Kỳ thị có nhiều cấp độ, đôi khi rất khó có thể nhận ra vì quá tinh vi. Kỳ thị trong xã hội thì đã rõ, nhưng người ta còn kỳ thị vì khác tôn giáo, thậm chí người ta vẫn tỏ ra quan liêu và kỳ thị ngay trong những người cùng tôn giáo vì cho rằng chức vụ này “cao” hoặc “thấp” hơn chức vụ nọ. “Cao” hơn thì có “quyền” hơn. Việt ngữ gọi là “quyền hành.” Hay thật! Cũng chỉ vì có “quyền” nên người ta cậy “thế,” rồi ngang nhiên “hành” người khác!
1. KỲ THỊ LÀ GÌ?
Kỳ thị là phân biệt cái này với cái
khác, nhưng “phân biệt” ở đây thường mang nghĩa tiêu cực, nghĩa xấu, nhất là
khi nói về việc phân biệt giới tính, phân biệt người khuyết tật, phân biệt giai
cấp, hoặc phân biệt chủng tộc.
Kỳ thị chủng tộc là phân biệt người
miền này với người miền khác, dân tộc này với dân tộc khác. Kỳ thị chủng tộc là
khi bạn bị coi thường hoặc khinh miệt vì bạn là người thuộc dân tộc nào đó. Đôi
khi, sự đối xử bất công này có thể trái ngược với pháp luật, tức là phạm pháp.
Không ai có quyền khinh miệt ai vì ai
cũng giống nhau về nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền – nghĩa là hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy, trước mặt Thiên
Chúa thì ai cũng như ai, mọi người đều là những tội nhân mà thôi, chẳng ai hơn
hoặc kém ai, thế nên chẳng ai có lý do gì mà kỳ thị người khác!
Bạn có thể bị kỳ thị nếu bạn không
được nhận vào làm việc ở một nơi nào đó vì người ta nói bạn “không thích hợp”
chỉ vì lý do nào đó, thậm chí chỉ là lý do “ngoại hình.” Nếu bạn là nạn nhân
của việc kỳ thị chủng tộc, bạn có thể đệ đơn lên Ủy ban Chống Kỳ thị Chủng tộc Queensland
(Anti-Discrimination Commission Queensland, gọi tắt là ADCQ, đạo luật này có từ
năm 1991, có các văn phòng tại Brisbane, Rockhampton, Townsville và Cairns).
2. KỲ THỊ LÀ PHẠM PHÁP
Luật ADCQ nói rằng đối xử bất công là
phạm pháp. Đôi khi kỳ thị (nói chung) xảy ra không rõ ràng,
nghĩa là chỉ gián tiếp. Đồng ý là có người “hợp” với mình, có người không “hợp,”
nhưng “không hợp” không có nghĩa là chúng ta có thể đối xử bất công với người
đó. Cùng làm một công việc, nếu bạn được trả lương ít hơn người khác, đó là bạn
bị kỳ thị.
Gièm pha, nói xấu, nói hành người khác
là ghét người khác, tức là kỳ thị. Kỳ thị có thể là lời nói, cử chỉ, thái độ,
hành động, ánh mắt,… thậm chí có thể là “ngòi bút” khi viết ra những điều
nguyền rủa hoặc phỉ báng để làm mất phẩm giá của người khác. Thiếu công tâm
trong khi nhận xét người khác cũng là kỳ thị, quấy nhiễu người khác cũng là kỳ
thị, coi thường người khác cũng là kỳ thị. Nói chung, kỳ thị có thiên hình vạn
trạng.
3. KỲ THỊ LÀ PHẠM TỘI
Bất cứ ai cũng có thể là người kỳ thị
hoặc bị kỳ thị. Muốn tránh kỳ thị thì phải có lòng yêu thương thực sự.
Trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa
truyền tuân giữ, điều răn thứ Năm (chớ giết người) và điều răn thứ Tám (chớ làm
chứng dối) có liên quan động thái kỳ thị: Vì thiếu lòng yêu thương nên người ta
mới kỳ thị, và vì kỳ thị nên người ta mới “giết người” hoặc “làm chứng dối.” Đó
là vi phạm Thánh Luật của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai
trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần
của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt
18:10)
Đức Giêsu còn kể một dụ ngôn rất điển
hình và khá phổ biến trong chúng ta, nhất là với một số người tự hào cho mình
là công chính mà khinh chê người khác:
Có hai người lên đền thờ cầu nguyện.
Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu
đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên
Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại
tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18:11-12) Đó là lời cầu nguyện
kiêu căng, ngạo mạn, và ích kỷ!
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa,
thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ
tội lỗi.” (Lc 18:13) Đó là lời cầu nguyện khiêm nhường.
Hai con người với hai động thái trái
ngược. Nhưng hai dạng này luôn tồn tại trong thế giới loài người xưa nay.
Chúa Giêsu quả quyết: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người
thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người
kia (người Pharisêu, người giả hình) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị
hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:14)
Chúng ta đừng tưởng Chúa Giêsu nói tới
người Pharisêu chứ không hề nói mình, vì chúng ta vẫn làm những việc đạo đức
như đi đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tham dự các giờ phụng vụ, đi làm từ thiện,…
thế nhưng liệu những việc đó có thực sự vì mến Chúa và yêu người hay không mới
là điều quan trọng. Hãy cảnh giác, vì đôi khi chúng ta có thể kỳ thị nhau ngay
trong lời cầu nguyện hoặc trong những việc đạo đức!
Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân
đức. Nhưng RẤT KHÓ SỐNG KHIÊM NHƯỜNG. Thế nên Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và
Người sẽ cất nhắc anh em lên.” (Gc 4:10) Thánh Phaolô xác định: “Chỉ có MỘT Chúa, MỘT niềm tin, MỘT phép rửa,”
(Ep 4:5) thế thì không ai có thể viện bất kỳ lý do nào để mà kỳ thị người
khác.
Có gì sai trái khi người này không thích người khác?
Có thể bạn đã
nghe câu châm ngôn này: “Tôi không phải
ưa thích bạn, nhưng tôi phải yêu thương bạn.” Các Kitô hữu không có quyền
chọn lựa trong hoạt động yêu thương. Chúng ta phải yêu thương mọi người, kể cả
những người khác mình, thậm chí còn phải yêu thương kẻ thù.
“Ưa thích” phải
xử lý với sự quý mến ưu tiên, chúng ta thu hút vào một điều, một hoạt động hoặc
người này hơn người kia. Thân quen là điều bình thường và tự nhiên của con
người. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng khi chúng ta cảm thấy KHÔNG THÍCH một người nào
đó.
Một người Mỹ gốc
Phi đã nhận xét: “Nếu bạn không thích tôi
vì tôi ngu dốt, cũng tốt thôi. Tôi có thể đi học. Nếu bạn không thích tôi vì
tôi dơ bẩn, cũng chẳng sao. Tôi có thể tắm rửa cho sạch sẽ. Nhưng nếu bạn không
thích tôi vì màu da của tôi, thế thì bạn có vấn đề. Vấn đề của bạn là đối với
Thiên Chúa, vì Ngài dựng nên tôi như vậy.”
Bạn cần tự hỏi
mình: “Tại sao tôi không thích những
người khác tôi? Có phải vì tôi có thành kiến? Có phải vì tôi kỳ thị?” Kỳ
thị chủng tộc (racism) là tin tưởng sai lầm rằng một số người vốn dĩ cao cấp và
một số người vốn dĩ hạ cấp chỉ vì dân tộc của họ. Đó là một dạng thành kiến (preduce,
bias), còn gọi là định kiến hoặc thiên kiến, có tác dụng tiêu cực và nguy hiểm
– dùng lời nói hoặc động thái nhằm hạ thấp hoặc kinh miệt người khác, hãy tránh
xa những người có óc kỳ thị hoặc dính líu tới bạo lực. Phân biệt đối xử
(discrimination) là không chấp nhận các quyền cơ bản của người khác, đó là một
hệ lụy khủng khiếp khác của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Tội diệt chủng
(genocide) là dạng tồi tệ nhất của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Từ thế kỷ XX,
loại tội phạm này len lỏi vào cộng đồng một cách tinh vi hơn.
Kỳ thị chủng tộc
là tội trọng. Đó là tội không yêu thương và bất công. Giáo Hội “mạnh mẽ lên án
mọi dạng phân biệt đối xử đối với người khác vì sắc tộc, màu da, điều kiện sống
hoặc tôn giáo.” (Tuyên ngôn về Mối Quan Hệ của Giáo Hội đối với các Tôn Giáo
khác, số 5)
Ambrose Bierce,
văn sĩ Hoa Kỳ, định nghĩa thành kiến là “ý kiến vớ vẩn không có ý nghĩa rõ ràng
về sự ủng hộ.” Hãy kiểm tra xem tại sao bạn không thích người nào đó. Nếu đó là
vấn đề của óc thiển cận, bạn có thể thay đổi. Hãy nỗ lực tìm hiểu để nhận biết
và hòa đồng với mọi người, nhất là những người không cùng chủng tộc, không cùng
tôn giáo, không cùng quan điểm, không cùng trình độ,… Hãy nhớ rõ ràng rằng CHỈ
CÓ MỘT CHỦNG TỘC, đó là NHÂN LOẠI, là LOÀI NGƯỜI, là con cái của Thiên Chúa.
Lạy
Chúa, xin giúp chúng con sống hòa đồng với nhau trong tình huynh đệ hiệp nhất
với Chúa Ba Ngôi, như Chúa Giêsu mong ước cho mọi người hoàn toàn “nên một.”
(Ga 17:21-23) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu
độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Di Tích Cuộc Xuất Hành
✽ Mặc Cả – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/mac-ca.html
✽ Nhân Quả – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/03/nhan-qua.html
✽ Kéo & Đẩy – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/06/keo-va-ay.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment