Buổi sáng, khi bình yên, không bị Cúm Tàu Cộng hoành hành, tôi thường “ngồi đồng” ở một quán cà phê Trung Nguyên trên đường Nơ Trang Long, P. 13, Q. Bình thạnh, Saigon. Tôi chú ý một ông lão hay đi ra đi vào ngang qua chỗ tôi ngồi. Ông trạc tuổi ngoài 70, thân hình gầy ốm, ít nói, ít cười, nhiều lần tôi thấy ông ăn cơm ngoài quán.
Nhìn ông thấy có gì đó thật đáng thương! Trước đây, tôi thường thấy ông cặm cụi sửa xe đạp cho khách vãng lai ở một góc phố trên đường Nơ Trang Long, ngay góc đường vào Vissan.
Lâu rồi không thấy ông sửa xe ở góc đường đó
nữa. Ông đi lại khó khăn trên đôi nạng do chân ông bị sưng, khó đi lại. Người
ta nói ông bị té xe đạp, bị thương ở hông, tuổi cao sức yếu nên khó lành. Ông
thường ngồi một mình ở một bàn gần cổng, cúi đầu, lặng lẽ với dáng vẻ cô độc.
Tôi không dám trực tiếp hỏi ông!
Nghe nói ông không vợ, không con, không người
thân. Người ta thương tình cho ông trú ngụ tại quán cà phê. Ông sống âm thầm
với số phận, chịu đựng cảnh nghèo, chịu đựng tuổi già cô độc, hiu quạnh, không
ai nương tựa,… Chạnh thương ông mà tôi không thể giúp gì cho ông!
Tôi chợt nhớ nỗi niềm của cố NS Trịnh Công
Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để
một mai tôi về làm cát bụi? Ôi, cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp trong
tôi?” Cát bụi cũng có lúc cảm thấy thực sự mệt mỏi lắm. Cũng một kiếp người
mà có người giàu, kẻ nghèo; có người sung sướng, có kẻ khốn khổ; có người may
mắn, có kẻ bạc phận hẩm hiu!
Những ngày Lễ, Tết, dịp vui này hoặc dịp mừng
nọ, mọi người đều nô nức và hạnh phúc. Ai đi đâu xa cũng tìm về nhà sum họp gia
đình. Còn ông chỉ một mình ngồi cúi đầu lặng lẽ, không ai trò chuyện, có ngước
lên cũng chỉ là ánh mắt nhìn vô định xa xăm, chắc hẳn ông còn buồn hơn rất
nhiều!
Cần lắm chút tình người và những tấm lòng hỉ
xả…
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment