Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

THÁNH THỂ THỎA MÃN MỌI NHU CẦU

Bài viết này được phỏng theo một chương trong cuốn “How to Get More out of Holy Communion” của Thánh Phêrô Julianô Eymard.

“Chúa đã lấy lương thực thiên thần mà dưỡng nuôi dân Chúa, dọn sẵn cho họ bánh bởi trời, bánh họ không nhọc nhằn tìm kiếm, bánh có muôn hương vị, thoả mãn mọi sở thích.” (Kn 16:20)

Manna mà Thiên Chúa gởi xuống trại dân Israel mỗi buổi sáng có đủ loại hương vị và công dụng, nó không chỉ phục hồi những năng lượng thất bại và mang lại sức sống cho cơ thể, mà còn là tấm bánh ngọt ngào. Thánh Thể được mô tả trước cũng có mọi công dụng. Đó là liệu pháp cho các bệnh tật về tinh thần của chúng ta, là sức mạnh cho những nhược điểm hằng ngày của chúng ta, là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc.

Theo Công Đồng Trentô, Thánh Thể là thuốc giải độc thần thánh giúp giải thoát chúng ta khỏi những lỗi lầm và giữ gìn chúng ta khỏi tội trọng. Đó là ngọn lửa tiêu diệt phần còn lại của sự bất toàn tâm linh của chúng ta.

Rước lễ là “cuộc chiến” mà Thiên Chúa khơi dậy trong chúng ta chống lại nhục dục của chúng ta và chống lại ma quỷ, kẻ liên tục thúc giục các thú vui xấu xa và ham muốn ngang ngược của chúng ta, khiến chúng ta nô lệ phần nào đó. Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói “Hãy đến với tôi, hỡi tất cả những ai đang chịu gánh nặng nô lệ của tội lỗi trong quá khứ, tôi sẽ làm mới và giải cứu các người” hay sao?

Việc sám hối thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi, nhưng mặc dù chúng ta được thanh tẩy, chúng ta vẫn còn lại những dấu vết xiềng xích và xu hướng lại sa ngã nữa. Mặc dù bị đánh đuổi, kẻ thù vẫn giữ các đặc vụ của nó trong các bức tường. Vì vậy, Chúa Giêsu đến với chúng ta để phá hủy dấu vết tội lỗi của chúng ta, để chống lại xu hướng xấu xa của chúng ta, và ngăn chặn ma quỷ tái lập quyền lực của nó đối với chúng ta.

Rước lễ không chỉ là phương dược mà còn là sức mạnh đem lại cho chúng ta sự trợ giúp đắc lực trong việc đạt được sự tốt lành, đức hạnh và sự thánh thiện.

Chắc chắn không dễ có được một nhân đức Kitô giáo. Điều đó có nghĩa là đầu tư chính mình với phẩm chất của Chúa Giêsu, đó là nền giáo dục thiêng liêng, làm cho cách của chúng ta thích nghi với cách của Chúa Giêsu. Khi chúng ta rước lễ, chính Chúa Giêsu tạo sự nên giống Ngài trong chúng ta. Ngài trở thành Sư Phụ của chúng ta. Bằng cảm hứng từ tình yêu thương của Ngài, Ngài đánh thức lòng biết ơn mà chúng ta nhận từ Ngài, Đấng làm ơn cho chúng ta, ước muốn nên giống Ngài, cảm nhận trước về niềm hạnh phúc trong việc noi gương Ngài và nhận sự sống của chúng ta từ nơi Ngài.

Tập luyện nhân đức hấp dẫn biết bao qua việc rước lễ! Dễ dàng khiêm nhường biết bao khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa vinh hiển hạ mình xuống quá sâu để đến với một tâm hồn quá đáng thương, một tâm trí quá ngu dốt, một thân thể quá khốn khổ! Tử tế dễ dàng biết bao khi chúng ta cảm động trước lòng nhân từ của Chúa Giêsu đã trao chính Ngài cho chúng ta trong sự nhân lành của Thánh Tâm Ngài!

Người hàng xóm của chúng ta đẹp biết bao khi chúng ta thấy họ cùng chung bữa tiệc thiêng liêng, được cùng ăn Bánh Hằng Sống, được Chúa Giêsu Kitô yêu thương một cách quảng đại!

Sự sám hối, tự hành xác và hy sinh trở nên ngọt ngào biết bao khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu chịu đóng đinh! Cấp bách biết bao khi chúng ta cảm thấy phải đón nhận sự sống của Ngài, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban Thánh Thể cho chúng ta!

Kitô hữu được đào tạo nơi Thánh Thể mau chóng hơn rất nhiều so với bất kỳ trường học nào khác. Thực tế là, tất cả các ân sủng tác động cùng một lúc qua việc rước lễ, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Mặt Trời Thánh bên trong chúng ta, thẩm thấu chúng ta bằng ánh sáng và ngọn lửa của Ngài, các đức tính của Đấng Cứu Độ đều được phản ánh trong con người chúng ta. Thật vậy, sự rước lễ là khuôn đúc thiêng liêng của Chúa Giêsu trong linh hồn và thân xác chúng ta.

Hãy nghe lời Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56) Vậy thì Chúa Giêsu ở trong người rước lễ, và người rước lễ ở trong Chúa Giêsu. Đó là sự kết hợp của hai cuộc sống, một sự kết hợp không thể phai mờ của tình yêu, một con người với cùng một sự sống trong hai người.

Hơn nữa, rước lễ là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc là gì nếu không phải là sự sở hữu của một điều tốt lành vô hạn, sự chiếm hữu thực sự và vĩnh viễn của Thiên Chúa? Ôi, đó là hoa trái thiêng liêng của việc rước lễ.

Rước lễ cũng là sự bình an. Chúa Giêsu là Thiên Chúa của an bình. Ngài nói với các môn đệ sau khi Ngài cho họ rước lễ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14:27) Bình an của Chúa không rắc rối hoặc bão tố như của thế giới, mà là sự bình an ngọt ngào đến mức vượt qua mọi sự hiểu biết. Chỉ với một lời, Chúa Giêsu dẹp yên cơn cám dỗ; chỉ với một cái liếc mắt, Ngài phân tán và hạ gục kẻ thù của chúng ta.

Rước lễ chính là sự ngọt ngào. Đó là manna đích thực làm thỏa mãn mọi ước muốn của chúng ta, bởi vì nó sở hữu tất cả sự ngọt ngào. Đó là hương thơm tự nhiên của đóa huệ trong trắng, khiến chúng ta mê say trong Chúa.

Tâm hồn khiêm tốn và được cảm nhận trong sâu thẳm của nó, một sự run rẩy vui sướng chắc chắn do sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô; nó cảm thấy chính nó đang mở ra bên dưới sự ấm áp của Mặt Trời tình yêu này; nó trải nghiệm sự an lành, sự tỉnh táo, sự ngọt ngào, sức mạnh của sự kết hợp, sự gắn bó với Thiên Chúa không phải đến từ chính nó. Nó nhận biết Chúa Giêsu trong bản thể của nó và tự coi mình như thiên đàng có Thiên Chúa cư ngụ, nơi nó có thể lặp lại tất cả những lời ca tụng, tạ ơn và phúc lành do các thiên thần và các thánh hát dâng lên Thiên Chúa trong vinh quang.

Ôi khoảnh khắc rước lễ hạnh phúc, điều đó khiến chúng ta quên đi sự lưu đày và đau khổ! Ôi sự nghỉ ngơi ngọt ngào của linh hồn ở chính Thánh Tâm Chúa Giêsu!

Sư Phụ tốt lành này biết rất rõ rằng chúng ta cần phải nếm trải vị ngọt của tình yêu ngay bây giờ và sau đó! Người ta không thể luôn ở trên đồi Canvê đau khổ, cũng không thể ở trong trận chiến dày đặc. Đứa trẻ cần lòng mẹ, tín nhân cần Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đúng vậy, nhân đức mà không có rước lễ thì giống như sức mạnh của sư tử; đó là kết quả của việc chiến đấu, của mãnh lực, điều đó khó lắm. Nếu muốn có được sự dịu dàng của con chiên, chúng ta phải uống Máu của Con Chiên không tì vết, chúng ta phải ăn mật ong của sa mạc.

Cuối cùng, hạnh phúc sinh ra tình yêu, chúng ta chỉ yêu thích điều gì đem lại hạnh phúc. Vì vậy, đừng tìm kiếm xa hơn. Đấng Cứu Độ không đặt hạnh phúc thiêng liêng này trong các nhân đức khác cũng như trong các bí ẩn khác của Ngài, mà chỉ đặt trong chính Ngài. Để cảm nhận niềm vui của Ngài một cách trọn vẹn, chúng ta phải tiếp nhận Ngài là lương thực cho mình. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9) Và chính Chúa của chúng ta đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6:54) Sự sống vĩnh cửu đó là Thiên Đàng, đó là sự thánh hóa được chúc phúc trong Chúa Giêsu Kitô.

Do đó, các đức tính của Đấng Cứu Độ, những bí ẩn khác về cuộc đời của Ngài, và thậm chí về Cuộc Khổ Nạn của Ngài là con đường dẫn tới Thánh Thể. Chỉ ở đó, Chúa Giêsu mới làm cho chính Ngài trở thành nơi ở lâu dài trên đất. Chúng ta phải cư ngụ, sống và chết ở đó.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Tháng 08-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment