Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

LM LƯƠNG KIM ĐỊNH: SỬ GIA LỚN NHẤT của VIỆT NAM

Tôi dành mùa hè này đọc các tác phẩm của Kim Định, một linh mục Công giáo, triết gia và sử gia đã viết rất nhiều trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 ở miền Nam Việt Nam. Khi đọc những gì ông đã viết, không cần phải đắn đo để kết luận rằng cho đến nay, Kim Định là sử gia táo bạo nhất và giàu trí tưởng tượng nhất mà Việt Nam đã từng biết đến.

Nói một cách đơn giản, Kim Định là một thiên tài. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, không ai có thể nhìn thấy thiên tài trong những gì ông đã làm, nhưng đồng thời, giống như nhiều thiên tài, ông đã đẩy ý tưởng của mình đi quá xa.

Kết quả là ngày nay nhiều người vừa không biết Kim Định là ai, lại vừa bỏ qua tri thức học thuật của ông. Điều này, tôi cho là một sai lầm khủng khiếp.

Tôi xin giải thích lý do tại sao tôi lại nghĩ như vậy.

Trước khi đọc các công trình của ông, tôi chỉ nghe nói về Kim Định và đã chỉ đọc những gì người khác viết về ông. Từ thông tin này, hình ảnh mà tôi tạo ra về Kim Định là một nhân vật siêu dân tộc chủ nghĩa, với một ý tưởng điên rồ là Ngũ kinh của Nho giáo suy cho cùng là những sáng tạo của người Việt, và kết quả là, về cơ bản tất cả mọi thứ mà hiện giờ chúng ta nghĩ là văn hóa “Trung Quốc” thì thuở ban đầu lại thực sự là văn hóa “Việt”.

Đúng là Kim Định đã thực sự lập luận như vậy. Tuy nhiên, nẻo đường trí thức dẫn ông đến kết luận này là một nẻo đường đi qua một số ý tưởng học thuật lớn nhất của thế kỷ XX, và đó chính là lý do tại sao tôi lại nói rằng Kim Định được cho là sử gia Việt Nam quan trọng nhất của mọi thời đại (không phải là “giỏi nhất” mà “quan trọng nhất”).

Hành trình trí tuệ của Kim Định đã dẫn ông đi qua các tác phẩm của hai học giả Pháp nổi tiếng, Marcel Granet và Claude Lévi-Strauss.

Marcel Granet vừa là một nhà Hán học và một nhà xã hội học. Ông là một trong những học giả đầu tiên tìm những cách diễn giải xã hội học cho những gì ông phát hiện ra trong các văn bản cổ điển của Trung Quốc. Trong quá trình đó, ông đã cách mạng hóa những cách thức mà mọi người (cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc) xem xét về thời cổ đại Trung Quốc.

Nổi tiếng nhất, Granet đã tái diễn giải Kinh Thi (詩經). Trong nhiều thế kỷ các học giả ở Trung Quốc đã giải thích các bài trong Kinh Thi bằng khuôn khổ đạo đức. Tuy nhiên, Granet đã xem chúng như là các sản phẩm của các nghi thức và lễ hội địa phương không liên quan gì đến các diễn giải đạo đức của truyền thống học thuật ở Trung Quốc cả.

Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn đối với các công trình của Kim Định là, cuốn La Pensée Chinoise – Tư tưởng Trung Quốc – của Granet. Trong công trình dày dặn và uyên bác này, những gì Granet tìm cách chứng minh chính là các khái niệm trong các văn bản kinh điển Trung Hoa cổ đại chẳng hạn như học thuyết nhị nguyên Âm dương, và thuật số luận Ngũ hành, v.v… không chỉ là các khái niệm về những con số, mà là các “biểu tượng” (hoặc những gì mà sau này các nhà cấu trúc luận gọi là các “dấu hiệu”) cho các cấu hình của xã hội, và nếu nhìn vào các hiện tượng như thân tộc và hôn nhân, chúng ta có thể nhận ra bằng chứng của các khái niệm theo cách mà các hiện tượng ấy đã được sắp xếp và thực hiện.

Trong khi công trình của Granet với tư cách là một nhà Hán học đã bắt đầu bị chỉ trích bởi các học giả như Bernhard Karlgren vì không phân biệt giữa các văn bản của các giai đoạn khác nhau, thì công trình của ông với tư cách là một nhà khoa học xã hội lại ảnh hưởng đến công trình của các học giả như Claude Lévi-Strauss, nhân vật chính trong lĩnh vực nhân học cấu trúc.

Những ý tưởng của Lévi-Strauss xuất hiện chống lại các ý tưởng của các học giả như Bronisław Malinowski. Malinowski cho rằng chúng ta có thể hiểu được các xã hội bằng cách quan sát và giải thích những gì mà chúng ta nhìn thấy.

Mặt khác, Lévi-Strauss lại lập luận rằng những gì mà chúng ta nhìn thấy trong các xã hội trên toàn thế giới là khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta di chuyển bên dưới bề mặt của những gì mà chúng ta nhìn thấy và tìm cách hiểu được “cấu trúc” của những ý tưởng thông tin về những gì con người thực hiện, thì chúng ta có thể có được một sự hiểu biết khác, và cuối cùng mới có thể nhận ra được là có những tương đồng trên toàn cầu.

Khi Kim Định đọc các tác phẩm của Claude Lévi-Strauss vào những năm 1960, ông cảm thấy rằng Marcel Granet đã khải lộ những gì là cái “cấu trúc” bên dưới lớp bề mặt ấy – đó chính là âm dương và ngũ hành, v.v…

Hơn thế nữa, ông cảm thấy rằng tất cả những tri thức này đều là “Việt.” Đó không hề là những thứ của “Trung Quốc” sau đó được “nhập khẩu” vào Việt Nam. Đây là những gì mà tri thức học thuật của ông tìm cách chứng minh.

Vậy thì, tại sao Kim Định lại quan trọng đến chừng ấy? Trước hết, ông là sử gia duy nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, mà tôi biết, là người thực sự đa ngành. Ý tưởng cho rằng học thuật cần phải đa ngành là một ý tưởng được đề cập rất nhiều, nhưng để có phương tiện đa ngành thì học giả phải có được các thông tin “cập nhật” nhất trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là điều mà người ta không thấy có trong học thuật Việt Nam. Thay vào đó, nhiều học giả chỉ đơn giản là “chọn” thông tin từ các lĩnh vực khác nhau sao cho phù hợp với một ý tưởng (và thường là một ý tưởng dân tộc chủ nghĩa) mà họ đã có.

Mặt khác, Kim Định luôn luôn cập nhật tri thức học thuật trong các lĩnh vực khác nhau. Ông hiểu Saussure (ngôn ngữ học), Lévi-Strauss (nhân học), Granet, Creel, Needham (tất cả đều là các nhà Hán học), Foucault (triết học), v.v… Và ông đã xây dựng ý tưởng của mình dựa trên ý tưởng của các học giả khác. Đó là những gì thực sự có nghĩa là đa ngành.

Nhưng vấn đề với các tác phẩm của Kim Định là gì? Cũng giống như các vấn đề với học thuật của  Marcel Granet, Kim Định đã không phân biệt giữa các văn bản. Đối với ông, những gì được viết trong Sử ký Tư Mã Thiên hoặc trong Kinh Thi (cả hai đều có niên đại TCN) cũng đều giống với những gì đã được viết trong Lĩnh Nam chích quái của thế kỷ thứ mười lăm, v.v… Các thông tin trong tất cả các văn bản đó đều có thể được sử dụng để thể hiện sự tồn tại của một “cấu trúc” nghĩa bên dưới các văn bản này. Điều đó thực sự là có vấn đề.

Tuy nhiên, các nhà nhân học như Lévi-Strauss, đã xây dựng ý tưởng của mình bằng cách xem xét các xã hội (“nguyên thủy”) đương đại, mà ở đó các thông tin có được đã không hề được thu thập từ những giai đoạn khác nhau. Điều này, tôi cho rằng, đã làm cho các lập luận như vậy có sức thuyết phục hơn.

Học thuật tiến triển khi các học giả sử dụng lý thuyết để đưa ra các khẳng định táo bạo. Các khẳng định như vậy đôi khi “quá” táo bạo, khiến cho các học giả khác thách thức các khẳng định ấy và xác lập một nhận thức hợp lý hơn. Tuy nhiên, kết quả vẫn là học thuật luôn tiến về phía trước.

Nói cách khác, sẽ thật tốt khi có được học giả đưa ra các tuyên bố táo bạo (như Edward Said, Benedict Anderson, James Scott, v.v…), bởi vì nó khiến cho các học giả khác thách thức và sửa chữa những tuyên bố đó. Tuy nhiên, để có được điều đó, các học giả thách thức các tuyên bố táo bạo kia, về mặt lý thuyết, cũng phải được cập nhật thông tin như các học giả đã xuất trình các tuyên bố táo bạo vậy.

Đó là điều đã không bao giờ xảy ra với Kim Định. Kim Định đưa ra một số tuyên bố táo bạo trong các thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, làm cho nhận thức của chúng ta về lịch sử Việt Nam tiến (quá xa) về phía trước, nhưng kể từ thời điểm đó đã không hề có ai có được một sự hiểu biết lý thuyết như Kim Định, vì vậy đã không hề có một thách thức hiệu quả nào, hoặc bất cứ sự điều chỉnh nào, về các ý tưởng của ông.

Kết quả là Kim Định hoặc đã bị bỏ qua, bị nhạo báng, hoặc ý tưởng của ông đã bị hiểu lầm.

Đó là một điều đáng hổ thẹn, bởi vì, tôi cho rằng, Kim Định là sử gia Việt Nam duy nhất trong thời hiện đại, đã thực sự đến được với một cách diễn giải mới mẻ về lịch sử sớm của người Việt.

Để gạt bỏ ý tưởng của ông, trước tiên người ta phải có thể gia nhập vào các ý tưởng đó. Cho đến nay, chưa ai thực hiện được điều đó. Một khi ai đó bắt tay thực hiện, thì người đó sẽ thấy rằng có thể có một cái gì đó trong các ý tưởng của ông là sâu sắc (cũng hệt như các học giả vẫn tìm thấy những vấn đề sâu sắc trong các tác phẩm của Marcel Granet), và đó chính là điều sẽ khiến cho tri thức học thuật lịch sử tiến về phía trước. Cho đến thời điểm đó…

Hà Hữu Nga chuyển ngữ từ Le Minh Khai, Vietam’s Greatest Historian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment