Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

KHUYẾN MÃI

Xã hội ngày nay không còn xa lạ gì với việc khuyến mãi trong chuyện mua bán thường nhật.

Khuyến mại hoặc khuyến mãi là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

Thuật ngữ này được ghi là “khuyến mại” và đã được dùng quen thuộc trong các văn bản cũng như nhiều hoạt động  quảng bá của các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nghĩa chính xác của từ Hán Việt, hoạt động này phải được gọi là “khuyến mãi.” Vì theo nghĩa Hán Việt: MẠI () là bán, MÃI () là mua. Do đó, chúng ta thường nghe nói với các cụm từ: Tư sản mại bản, mại dâm, mãi lộ,…

Như vậy, nghĩa ban đầu của “khuyến mãi” vốn là khuyến khích nhân viên tiếp thị (chẳng hạn bằng tiền thưởng) của chính doanh nghiệp mình thúc đẩy việc tiếp thị để tiêu thụ hàng hóa. “Khuyến mại” có nghĩa trái ngược với “khuyến mãi.” Khuyến mãi mới mang nghĩa thực như định nghĩa nêu trên đây.

Khuyến mại là sự kiện hoặc tập hợp các sự kiện/hoạt động tập trung của hơn một doanh nghiệp, một tổ chức, một chính sách, hoặc một chương trình hành động, nhằm xúc tiến hỗ trợ hoạt động bán hàng và làm tăng trưởng giao dịch thương mại. Đơn giản hơn, có thể hiểu khuyến mãi là khuyến khích phát triển thương mại.

Khuyến mãi là các hoạt động gia tăng quyền lợi (kinh tế hoặc phi kinh tế) của doanh nghiệp như thưởng giá, thưởng quà, trúng thưởng, hoặc giá trị đi kèm nào đó, khi việc mua sắm của khách hàng nhằm tăng doanh số bán của hàng hóa dịch vụ.

Khuyến mãi mang nghĩa là “khuyến khích mua hàng hoá hoặc dịch vụ,” do đó mục đích chính của khuyến mãi là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người tiêu dùng mua nhiều các hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc phân phối. Ngoài ra, hoạt động khuyến mãi còn nhằm mục đích quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.

Chuyện đời là thế. Người ta quảng cáo đủ cách, với các chiêu khuyến mãi “hấp dẫn,” để người tiêu dùng nghe “bùi tai” mà đổ xô đi mua hàng – dù có khi chẳng xài tới hoặc không thực sự có lợi. Nói chung, khuyến mại hoặc khuyến mãi đều có tính lừa dối nhau mà thôi!

Chúa Giêsu không dùng phương pháp khuyến mãi như người đời, nhưng Ngài có cách “khuyến mãi” hoàn toàn không giống ai, vì tư tưởng của Thiên Chúa vượt trên tư tưởng loài người, cách xa nhau như trời với đất vậy!

Luật Chúa vô cùng ngắn gọn và đơn giản: YÊU. Thế thôi! Thật vậy, Chúa Giêsu chỉ đòi buộc chúng ta yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15:12) Rồi Ngài giải thích: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Thế nhưng chuyện yêu thương lại không dễ thực hành, đến nỗi dường như hóa nhiêu khê!

Ngài còn cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18) Nghe “ớn” quá và “oải” quá! Lợi đâu chả thấy mà chỉ thấy đau khổ và nguy hiểm chờ chực.

Nhưng Ngài căn dặn và động viên: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10:19-20) Ngài biết rõ chúng ta thế nào nên Ngài nói thêm: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22) Đó là một trong những độc chiêu “khuyến mãi” của Đức Kitô, hấp dẫn thật chứ không ảo tưởng!

Điều kiện thật khó khăn, thật gay go, thật khắc nghiệt, nhưng cũng không lạ gì, vì đó là chuyện tất yếu: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi.” (Mt 10:24-25; Mc 13:9-13; Lc 21:12-19)

Ngoài những điểm chung, Chúa Giêsu còn nói điểm riêng của từng người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23) Ngài biết chúng ta như “chú Tàu nghe kèn” nên Ngài giải thích để chúng ta hiểu rõ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” (Lc 9:24-26)

Rồi Ngài thẳng thắn và nghiêm túc cảnh báo: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nềchè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thứccầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21:34-36)

Quả thật, chẳng ai biết “khi nào thời ấy đến.” (x. Mc 13:33) Những tin đồn chỉ là nhảm nhí, thất thiệt. Thế mà không ít người vẫn “run như cầy sấy.” Chúa nói thì không tin, lại cứ tin theo những tiên tri giả. Nguy hiểm quá! Thế mà lúc nào cũng “leo lẻo” là “tín thác vào Chúa.” Quá ngây ngô!

Đệ nhất tuyên ngôn của Chúa Giêsu là “Bài Giảng Trên Núi” – cũng gọi là “Bát Phúc” hoặc “Tám Mối Phúc Thật.” Và đây là cách “khuyến mãi” không giống ai của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3-10)

Chúa Giêsu còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.” (Mt 5:11) Rồi Ngài cho biết thêm một mối phúc khác: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29)

Khó thật! Nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì. (x. Ga 15:5) Nhưng Ngài lại hứa chắc: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Thế thì chúng ta có thể làm được, nếu thực sự muốn và quyết tâm hành động. Và chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa cứu độ.

Đau khổ mới làm người ta thành nhân, thực sự nên người. Thánh Phaolô xác định: “Chính do ân sủngnhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” (Ep 2:8-9) Đây cũng là lời cảnh báo những ai có “máu” tự kiêu, ảo tưởng và “chảnh.”

Đôi khi chúng ta cảm thấy đau khổ vượt quá sức mình, choa rằng thập giá của mình “nặng” hơn thập giá của người khác. Thực ra không phải vậy, Thiên Chúa biết sức chúng ta thế nào rồi. Ngài biết chúng ta chịu được nên trao cho chúng ta để chúng ta có dịp làm vinh danh Chúa, đồng thời chúng ta cũng được thêm công trạng. Thánh Phaolô cho biết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cr 10:13)

Thánh Phaolô kể về kinh nghiệm của chính mình: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:7-10)

Một cách “khuyến mãi” khác mà Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina: “Linh hồn nào càng đau khổ thì càng có quyền đến với Lòng Thương Xót của Ta; hãy thúc giục các linh hồn tín thác vào Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta, vì Ta muốn cứu độ tất cả các linh hồn. Trên Thập Giá, suối nguồn Lòng Thương Xót của Ta được mở rộng ra cho các linh hồn nhờ lưỡi đòng – Ta không loại trừ ai! (Nhật Ký, số 1182)

Những gì Chúa Giêsu hứa đều chắc chắn và là sự thật: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5:18)

Lạy Thiên Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con. Amen. (Lc 17:5)

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment