nghìn người có thể di cư.

Một tháng sau khi Thế Chiến II bùng nổ, Đức Piô XII đã công bố thông điệp đầu tiên “On The Unity of Human Society” (Về Sự Thống Nhất của Xã Hội Loài Người), kêu gọi tất cả những người có thiện chí phản đối “hai sai lầm nguy hiểm” này: phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa nhà nước (statism – thuật ngữ này bao gồm nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, giáo dục,... Dạng tập trung quyền hành trung ương). Ngài thẳng thắn tuyên bố rằng Đức Quốc Xã “đã bỏ Thập Giá của Đức Kitô để thay thế cái khác, điều này chỉ đem lại sự chết.”

Thời báo New York đã tuyên bố trên trang nhất: “Đức giáo hoàng lên án những kẻ độc tài, những kẻ vi phạm Hiệp Ước, phân biệt chủng tộc.” Người Mỹ gốc Israel đã ca ngợi “sự tố cáo chủ nghĩa Đức Quốc Xã” của đức giáo hoàng.

Trong các bài diễn văn trên đài phát thanh dịp Giáng Sinh hằng năm, Đức Piô XII thường xuyên lên án sự man rợ của Đức Quốc Xã. Một bài xã luận dịp Giáng Sinh của New York Times năm 1941 viết: “Giọng nói của Đức Piô XII là giọng nói cô đơn... Ngài nói về người cai trị duy nhất còn lại trên lục địa Âu châu dám cất cao tiếng nói của mình. Ngài không nghi ngờ rằng mục đích của Đức Quốc Xã cũng không thể hòa giải với quan niệm riêng ngài về hòa bình Kitô giáo.”

Đức Piô XII đã chúc lành cho các nhóm kháng chiến Đức cố gắng hạ bệ Hitler; nguyên nhân của họ đúng đắn về mặt đạo đức bởi vì “chúng ta phải tiến hành cuộc chiến chống lại quyền lực của cái ác.”

Trong một số trường hợp, Hitler ra lệnh bắt cóc Đức Piô XII và hành quyết các thành viên giáo triều. Mặc dù Hitler được yêu cầu hủy bỏ các lệnh đó, nhưng Đức Piô XII đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Ngài đã ký một thư thoái vị – sẽ có hiệu lực nếu ngài bị bắt. Trong trường hợp đó, các hồng y phải đến Bồ Đào Nha trung lập và tổ chức mật nghị bầu giáo hoàng mới.

Sau khi quân Đức chiếm đóng Rôma vào tháng 10-1943, Heinrich Himmler ra lệnh rằng “giải pháp cuối cùng” phải được thực hiện tại đó. Hesemann báo cáo: “Tất cả 8.000 người Do Thái ở Rôma, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay tình trạng sức khỏe, đều bị trục xuất tới Đức “với mục đích thanh toán.”

Hesemann phát hiện ra rằng, ngày 25-10-1943, Đức Piô XII đã ra lệnh bằng văn bản rằng “các cơ sở tôn giáo và cả hầm mộ phải được mở cửa cho những người Do Thái đang bị Đức Quốc Xã bắt bớ.” Ngài đã gửi thực phẩm từ Vatican để nuôi hàng ngàn người sống trong các cơ sở Công giáo. Ngài lấy tiền riêng mua thuốc, quần áo và những thứ cần thiết khác, ngài cho lính canh bảo vệ các nơi.

Hàng trăm người Do Thái được giấu tại Vatican, kể cả dinh thự mùa hè Castel Gandolfo của giáo hoàng. Có 7.705 người Do Thái sống tại Rôma ngày 5-6-1944, ngày được Quân Đồng Minh giải phóng. Các tài liệu cho biết rằng có 6.681 người nợ cuộc giải cứu trực tiếp đối với giáo hoàng.

Nhưng như trong các tác phẩm trước đây về Đức Piô XII, dường như Kertzer là sử gia tìm kiếm dữ liệu để xác nhận một kết luận đã được hình thành từ trước, cho rằng Đức Piô XII đã không làm gì để bảo vệ người Do Thái.

Trong bài phê bình cuốn sách “The Popes Against the Jews” của Kertzer, triết gia nổi tiếng người Mỹ Russell Hittinger lưu ý rằng tác giả không đọc những lời lên án chủ nghĩa bài Do Thái của giáo hoàng, bởi vì “việc đọc các tài liệu công khai sẽ không đi ngược lại luận điểm của ông ấy ở mọi điểm.”

Cuốn sách mới nhất của Kertzer cũng gặp vấn đề tương tự. Khoảng một nửa văn bản theo dõi sự suy tàn và sụp đổ của Mussolini, Hitler và House of Savoy. Nửa còn lại mô tả Đức Piô XII là một bạo chúa yếu đuối, thiếu quyết đoán, bất tài và không chịu khuất phục, đã nhắm mắt làm ngơ trước cuộc thảm sát và có thiện cảm với Phát-xít và Đức Quốc Xã. Như tài liệu lưu trữ không thể chối cãi cho thấy, điều đó hoàn toàn phi lý.

Thậm chí Kertzer còn đi xa đến mức tuyên bố rằng Đức Piô XII không là người được các hồng y yêu mến tại mật nghị năm 1939. Ông ta sai lầm xác định rằng Đức Piô XII đã phải mất ba lần bầu mới đủ số phiếu cần thiết.

Mật nghị bầu chọn Đức Piô XII ngắn nhất kể từ năm 1623. Ngài nhận được 48 phiếu bầu ở lần bầu thứ hai, nhưng như Hesemann đã nhận xét đúng, “trong lần bầu thứ ba, Đức Piô XII nhận được 61 phiếu trong số 62 phiếu, chỉ có phiếu của ngài bầu cho một ứng cử viên khác.”

Các lập luận của Kertzer dựa trên các sự kiện như Đức Piô XII đối xử với người đứng đầu nhà nước Ý là vua Victor Emanuel, và người đứng đầu chính phủ là Benito Mussolini, để bảo vệ lợi ích của Công giáo; ngài biện hộ cho hòa bình, không cho chiến tranh; và ngài đã dùng chúng làm trung gian đối với Hitler trong nỗ lực môi giới một hiệp định hòa bình.

Kertzer kinh hoàng khi Đức Piô XII, với tư cách là Hồng y Bộ trưởng Ngoại giao và là Giáo hoàng, đã đối phó với chính phủ của Hitler và có các cuộc gặp “bí mật” với các phái viên Đức.

Tất nhiên, Đức Piô XII và Đức Piô XI tiền nhiệm đều công nhận Hitler là kẻ độc ác, nhưng các ngài đã thương lượng với nhà nước Đức để bảo đảm quyền tự do của Giáo hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên và bổ nhiệm các giám mục – và để người Công giáo Đức tự do thực hành đức tin của họ.

Các giáo hoàng tiếp cận với các quốc gia bất hảo hầu như không có gì lạ. Để bảo vệ đàn chiên, vào những năm 1920, Đức Piô XI đã cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô ít nhất là ba lần.

Chắc chắn Kertzer không đề cập các nỗ lực được ghi nhận của Đức Piô XII về việc cứu 200.000 người “không phải người Aryan” sau cuộc bạo động Kristallnacht. Hoặc cho rằng, với tư cách là giáo hoàng, Đức Piô XII ủng hộ phong trào kháng chiến tìm cách lật đổ Hitler. Và Kertzer còn bác bỏ kế hoạch bắt cóc Đức Piô XII của Đức Quốc Xã, cho đó là “tuyên truyền của Quân Đồng Minh.”

Ông xác định rằng “không có bằng chứng giáo hoàng chỉ huy các tổ chức Giáo hội tiếp nhận người Do Thái.” Một tuyên bố sai lầm, vì các tài liệu lưu trữ cho thấy vượt quá mọi nghi ngờ.

Trong suốt cuốn sách “The Pope at War,” tác giả chê bai những tuyên bố và bài phát biểu trước công chúng của Đức Piô XII. Ông phàn nàn rằng giáo hoàng đã sử dụng “ngôn ngữ thần học mờ nhạt và sáo ngữ đạo đức,” với “giọng điệu nhàm chán, không có dấu hiệu tự phát.”

Theo quan điểm đó, các bài giảng của Đức Piô XII quá dài, ngôn ngữ “xoắn lại một cách đặc trưng” hoặc mơ hồ. Các bài nói chuyện trên đài phát thanh dịp Giáng Sinh của giáo hoàng bị bác bỏ vì “dài dòng và ngôn ngữ loãng.”

Các thông điệp của giáo hoàng có thể không rõ ràng đối với Kertzer nhưng không phải như vậy đối với hàng triệu người Công giáo và người Do Thái trên khắp thế giới vào thời điểm đó, bao gồm cả New York Times, tờ báo của một gia đình Do Thái. Họ hiểu thông điệp của giáo hoàng và ca ngợi ngài vì sự can đảm.

Chẳng hạn, Đức Piô XII đã có bài diễn văn trên đài phát thanh ngày 1-8-1941, không có gì phức tạp hoặc mơ hồ: “Một vụ bê bối lớn đang diễn ra, vụ bê bối này là đối xử tồi tệ với người Do Thái; đó là lý do tôi mong rằng tiếng nói tự do, tiếng nói của linh mục, phải được cất lên để phản đối. Ở Đức, người Do Thái bị giết, bị bắt bớ, bị tra tấn vì họ là nạn nhân không được bảo vệ. Làm sao Kitô hữu có thể chấp nhận những việc làm như vậy?... Những người này là con cái của những người đã truyền bá Kitô giáo cho thế giới từ 2000 năm trước.”

Mặc dù lời lẽ như vậy, nhưng lời buộc tội chính của Kertzer chống lại Đức Piô XII là “sự im lặng” được cho là của ông. Kertzer tuyên bố mà không có bằng chứng, rằng giáo hoàng đã bị Hitler và Mussolini đe dọa và “kiên quyết giữ quyết tâm không làm gì để chống lại một trong hai người.” Do đó, ông kết luận rằng “với tư cách là người lãnh đạo luân lý, Đức Piô XII phải bị đánh giá là người thất bại.”

Đức Piô XII không hề im lặng, nhưng chắc chắn ngài rất thận trọng. Ngài chỉ thị cho các giám mục địa phương phải “cân nhắc xem mức độ nguy hiểm của các biện pháp trả đũa và các hình thức gây áp lực… làm nó có vẻ được khuyến khích... thực hiện việc hạn chế để tránh những điều xấu xa hơn.”

Có những lý do hợp lý cho sự thận trọng. Một thư của giáo hoàng để đọc trong mọi nhà thờ đã được một phái viên của Vatican đưa vào Ba Lan và chuyển cho Đức TGM Sapieha của Krakow hồi tháng 8-1942. Lá thư là “lời tuyên bố về tình đoàn kết và sự phản đối rõ ràng đối với Đức Quốc Xã.” Nhưng TGM Sapieha nói: “Tuy nhiên, vì tình yêu Thiên Chúa, tôi hoàn toàn không thể chuyển bức thư này... cho các linh mục của tôi. Chỉ cần một bản sao lọt vào tay SS (Schutz Staffel – cận vệ lính Đức) thì mọi cái đầu của chúng ta sẽ lăn lông lốc.”

TGM Sapieha đốt bức thư và nói với Đức Piô XII: “Điều đó làm chúng con day dứt rằng chúng con không thể chuyển thư của ngài cho các tín hữu của chúng con, nhưng nó sẽ làm cớ cho những cuộc đàn áp tiếp theo.”

Khác với Giáo hội Ba Lan, Giáo hội Hà Lan đã phải trả giá cho sự thiếu cẩn trọng của mình. Tháng 7-1942, một lá thư mục vụ do giáo hoàng truyền cảm hứng và có chữ ký của các giám mục Công giáo Hà Lan và các vị lãnh đạo của Hội đồng các Giáo hội Cải cách Hà Lan đã được đọc từ ở các nhà thờ Công giáo.

Trong vòng một tuần, Đức Quốc Xã đã trả đũa bằng cách vận chuyển 40.000 người Hà Lan gốc Do Thái ở Hà Lan, kể cả những người Do Thái Công giáo, đến trại Auschwitz – trong số đó có Edith Stein (Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, lễ ngày 9 tháng 8). TGM Jande Jong của Utrecht sau đó đã than: “Nếu tôi im lặng và không phản đối thì tất cả những người Do Thái Công giáo này sẽ còn sống.”

Tiến sĩ Jozef Lichten, người Ba Lan gốc Do Thái và là giám đốc Ban Văn Hóa của Liên Đoàn Chống Phỉ Báng B'nai-Brith, cho rằng giáo hoàng không lên tiếng mạnh mẽ hơn để chống lại các cuộc đàn áp của Đức Quốc Xã là điều khôn ngoan “bởi vì bất cứ điều gì ngài đã nói sẽ có thể được coi là làm cho vấn đề tồi tệ hơn đối với người Do Thái.”

Marcus Melchior, giáo trưởng Do Thái của Đan Mạch, sống sót sau cuộc thảm sát, đồng ý: “Nếu giáo hoàng lên tiếng, Hitler có lẽ đã tàn sát hơn sáu triệu người Do Thái và có lẽ gấp mười lần mười triệu người Công giáo, nếu ông ta có quyền làm như vậy.”

Một người Rôma gốc Do Thái là Carlo Sestieri, sống sót sau khi ẩn náu tại Vatican, tuyên bố rằng “chính sách thận trọng” của Vatican đã cứu hàng ngàn người Rôma gốc Do Thái, “không nghi ngờ gì nữa, điều đó đã giúp tránh được những thảm họa tồi tệ hơn.”

Trong suốt cuộc chiến, Đức Piô XII đã phải vật lộn với cám dỗ để lên tiếng. Hesemann viết: “Ngài không muốn mua cho mình sự tán thưởng của thế giới văn minh và sự nổi tiếng trong các thế hệ tương lai bằng máu của những người vô tội.”

Vì thế, ngài tránh được những lời tố cáo của công chúng mà dù sao cũng sẽ bị Đức Quốc Xã kiểm duyệt, và sử dụng vị thế của mình để giải cứu càng nhiều người Do Thái càng tốt, qua các kênh ngoại giao và ngấm ngầm.

Mặc dù một số sáng kiến ngoại giao đã thành công, nhưng thành công lớn là mạng lưới ngầm được phát triển sau khi Đức Piô XII gửi một mật lệnh đến các giám mục ở châu Âu ngày 23-12-1940, hướng dẫn họ cung cấp viện trợ cho “tất cả những người chịu sự phân biệt chủng tộc của Chủ Nghĩa Xã Hội Quốc Gia.”

Các linh mục, nữ tu, và các tôn giáo khác, đã thực hiện mệnh lệnh của giáo hoàng và cứu sống người ta bằng các chiến thuật táo bạo và thông minh. Sử gia nổi tiếng John Toland đã phản ánh những nỗ lực cao cả đó, và viết trong cuốn tiểu sử nổi tiếng về Hitler: “Giáo hội dưới sự hướng dẫn của đức giáo hoàng… đã cứu mạng sống của nhiều người Do Thái hơn tất cả các nhà thờ, các tổ chức tôn giáo và các hoạt động cứu hộ cộng lại... Thành tích của Quân Đồng Minh còn đáng xấu hổ hơn nhiều. Mặc dù có những tuyên bố cao cả, người Anh và người Mỹ đã tránh thực hiện hành động có ý nghĩa, mà chỉ dành nơi trú ẩn cho một số người Do Thái bị đàn áp.”

Sử gia Sir Martin Gilbert, người Anh và chuyên gia về cuộc thảm sát nổi tiếng quốc tế, đã kết luận trong cuốn “The Righteous: The Unsung Heroes of the Holocaust” rằng những cáo buộc chống lại Đức Piô XII là vô căn cứ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, Gilbert nói rằng “xác định việc Đức Piô XII ‘im lặng’ về các vụ giết người hàng loạt của Đức Quốc Xã là một sai lầm nghiêm trọng của thực tế lịch sử.” Thay vào đó, Đức Piô XII là tiếng nói lớn đầu tiên công khai lên án những hành động tàn bạo của Đức Quốc Xã đối với người Công giáo và người Do Thái. Hàng trăm ngàn người Do Thái đã “được cứu bởi toàn thể Giáo hội Công giáo dưới sự lãnh đạo và sự hỗ trợ của Đức Piô XII.”

Gilbert bác bỏ quan điểm đó, còn Kertzer và những người khác vẫn cho rằng Đức Piô XII phải bị đánh giá là “sự thất bại về đạo đức.” Gilbert nói rằng Đức Piô không đáng mang tai mang tiếng nữa, ngài nên là ứng cử viên cho mệnh lệnh “Những Người Ngoại Công Chính” của Yad Vashem.

GEORGE J. MARLIN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

[*] Kristallnacht hoặc Reichskristallnacht, còn gọi là “Đêm Thủy Tinh Vỡ,” là cuộc bạo động chống người Do Thái, kéo dài từ tháng 9 tới tháng 11 năm 1938 tại Đức và Áo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment