Giáng Sinh vui mừng rộn rã mà lại đề cập sự chết thì đúng là “lệch pha” và có lẽ người ta thở dài nói: “Thế thì tiêu tùng thật!” Và có thể có người trách: “Đồ mắc dịch!” Có “mắc dịch” nhưng không thể “tiêu tùng” đâu. Xin hãy bình tĩnh, vì không ngược đời chút nào. Nhưng rất cần cùng nhau tự đấm ngực: “Mea Culpa – Lỗi Tại Tôi – Through My Fault.”
Sinh – Tử là hai đầu mối không thể tách rời. Chắc chắn như vậy. Đời người là Mùa Vọng kéo dài rất mầu nhiệm: Sinh ra để chờ chết. Cuộc đời Chúa Giêsu đã cho thấy rõ hành trình Sinh – Tử: Từ Belem nghèo khó tới Canvê tang thương – nhưng không “chấm hết” ở đó, mà còn khởi đầu Sự Sống Mới kỳ diệu hơn và tuyệt đối.
Giáng Sinh đang đến gần, Đấng Emmanuel vẫn
đang ở giữa và ở với chúng ta. (Is 7:14; Ml 5:2; Mt 1:3) Đúng như Kinh Thánh đã
xác định từ ngàn xưa: “Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng. Vì
ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới
ngươi.” (Xp 3:17)
Tuy nhiên, giáng sinh năm nay – năm 2021 – cả
thế giới bị “mắc dịch” nên lặng lẽ khác thường. Những tiếng chuông không leng
keng hoặc bing boong ngân vang như trước. Ông Già Noël cũng vắng bóng. Hầu như
không thấy người ta mở nhạc giáng sinh như trước. Rất nhớ ngày xưa, những giai
điệu nhạc giáng sinh râm ran ngay từ đầu Mùa Vọng, thế mà bao giờ... Than ôi! Là
con người bình thường thì sao lại không cảm thấy trống vắng? Chúng ta cũng là
“dân oan thứ thiệt” của thời đại và ôn dịch, thế nên rất cần cầu xin Thiên Chúa:
“Xin đổi mới cuộc đời chúng con cho được
như thời xa xưa ấy.” (Ac 5:21b)
Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối mà sao thế gian
lắm sự dữ vậy? Chắc chắn KHÔNG tại Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết 2 điều cốt
lõi: [1] “Quả thật, Thiên Chúa KHÔNG làm điều dữ, Đấng Toàn Năng KHÔNG bẻ quặt
lẽ công minh.” (G 34:12) [2] “Thiên Chúa KHÔNG làm ra cái chết, CHẲNG vui gì
khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1:13)
Sự dữ và đau khổ là điều bí ẩn, phàm nhân
không thể hiểu hết. Người ta rất muốn hiểu mà không hiểu nổi. Nhưng rồi người
ta cũng chấp nhận sự hiểu biết hữu hạn của mình và đã có khoa biện thần luận
(theodicy) để lý giải phần nào về sự đồng hiện hữu của cái tốt và cái xấu. Tương
tự kiểu “sống chung với lũ” vậy. Chúa Giêsu đã đề cập vấn đề này qua dụ ngôn Lúa
và Cỏ Lùng (Mt 13:24-30) và Ngài kết luận: “Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy
gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho
tôi.”
Về ôn dịch covid cũng rất khó lý giải. Lây
nhiễm do “giọt bắn” khi giao tiếp hoặc tiếp xúc với vật nhiễm trùng. Các bệnh
truyền nhiễm như lao phổi hoặc viêm gan siêu vi B cũng theo kiểu đó. Còn coronavirus,
nó không có trong không khí, nếu nó bám vào vật gì thì cũng chỉ tồn tại vài
ngày. Thế nhưng có những người không ra ngoài hoặc tiếp xúc với ai mà tại sao
vẫn bị nhiễm?
Đeo khẩu trang và rửa tay là điều tốt, giúp
vệ sinh chính mình, nhưng không tuyệt đối. Những “giọt bắn” có thể mạnh hay nhẹ
là do người ta nói to hay nói nhỏ. Không nói thì làm gì có “giọt bắn” chứ? Nguy
cơ cao vì tiếp xúc nhiều nếu ở nơi công cộng – công ty, siêu thị, cửa tiệm, nhà
hàng,… đặc biệt là khi sử dụng nhà vệ sinh, vì rất nhiều người ra vào dùng cái
nắm cửa hoặc vòi nước. Nếu không thì làm gì phải rửa tay bằng nước sát khuẩn?
Vậy tại sao con số lây nhiễm lại gia tăng? Rồi
chính covid lại tự biến chủng? Phải chăng covid là loại vi trùng sinh học có
thể tự biến hóa qua chất gì đó ở con
người? Lây nhiễm phải có quy trình “di chuyển” từ A sang B. Biến chủng mới không
thể là lây nhiễm mà là tự phát triển, nó “khởi đầu” tự biến hóa. Có lẽ vì thế
mà bỗng dưng xuất hiện Delta hoặc Omicron.
Ngày xưa đã có các đại dịch. Gọi là “đại dịch” nhưng nó chỉ ảnh hưởng vùng hoặc miền nào đó – kể cả Black Death, chứ không ảnh hưởng toàn cầu như đại dịch covid. Chắc hẳn đại dịch này do ác nhân mưu độc!
Tự do vừa có lợi
vừa có hại, tùy theo người sử dụng, bởi vì “từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự
quyết định lấy.” (Hc 15:11-14) Tác giả hơn tác phẩm, Tạo Hóa hơn thụ tạo, Thiên
Chúa hơn hẳn con người: “Thiên
Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn
Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16:7)
Chúng ta không thể
hiểu thấu ý nghĩa của sự đau khổ. Sự gian ác cũng mang tính mầu nhiệm, như
Thánh Phaolô nói: “Mầu nhiệm của sự gian
ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Rất ứng nghiệm với thời đại ngày nay.
Thánh Phanxicô
Assisi đã thổ lộ: “Tôi hy vọng rất nhiều
về cái hay, cái tốt. Vì vậy mà tất cả đau khổ đều là dễ thương.” Như vậy có
nghĩa là cái hay và cái tốt đều xuất hiện sau đau khổ, nhưng ngài chấp nhận vì
yêu mến Chúa. Thật kỳ lạ, văn thi sĩ Clive Staples Lewis (1898-1960, Anh quốc) xác
định: “Thiên Chúa thầm thì với chúng ta
khi chúng ta vui, nhưng Ngài nói to trong lương tâm của chúng ta khi chúng ta
đau khổ.”
Vì đại dịch mà giáng sinh lặng lẽ. Âu cũng là
ý Chúa muốn người ta từ bỏ chính mình và giảm bớt những gì không cần thiết, đặc
biệt là Ngài muốn chúng ta thinh lặng với Ngài trong cảnh nghèo khó, để chúng
ta có thể đổi mới chính mình. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta hãy động viên
nhau và luôn can đảm: “Chúng tôi không
chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì
con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.” (2 Cr 4:16) Thế nào
là con người mới? Đó là “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa,
để được ơn thông hiểu.” (Cl 3:10)
Về cách cầu nguyện, hãy nghe Thánh Giacôbê lý
giải: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có
xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang
gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có,
nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột
với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em
xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng
lạc.” (Gc 4:1-3)
Mặc dù “con tim của chúng ta là tro bụi, hy
vọng của chúng ta hèn hơn đất, cuộc đời của chúng ta tệ hơn bùn,” (Kn 15:10) nhưng
Thiên Chúa vẫn yêu thương và đến chia vui sẻ buồn với chúng ta. Đặc biệt là Ngài
động viên với riêng mỗi người trong chúng ta: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của
ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của
Ta. Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và
phán bảo: Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.” (Is 41:10 & 13)
Vì thế, chúng ta cứ chân thành thân thưa với Ngài,
nhất là trong hoàn cảnh “mắc dịch” thế này: “Lạy
Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều
mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.
Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!”
(Et 4:17l, 17t)
Sau cơn mưa, trời lại sáng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ
không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những
điều cũ đã biến mất.” (Kh 21:4) Chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất khả dĩ “đổi
mới mọi sự.” (Kh 21:5) Đó là điều tuyệt đối!
Lạy
Chúa Giêsu Hài Đồng, xin bảo vệ sự sống mọi người, nhất là các thai nhi và trẻ
em. Xin Ngài thương xót và ban bình an đích thực của Ngài cho chúng con và toàn
thế giới. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chuẩn
bị Giáng Sinh – 2021
✽ Chuẩn Bị Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuan-bi-giang-sinh.html
✽ Sẵn Sàng Đón Đấng Emmanuel
✽ Chuyện Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/chuyen-giang-sinh.html
✽ Tại Sao Chúa Giáng Sinh?
✽ Chứng Cớ Chúa GS – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/12/chung-co-chua-giang-sinh.html
Là hành trình tiến tới
Nhờ ánh sao dẫn lối
Về Nhà Cha trên trời
Là Giê-su Đức Chúa
Ngài là Ánh Sao Lạ
Luôn đi trước dẫn đường
Cứ theo Ngài tiến bước
Tìm sự thiện sẽ được
Lời Ngài dạy làm theo
Có những khi chao đảo
Tưởng là ngôi sao ảo
Vì chẳng nhìn thấy đâu
Lòng lo sợ, bối rối
Cứ kiên trì chờ đợi
Đức tin lại sáng soi
Sao Ngôi Lời vẫn sáng
Dẫn đưa mọi ngày tháng
Theo Ngài về gặp Cha
✽ Món Quà Dâng Chúa Hài Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment