Thursday, October 19, 2017

CHUYỆN LƯƠNG TÂM

Bất cứ ai cũng có lương tâm – giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về nội dung, tức là khác nhau về chất lượng TỐT hay XẤU. Con người có quyền HÀNH ĐỘNG theo lương tâm và có bổn phận phải TUÂN PHỤC tiếng nói của LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG.

Lương tâm là năng lực tự giác của con người, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Theo nghĩa rộng, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.

Theo Khổng Tử, lương tâm là đạo đức. Ông nhận định: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa.” Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, sự việc trên trời tạo nên dưới đất do âm – dương, nhu – cương, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, vì vậy mà con người muốn được coi là “nhân” phải có lòng nhân, muốn được coi là “nghĩa” phải có lương tâm.

Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trước khi hành động. Lương tâm vốn dĩ tốt lành nhưng theo thời gian vẫn có thể bị biến hóa theo hướng xấu.

Theo Công giáo, lương tâm là sự phán đoán của lý trí mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng con người để thúc giục họ làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, nên biết rằng lương tâm con người có thể ĐÚNG ĐẮN (ngay thẳng, tốt lành) hoặc LỆCH LẠC (sai lầm, xấu xa), vì con người được Thiên Chúa ban cho sự tự do, vì thế con người cũng có toàn quyền TỰ DO để quyết định theo lương tâm. Và do đó, con người phải không ngừng RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM của mình để có thể theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa.

1. LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG giúp phân biệt tốt – xấu. Đó là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối tốt lành và thánh thiện, tất nhiên Đấng-Cực-Tốt-Cực-Lành chỉ muốn con người làm những điều tốt lành.

2. LƯƠNG TÂM LỆCH LẠC là lương tâm bị sai lạc do hoàn cảnh tác động, hoặc do lười biếng trau dồi, đặc biệt là do THÓI QUEN PHẠM TỘI khiến cho lương tâm trở thành CHAI LÌ, mất khả năng phân định điều nào tốt lành hoặc xấu xa. Phải sớm chấn chỉnh loại lương tâm này càng sớm càng tốt!

Để rèn luyện lương tâm, người ta phải thường xuyên tập làm điều tốt lành và xa tránh tội lỗi. Muốn vậy, cần phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi chiếu ánh sáng chân lý qua việc học hỏi từ người khác, gia đình, học đường, xã hội, nhất là từ tôn giáo.

Ước gì mỗi chúng ta hãnh diện nói được như Thánh Phaolô rằng:

1. “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và LƯƠNG TÂM tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi.” (Rm 9:1)

2. “Điều khiến chúng tôi tự hào là LƯƠNG TÂM chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.” (2 Cr 1:12)

Thánh Phaolô cũng có đề cập 3 điều cần lưu ý: [1] TÂM HỒN trong sạch, [2] LƯƠNG TÂM ngay thẳng, và [3] ĐỨC TIN không giả hình. (1 Tm 1:5) Các “tính từ” theo sau 3 điều đó cho thấy chúng cũng có những loại đối lập. Hãy cẩn trọng!

TRẦM THIÊN THU

Chiều 19-10-2017

No comments:

Post a Comment

Comment