Giá trị là một khái niệm trừu tượng, xét về ý nghĩa
của sự vật trên phương diện phù hợp với nhu cầu của con người. Giá trị có thể
thuộc lĩnh vực trừu tượng hoặc cụ thể, tinh thần hoặc vật chất. Nói chung, cái
này có thể có giá trị cao đối với người này nhưng có thể có giá trị thấp hoặc
không có giá trị đối với người khác. Lĩnh vực tâm linh cũng có những giá trị,
không chỉ cần thiết mà còn cấp bách.
Thánh Phaolô cảnh báo: “Anh em đã chết cùng Đức
Kitô và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ, tại sao lại rập theo những
quy luật, như thể anh em còn sống lệ thuộc vào thế gian? Chẳng hạn: ‘Đừng ăn
cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ,’ toàn những cấm đoán về những
cái dùng đến là hư. Đó chỉ là những giới luật và giáo huấn của người phàm.
Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là ‘sùng đạo tự ý,’ nào là ‘khiêm nhường,’ nào là ‘khổ hạnh,’ nhưng KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ đối với tính xác thịt lăng loàn.”
(Cl 2:20-23)
Giá trị sống ở đời này nhưng lại khả dĩ ảnh hưởng sự
sống đời sau: “Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật
thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa;
chính lửa này sẽ thử nghiệm GIÁ TRỊ CÔNG VIỆC của mỗi người. Công việc xây dựng
của ai tồn tại trên nền thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai
bị thiêu huỷ thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được
cứu, nhưng như thể băng qua lửa.” (1 Cr 3:13-15)
TÂM LINH KITÔ GIÁO
Giá trị tâm linh cũng là giá trị nhân bản và là nền
tảng của của cuộc sống. Trong xã hội, tâm linh Kitô giáo thường được xác định
là niềm tin, các giá trị, và cách sống phản ánh các giáo huấn của Kinh Thánh.
Chủ đề Kinh Thánh được nghiên cứu nhiều, từ dạng cơ bản tới dạng cao cấp. Nhưng
Kinh Thánh dạy điều gì về vấn đề này?
Trước tiên, tâm linh Kitô giáo được xác định là việc
thực hành đức tin Kitô giáo, bao gồm kiến thức và việc làm. Thánh Giacôbê
nói: “Ai thiết tha và trung thành tuân
giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe
qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.” (Gc 1:25) Trong Tân Ước, quy luật đức tin hiệp nhất
và hành động xác thực là những điều thiết yếu đối với tâm linh Kitô giáo.
Thứ hai, tâm linh Kitô giáo dựa vào sức mạnh của Chúa
Thánh Thần để sống theo ý Chúa. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới sự thật toàn
vẹn, trao ban niềm vui, và kết án khi chúng ta phạm tội. Chẳng hạn, Thánh Gioan
nói: “Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay
chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một
chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi
trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu
chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì
chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy
chúng ta sạch hết mọi tội lỗi. Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng
ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1:5-8) Tâm
linh đích thực lệ thuộc vào Thiên Chúa quyền năng trao ban qua Chúa Thánh Thần
hơn là lệ thuộc vào sức mạnh của con người.
Thứ ba, tâm linh Kitô giáo cần thiết cho cuộc sống.
Nên phân biệt điều gì là tinh thần, thể lý, tài chính, xã hội, và các thành
phần khác của cuộc sống trong các lĩnh vực riêng biệt, tâm linh Kitô giáo liên
quan cách sống kết hiệp với Thiên Chúa. Chẳng hạn, việc sử dụng tài chính phản
ánh thái độ của tâm hồn: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:21) Cách cư xử của chúng ta phản ánh đời sống tâm linh
theo cách thức quan trọng: “Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”
(1
Cr 6:20)
Cuối cùng, việc theo đuổi tâm linh Kitô giáo sẽ đạt
được những điều mà Thánh Phaolô gọi là hoa quả của Thần Khí: “Hoa quả của
Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,
hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.” (Gl 5:22-23) Khi tín nhân sống bằng sức mạnh của Thần Khí Thiên
Chúa, cuộc sống của họ sản sinh các phẩm
chất làm vinh danh Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dạy: “Ánh sáng của
anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp
anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5:16) Nhìn theo viễn cảnh này, tâm linh Kitô giáo là để
tôn vinh Thiên Chúa, để trưởng thành cá nhân, và để phục vụ như phúc lành cho
tha nhân, qua các việc lành mà làm cho người khác nhận biết Thiên Chúa.
GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO – YÊU MẾN THIÊN CHÚA
Các giá trị Kitô giáo dựa vào Thiên Chúa và công việc
của Đức Giêsu Kitô. Giá trị Kitô giáo quan trọng nhất đối với Kitô hữu là yêu
mến Thiên Chúa hơn mọi thứ và mọi người. Giá trị Kitô giáo dựa trên các vấn đề
tâm linh chứ không dựa trên các vấn đề vật chất. Về bản chất, mặc dù giá trị
Kitô giáo là tâm linh, giá trị này vẫn cần được thể hiện qua các động thái. Giá
trị Kitô giáo cốt lõi bao gồm sự hy vọng, sự công chính, lòng yêu thương, và ưu
tiên Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta (khiêm nhường, hiền hậu, nhân từ, đạo
đức,...).
Giá trị cốt lõi của Kitô giáo là ưu tiên Thiên Chúa
trong cuộc sống, nghĩa là chúng ta không ngừng tìm kiếm sự công chính và hoàn
toàn cậy nhờ Ngài. Là con người, chúng ta có tự do chọn lựa và quyết định điều
gì đúng và điều gì sai, nhưng nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta nhìn
vào Ngài để biết điều đúng và điều sai. Đa số chúng ta có phương kế và phương
tiện để chăm sóc chính mình, nhưng nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta
dựa vào Ngài để Ngài chăm lo các nhu cầu của chúng ta. Chúng ta yêu mến Thiên
Chúa khi chúng ta chân nhận rằng Ngài biết rõ chúng ta cần gì trong cuộc sống. Chúa
Giêsu căn dặn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của
Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)
GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO – NIỀM HY VỌNG
Hy vọng là đức cậy, là một giá trị cốt lõi của Kitô
giáo. Niềm hy vọng của Kitô hữu dựa vào lời hứa mà Đức Kitô hứa rằng Ngài cứu
độ nhân loại và ban sự sống đời đời. Giá trị Kitô giáo của đức cậy làm cho Kitô
hữu kiên nhẫn và bền chí với lời hứa của Đức Kitô về sự sống đời đời mà bây giờ
chúng ta không thấy. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng
vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì không còn phải là
trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?” (Rm 8:24)
GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO – SỰ CÔNG CHÍNH
Sự công chính là một giá trị cốt lõi của Kitô giáo. Khi
chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, Kitô hữu đứng vững
với Thiên Chúa, và trở nên “con người mới”. Tín nhân bây giờ là người dành
riêng cho Thiên Chúa là Đấng Thánh và Đấng Công Chính. Sự công chính càng trở
nên quý giá hơn khi Kitô hữu phát triển lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa. Tín
nhân tìm cách thi hành ý Chúa và làm điều đúng đắn trong cách nhìn của Thiên
Chúa bởi vì họ muốn củng cố mối quan hệ với Ngài. Thánh Phaolô nói: “Anh
em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị
những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải
mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4:22-24)
GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO – LÒNG YÊU THƯƠNG
Yêu thương là đức ái, là một giá trị cốt lõi của Kitô
giáo, gọi là “tình yêu agape” – loại tình yêu cao nhất, vô điều kiện, tình
người. Người Hy Lạp cổ đại xác định 4 hình thức của tình yêu: Tình
yêu con người (agape), tình yêu thân thuộc (storge), tình yêu bạn bè (philia),
tình yêu đôi lứa (eros). Kitô hữu nhận biết các dạng tình yêu này qua Thiên
Chúa – đặc biệt là “tình yêu agape.” Bởi vì Thiên Chúa chí
thiện và tràn đầy ân sủng, Ngài ban sự sống đời đời cho nhân loại qua Đức
Giêsu Kitô. Tình yêu đích thực này xuất phát từ Thiên Chúa. Các Kitô hữu đánh
giá cao tình yêu của Thiên Chúa và ước muốn trao tặng tình yêu vô điều kiện này
cho tha nhân. Thánh Giuđa nói: “Hãy cố gắng sống mãi trong tình thương
của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
để được sống đời đời.” (Gđ 1:21)
GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO – SỰ HÒA BÌNH
Sự hòa bình là một giá trị cốt lõi của Kitô giáo. Con
đường hòa bình không có bạo động, nhưng có sự thật, bởi vì chỉ có sự thật mới
đủ sức giải thoát chúng ta (Ga 8:32). Thiên Chúa đến thế gian để giao hòa tội
nhân với Thiên Chúa. Ngài dùng sự tha thứ để kiến tạo hòa bình, qua Kinh Lạy
Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có
lỗi với chúng con,” (Mt 6:12; Lc 11:4) và qua lời cầu xin của Chúa Giêsu
khi Ngài bị treo trên Thập Giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm.” (Lc 23:34)
⦁ Sự
thật nuôi dưỡng sự giao tiếp chân thật và tin tưởng.
⦁ Sự
công chính nuôi dưỡng chất lượng công việc.
⦁ Sự
hòa bình nuôi dưỡng sự quyết định sáng tạo và khôn ngoan.
⦁ Lòng
yêu thương nuôi dưỡng sự phục vụ vì công ích – tăng vị tha, giảm vị kỷ.
⦁ Sự bất bạo động nuôi dưỡng sự hợp tác.
Nhưng chúng ta gọi đó là giá trị nhân bản hơn là giá
trị tâm linh. “Giá trị tâm linh” ngụ ý nói điều gì đó mà con người cần để khao
khát và hy vọng có thể đạt được. Chúng ta biết rằng đa số người ta coi bản chất
con người là cái gì đó chứ không thuộc tâm linh – coi điều đó có giới hạn, bất
toàn,... Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trước tiên chúng ta là những con người
tâm linh và “là con người để là tâm linh.” Vì thế, bằng cách gọi giá trị tâm
linh là “giá trị nhân bản,” nhắc chúng ta rằng điều đó vốn dĩ có trong bản chất
tâm linh của chúng ta.
Chúng ta chú trọng nguyên tắc “tam giác” này:
1.
Các giá trị được dạy hoặc được học, chúng phải được gợi lên hoặc được tiết lộ,
đôi khi có những cách chúng ta che giấu mà không biết.
2.
Các giá trị nhân bản thể hiện tính nhân đạo ở mức đầy đủ nhất.
3. Các giá trị nhân bản có thể được hiểu nhờ ba viễn
cảnh này:
⦁ Bản
chất tâm linh – dựa vào nguyên tắc thần tính có trong các thụ tạo.
⦁ Cách
diễn tả văn hóa ảnh hưởng lẫn nhau – điều chúng ta vẫn thấy trong các xã hội
mặc dù có thể khác nhau.
⦁ Cách diễn tả cá nhân (riêng) – phản ánh thái độ và
động lực đối với tính cách và cách cư xử của chúng ta.
Mặc dù bản chất tâm linh của các giá trị nhân bản là
cố hữu trong chúng ta, nhưng cách diễn tả văn hóa riêng và văn hóa ảnh hưởng
lẫn nhau được người ta học biết, phát triển và thực hành suốt đời trong môi
trường xã hội chúng ta sống và làm việc. Bằng cách khám phá cách diễn tả văn
hóa giao lưu và cá nhân của 5 giá trị nhân bản này, chúng ta có thể áp dụng
trong đời sống hằng ngày và công việc.
Một điểm khá thú vị là các giá trị nhân bản này sinh
ra từ nền tảng tâm linh chung, đó là một tổng thể bất khả phân ly; một giá trị
nhân bản không thể hiện hữu khi tách khỏi các giá trị khác. Sự tổng thể hiệp
nhất này của các giá trị nhân bản cho chúng ta sức mạnh ghê gớm khi chúng ta
muốn áp dụng vào công việc của mình.
Vậy thì mỗi giá trị nhân bản là gì khi được thể hiện ở
môi trường sống và làm việc?
⦁ Một
chuyên gia sẽ nói thật về sai lầm hoặc sự trễ nải của chúng ta, và có thể quở
trách tạm thời.
⦁ Một
thư ký sẽ cố gắng làm tốt phần việc của mình, dù không ai theo dõi.
⦁ Một
người thi hành sẽ luôn cố gắng sáng tạo các phương thức mới để đạt hiệu quả đối
với các sản phẩm, không cần tăng giá hoặc khuyến mãi.
⦁ Một
người bán hàng sẽ tích cực tìm cách phục vụ người khác chứ không cứng ngắc giữ
quy tắc.
⦁ Một người quản lý sẽ tìm cách giữ môi trường sạch
sẽ, tránh gây ô nhiễm, không làm bừa bộn.
Làm sao có thể thực hiện được cả 5 giá trị nhân bản
một cách cụ thể? Đây là bàn-tay-năm-ngón quan trọng:
1.
TRUNG THỰC: nói thật và sống thật với mọi người, ở mọi nơi và mọi lúc.
2.
CHÂN CHÍNH: trung tín với bất kỳ ai – nam, phụ, lão, ấu; không bợ đỡ người
trên, không đàn áp người dưới.
3.
AN TÂM: điềm đạm, trầm tĩnh, ngay cả lúc khó khăn nhất – dù bị chê bai hoặc
được khen ngợi.
4.
YÊU THƯƠNG: lắng nghe chân thành, cảm thông và tha thứ mọi người, không xét
đoán hoặc chỉ trích.
5. BẤT BẠO ĐỘNG: cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề,
không tự nhận mình đúng mà lấn át người khác.
Cuộc sống tâm linh cũng cần các nguyên tắc như vậy. Tự
vấn: Mỗi điều trong 5 giá trị này có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi thể hiện bằng
cách nào trong cuộc sống?
Đây là những lời của Thánh Phaolô – vừa cảnh báo vừa
khuyến cáo, và cũng vừa nhắn nhủ: “ĐỪNG để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep
4:27) “ĐỪNG bao giờ thốt ra những lời độc địa.” (Ep 4:29) “ĐỪNG nói
lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên.” (Ep 5:4) “HÃY
cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, ĐỪNG sống như kẻ khờ dại, nhưng HÃY
sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang
sống những ngày đen tối.” (Ep 5:15-16)
Cuối cùng, chúng ta cùng cầu nguyện chân thành theo
tâm tình của Karl Rahner:
Lạy Cha của Đức Giêsu Kitô và cũng là Cha của chúng
con, chúng con đặc biệt xin Cha kết hợp chúng con với đời sống của Đức Giêsu
theo một phương diện đặc biệt: xin chuẩn bị cho chúng con sẵn sàng kết hợp với
lời nguyện của Ngài.
Đức Giêsu Kitô là Đấng hết lòng thờ phượng Thiên Chúa
trong thần trí và trong sự thật, Ngài là Đấng trung gian duy nhất chuyển đạt
lời nguyện chúng con lên Ngai Tòa Ân Sủng.
Chúng con hiệp nhất trong thần trí Đức Giêsu, xin dạy
bảo chúng con biết noi gương Ngài, luôn cầu nguyện không biết mệt mỏi, luôn
kiên trì, tin tưởng, khiêm cung, trong thần trí và trong sự thật, với một tấm
lòng chân thành thương yêu tha nhân, nếu thiếu tình yêu ấy, không lời nguyện
nào có thể làm thỏa lòng đẹp ý Cha. Nguyện xin Đức Kitô dạy chúng con biết xin
Cha những điều mà chính Ngài hằng tâm niệm ấp ủ.
Lạy Cha, xin Cha cho chúng con tinh thần cầu nguyện,
trầm mặc và kết hợp với Cha. Amen.
TRẦM
THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)
[Đăng báo ĐMHCG số 398, tháng 10-2019, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại
Hoa Kỳ]
✽ Mối Tương Quan Tâm Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment