Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

GỢI Ý CỦNG CỐ GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

Để ý quan sát, chúng ta có thể thấy rằng gia đình đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Là những người theo Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội nhỏ bé là gia đình mình, chúng ta phải cố gắng cứu lấy con cái, cứu lấy giới trẻ, bằng cách cứu lấy chính gia đình của mình. Tính bi quan, tính diễu cợt, và tính hoài nghi không thể ngự trị trong tâm hồn chúng ta, mà phải là sự tự tin và hy vọng để chúng ta có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng làm cho gia đình thánh thiện hơn.
Chúng ta có Mười Vitamin để tăng sức sống cho gia đình. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp nhau thanh lọc, cải thiện, và làm cho gia đình hoàn hảo hơn. Thánh GH Gioan Phaolô II diễn tả sự thật này rất rõ ràng: “Gia đình là tòa nhà nền tảng của xã hội… Gia đình tiến bộ thì xã hội cũng tiến bộ.” Hy vọng rằng các gợi ý dưới đây thực sự tạo sự khác biệt trong cuộc chiến làm cho gia đình tốt đẹp. Đừng bao giờ quên những lời an ủi của Tổng Thần Gabriel nói với Đức Maria: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37)
1. CẦU NGUYỆN CHUNG
Một trong các lý do đầu tiên để xung khắc, cãi nhau, cay đắng, lạnh nhạt và chia tay là thiếu cầu nguyện trong gia đình. Ôxy cần cho phổi, cầu nguyện cần cho linh hồn. Cầu nguyện là trung tâm và là trái tim của gia đình. Hãy nhớ lời của một linh mục mệnh danh là linh mục của Kinh Mân Côi – Lm Patrick Peyton: “Gia đình nào cầu nguyện với nhau thì hài hòa với nhau.”
2. NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI MẸ
Người cha phải là đầu của gia đình, người mẹ phải là trái tim của gia đình. Gia đình không có đầu thì giống như quái vật Frankenstein; gia đình không có trái tim là gia đình chết. Mong sao người cha là người lãnh đạo tinh thần của gia đình!
Người cha cũng phải là người bảo vệ sự sống, luôn yêu thương vợ con. Là người lãnh đạo tinh thần của gia đình, nghĩa là người cha dẫn đầu trong cuộc sống cầu nguyện của gia đình. Người cha nên noi gương sáng của Đức Thánh Giuse.
3. THA THỨ VÀ THƯƠNG XÓT
Trong nhiều gia đình, sự lạnh nhạt, sự hờ hững, và thậm chí là sự cay đắng thâm nhập vào cơ cấu gia đình. Tại sao? Một trong các lý do là thiếu sự tha thứ. Các thành viên gia đình phải có lòng thương xót và tha thứ, không chỉ 7 lần mà 70 lần 7 – nghĩa là tha thứ luôn luôn! Nếu chúng ta muốn được tha thứ thì chúng ta phải thật lòng tha thứ cho người khác. Lời Kinh Lạy Cha: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
4. LỜI HAY Ý ĐẸP
Thi sĩ Alexander Pope, người Anh, viết: “To err is human, to forgive is divine.” (Sai lầm là phàm nhân, tha thứ là siêu phàm.) Các thành viên gia đình phải học cách nói những lời hay ý đẹp: Xin lỗi, cảm ơn,... Lời này rất quan trọng: “Thôi, bỏ qua!” Những lời tốt lành như vậy được thường xuyên sử dụng sẽ có thể cứu được gia đình!
5. THÁI ĐỘ PHỤC VỤ
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, đã rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28) Mỗi thành viên gia đình không chỉ mong được phục vụ, mà còn phải luôn luôn sẵn sàng phục vụ mọi người trong gia đình. Yêu thương và phục vụ luôn đồng nghĩa với nhau.
6. BÀY TỎ BIẾT ƠN
Mặc dù có thể là điều nhỏ và không quan trọng, nhưng lời cảm ơn là loại gia vị nên thêm vào “thực đơn sống” của gia đình. Thánh Inhaxio Loyola nói: “Bản chất của tội lỗi là sự vô ơn.” Hãy nuôi dưỡng lòng biết ơn trong gia đình! Có điều gì chúng ta có mà không nhận từ Thiên Chúa? Chỉ có một điều: Tội lỗi của chúng ta – chúng ta tự chọn cho chính mình. Thiên Chúa yêu thương những tâm hồn khiêm hạ và biết ơn!
7. HOẠT ĐỘNG DỨT KHOÁT
Thời gian quan trọng trong đời sống gia đình là giờ ăn. Đó là lúc gia đình nối kết, chia sẻ kinh nghiệm, dành thời gian cho nhau, và là lúc phát triển tình yêu thương dành cho nhau. Mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” (Ga 13:34)
Có truyện khôi hài về gia đình: Cùng ngồi bên nhau nhưng người cha xem ti-vi, người mẹ dùng điện thoại thông minh, các con thì đứa này chơi game, đứa kia lướt weg, đứa nọ chat qua zalo, viber, twitter, hoặc gắn tai nghe... Một cảnh tượng bình thường ngày nay mà lại rất ư là bất thường. Họ ngồi gần nhau nhưng lại rất xa nhau. Vấn đề cần làm ngay để cứu lấy gia đình là phải dẹp bỏ hết mọi thứ để cùng nhau ăn cơm và chia sẻ với nhau trong khoảng 30 phút. Đặc biệt là hãy cùng nhau cầu nguyện, ít là một chục Kinh Mân Côi, trước khi đi ngủ. Tùy thuộc vào mỗi chúng ta mà hòa bình có hay không đối với thế giới và chính đất nước mình. Đức Mẹ vẫn luôn chờ đợi chúng ta!
8. HỌC CÁCH LẮNG NGHE
Lắng nghe là nghệ thuật khó, nhất là đối với các thành viên gia đình. Chúng ta có xu hướng tránh né nhau, và không muốn lắng nghe nhau, thế nhưng lại dễ nghe người ngoài – mà rồi họ chỉ xúi dại chứ đâu có thật lòng. Hãy cảnh giác, và hãy nghe Kinh Thánh dạy: “Trước mặt người lạ, chớ làm điều phải giữ kín, vì con chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đừng tâm sự với bất cứ người nào, đừng tưởng làm như vậy là người ta thích.” (Hc 8:18-19)
9. KỶ NIỆM
Các dịp lễ, tết, sinh nhật, giỗ chạp,... hoặc ngày rửa tội, thêm sức,... Đó là những cơ hội tốt để thể hiện tình cảm gia đình. Chúng ta nên có thói quen tốt đẹp đó. Thánh Phaolô đã động viên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4)
10. TẬN HIẾN CHO ĐỨC MẸ
Khi hiện ra tại Fátima, một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ nhắn nhủ là “tôn sùng Mẫu Tâm.” Có nhiều cách yêu mến Đức Mẹ, một cách phổ biến và đơn giản là đọc Kinh Mân Côi – và cũng là một mệnh lệnh khác trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đưa ra tại Fátima.
Với 20 mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta “đi tắt” suốt Tân Ước và “trải qua” các chặng đời của Đức Kitô. Như Đức Mẹ đã hứa, lòng sùng kính Đức Mẹ sinh nhiều hoa trái trong gia đình: bình an, vui mừng, yêu thương, hạnh phúc, chia sẻ, hiểu nhau, kiên nhẫn, thanh khiết, khiêm nhường, tử tế,... Tóm lại, tận hiến cho Đức Mẹ là nhờ Mẹ mà tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, gia đình sẽ trở nên nơi thánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
LM. ED BROOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Chiều 13-06-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment