Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

VĂN HÓA và DÂN TỘC

Văn hóa và dân tộc luôn có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Dân tộc nào cũng có nét văn hóa đặc trưng, không lẫn lộn với các dân tộc khác.

Danh nhân Mahatma Gandhi nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa, chỉ cần bắt buộc người ta ngừng đọc. Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân.” Còn thích đọc là còn văn hóa, không thích đọc là mất văn hóa, và văn hóa liên quan dân tộc.

Văn hóa liên quan ngôn ngữ. Ngôn ngữ liên quan vận mệnh đất nước: Tiếng Việt còn, đất nước còn. Trong ca khúc “Tiếng Nước Tôi,” cố NS Phạm Duy ưu ái đề cao tiếng Việt: “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoát nghìn năm thành tiếng lòng tôi….” Hãy nâng niu và hãnh diện về tiếng Việt bằng cách tìm hiểu sâu sắc và sử dụng một cách thuần thục và thâm thúy. Việt ngữ không đơn thuần như chúng ta tưởng, vì tiền nhân đã xác định: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.” Nếu bạn biết một hoặc vài ngoại ngữ nào đó, bạn sẽ thấy ông bà ta thật là thâm thúy. Thật buồn khi thấy ngày nay người ta dùng tiếng Việt sai nhiều quá, cả chính tả và cả ngữ nghĩa, có những câu nghe mà thấy “lợm giọng.” Đừng lạm dụng hoặc cẩu thả!

Có dân tộc thì có văn hóa, rồi cũng có tôn giáo, và từ đó có loại văn hóa tôn giáo. Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI. Các sử gia Công giáo lấy mốc năm 1533 vì có ghi trong tài liệu Khâm Định Sử Thông Giám Cương Mục.

Lịch sử cho biết rằng đạo Công giáo ra đời từ Tiểu Á, nhưng lại được phát triển mạnh ở Âu châu. Khi Đạo Công giáo đến Việt Nam có mang theo cả văn hoá, văn minh của Tây phương. Thông qua Công giáo, dân Việt được biết đến các bản nhạc bất hủ của thế giới như Ave Maria, Holly Night, Jingle bell, kể cả các họa phẩm như Bữa Tiệc Ly và Đức Mẹ Đồng Trinh của các hoạ sĩ thiên tài Leonado da Vinci và Raphael. Tiếp theo là các lối kiến trúc nhà thờ độc đáo theo kiểu gotic, roman và basilique của Tây phương cũng xuất hiện khắp nơi trên dải đất hình chữ S thân yêu của người Việt.

Trong số các nhà truyền giáo thời kỳ đầu, không ít người được đào tạo ở các dòng tu, học viện Tây phương, thế nên họ cũng là các khoa học gia tinh thông nhiều lĩnh vực. Năm 1627, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã mang biếu Chúa Trịnh chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe, cuốn Kỷ Hà nguyên bản của nhà toán học Euclide, và giảng giải cho Trịnh Tráng hiểu. Năm 1626, giáo sĩ Badinoti (Ý) cũng được vời về phủ chúa để giảng giải về thiên văn, địa lý và toán học. Các giáo sĩ Da Coxta và Langerloi đã mang vào Đàng Trong các phương pháp chữa bệnh theo Tây y nên được phép mở bệnh viện.

Hai giáo sĩ J.B. Sanna (Ý) và S. Piere (Bồ Đào Nha) đã được vua Minh Mạng phong chức ngự y. Họ còn phổ biến kỹ thuật dệt vải mịn và khổ rộng bằng khung dệt du nhập từ hải ngoại để sản xuất tại dòng Mến Thánh Giá Di Loan (Quảng Trị), sản phẩm của họ đã được trưng bày tại Hội Chợ Paris năm 1867. Trước đây, kỹ thuật in ấn của Việt Nam là bản khắc gỗ, rất lâu công, các giáo sĩ đã đưa kiểu in bằng bản đúc đồng hay chì, nhanh gọn hơn. Nhà in Vĩnh Trị thời ĐGM Jacques Longer (1752-1831) đã sử dụng kỹ thuật in mới. Người ta công nhận chính các giáo sĩ đã đưa giống cừu vào Phan Rang để nuôi, và Lm Henry là người đầu tiên đưa cây phi lao về trồng ở Huế.

Công tâm mà nói, Công giáo góp nhiều công sức trong việc xây dựng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu,” chính nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đã nhận xét: “Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng cho việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành văn tự phổ thông cho cả dân tộc ta. Đành rằng, cũng như các công trình do người ta sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khiếm khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng, ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy.” (Saigon 1960, tr. 180)

VĂN HÓA

Văn hóa là gì? Một câu hỏi ngắn gọn mà lại không hề đơn giản, khá phức tạp!

Theo định nghĩa của LiveScience.com, văn hóa là đặc tính và kiến thức của một nhóm người, được xác định bằng ngôn ngữ, tôn giáo, ẩm thực, tục lệ, âm nhạc và nghệ thuật. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau, có thể mỗi thời đại và mỗi dân tộc có cách hiểu khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là những gì liên quan cuộc sống của con người.

Văn hóa không phải là những gì chúng ta ĐÃ HỌC được, mà là những gì CÒN LẠI sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học. Chính “cái còn lại” đó cho ta các tư tưởng, đạo nghĩa, thị hiếu và quan niệm, làm gia tăng và nâng cao ý thức của chúng ta về cuộc sống. Nền văn hóa của một quốc gia cao hay thấp không phải tùy thuộc các văn sĩ mà là ở nơi độc giả. Thật kỳ lạ!

Một thái độ văn hóa phản ánh một trình độ tri thức. Người ta nhận thấy rằng con người chỉ cần hai năm để học nói, nhưng cần tới sáu mươi năm để học được cách giữ gìn lời ăn tiếng nói. Đó là duy trì văn hóa. Không đơn giản!

Về lời nói, văn sĩ Leo Tolstoy (Lev Nikolayevich Tolstoy, 1828-1910, người Nga) đề nghị: “Hãy ngừng nói ngay khi nhận thấy bản thân mình hoặc người nói chuyện với mình đang nổi nóng, lời không nói ra là lời vàng lời bạc.” Thật thâm thúy mà cũng cao thượng biết bao!

Văn hóa là một khái niệm rộng lớn, có rất nhiều cách hiểu khác nhau, hầu như liên quan mọi phương diện của đời sống của con người – cả về vật chất lẫn tinh thần.

Theo ngôn ngữ Tây phương, từ ngữ tương đương với danh từ “văn hóa” có nguồn gốc từ các dạng của động từ Colere trong La ngữ là Colo, Colui và Cultus, với hai ý nghĩa khác nhau: [1] giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong việc trồng trọt; [2] cầu cúng.

Hằng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học và nghệ thuật – như thi ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh,... Ngày nay, chúng ta thấy xuất hiện các “trung tâm văn hóa” ở khắp nơi, đó là theo cách hiểu vừa nêu. Có cách hiểu thông thường khác: Văn hóa là cách sống bao gồm “phong cách” về ẩm thực, trang phục, cư xử – kể cả đức tin, tri thức,... Vì thế, chúng ta thường nói người nào đó là người có văn hóa cao hoặc thấp, có văn hóa hoặc vô văn hóa.

Về Nhân Chủng học và Xã Hội học, khái niệm văn hóa được đề cập theo nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn dĩ là một bộ phận trong đời sống con người, văn hóa không chỉ là những gì liên quan tinh thần mà cả vật chất nữa.

Văn hóa liên kết với sự tiến hóa sinh học của loài người, đó là sản phẩm của “Homo Sapiens” (người thông minh, người thông thái, trí nhân), thuộc họ Hominini. Trong quá trình phát triển, tác động sinh học (tức là bản năng) giảm bớt dần khi loài người đạt được trí thông minh để định dạng môi trường tự nhiên cho chính mình. Lúc đó, bản tính con người không không còn là bản năng mà là văn hóa.

Khả năng sáng tạo của con người trong việc định hình thế giới hơn hẳn các động vật khác, và chỉ có con người dựa vào văn hóa hơn là lệ thuộc bản năng để đảm bảo cho sự sống còn. Con người có khả năng hình thành văn hóa, và với tư cách là thành viên của xã hội, con người tiếp thu văn hóa, bảo tồn và truyền đạt văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nền văn hóa chung giúp xác định nhóm người hoặc xã hội do các thành viên là các cá nhân tạo thành.

Văn hóa bao gồm các sản phẩm của con người. Do đó, văn hóa bao gồm cả hai phương diện: dạng phi vật chất của xã hội – như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị,… và phương diện vật chất – như nhà cửa, trang phục, xe cộ,... Cả hai phương diện này đều cần thiết để tạo ra sản phẩm, và đó là một phần của văn hóa.

Văn hóa có nhiều cách định nghĩa khác nhau, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và cách đánh giá khác nhau. Năm 1952, hai nhà nhân chủng học của Hoa Kỳ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới.

Văn hóa được đề cập trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như Dân Tộc học, Nhân Chủng học, Dân Gian học, Văn Hóa học, Xã Hội học,... Trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó, các định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Có nhiều cách định nghĩa về văn hóa và nhiều các cách tiếp cận khác nhau đến nỗi ngay cả cách phân loại các định nghĩa về văn hóa cũng có nhiều cách. Một trong những cách phân loại các định nghĩa về văn hóa là dạng chủ yếu này:

 Thuật ngữ khoa học: Văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latin là “Cultus,” nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa của cụm từ Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất,” và cụm từ Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” – tức là “sự giáo dưỡng tâm hồn con người.” Triết gia Thomas Hobbes (Anh quốc, 1588-1679) cho biết: “Việc canh tác đất đai gọi là sự gieo trồng cây cối, và việc giáo dục trẻ em gọi là sự gieo trồng tinh thần.”

 Cách định nghĩa văn hóa theo lối miêu tả là theo những gì nó bao hàm. Nhà nhân chủng học Edward Burnett Tylor (1832-1917, Anh) định nghĩa: “Hiểu theo nghĩa rộng trong văn học, văn hóa hoặc văn minh là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ khả năng hoặc tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội.”

 Định nghĩa văn hóa theo lịch sử thì nhấn mạnh các quá trình kế thừa xã hội, truyền thống, dựa trên quan điểm về tính ổn định của văn hóa. Nhà nhân chủng học và ngôn ngữ học Edward Sapir (1884-1939, Mỹ) định nghĩa: “Văn hóa chính là bản thân con người, dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu theo hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.”

 Định nghĩa văn hóa theo chuẩn mực thì nhấn mạnh đến các quan niệm về giá trị. Nhà xã hội học William Isaac Thomas (1863-1947, người Mỹ) coi văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng, cư xử,...).

 Định nghĩa văn hóa theo tâm lý học thì nhấn mạnh vào quá trình thích nghi với môi trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người. Viện sĩ William Graham Sumner (1840-1910, Mỹ), giáo sư Đại học Yale và Albert Galloway Keller, định nghĩa: “Tổng thể cách thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ, đó chính là văn hóa hoặc văn minh. Cách thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp các thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng sự kế thừa.”

 Định nghĩa văn hóa theo cấu trúc thì chú trọng khía cạnh tổ chức cấu trúc của văn hóa. Nhà nhân chủng học Ralph Linton (1893-1953, Mỹ) định nghĩa: “Suy cho cùng, văn hóa là các phản ứng lặp lại một cách có tổ chức của các thành viên xã hội; văn hóa cũng là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa.”

Định nghĩa theo nguyên nhân thì xét văn hóa từ nguồn gốc của nó. Nhà xã hội học Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889-1968, người Mỹ gốc Nga, sáng lập khoa Xã hội học của Đại học Harvard) định ngĩa: “Với nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những gì được tạo ra hoặc được cải biến bởi hoạt động có ý thức hoặc vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến cách ứng xử của nhau.”

 Năm 2001, UNESCO đưa ra một định nghĩa khác về văn hóa: “Văn hóa nên được đề cập như là một tập hợp của những nét đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội mà nó bao gồm, ngoài văn học và nghệ thuật, kể cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.”

Tóm lại, văn hóa là sản phẩm của loài người, được tạo ra và phát triển trong mối tương quan giữa con người và xã hội. Tuy nhiên, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, góp phần duy trì sự bền vững và trật tự xã hội.

Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác – thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hoạt động và tương tác tính xã hội của con người. Văn hóa cũng là trình độ phát triển của con người và của xã hội, được biểu hiện trong các dạng tổ chức đời sống và hành động của con người, kể cả giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra.

Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ sự học thức và phong cách sống. Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm mọi thứ – từ các sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống,...

Theo “Đại Từ Điển Tiếng Việt” của Trung Tâm Ngôn ngữ và Văn Hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa – Thông tin, năm 1998), văn hóa được định nghĩa thế này: “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.”

Trong “Từ Điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Đà Nẵng và Trung Tâm Từ Điển Học, năm 2004, có một loạt quan niệm về văn hóa:

– Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

– Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội.

– Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát).

– Văn hóa là tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát).

– Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.

– Văn hóa còn là cụm từ để chỉ một nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật có những đặc điểm giống nhau – ví dụ Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn.

Trong cuốn “Xã Hội Học Văn Hóa” của Đoàn Văn Chúc, Viện Văn Hóa và NXB Văn hóa – Thông tin, năm 1997, nhận xét: “Văn hóa, vô sở bất tại – Văn hóa, không nơi nào không có! Điều này cho thấy tất cả những sáng tạo của con người trên nền của thế giới tự nhiên là văn hóa; nơi nào có con người nơi đó có văn hóa.”

Trong cuốn “Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam,” PGS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.”

Còn theo UNESCO, văn hóa được định nghĩa ngắn gọn và súc tích: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia.” Rõ ràng và dễ hiểu. Thật chí lý “cái khác” để phân biết đó mới thực sự quan trọng. Như vậy, văn hóa trực tiếp liên quan thế giới tự nhiên.

Xã hội nào cũng có nét văn hóa riêng thì Công giáo cũng có văn hóa riêng. Công giáo là một tôn giáo do Chúa Giêsu thiết lập, Ngài cũng đã từng làm người sống trong xã hội trần gian, tất nhiên Ngài cũng tôn trọng văn hóa.

THÁNH THỂ

Người Do Thái chính thống có “luật ăn uống” gọi là Kosher. Có lẽ không nơi nào trên thế giới, ngay cả ở tại Giêrusalem, có số người Do Thái Giáo Chính Thống (Orthodox Jews, những người theo Do Thái Giáo Chính Thống – Orthodox Judaism) nhiều như ở Brooklin, New York. Tổng cộng có khoảng 10–15% số người dân Do Thái trên toàn thế giới theo đạo này.

Về ngữ nghĩa, Orthodox ghép bởi hai từ Ortho và Dox – Ortho nghĩa là “đúng", Dox nghĩa là “giảng dạy.” Orthodox có hai nghĩa: [1] làm đúng theo lời dạy (của đấng tối cao); [2] sùng đạo. Kitô giáo cũng có loại sùng đạo gọi là Orthodox Christianity (Kitô giáo chính thống, gọi tắt là Chính Thống giáo – Liên xô và Hy lạp chiếm 98% dân số theo Chính Thống giáo, Bungari chiếm 84%, và Rumani chiếm 70%).

Có lẽ trên thế giới không có dân tộc nào có kiểu ăn “kiêng khem” phức tạp và rườm rà như người Do Thái chính thống. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Kosher thường đắt hơn từ 20-30% so với nhà hàng thông thường, vậy mà lúc nào cũng đông khách ăn.

Thực phẩm Kosher là đồ ăn được chế biến và ăn theo kiểu Do Thái. Đối với người Do Thái Chính Thống, việc sử dụng Kosher là điều gần như bắt buộc, còn đối với người thế tục thì tùy lựa chọn. Các căng-tin phục vụ tại các cơ quan chính phủ Israel – như Bộ Ngoại Giao hay Bộ Quốc Phòng, các nhà hàng phải phục vụ đồ ăn Kosher. Loại thực phẩm này càng ngày càng trở nên phổ biến tại Israel và khắp thế giới, không chỉ riêng người Do Thái Chính Thống mới dùng. Hiện nay, có khoảng 100.000 loại thực phẩm Kosher được bán trên khắp thế giới.

Thực phẩm Kosher là những thứ gì và cách ăn thế nào? Truyền thống (gọi là halakha) đã quy định rõ ràng, chi tiết và khá phức tạp, nhưng chung quy lại có một số điểm chính:

1. Các Thực Phẩm Kosher

Một số con vật được phép ăn là những con vật có móng chẻ, ăn cỏ và nhai lại (bò, dê, cừu,...). Các con vật không ăn được là heo, ngựa và lạc đà. Heo tuy có móng chẻ nhưng không nhai lại; còn ngựa và lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ. Được ăn các loài có cánh (gà, vịt, ngỗng, bồ câu,…), nhưng không được ăn các loài chim ăn thịt (diều hâu, chim ưng, đại bàng,...). Được ăn các loài cá có vây và có vẩy (các hồi, cá ngừ, cá trích,…), nhưng không được ăn các loại cá không có vẩy (lươn, các trê, cá tầm, tôm, tép, nghêu, sò, ốc, hến, các loài bò sát, côn trùng,...). Các thức ăn trung tính là trái cây, nước trái cây, ngũ cốc, trứng gà, trứng vịt, mật ong, rượu vang, chè, cà phê,...

2. Cách Ăn Đồ Kosher

Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa của các con vật như bò, dê, cừu. Chỉ được dùng sữa và các vật phẩm chế từ sữa trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau khi đã ăn thịt hoặc 30 phút trước khi ăn thịt, không được ăn và uống cùng lúc. Đồ chế biến từ sữa và thịt, kể cả chậu rửa bát, đều phải dùng riêng biệt. Được ăn lúa mì, gạo, và một số loại rau hoặc củ đã ấn định. Dưới 3 tuổi không được uống nước trái cây, không được ăn đồ chế biến từ các loại loại quả như cam, quýt, bưởi,…

Không được ăn nội tạng động vật hoặc gia cầm, không được ăn phần phía sau của con thú, không được ăn thịt và cá cùng lúc. Khi ăn thịt, phải lấy sạch máu. Người chế biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất mà không đau đớn, nhưng lại lấy được hết tiết. Thậm chí còn phải rửa sạch và ngâm miếng thịt trong nước 30 phút trước khi chế biến để máu ra hết.

Hành động giết mổ theo “phương pháp” Kosher gọi là shehika hoặc shechita, còn người giết mổ gọi là shaket. Shaket được đào tạo bài bản về cách thức giết mổ. Tất cả shaket đều phải đội mũ khi giết mổ để biểu thị lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ thức ăn, đồng thời cũng là để chuộc lỗi vì đã hủy hoại tạo vật của Người. Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp Do Thái Chính Thống trực tiếp nấu nướng, sẽ bị phạt rất nặng và bị rút giấy phép kinh doanh nếu vi phạm luật ăn uống.

Chỉ lướt để biết sơ qua “luật ăn uống” của người Do Thái mà cũng thấy… ngán ngẩm. Thảo nào thời Cựu Ước, người ta phải chu đáo giữ tỉ mỉ hơn 600 điều luật. Nhóm Pharisêu và Sa-đốc lo giữ luật mà hóa giả hình. Ôi chao, cách ăn uống của người Do Thái quá phức tạp, nhưng đó là văn hóa ẩm thực của họ, hoàn toàn khác với chúng ta.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng người Do Thái ăn bánh và uống rượu khi tổ chức dạ tiệc mừng lễ Vượt Qua, họ nằm và dùng tay, không dùng đũa hoặc muỗng và nĩa như chúng ta. Chúa Giêsu đã dùng chính bánh và rượu bình thường của người Do Thái để thánh hóa thành Mình và Máu Ngài.

Mầu Nhiệm Thánh Thể là nét đặc trưng độc đáo của Công giáo. Có thể nói rằng Thánh Thể là nét văn hóa riêng của Công giáo, vì Thánh Thể là một cách để phân biệt với các giáo phái khác thuộc Kitô giáo, chắc chắn Công giáo không thể lẫn với bất cứ giáo phái nào khác.

Phép lạ Thánh Thể hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới, dù mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy. Vì thế, Giáo hội dạy: “Đây là mầu nhiệm đức tin, và nếu giác quan không cảm thấy gì, hãy lấy đức tin bù lại.”

Có lẽ nhiều người đã biết và còn nhớ Phép lạ Thánh Thể đầu tiên thực sự đã xảy ra tại Nhà thờ Thánh Domitian ở TP Lanciano (Ý), năm 700 (sau công nguyên). Phép lạ này đã được Giáo hội công nhận bằng sắc lệnh của giáo hoàng. Thiên Chúa đã cho phép lạ này xảy ra vì Lm Thomases (Dòng Basilian) đã NGHI NGỜ sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh.

Chúng ta biết rằng Thánh Thể là một sự thật thực sự và rất quan trọng đối với đời sống đức tin của chúng ta, các Kitô hữu Công giáo. Đây là điều khiến chúng ta khác với anh em Tin Lành. Chúng ta tin thật Mình Máu Đức Kitô hiện hữu trong Bí tích Thánh Thể, qua hình Bánh và Rượu, vẫn tái diễn hằng ngày tại các bàn thờ trên khắp thế giới khi linh mục đọc lời truyền phép theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22:19)

Từ cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Đức Kitô Giêsu đến với chúng ta để đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Ba Ngôi – Tam Vị Nhất Thể. Đây là mục đích của Mầu Nhiệm Nhập Thể và cũng mục đích của Thánh Thể, Mầu Nhiệm Thánh Thể nối dài Mầu Nhiệm Nhập Thể. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và chúng ta, chính Ngài dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6)

Bằng cách đến với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục đặt chúng ta vào mối quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ngài đến trong tình trạng nguyên vẹn của Ngài là Thiên-Chúa-Nhập-Thể-Làm-Người, cả thần tính và nhân tính, là Thiên Chúa Ngôi Lời, luôn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu có thể lặp lại từ Bánh Thánh mà Ngài đã nói khi Ngài còn tại thế: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” (Ga 8:29) Và còn hơn thế nữa, Ngài đã nói rõ ràng: “Tôi ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Tôi.” (Ga 14:11) Đó là tình trạng hiệp nhất “nên một” trọn vẹn.

Vì vậy, khi Ngài đến với chúng ta qua việc chúng ta đón nhận Thánh Thể – thường gọi là rước lễ, Ngài không đến một mình, mà còn có cả Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Thánh Thần, bởi vì Ba Ngôi riêng biệt nhưng không thể tách rời. Sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong linh hồn chúng ta không giới hạn theo thời gian khi Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, mà cả Ba Ngôi cùng ở trong linh hồn chúng ta mãi mãi theo tình trạng ân sủng.

Với cách thức đặc biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, là Con Người hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó cũng có Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện một cách viên mãn đặc biệt – kể cả trong linh hồn chúng ta mỗi khi chúng ta rước lễ.

Hãy ý thức khi rước lễ, vì đó là lúc chúng ta đón tiếp Vị Chúa của các chúa, Chúa của mọi loài. Hãy tâm sự với Chúa Giêsu, vì Ngài thích nghe chúng ta tâm sự với Ngài. Không cần nhiều lời, thậm chí là không cần nói gì, cứ im lặng để chiêm ngưỡng Ngài và lắng nghe Ngài nói. Đó là cách chúng ta thể hiện là người có văn hóa đối với Chúa Giêsu đấy!

Xin được “mở ngoặc” nhỏ: Hằng ngày, ngay khi vừa rước lễ xong, nhiều người không ngồi hoặc quỳ tĩnh lặng để kết hợp và tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện sống động trong lòng, mà họ lại đi thẳng tới các “tượng đài” để cầu nguyện. Điều này thường thấy ở các nhà thờ lớn như Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sỹ (Chợ Đũi),… Phải chăng họ không cần biết Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện trong mình hay vì yếu tín lý? Thiết nghĩ đây là một hoạt động đức tin cần được chấn chỉnh ngay. Vì Chúa Giêsu là người chịu cô đơn, bị chúng ta bỏ rơi ngay khi vừa tiếp rước Ngài.

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo ĐMHCG số 359, tháng 7-2016, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

 Văn Hóa Thờ Ơ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/05/van-hoa-tho-o.html
 Văn Hóa Giả Dối – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/08/van-hoa-gia-doi.html

 Văn Hóa Sự Chết & Hậu Quả
     https://tramthienthu.blogspot.com/2023/04/van-hoa-su-chet-va-hau-qua.html
Thần Học Về Tân Văn Hóa Truyền Thông
     https://tramthienthu.blogspot.com/2018/06/than-hoc-ve-tan-van-hoa-truyen-thong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment