Phép vệ sinh là bài học được giáo dục từ nhỏ. Vệ sinh rất cần thiết, không chỉ để giữ sức khỏe riêng mà còn giữ môi trường sạch đẹp, đặc biệt là giữ phép lịch sự tối thiểu đối với người khác – và cũng là tự trọng. Trong tình trạng dịch bệnh lây nhiễm tràn lan hiện nay, vệ sinh càng cần thiết hơn bao giờ.
Tuy nhiên, điều
gì thái quá thì hóa bất cập, cái gì cũng có giới hạn của nó. Thậm chí cái mà
chúng ta gọi là “tự do” cũng có giới hạn của tự do, vì không thể làm bất cứ
điều gì theo ý mình rồi lấy cớ là “quyền tự do.” Đó là lạm dụng. Xã hội Việt
Nam ngày nay thấy “quá tải” tình trạng lạm dụng, hầu như trong mọi lĩnh vực.
Giáo dục là điều
cần thiết, vì nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia thì người ta có thể biết
đất nước đó thịnh hay suy. Ngành giáo dục tại Việt Nam quá dơ bẩn mà người ta
còn muốn làm ô uế hơn – như cải cách chữ viết và bỏ nền tảng “tiên học Lễ, hậu
học Văn.” Thiếu giáo dục hoặc giáo dục lệch lạc sẽ phá hủy tất cả: “Giáo
dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào,
không cần phải sử dụng bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của
sinh viên.” (Nelson
Mandela, 1918-2013)
Một trong các cách vệ sinh là dọn dẹp và sắp
xếp. Khi chuẩn bị đón tiếp một nhân vật đặc biệt nào đó, người ta thường dọn đường
và trang hoàng. Dọn đường có thể theo nghĩa đen là dọn dẹp đường sá cho vệ sinh
hơn, tươm tất hơn, gọn gàng hơn, lấp những chỗ lõm, san những chỗ lồi,... Dọn
đường cũng có thể hiểu nghĩa đen là trang trí cờ xí, treo đèn, kết hoa, câu
đối,... hoặc hiểu nghĩa bóng là tích cực đổi mối cách sống, nếp nghĩ,... Dĩ
nhiên nghĩa bóng quan trọng hơn nghĩa đen. Vệ sinh là làm những gì tốt đẹp nhất:
gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất.
Cần làm như vậy đối với bề ngoài, còn cần hơn
nữa đối với bề trong, đặc biệt là khi chuẩn bị đón Vua các vua và Chúa các
chúa: Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô. Ngài thực sự đã đến thế gian – và chúng ta
đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Ngài giáng thế lần thứ nhất trong cương vị Vua
Thương Xót. Ngài đã về trời, và Ngài sẽ tái lâm trong cương vị Vua Công Lý,
Thẩm Phán tối cao và công bình chính trực, không thiên vị bất cứ ai.
Ngày xưa, trước khi Ngài xuống thế lần I, ngôn
sứ Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong cương vị “người mở đường,” đi tiên phong để
chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Ông Gioan Tẩy Giả là người rất khác
thường, như một “dị nhân” vậy. Vì thế, nhiều người thấy ông mà cứ tưởng ông là
Đấng Mêsia, là Êlia, hoặc một ngôn sứ nào đó. Nhưng ông xác định: “Có người ĐẾN SAU tôi, nhưng trổi hơn tôi,
vì CÓ TRƯỚC tôi.” (Ga 1:30) Thật kỳ lạ, người “đến sau” mà lại “có trước.” Những
người không có đức tin sẽ cảm thấy chói tai, vì theo lẽ thường thì điều đó trái
ngược hoàn toàn. Thật vậy, một phụ nữ Samari gặp Chúa Giêsu bên giếng nước đã
thắc mắc: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ
chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?” (Ga 4:12) Bất
cứ ai cũng đặt vấn đề như vậy thôi.
Các Phúc Âm nhất lãm cũng cho biết thêm về
lời của ông Gioan Tẩy Giả: “Đấng đến sau
tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.” (Mt 3:11; Mc
1:7; Lc 3:16) Ông Gioan không tự đánh lừa mình hoặc người khác, mà ông khiêm nhường tự nhận chỉ là “tiếng
kêu trong sa mạc” mà thôi. (Ga 1:23)
Thời Cựu Ước, ông Barúc nói với dân chúng: “Hỡi Giêrusalem, hãy CỞI BỎ áo tang khổ
nhục, và MẶC LẤY ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy KHOÁC vào
mình áo choàng công chính của Thiên Chúa, và ĐỘI lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” (Br 5:1-2) Thực sự rất hạnh phúc khi được Thiên
Chúa quan tâm và yêu thương như vậy, càng hạnh phúc hơn khi Ngài không coi
chúng ta là tội đồ mà trao ban cho chúng ta những điều kỳ diệu, vượt quá ước mơ
của chúng ta, đặc biệt là trao chính Con Yêu Dấu của Ngài.
Đó là sự thật minh nhiên. Ngôn sứ Ba-rúc giải
thích rõ ràng: “Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp
cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là Bình
An xây dựng trên công chính và Vinh Quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa.”
(Br 5:3-4) Quá đỗi kỳ diệu. Phàm nhân không thể hiểu nổi!
Tiếp tục động viên, ngôn sứ Ba-rúc nói: “Vùng lên, Giêrusalem hỡi, hãy đứng ở nơi
cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp
về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở
mừng vui. Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang
rực rỡ, khác chi một ngai vàng.” (Br 5:5-6) Ôi chao, sự thật hiển
nhiên mà cứ ngỡ là trong mơ!
Thiên Chúa chí thánh, ngay thẳng, mọi nơi
Ngài đến phải tươm tất, gọn gàng và sạch sẽ: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa. Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ
loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi
trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự
công chính của Người.” (Br 5:7-9) Thật hạnh phúc khi chúng ta tôn thờ một
Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, giàu lòng thương xót, muốn cứu vớt chứ không muốn
sát hại, muốn tha thứ chứ không muốn trừng phạt. Có lẽ đôi khi chúng ta có mơ
cũng chẳng thấy, thế mà lại là sự thật minh nhiên.
Không thể im lặng, Thánh Vịnh gia cũng đã
thốt lên: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở
về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ.” (Tv 126:1) Còn hơn là ngạc nhiên chứ
thản nhiên sao được, bởi vì chứng kiến nhãn tiền những điều quá kỳ diệu mà. Hạnh
phúc trào dâng, niềm vui vỡ òa, dân chúng hân hoan cùng nhau “vang vang ngoài
miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.” Khi thấy vậy, dân ngoại cũng
xôn xao: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại
thay!” (Tv 126:2) Chắc chắn không ai có thể trì hoãn niềm vui, và phải tâm
phục khẩu phục.
Việc Chúa làm cho chúng ta thật là vĩ đại, từ
việc nhỏ tới việc lớn – đơn giản mà quan yếu như không khí, và hẳn là cõi lòng ai
cũng chan chứa niềm vui khôn tả. Sung sướng và hạnh phúc nhưng không được
“ngủ quên,” vẫn phải cầu nguyện liên lỉ, bởi vì tín nhân vẫn còn mang thân xác
nặng nề, chưa thực sự thoát vòng kiềm tỏa của ma quỷ. Do đó, phải tỉnh thức và cầu
xin: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con
về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.” (Tv 126:4) Hạnh phúc nào cũng
có ít nhiều nước mắt, đau khổ càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai
sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở
về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:5-6) Quy luật tất nhiên
là vậy.
Rất quan trọng đối với việc cầu nguyện, vì
cầu nguyện như hơi thở duy trì sự sống. Vả lại, không chỉ cầu nguyện cho mình mà
còn cho người khác. Không cầu nguyện, thân xác vẫn sống nhưng linh hồn như đã
chết rồi. Thánh Phaolô nói về việc cầu nguyện: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi
đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc
rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng
sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm.”
(Pl 1:4-6) Ông phân tích cụ thể: “Có
Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình
thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin là cho lòng mến của anh
em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu
nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh
tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.
Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức
Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.” (Pl 1:8-11)
Tín nhân có trách nhiệm và bổn phận phải tôn
vinh, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Đó cũng là quyền lợi của mỗi tín nhân.
Chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng chính việc cầu nguyện lại sinh ích lợi
cho chúng ta. Thật là tuyệt vời và vô cùng kỳ diệu!
Lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả được đề
cập trong trình thuật Lc 3:1-6 (≈ Mt 3:1-12; Mc 1:2-6; Ga 1:19-28). Đoạn Tin
Mừng ngắn gọn nhưng súc tích, dẫn người ta vào tâm điểm của Mùa Vọng là chuẩn
bị chu đáo để chờ đón Đấng Cứu Thế.
Theo lời kể của Thánh Luca, lúc đó là năm thứ
15 dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê,
Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền
Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm
thượng tế.
Có lời Thiên Chúa phán với con ông Dacaria là
Gioan, anh em họ với Chúa Giêsu, đang ẩn dật trong hoang địa. Gioan liền đi
khắp vùng ven sông Giođan để rao giảng và kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng
sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn
sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải
lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay,
đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của
Thiên Chúa.”
Cuộc đời có nhiều chướng ngại vật, đủ kích
cỡ. Những thung lũng hiềm khích, thù hận; những núi ghen tuông, những đồi gièm
pha; những khúc quanh lươn lẹo, gian ngoa, lừa bịp; những con đường đầy những
hố chèn ép nhau, khích bác nhau, trù dập nhau; và còn rất nhiều những “khoảng
tối tăm” có thể còn âm u hơn những cánh rừng nguyên sinh và đầy nguy hiểm. Đã
được san bằng, lấp đầy hoặc uốn thẳng những gì, được mấy phần trăm?
Chờ ai thì mong người đó. Mong ai thì phải
chuẩn bị ít nhiều. Chuẩn bị đón mừng Chúa Giêsu giáng sinh không phải là chỉ
đua nhau làm những hang đá sang trọng, lộng lẫy, đồ sộ, tốn rất nhiều tiền, rồi
lại phát sinh chuyện gây quỹ, bằng ân nhân, hoặc lo sắm sửa đủ thứ để viện cớ
là “ăn mừng” Lễ Giáng Sinh.
Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn như vậy, và
Ngài cũng không “chấm công” cho chúng ta vì những thứ xa xỉ đó. Có lẽ chúng ta
không muốn san bằng những hang đá cồng kềnh đó, mà lại tạo ra thêm nhiều hố
ngăn cách khác – cụ thể nhất là giàu – nghèo, không rút ngắn khoảng cách cười –
khóc, vui – buồn, mà lại nới rộng hoặc đào sâu thêm những khoảng cách “không
tên” đó. Vô tình hay vô cảm? Thiết tưởng, tấm lòng của những người mà chúng ta
gọi là “khố rách áo ôm” hoặc “nghèo rớt mùng tơi” mới thực sự là những máng cỏ
mà Chúa Giêsu Hài Đồng muốn sinh ra và trú ngụ... Họ cam chịu nghèo khổ thay
chúng ta, vì thế họ được Chúa yêu thương nhiều.
Điều đó rất hợp lý, như Thánh Phaolô phân
tích: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt
đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi
dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác.”
(Rm 11:17-18) Chính Chúa Giêsu cũng xác định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Thế
nên có lần Ngài dạy rất thẳng thắn: “Khi
đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những đầy
tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10) Rất
có thể ai nghe cũng thấy “chói tai” lắm.
ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Australia, đặt
vấn đề: “Nếu chỉ sống đạo bằng kinh kệ,
rước xách, trống kèn hoành tráng,… chỉ chú trọng hình thức bên ngoài như xây
sửa nhà thờ, đền đài,… mà không xây dựng một xã hội công bằng, một cộng đoàn
bác ái yêu thương, thì chúng ta có hơn người Pharisêu không?” Rất nhức nhối,
vì sự thật dễ gây mất lòng lắm!
Lạy
Thiên Chúa công minh chính trực, xin gia tăng nghị lực và can đảm để loại bỏ
mọi vật cản giữa mọi người. Xin dạy chúng con làm vệ sinh cuộc đời theo ý Ngài
muốn, sẵn sàng loại bỏ ý của chúng con, và xin chấn chỉnh mọi ngõ ngách để kịp
đón Đấng Thiên Sai. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Marana Tha – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/maranatha-xin-ngu-en.html
✽ Hành Trình Cuộc Sống – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/hanh-trinh-cuoc-song.html
✽ Im Lặng Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/im-lang-thanh.html
✽ Ánh Sáng Đức Tin – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/anh-sang-uc-tin.html
✽ Bóng Nhỏ Giáo Đường – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/bong-nho-giao-uong.html
✽ Kiếp Nghèo – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/kiep-ngheo_23.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment