Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

CHUỖI MÂN CÔI – VŨ KHÍ THIÊNG LIÊNG

Những Đóa Mân Côi Dâng Kính Mẹ
Bao Niềm Hạnh Phúc Đọng Trong Tim
Mân Côi – Hoa Hồng. Người Công giáo không xa lạ gì với hai chữ kỳ diệu đó. Nhưng đôi khi vì quen quá nên cũng dễ bình thường hóa. Kinh Mân Côi là dạng đạo đức bình dân nhưng lại rất sang trọng. Thật vậy, Thánh GM François de Sales (1567–1622) nói: “Cách cầu nguyện tuyệt vời nhất là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.”
ÐGH Lêô XIII (1878-1903), người mệnh danh là Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi, đã phổ cập việc đạo đức này khắp thế giới qua Thông điệp “Supremi Apostolatus Officio” (Sứ vụ Tông đồ Cao cả), đề cao việc lần Chuỗi Mân Côi – đặc biệt trong Tháng Mười, và từ đó, Tháng Mười đã trở thành Tháng Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi sau đó, ĐGH Piô X (1903-1914) ấn định mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10, ngày kỷ niệm cuộc thắng trận của đội hải thuyền Công giáo đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571.
Đặc biệt hơn, ngày 13-10-1917, lần hiện ra cuối cùng tại làng Fátima – Bồ Đào Nha, chính Ðức Mẹ đã xác định với ba trẻ những việc cần làm: “Hãy lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày. Hãy cầu nguyện nhiều và dâng các hy sinh để cầu nguyện cho các tội nhân. Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Ta mới có thể cứu các con. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng.”
Và rồi 61 năm sau, ngày 16-10-1978, khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trên cương vị Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II (1978-2005) đã phó thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ và gọi Kinh Mân Côi là “lời kinh kỳ diệu.” Ngài lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày và đề cao giá trị của Kinh Mân Côi qua Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ” (16-10-2002) rằng: “Kinh Mân Côi là phương pháp cứu rỗi chắc chắn nhất.” Rồi ngài đã thêm Mầu Nhiệm Sáng – trước đó đã có các Mầu Nhiệm Vui, Thương, Mừng. Và ngài xác định: “Kinh Mân Côi là mầu nhiệm của các mầu nhiệm. Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ.”
Qua lời xác định của Đức Mẹ, rõ ràng Đức Mẹ rất muốn con cái chúng ta biệt kính Người trong Tháng Mười, tháng nhắc nhở chúng ta siêng năng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Và chúng ta cũng tin chắc rằng Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong Giáo Hội qua các vị giáo hoàng, kế vị Thánh Phêrô cai quản Giáo Hội trần thế.
Để củng cố lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng đọc lại những danh ngôn tuyệt vời nói về Kinh Mân Côi:
1. “Nếu bạn kiên trì đọc Kinh Mân Côi, đó là dấu hiệu có thể được cứu độ.” (CP Alan de la Roche, 1428–1475)
2. “Nếu bạn trung thành đọc Kinh Mân Côi cho tới chết, tôi chắc chắn rằng, dù tội lỗi đến mức nào thì bạn cũng sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang. Cho dù bạn ở trên bờ vực thẳm kết án, cho dù một chân bạn đã ở trong Hỏa Ngục, cho dù bạn đã bán linh hồn cho ma quỷ như các phù thủy làm ma thuật, và cho dù bạn là người theo tà giáo bướng bỉnh, chẳng chóng thì chày, bạn sẽ được hoán cải, sửa đổi cách sống, và cứu được linh hồn, nếu bạn chân thành lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày cho tới chết với mục đích muốn biết sự thật và muốn ăn năn sám hối tội lỗi mình.” (Thánh Louis de Montfort, 1673–1716)
3. “Cứ giao cho tôi một đạo quân lần Chuỗi Mân Côi, tôi sẽ chinh phục cả thế giới.” (CP GH Piô IX, 1792–1878)
4. “Chuỗi Mân Côi là vũ khí mạnh mẽ khiến ma quỷ sợ hãi và giữ bạn tránh khỏi tội lỗi... Nếu muốn bình an trong tâm hồn, trong gia đình, và trong đất nước, hãy cùng nhau đọc Kinh Mân Côi mỗi tối. Đừng để một ngày qua đi mà không đọc Kinh Mân Côi, dù bạn bận rộn và vất vả.” (ĐGH Piô XI, 1922–1939)
5. “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện thường được đọc tại các nhà thờ để cầu cho việc truyền giáo, được dâng lên Thiên Chúa qua Đức Mẹ.” (ĐGH Piô XI – Thông điệp “Rerum Ecclesiae,” 28-02-1926)
6. “Kinh Mân Côi là vũ khí mạnh nhất dùng để đập tan những bè rối đang phá hoại Giáo Hội, đem biết bao linh hồn lầm lạc trở về với Chúa và Đức Mẹ.” (ĐGH Piô Xl – Tông thư “Inclytam Ac Perillustrem,” 06-03-1934)
7. “Kinh Mân Côi là dạng đạo đức bình dân nhưng lại rất ích lợi, nhất là trong việc đẩy lui sự dữ và tội ác.” (ĐGH Piô XI – Thông điệp “Ingravescentibus Malis,” 29-09-1937)
8. “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Kinh Mân Côi là phương thế hữu hiệu nhất để xin ơn nuôi dưỡng tâm hồn.” (Thánh GH Phaolô Vl  – Tông thư “Christi Matri,” 15-09-1966)
9. “Chuỗi Mân Côi là vũ khí của thời đại chúng ta.” (Thánh LM Padre Piô, 1887–1968)
10. “Như hơi thở cần cho cuộc sống thể xác thế nào thì Kinh Mân Côi cũng cần cho cuộc sống linh hồn như vậy.” (Thánh GH Phaolô VI – Tông huấn “Recurrens Mensis October,” 07-10-1969)
Và còn hơn thế nữa, chính Đức Mẹ Fátima đã đặt vấn đề: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”
Ngày xưa, hầu như nhà nào cũng đọc kinh chung trong gia đình mỗi buổi tối, mà không đọc kinh ít như ngày nay, đúng nghĩa gọi là “giờ kinh” (chứ không phải “phút kinh”). Thiết tưởng, “đọc kinh chung” là một thói quen tốt lành, vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ.” (Mt 18:20) Đặc biệt là ngày nào cũng đọc kinh “Dâng Gia đình cho Trái Tim Mẹ” với lời nguyện cuối thật thấm thía: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn, sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ, chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên đàng. Amen.”
Lời nguyện nhẹ nhàng mà tha thiết, giản dị mà thâm thúy, cầu nguyện cho cả phần hồn lẫn phần xác, và đó cũng là những lời thề hứa với Đức Mẹ. Thực sự đó là lời tâm sự của người con nói với Người Mẹ của chính mình – Thánh Mẫu Maria. Nỉ non như vậy thì làm sao Mẹ có thể làm ngơ được? Tiếc rằng ngày nay rất ít người còn đọc kinh này hoặc giữ thói quen “đọc kinh chung” trong gia đình.
Ngày xưa, Đức Mẹ cũng thường xuyên cầu nguyện chung với các tông đồ. Trình thuật Cv 1:12-14 cho biết: “Các Tông đồ từ núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê – con ông Anphê, Simôn – thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa – con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria – thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.”

Dĩ nhiên thời đó chưa có Kinh Mân Côi, vì thế không có gì liên quan. Nhưng sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy sự “đồng tâm nhất trí” và sự “cầu nguyện chuyên cần” của các tông đồ cùng với một số phụ nữ nhiệt thành lo việc đạo đức, trong đó có Đức Mẹ và thân nhân của Chúa Giêsu. Thời gian đó, Chúa Giêsu mới chịu chết và phục sinh, ai cũng sợ người ta bách hại – nhất là những người có liên hệ với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sự cùng nhau cầu nguyện đã giúp mọi người an tâm và tin tưởng vào Thiên Chúa.
Khi đọc Kinh Mân Côi chung với nhau – chí ít cũng là hai người, phải có sự đồng tâm cầu nguyện. Đọc Kinh Mân Côi không chỉ là suy niệm các mầu nhiệm, tôn vinh Thiên Chúa và chúc tụng Đức Mẹ, mà còn liên quan “thực tế” về sự liên hệ với nhau. Khi đó, người này phải biết LẮNG NGHE và CHỜ ĐỢI người kia. Hai động thái đơn giản nhưng cần thiết, điều đó nhắc nhở chúng ta cũng phải biết lắng nghe và chờ đợi nhau trong cuộc sống thường nhật. Đó chính là động thái của tình yêu thương. Không yêu thương thì không thể đồng tâm nhất trí. Quả thật, Kinh Mân Côi kéo chúng ta đến gần với nhau hơn – cả tinh thần lẫn thể lý.
Thánh Phaolô nói: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4:4-5) Người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, một Nữ Tỳ Vĩ Đại. Và nhờ đó, chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa và của Đức Mẹ.
Đúng như vậy, chính Thánh Phaolô giải thích: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’ Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4:6-7) Thật tuyệt vời, chúng ta chẳng biết diễn tả niềm hạnh phúc đó ra sao, vì hạnh phúc vượt ngoài các bộ óc thông minh nhất thế gian này.
Nhưng thế nào là thông minh thật? Thánh Anthony Cả cho biết: “Có những người được gọi là thông minh chỉ vì từ ngữ ấy bị lạm dụng. Người thông minh không phải là người nghiên cứu ngôn từ và tác phẩm của các bậc thông thái thời xưa, nhưng là người có tâm hồn sáng suốt, biết đoán định điều tốt điều xấu; với lòng tri ân Thiên Chúa, họ tránh lánh những điều xấu nguy hại cho linh hồn, đồng thời ân cần lưu tâm và thực hiện điều tốt sinh ích cho trần thế.”
Trình thuật Lc 1:26-38 nói về Đại Hỷ Tín của nhân loại: Cuộc Truyền Tin. Một chuỗi cảm xúc Đức Mẹ liên tục xảy ra: ngạc nhiên, thắc mắc, nhận biết, ý thức, chấp nhận: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Và rồi hoàn toàn an tâm. Lời “xin vâng” khiêm nhường và mau mắn của Đức Mẹ vô cùng quý báu, và rồi “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta.” (Kinh Truyền Tin) Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng nhân loại, mọi ngày cho đến tận thế. Trên cả tuyệt vời!
Đến hẹn lại lên, mùa đi và mùa tới, tháng cũ qua và tháng mới lại về: Tháng Mười – đặc biệt là Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Và chắc hẳn đây là dịp thuận tiện để chúng ta tự xét mình với ba mệnh lệnh Fátima: [1] Sám hối, cải thiện đời sống; [2] Tôn sùng Trái Tim Mẹ; [3] Năng lần Chuỗi Mân Côi. Hơn trăm năm năm qua (từ khi Đức Mẹ hiện ra tại Fátima năm 1917), nhân loại đã và đang thay đổi? Hằng ngày chúng ta có thực sự cố gắng hoán cải?
Giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã nhắc nhở: “Hãy sống thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng Thánh.” (1 Pr 1:16) Trước đó, khi còn tại thế, chính Chúa Giêsu đã giáo huấn: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Tất nhiên có nhiều con đường dẫn đến với Chúa Giêsu, nhưng Con Đường ngắn nhất và chắc chắn nhất chính là Đức Maria. Câu châm ngôn truyền thống của Giáo Hội: Ad Jesum Per Mariam – Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Legio Mariæ cũng sử dụng câu này làm khẩu hiệu.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược Kinh Thánh. Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là bí quyết giúp nhớ Kinh Thánh. Biết Kinh Thánh cũng là biết Đức Kitô Giêsu. Mỗi Kinh Kính Mừng là một đóa Hoa Hồng, mỗi Chuỗi Mân Côi là một Triều Thiên Hoa Hồng dâng lên Đức Mẹ. Tuyệt vời biết bao!
Thánh LM Louis de Montfort đã xác nhận hiệu quả của Kinh Mân Côi: “Không có ai lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày mà bị lạc đường. Đây là lời xác nhận mà tôi vui mừng ký nhận bằng máu của tôi.” Thiên Chúa là ĐẤNG TRUNG TÍN (2 Tx 3:3; Dt 10:23) và giàu LÒNG THƯƠNG XÓT, (Ep 2:4) chắc chắn Ngài sẽ đại lượng với những ai thành tâm tôn kính Thân Mẫu của Ngài. Kinh Mân Côi là vũ khí thiêng liêng mà ma quỷ rất sợ hãi.
Lạy Thiên Chúa đại lượng và nhân hậu, chúng con cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con Đức Thánh Mẫu Maria, và chính Con Yêu Dấu của Ngài cũng đã trao Đức Mẹ cho chúng con qua Thánh Gioan: “Đây là Mẹ của con.” (Ga 19:27) Xin thúc giục chúng con yêu mến Mẹ càng ngày càng nhiều hơn.
Lạy Thánh Mẫu Mân Côi, xin giúp chúng con mau mắn thi hành mệnh lệnh Mẹ truyền qua Ba Trẻ Nhỏ ở Fátima. Xin Mẹ đồng hành và nâng đỡ chúng con suốt cuộc lữ hành trần gian này, và xin Mẹ dẫn chúng con tới gặp Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ, và là Thẩm Phán Tối Cao trong ngày chung thẩm. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ giàu Lòng Thương Xót duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

 Mùa Vui – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/kinh-kinh-mung-nam-su-vui.html
 Mùa Sáng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/suy-niem-nam-su-sang.html
 Mùa Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/kinh-kinh-mung-nam-su-thuong.html
 Mùa Mừng – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/suy-niem-nam-su-mung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment