Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

CÓ NÊN THA THỨ KHI BỊ PHẢN BỘI?

Chúng ta thường nghe nói đàn ông “ăn phở” hoặc sống buông thả. Người ta cho rằng đàn ông là vậy, đi ngang về tắt rồi “đường nào cũng về La Mã, “cơm” chỉ là món “ăn chơi,” “phở” mới là món “ăn thật.” Đàn ông “ăn chả,” có bị phát hiện thì rồi cũng qua. Nếu người vợ không tha thứ cho chồng thì bị coi là ích kỷhẹp hòi; nếu người vợ tha thứ cho chồng thì được coi là người vợ cao thượngkhéo léo bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhưng nếu phụ nữ “ăn nem” thì sao? Liệu chồng có thể bỏ qua và tha thứ hay nàng phải trả một quá giá đắt?
Nếu người vợ lỡ thử “ăn vụng” và bị phát hiện thì phụ nữ đó bị kết án là lăng loàn, trắc nết, đồ bỏ đi; còn nếu người chồng tha thứ cho vợ thì bị coi là nhu nhược, bất lực, không đủ bản lĩnh, “bị cắm sừng” hoặc thiếu chất nam tính. Thật tréo ngoe! Có thể người ta bị ngộ nhận, không hiểu rằng trong tình yêu đôi lứa thì thường có tình dục, nhưng trong tình dục thì chưa hẳn có tình yêu.
T. và H. kết hôn được 8 năm. Một cặp ứng đôi vừa lứa, được coi là lý tưởng. Chồng biết quan tâm chia sẻ, vợ biết chăm sóc chồng con. Vợ thích đọc sách báo và làm việc ở một nhà xuất bản. Chồng còn là người năng động, vui vẻ, biết khôi hài, và là huấn luyện viên thể dục.
Nhưng rồi chuyện “bất ngờ” xảy ra. Anh “đi lại” với một phụ nữ thường đến tập thể dục ở chỗ anh. Đó là một phụ nữ ở tuổi 30, độ tuổi được coi là sung mãn ở phụ nữ, còn độc thân. Chị M. đã trải qua vài mối tình nhưng không kết quả, người thì cho là hồng nhan bạc phận, kẻ thì cho là “hệ lụy tất yếu.” Cái gì cũng có nguyên nhân và cái giá của nó. Công nhận chị là người nhìn có duyên, nước da trắng, dáng người đầy đặn, rất “bắt mắt.” Nhưng nghe đâu chị là người “cầu toàn” nên khó ai làm chị vừa lòng. Có người cho là “duyên phận.” Lửa gần rơm, chuyện gì đến cũng đã đến, T. và M. đã vượt qua “biên độ” cho phép! Phụ nữ thường có động thái “giả nai” như ca dao mô tả:
Chửa quen đi lại cho quen
Tuy rằng cửa đóng mà then không cài
Mới đầu chị H. không tin, chị tin chồng chị là người nghiêm túc. Nhưng nghe nhiều người nói, chị bắt đầu để ý và thấy những biểu hiện “khác thường” ở chồng: Đi sớm, về khuya, thái độ, cách nói,… Chị tìm hiểu và “hai năm rõ mười.” Cuối cùng anh đành thú nhận, xin chị bỏ qua và hứa sửa sai. Chị H. phải tranh đấu rất nhiều, hết tình cũng còn nghĩa và vì hai đứa con vô tội. Chị quyết định hy sinh, cho anh một cơ hội sửa sai và “lập công chuộc tội”.
K. và G. là hai chị em ruột. K. là em, có chồng và một con, nhưng chồng chị mới mất đầy năm. Hoàn cảnh nghèo khó, chị xin được về ở chung với ba mẹ. Vợ chồng G. và S. khá giả, ăn nên làm ra nhờ quán nhậu khá đông khách ở một thị trấn. Thuê mặt bằng không ở gần nhà. Chị G. vừa ở cữ, quán lại thiếu người phục vụ. Thấy hoàn cảnh em gái khó khăn, chị G. bàn với chồng nhờ em gái giúp đỡ, vả lại cũng để K. có thêm thu nhập mà nuôi con.
Một buổi tối nọ, quán đã hết khách. Chị K. đang rửa chén đĩa, thấy anh rể cứ nấn ná chưa về, chị K. nói anh rể cứ về trước, còn chị dọn dẹp xong rồi về sau cũng được. Anh S. cứ làm bộ ra vô như để dùng “kế hoãn binh.” Gái một con đã làm “mòn” mắt S. rồi! Rửa chén xong, chị K. vừa đứng dậy thì S. nắm tay chị kéo vô trong và vói tay tắt điện. Chị K. vùng vẫy chống cự, và may mà chị đã thoát khỏi nanh vuốt của “yêu tinh râu xanh”. Từ hôm sau, chị K. không làm cho anh chị nữa.
Ai hỏi gì chị cũng chỉ lắc đầu. Sau một tuần, chị K. quyết định nói rõ nguyên nhân sự việc cho ba mẹ và chị gái biết. Thật bất ngờ, cả ba mẹ và chị gái đều cho chị K. là đặt điều bịa chuyện, còn S. thì giận dữ nói K. ăn không nói có, đổ oan cho S. vì muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình họ. Chị K. chỉ còn biết ôm con mà khóc, ngậm bồ hòn làm ngọt, tự an ủi là “cây ngay không bị chết đứng.”
Về phần chị G., không biết chị không thương em gái hay chị chấp nhận bỏ qua cho chồng vì muốn bảo vệ hạnh phúc riêng, hoặc chị nhận thấy “xấu chàng thì hổ thiếp.” Thế nên chị vẫn một mực cho rằng em gái chỉ vì ghen ăn tức ở mà dựng chuyện để chà đạp nhân phẩm người khác và hủy hoại hạnh phúc của chính chị mình. Đâu là sự thật? Ai đúng và ai sai? Chỉ có trời mới biết, và chỉ có thời gian khả dĩ trả lời.
N. và C. kết hôn được 6 năm và có một con. Chồng là kỹ sư xây dựng, vợ là nhân viên bán hàng siêu thị. Hai người cũng tỏ ra tâm đầu ý hợp. Chồng thi thoảng đi công trình cả tháng mới về. Vợ ở nhà vẫn chu toàn bổn phận. Những buổi chiều về sớm, anh N. vẫn ghé siêu thị để đón vợ về. Một hôm anh đi đón vợ thì người ta nói chị C. về từ lúc 3 giờ chiều rồi. Anh gọi điện cho vợ thì vợ khóa máy. Đến gần 7 giờ tối chị C. mới về. Anh hỏi thì nói đi sinh nhật bạn gái. Anh biết vợ không biết nói dối nên chỉ với vài câu hỏi của anh thì vợ anh thú thật là đi ăn với anh quản lý, rồi vô khách sạn. Anh im lặng và bị giằng co suốt cả tuần: Tha thứ hay không tha thứ?
Chị C. khóc và nói: “Đó là lần duy nhất. Em không có ý phản bội anh. Không hiểu sao mà lúc đó em lại mụ mẫm như vậy. Xin anh tha thứ cho em lần đầu cũng là lần cuối.” Anh N. chấp nhận cho chị C. một cơ hội, và anh nói chỉ một lần mà thôi. Đây là “thâm ý” của C. hay là “mưu mô” của gã quản lý kia? Về tình huống này, ca dao Việt Nam có câu:
Buổi xuân xanh thiếp chẳng gặp chàng
Bây giờ năm con bảy cái ra đàng gặp nhau
Con người luôn yếu đuối nên nhân vô thập toàn, giữa hành động tốt và xấu chỉ là một lằn ranh mong manh, người ta có thể sẩy chân chỉ trong thoáng chốc. Do đó, đừng ỷ lại mà phải luôn cảnh giác, vì trong mỗi người – dù nam hay nữ, dù già hay trẻ, dù sang hay hèn, dù học thức hay bình dân, dù người cao hay kẻ thấp, dù có tôn giáo hay không có tôn giáo,… – đều có một “con heo,” và không ai biết nó có thể “nổi điên” bất cứ lúc nào!
Chúng ta “thử” phân tích và tìm hiểu để khả dĩ phản ứng hợp lý và liệu cách tha thứ:
1. LỪA DỐI
Chính hai từ này đã thể hiện tính tiêu cực và đưa ý nghĩa tiêu cực vào trong mối quan hệ. Người ta lừa dối nhau vì không hiểu hôn nhân là loại “hợp đồng cá biệt,” một dạng “cơ quan” chỉ có hai người, vừa là giám đốc vừa là nhân viên, vừa là người quản lý vừa là người tạp vụ, cùng chung sống và thỏa mãn nhu cầu (tinh thần và thể lý) lẫn nhau. Khi hợp đồng này bị vi phạm, hoặc bị coi thường, sẽ khiến hôn nhân bị tổn thương và có nguy cơ tan vỡ (ly thân hoặc ly hôn) nếu xung đột tăng theo cấp số cộng hoặc cấp số nhân, gọi là “lạm phát” gia tăng. Cần thiết có một trong hai người biết tha thứ, và người kia phải biết phục thiện.
2. ĐỘNG LỰC KHÁC NHAU
Trong quan hệ hôn nhân có nhiều động lực khác nhau nên một trong hai người lừa dối. Bị lừa dối rồi người kia có thể muốn “trả thù” bằng cách cũng dùng biện pháp “ngoài luồng.” Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cuộc hôn nhân có người chồng phản bội thì dễ hàn gắn hơn những cuộc hôn nhân có người vợ phản bội. Nguyên nhân là người vợ dễ chấp nhận hơn người chồng. Người vợ cần có bí quyết khéo giữ chồng khỏi “mắt ngang liếc dọc” để tránh đổ vỡ hôn nhân. Người vợ nên tế nhị và khéo léo làm cho chồng phải thú nhận và hứa không tái phạm. Tuy nhiên, nếu vợ bắt tại trận thì không dễ tha thứ. Nếu thành tâm hối lỗi, người chồng phải tỏ thành ý và biết cầu viện từ những người trong chính gia đình bên vợ.
3. PHẢN ỨNG
Khi người vợ bị bắt quả tang ngoại tình, người chồng sẽ phản ứng giận dữ cực độ – vừa bằng ngôn ngữ vừa bằng hành động. Có người chồng hành hung vợ, có người lại tìm cách hành hung “đối thủ,” có người áp dụng “chiến tranh lạnh” với vợ hoặc ly hôn. Nếu có con, người chồng có thể ác cảm với chính con mình. Còn nếu chồng ngoại tình, người vợ có thể tránh né chồng và “cấm vận” triệt để, cũng có người lại tìm cách “đánh ghen” bằng những biện pháp nguy hiểm. Có người phản đối chồng, nhưng có người lại bênh chồng “chằm chặp”. Có nhiều dạng phản ứng khác nhau ở cả hai phái.
4. GIÀY VÒ
Nếu chồng biết vợ lừa dối mình, anh ta cảm thấy “dưới cơ” và ghen tức với người đàn ông kia, có cảm giác… bị thừa, khiến anh ta thiếu tự tin. Hãy tự xem lại mình “thiếu” tố chất gì, vì mỗi người chồng đều khác nhau. Người vợ có người chồng phản bội sẽ cảm giác mất chồng, mất “quyền sở hữu.” Người vợ nên kiểm nghiệm xem tại sao chồng lại “xa” mình dù phụ nữ kia có vẻ không có gì hơn mình, cả ngoại hình lẫn tính tình. Người vợ cũng cảm thấy mình “thua kém,” vô dụng. Bị phản bội thì nam và nữ đều có những mức độ giày vò nhất định. Thậm chí có những người đã ly hôn rồi mà vẫn… ghen, vẫn muốn kiểm soát người kia – dù không còn là vợ chồng theo pháp luật.
5. HỒI PHỤC
Người chồng luôn ám ảnh là mình bị phản bội, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh vợ mình ăn nằm với người đàn ông khác, có thể anh ta thấy cả trong giấc mơ. Tâm lý bị xáo trộn và bất ổn, rất dễ phản ứng tiêu cực. Về tâm lý, đàn ông khó hồi phục hơn phụ nữ. Khó khăn trong việc hồi phục hôn nhân là do người chồng bị ám ảnh về việc ngoại tình của người vợ. Người chồng phải cố gắng loại bỏ ám ảnh kia thì hôn nhân mới khả dĩ “gương vỡ lại lành.” Trong trường hợp người chồng ngoại tình, người vợ cần xác định rằng vẫn còn sự chung thủy trong tương lai nếu vợ chồng lại có thể tái hòa hợp. Hãy cố gắng hàn gắn vì có nhiều lợi ích khác.
6. TÁI PHẠM
Một sự chẳng tin, vạn sự bất tín. Để có thể tha thứ, ai cũng phải đấu tranh rất nhiều. Khi hôn nhân được phục hồi, người vợ hứa sửa sai và tôn trọng hôn nhân. Đa số các người vợ này có thể tuân thủ điều mình đã hứa, chỉ một số ít tái phạm. Nhưng đối với nam giới, họ vẫn dễ có những lúc “ngoài chồng ngoài vợ,” thậm chí tái phạm nhiều lần. Có thể “ăn vụng” luôn cảm thấy ngon hơn vì “đã” cơn thèm, nhưng nếu đó là xấu, là phạm pháp và trái tự nhiên thì phải nghiêm túc xét lại, đừng để trở thành thói quen và lương tâm chai lỳ!
7. CHẤP NHẬN NHAU
Khi người phản bội và được bỏ qua để có cơ hội “đoái công chuộc tội”, tất nhiên còn tùy mức độ thành khẩn, người kia đừng nhắc lại điều đó trong tương lai. Đó là cách “đay nghiến” làm người có lỗi rất đau lòng, nếu tình trạng “nhắc lại” xảy ra nhiều lần, người kia sẽ rất khó chấp nhận và có thể phản tác dụng, hôn nhân có thể tổn thương không thể hàn gắn và đường ai nấy đi!
Đời sống hôn nhân thực sự khác nhau đối với nam và nữ khi xảy ra sự phản bội. Mỗi người có ý kiến khác nhau về vấn đề này vì có sự dị biệt trong việc phát triển hệ thống giá trị. Cần biết sự khác nhau đó để có thể chấp nhận nhau. Hôn nhân chỉ có thể tồn tại trên cơ sở chia sẻ chân thành và cởi mở – về nhu cầu, hoài vọng, lo toan, kinh nghiệm,… Khi cả hai cùng chia sẻ, hai người sẽ không còn khoảng cách và khả dĩ nối kết thân mật với nhau.
Nói chung, người ta ngoại tình (cả nam lẫn nữ) chỉ vì thích phiêu lưu, ưa cảm giác lạ, cái mà người ta không hiểu nên gọi là “máu.” Người có “máu” cờ bạc vì chơi thử rồi quen, càng quen thì não càng bị “tê liệt” khiến người ta đắm chìm vào trò đỏ đen. Khoa học đã chứng minh như vậy. Và hôn nhân cũng vậy. Tình nghĩa phu thê sẽ ngọt ngào, nồng nàn và bền vững nếu biết tâm niệm đơn giản thế này:
Mình ên sao tính toan đây
Êm xuôi mọi chuyện nếu hai người làm
Cuộc đời luôn cần tha thứ, không nên trả thù, huống chi là hôn nhân, vì hai người là một. Thật vậy, “trả thù là đặt mình ngang hàng với kẻ thù, tha thứ là đặt mình cao hơn kẻ thù.” (Tục ngữ Anh) Trần Hưng Đạo nói: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận. Người giỏi bày trận thì không cần đánh. Người giỏi đánh thì không thua. Người khéo thua thì không chết.” Đó là ông nói về chiến đấu, nhưng cũng là chiến lược và chiến thuật trong các lĩnh vực khác – kể cả hôn nhân.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo Thanh Niên – Tuổi Trẻ Hạnh Phúc, số 42, ngày 16-11-2017]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment