Lửa là loại lây lan lanh lẹ lạ lùng lắm. Lửa rất mềm mà không thể cắt đứt, rất yếu mà lại rất mạnh, rất mỏng mà cũng rất dày. Lửa không tốt, chẳng xấu, nhưng tùy người sử dụng mà làm cho lửa trở thành tốt hay xấu.
Ngày nào người ta cũng phải dùng lửa, cụ thể
nhất là thắp sáng và nấu đồ ăn. Lửa luôn có sẵn. Và chính Chúa Giêsu đã xác
định: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc
12:49-50)
Đối với loài người, có lẽ chúng ta thấy Chúa
Giêsu luôn đưa ra những điều trái khoáy, nghịch lý, nhưng đối với Thiên Chúa thì
đó lại là nghịch-lý-thuận. Một triết lý sống kỳ diệu vô cùng, nếu không lý giải
bằng niềm tin yêu thì không thể hiểu bằng lý lẽ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giêsu
nói thẳng thắn: “Anh em tưởng rằng Thầy
đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế
đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia
rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại
con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ;
mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12:51-53)
Chắc chắn Chúa Giêsu không bảo chúng ta chia
rẽ, phe cánh hoặc bất hòa với nhau, vì như vậy là đối lập với lòng thương xót,
trong khi Ngài là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16) và giàu lòng thương xót. (Ep 2:4)
Quả thật, Thánh Phaolô cũng đã khuyến cáo: “Đừng
bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại
trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng
thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong
Đức Kitô.” (Ep 4:31-32)
Như chúng ta biết, lửa có tính làm cháy hoặc
thiêu đốt. Khi lửa cháy, có gì đó biến đổi – hoặc hư hại (cháy rừng, cháy
nhà,…), hoặc lợi ích (làm chín thực phẩm, làm tan chảy đồng, chì, sắt hoặc thủy
tinh để đúc khuôn,…). Tương tự, khi ngọn lửa tình yêu thắp sáng, lửa lòng
thương xót bùng cháy cũng có tác dụng khác nhau – có thể tích cực với người này
hoặc tiêu cực với người khác. Vì thế mà có sự “chia rẽ” giữa người này với
người kia, thậm chí là giữa các thành viên trong một gia đình.
Lửa là một trong 4 nguyên tố chính của vũ trụ
– cùng với đất, nước, và khí. Bốn yếu tố này kết hợp với nhau tạo ra vạn vật
trong thiên nhiên. Chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được lửa, cũng có thể nhìn
thấy và cảm nhận được đất, nước , khí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng lửa rất
khác biệt.
Đất, nước và khí được cấu tạo bởi hàng tỷ
nguyên tử, và luôn giữ nguyên dạng như vậy. Lửa không như vậy: lửa có thể
chuyển sang các dạng khác vì nó là một phần của các phản ứng hóa học. Lửa là
quá trình ôxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng hóa học tỏa
nhiệt, giải phóng nhiệt, ánh sáng, và các sản phẩm phản ứng khác.
Để tạo ra lửa, phải cần và đủ 3 yếu tố: chất
cháy, ôxy và nguồn nhiệt. Thiếu một yếu tố sẽ không thể xảy ra cháy. Và mỗi
chất khác nhau có nhiệt độ bốc cháy khác nhau. Lửa rất hữu ích nếu sử dụng hợp
lý, nhưng cũng lửa rất nguy hiểm nếu sử dụng sai mục đích. Lửa lạ lùng lắm!
Một ngọn lửa nhỏ có thể dễ thổi tắt, nhưng
một đám cháy thì khó có thể dập tắt, có thể thiêu rụi mọi thứ trong chốc lát.
Lửa là một vũ khí đáng sợ, với sức tàn phá khủng khiếp. Lửa cũng có đặc tính kỳ
lạ: chỉ một đốm lửa, nhưng càng chia sẻ thì càng thêm nhiều, bản chất lửa không
hề giảm sút chút nào.
Lửa đối nghịch với bóng tối, vì có lửa là có
ánh sáng, và bóng tối bị đẩy lui. Chính Chúa Giêsu đã đích thân đến thế gian và
ném lửa vào thế gian. Ngài mong cho lửa đó bùng cháy lên khắp nơi. Đó chính là
Lửa của Tình Yêu Thương, của Lòng Trắc Ẩn, của Lòng Thương Xót. Chính Ngài là
“Lửa” soi đường dẫn lối, như Ngài đã xác nhận với người Do Thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ
không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
(Ga 8:12)
Trình thuật Gr 38:4-6, 8-10 cho biết rằng các
thủ lãnh đã thưa với vua về ông Giêrêmia: “Xin
ngài cho giết con người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng
các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy
chẳng mưu hòa bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa.” Và vua Xítkigiahu nói với
họ rằng ông ta đang ở trong tay họ. Vua cũng không thể làm gì trái ý họ. Thế là
họ liền điệu ông Giêrêmia đi, lấy dây thừng cột ông và bỏ ông xuống một cái hầm
nước của hoàng tử Mankigiahu trong sân vệ binh. Hầm này không có nước, chỉ có
bùn, nên ông Giêrêmia bị lún sâu.
Ra khỏi đền vua, thái giám Evét Meléc (người
Cút) nói: “Thưa đức vua, chúa thượng tôi,
những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giêrêmia. Họ đã thả
ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh
nữa.” Vua lập tức truyền cho ông Evét Meléc: “Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giêrêmia lên
khỏi hầm, kẻo ông chết mất.” Thái giám Meléc thật nhân đạo, vua Xítkigiahu
cũng tốt lành, vì vua đã tôn trọng lẽ phải mà nghe lời thái giám. Đó là công
lý, nhân đạo, yêu thương, là hệ quả tốt lành của lòng thương xót.
Thoát chết là còn sống. Thoát chết là một
hồng ân. Nhưng sống tiếp để làm gì? Thánh Vịnh gia xác định: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan
bao những công việc Chúa làm.” (Tv 118:17) Điều đó cũng có nghĩa là “loan báo
lòng thương xót của Thiên Chúa.” Chắc chắn rằng bất cứ ai trông cậy Thiên Chúa
sẽ được Ngài đã độ trì, ai kiên trì van nài thì được Ngài cứu nguy, và không
phải thất vọng bao giờ. (x. Tv 22:6)
Thánh Vịnh gia minh định với niềm xác tín: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người
nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi
vững vàng. Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy
thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:2-4) Làm chứng
về Chúa không nhất thiết phải là làm việc gì to tát, lớn lao, mà chỉ cần chứng
tỏ bằng cách sống chân thật, hiền từ và nhân hậu. Động thái đơn giản mà hiệu
quả: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là
môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35)
Và rồi Thánh Vịnh gia chia sẻ tâm sự: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng
Chúa hằng nghĩ tới. Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con, lạy Thiên
Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!” (Tv 40:18) Rất rõ ràng, rất rạch ròi. Đó
là niềm đức tin và đức mến không thể tách rời, đó cũng là loại “lửa” cần cháy
bùng lên trong mỗi chúng ta hằng ngày.
Giải thích ngắn gọn, Thánh Phaolô nói: “Phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức
tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang
trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về
Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm
vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay
đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Dt 12:1-2) Chỉ mấy câu mà đủ sức làm
chúng ta giật mình và xấu hổ, bởi vì đôi khi chúng ta vẫn ù lì, than thở và đòi
hỏi!
Có truyện kể về con Lừa thế này: Bác nông dân
nọ có một con lừa. Một hôm, nó bị rơi xuống giếng khi đang chạy nhảy trong khu
vườn sau nhà. Thấy nó kêu la thảm thiết, bác tìm cách cứu nó mà không biết làm
sao. Bác nghĩ rằng dù sao thì nó cũng già rồi, mà cái giếng kia rồi cũng phải
lấp đi để khỏi nguy hiểm.
Thế rồi bác liền đi nhờ vài người hàng xóm
sang giúp lấp cái giếng. Mọi người xúc đất đổ xuống giếng. Lúc đầu, con lừa
nhận ra điều gì đang xảy ra với nó nên càng rống lên dữ dội hơn. Nhưng một lúc
sau, tiếng kêu của nó nhỏ dần đi và rồi im bặt. Ai cũng nghĩ là nó đã bị đất
lấp. Nhưng không phải vậy. Đất cứ đổ lên nó thì nó lại rũ đất xuống và dẫm lên
đất. Cứ thế và cứ thế… Rồi nó trồi lên và bước ra khỏi miệng giếng, nó thản
nhiên chạy đi trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Mặc dù ở đường cùng, nhưng con lừa không than
thân trách phận, không thúc thủ, nó vẫn can đảm và khéo léo trút bỏ mọi thứ ô
uế trĩu nặng để có thể tự giải thoát. Cuối cùng, nó đã chiến thắng chính nó và
chiến thắng nghịch cảnh.
Thật chí lý khi người ta nói: “Hãy tự giúp mình rồi Trời sẽ cứu.” Chúa
Giêsu muốn cũng chúng ta hành động như con lừa. Vả lại, chính Ngài đã nêu gương
“khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô
nhục.” (Dt 12:2) Và Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống
đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến
đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” (Dt 12:3-4)
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cứ nguyền
rủa bóng tối mà không chịu quẹt que diêm hoặc bật quẹt để thắp sáng lên một
ngọn lửa – dù đó chỉ là ánh sáng mờ nhạt. Về tâm linh, tín nhân rất cần ngọn
lửa khao khát: “Khi bừng cháy lửa khát
khao Thiên Chúa, có thể nói rằng tâm trí anh em sẽ dần dần giũ sạch được nhục
dục và mọi suy tư hoặc ký ức đã bị gây ra do các ấn tượng xấu xa; đồng thời nó
được tràn đầy lòng kính thờ và hân hoan. Bấy giờ, anh em có thể kết luận rằng
nó đã đến được biên cương của sự cầu nguyện.” (Thánh Nilus Sinai)
Lạy
Thiên Chúa, xin làm cho chúng con trở nên lửa tình thương xót của Ngài để thắp
sáng thế gian và soi đường sống cho chính chúng con trên đường lữ hành. Xin Ngài
dập tắt lửa thù hận, lửa chiến tranh, lửa chia rẽ,... và khơi lửa nhiệt huyết
phục vụ vì Thánh Danh Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu
Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Tạ Ơn Trong Lúc Khó Khăn
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/ta-on-trong-luc-kho-khan.html
▶ Bình An & Chia Rẽ (Lc 12:49-53)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment