Hôn nhân và gia đình không thể tách rời, và là vấn đề cổ nhất (từ Ông Bà Nguyên Tổ) mà không bao giờ cũ, đồng thời vẫn luôn nan giải cho mọi thời đại, mặc dù có vẻ rất đơn giản. Thế nên càng ngày càng có nhiều vợ chồng ly thân và ly dị, khiến cho gia đình tan vỡ. Di chứng còn mãi, nhất là đối với những đứa con.
Có thể nói rằng mọi sự được khởi đầu từ gia
đình. Hệ lụy tất yếu: Hôn nhân hạnh phúc thì gia đình đầm ấm, vợ chồng hạnh
phúc thì con cái hòa thuận, do đó mà gia đình cũng vững bền. Văn hào Victor
Hugo (1802-1885) đã mô tả sự bất hạnh của người vô gia đình trong tác phẩm “Les
Misérables” – Những Kẻ Khốn Cùng. Gia đình là tế bào gốc của cả xã hội và Giáo
Hội. Khi mặc xác phàm, Con Thiên Chúa cũng có một gia đình, và Ngài luôn vâng
phục cha mẹ.
Cuộc sống phức tạp nên người ta luôn phải cố
gắng sống cho nhau. Ích kỷ là những “lưỡi dao” dần dần cắt nát hôn nhân và gia
đình. Như chúng ta đã biết, người ta có thể chọn lựa nhiều thứ cho mình, nhưng
không ai có thể chọn cha mẹ, nơi sinh, giờ sinh, hoặc chết cách nào. Dù cha mẹ
có thế nào thì cũng vẫn là cha mẹ của mình. Cha mẹ là khởi đầu một gia đình. Mà
gia đình chính là tế bào cơ bản của xã hội, được mệnh danh là Tổ Ấm, là Chiếc
Nôi Hạnh Phúc. Thật hay khi Việt ngữ gọi là “tổ ấm” – nghĩa là không được lạnh hay
nóng, nhất thiết phải ấm áp.
Nhân loại KHÔNG CÓ TƯƠNG LAI nếu KHÔNG CÓ GIA
ĐÌNH. Gia đình là sự hiệp thông tình yêu, xây dựng trên hôn nhân giữa một người
nam và một người nữ, và được mời gọi trở thành đền thánh của sự sống, tế bào
của xã hội. Nhìn những cái bình thường mà thấy được cái phi thường, đó là tinh
tế. Gia đình cần như vậy.
Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Bất cứ một
tổ chức nào – dù chỉ là một nhóm nhỏ – cũng cần có quy luật để điều chỉnh. Tuy
nhiên, “luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật.” Gia phong cũng có nguyên tắc
cơ bản để duy trì và bảo vệ gia đình, cần nghiêm túc chứ đừng nghiêm khắc, dễ
chịu và dễ dàng chứ đừng dễ dãi. Kinh Thánh nói: “Ngựa không thuần
sẽ thành ngựa bất kham, con buông thả sẽ nên con mất dạy.” (Hc 30:8) Vì
thế, “khi nó còn niên thiếu, đừng để nó tự quyền; khi nó còn bé nhỏ, cứ thẳng
tay trừng phạt, kẻo nó ra bất trị thì chẳng vâng lời nữa đâu.” (Hc 30:11-12)
Mùa Giáng Sinh, chúng ta có dịp ngắm nhìn
hang đá, nhưng không phải là ngắm cho vui mắt hoặc khen chê cách thể hiện, điều
quan trọng là chúng ta thấy một gia đình nghèo khó mà đầy ắp hạnh phúc. Giữa
đêm khuya giá lạnh nhưng vẫn có một Tổ Ấm – đó là Thánh Gia. Nhìn vào đó, chúng
ta cũng nhớ công ơn cha mẹ như biển trời lai láng, khôn ví và khôn tả: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như
nước trong nguồn chảy ra.” Đó là nói cho dễ hiểu, chứ công ơn cha mẹ không
gì có thể sánh được.
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên: “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn.”
Cha hoặc mẹ đều có yếu điểm (điểm mạnh, sở trường) và nhược điểm (điểm yếu, sở
đoản) bởi vì “nhân vô thập toàn.” Khác nhau nhưng không đối lập, mà để bổ túc
lẫn nhau.
Người ta thường nói nhiều về tình mẹ nhưng cũng
ngụ ý cả tình cha. Không thể chỉ kính trọng tình mẹ mà “coi nhẹ” tình cha, vì người
mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người cha khởi đầu cho ý chí,
niềm tin và sức mạnh. Ai cũng từng là con trẻ, và mang ơn cù lao của cả cha và mẹ.
Người ta thường nói về chín đức cù lao. Đó là Sinh, Cúc, Phủ, Dục, Súc, Trưởng,
Cố, Phục, Phúc. Tức là sinh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ, cho bú, nuôi lớn, trông
nom, chăm sóc, che chở.
Kinh Thánh cho biết: Bà Anna thụ thai, sinh con
trai và đặt tên cho con trẻ là Samuel, vì bà nói: “Tôi đã xin Đức Chúa được nó.” (1 Sm 1:20) Đối với một đứa con như
vậy, ngày nay chúng ta gọi là “con cầu con khấn.” Thương lắm, cưng lắm, quý lắm.
Ai cũng nhờ ơn Chúa mà có thể hiện hữu trên cõi đời này, nhưng có một số “hiếm
hoi” thôi, trường hợp bà Anna là một điển hình. Khi đó, người chồng là Encana cùng
cả gia đình dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa. Hôm
đó bà Anna không đi với mọi người, nhưng bà nói với chồng: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra
mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi.” (1 Sm 1:22)
Tại sao bà Anna nói vậy? Samuel là đứa con
cầu tự nên nó phải được dâng hiến cho Thiên Chúa, mà chính vợ chồng họ cũng đã
thề hứa với Chúa nên họ muốn giữ trọn lời hứa và cũng là cho phải đạo. Vả lại,
hứa thì phải giữ lời, không thể giả bộ làm ngơ!
Kỳ hạn đến. Sau thời gian cai sữa cho con trẻ,
bà đưa con lên Đền Thờ với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng
bột và một bầu da đầy rượu. Đó là theo Cựu Luật. Ăn theo thuở, ở theo thời. Ở
đâu thì âu đấy. Lẽ tất nhiên là vậy. Hai ông bà này cũng không ngoại lệ.
Bà Anna đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Silô. Họ
sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Êli. Bà nói với ông Êli: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng
sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện
với Đức Chúa. Tôi đã CẦU NGUYỆN ĐỂ ĐƯỢC ĐỨA TRẺ NÀY, và Đức Chúa đã ban cho tôi
điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, TÔI XIN NHƯỢNG NÓ LẠI CHO ĐỨC CHÚA. Mọi
ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa.” (1 Sm 1:26-28) Lời lẽ của một
phụ nữ quê mùa, chất phác, nhưng rất cương quyết và dứt khoát. Chính tại nơi đó,
họ đã thờ lạy Đức Chúa.
Trong cuộc sống, từ điều nhỏ tới điều lớn, cụ
thể và đơn giản nhất là Ngài ban không khí để chúng ta hít thở hằng ngày, dù là
người nghèo hay giàu. Vì thế, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo
giữa muôn dân. Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người.
Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ. Hãy
tìm Chúa và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. Hãy nhớ
lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán
ra, hỡi anh em, dòng dõi Ápraham tôi tớ Chúa, con cháu Giacóp được Người tuyển
chọn!” (Tv 105:1-6) Quả thật, tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa.
Chắc chắn chúng ta không thể không tạ ơn, bởi
vì “chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là luật
chung cho cả địa cầu. Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam
kết đến ngàn thế hệ!” (Tv 105:7-8) Đó là điều đã được giao ước cùng Ápraham và Isaac
từ ngàn xưa.
Chúng ta sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc
đích thực. Thật vậy, Thánh Gioan giải thích: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho
chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà THỰC SỰ CHÚNG TA LÀ CON THIÊN CHÚA. Sở
dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”
(1 Ga 3:1) Rất rõ ràng, và Thánh Gioan cho biết thêm: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta
sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất
hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người
như vậy.” (1 Ga 3:2) Thế thì thật tuyệt!
Thánh Gioan nói về ngày Chúa Giêsu giáng lâm
– tận thế. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo hiện tại, nhất là khi chúng ta
đang sống trong khoảng thời gian đặc biệt là Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta
được mãn nguyện khi chiêm ngưỡng Con-Thiên-Chúa-mặc-xác-phàm, tận hưởng niềm hạnh
phúc và sự bình an đang tràn ngập khắp nơi – từ ngoại tại tới nội tại, bất kể tín
nhân hay ngoại giáo.
Có lẽ chúng ta đã quá quen với “luật yêu
thương” của Chúa, thế nhưng nghe nhiều mà có lẽ chưa giữ được bao nhiêu. Ngay
cả những người thân trong gia đình mà chúng ta cũng chưa yêu thương đúng nghĩa.
Một sự thật rất thật, chúng ta cảm thấy buồn cho chính mình! Thánh Gioan tiếp
tục đặt vấn đề: “Nếu lòng chúng ta không
cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì
chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều
răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Đây là điều răn của Người: chúng ta
phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo
điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì
ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này,
chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần
Khí Người đã ban cho chúng ta.” (1 Ga 3:21-24)
Theo trình thuật của Thánh sử Luca, hằng năm
cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười
hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong
kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ
chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một
ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con
đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Thật khổ tâm! Hai ông bà như lửa đốt trong lòng,
quyết lội bộ ngược dòng người để tìm Con Trẻ. Nhưng nào có gặp ngay, mãi ba
ngày sau mới tìm thấy Con Trẻ trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa
nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Mệt thì mệt lắm, nhưng cha mẹ vẫn có thể thở phào vì thấy
Con Trẻ đang đối chất với những người lớn hơn và thông luật nữa.
Ai nghe Con Trẻ Giêsu nói cũng ngạc nhiên về
trí thông minh và những lời đối đáp sắc xảo của Cậu. Khi thấy Con, hai ông bà
sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con
ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã
phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48) Đó lời trách yêu, cho thấy Đức Mẹ rất đau
khổ khi phải xa Con, dù chỉ là một thoáng, huống chi đã ba ngày qua. Chúa Giêsu
đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49) Lúc đó có
thể hai ông bà chưa hiểu hết, nhưng vì lạc mất Con, lo lắng quá nên “trách yêu”
vậy mà.
Nói thì nói, ngay sau đó Con Trẻ Giêsu vẫn “đi
xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và HẰNG VÂNG PHỤC các ngài.” (Lc 2:51a) Con
Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng lễ giáo, gia phong, vẫn vâng lời và sống có hiếu
với cha mẹ. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho chúng ta noi theo, điều này
cũng chứng tỏ rằng gia đình rất quan trọng đối với mọi người, không trừ bất kỳ
ai, đồng thời nhắc nhở những người con phải giữ trọn chữ hiếu đối với song thân.
Đừng vì bất cứ lý do gì mà coi thường song thân phụ mẫu.
Trong câu này có hai điều quan trọng: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn
và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2:51b-52) Đức Mẹ luôn
suy niệm, còn Chúa Giêsu càng khôn lớn càng kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và
được người đời yêu mến. Kinh Thánh không nói tới Đức Giuse, nhưng chắc chắn
ngài cũng suy tư và chiêm niệm nhiều lắm.
Thật buồn khi thấy tin tức về các nghịch tử.
Họ không chỉ đối xử tồi tệ với các đấng sinh thành của mình mà có kẻ còn nhẫn
tâm sát hại chính cha mẹ mình. Thật kinh khiếp! Đã từng có đứa con chỉ vì bị cha
mẹ la rầy mà đã nhẫn tâm sát hại người sinh ra mình. Phải chăng đó là hậu quả
của việc giáo dục không đề cao tôn ti trật tự trong gia đình, coi nhẹ gia phong
lễ giáo? Ngày xưa, chương trình giáo dục phổ thông có cho học bộ sách Nhị Thập
Tứ Hiếu (24 Người Con Có Hiếu), còn ngày nay không thấy có trong chương trình
giáo dục, thậm chí người ta còn muốn bỏ câu “tiên học lễ, hậu học văn” thì thật
tệ hại. Không còn gì để nói với hệ thống giáo dục như vậy!
Không ai tự dưng mà xuất hiện như loài covid ác
ôn. Chắc chắn ai cũng đã hoặc đang làm con, vì thế ai cũng có bổn phận đối với
đấng sinh thành dưỡng dưỡng dục. Đó cũng là một trong Thập Giới mà Thiên Chúa
ban truyền: “Thảo kính cha mẹ.” Đã là
giới răn thì không thể không thi hành, nghĩa là phải nghiêm túc tuân thủ. Bổn
phận làm con không chỉ phải thực hiện đối với cha mẹ, mà còn phải đối với ông
bà, người trên, người lớn tuổi,... Tất nhiên cũng phải hiểu rằng “người trên vẫn
có trách nhiệm đối với người dưới” vậy.
Người Việt có những câu tục ngữ giản dị nhưng
thâm thúy: “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
con nuôi mẹ con kể từng ngày,” hoặc “Mẹ
nuôi được mười con, mười con không nuôi được một mẹ.” Đáng để chúng ta PHẢI
suy tư lắm. Những câu thật buồn, nhưng biết buồn thì có thể chấn chỉnh tốt! Thật
vậy, có những đứa con trưởng thành rồi mà nhẫn tâm đuổi cha mẹ ra khỏi nhà để
chiếm căn nhà của cha mẹ. Và nhiều trường hợp tương tự khác…
Lạy
Thiên Chúa, chúng con ích kỷ lắm, chỉ biết mình mà không quan tâm gì tới ông
bà, cha mẹ, chứ đừng nói quan tâm ai khác. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm và
tội lỗi của chúng con. Xin Ngài gia ân giúp chúng con noi gương Thánh Gia mọi
điều để chúng con có thể dần dần hoàn thiện theo Thánh Ý Ngài và nên thánh theo
hoàn cảnh mỗi gia đình riêng, cụ thể là trong tình trạng dịch bệnh hiện nay. Xin
giúp chúng con trở nên “ánh sao lạ” dẫn đường cho những ai muốn tìm gặp Ngài. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Chuyện Ly Hôn – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/06/chuyen-ly-hon.html
✽ Chuyện Ngoại Tình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/chuyen-ngoai-tinh.html
✽ Gợi Ý Củng Cố Gia Đình Công Giáo
✽ Môi Trường Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/07/moi-truong-gia-inh.html
✽ Gia Đình & Đạo Hiếu – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/09/gia-inh-va-ao-hieu.html
✽ Giá Trị Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/gia-tri-gia-inh.html
✽ Có Nên Tha Thứ Khi Bị Phản Bội?
✽ Chuyện Tình Yêu – Hôn Nhân
✽ Xây Dựng Hạnh Phúc Trong Hôn Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment