Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

MỐI TƯƠNG QUAN TÂM LINH

Xã hội có nhiều mối tương quan, từ nhỏ tới lớn, từ hẹp tới rộng, từ đơn giản tới phúc tạp, chí ít là hai đối tượng. Tâm linh cũng có những mối tương quan đặc trưng và cần thiết. Trước tiên là mối tương quan giữa Chúa Ba Ngôi. Đó là nền tảng của mọi mối tương quan.
Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36) Nhân từ là biết thương xót người khác, có liên quan sự tha thứ. Tại sao? Vì tất cả chúng ta đều là “những người Giuđa,” (Đn 9:7) nghĩa là chúng ta đều đã phạm tội. (x. Rm 3:23; Rm 5:12) Chúng ta phải nhân từ mà tha thứ vì chúng ta đã được Thiên Chúa xót thương mà tát cạn “vũng lầy tội lỗi” của chúng ta. Ơn quá lớn!
Tôn giáo nào cũng dạy những điều tốt đẹp, ăn ngay ở lành, ngay cả các vĩ nhân cũng vẫn dạy như vậy. Đó là những giá trị nhân bản minh nhiên, ai cũng muốn, không cần phải chứng minh. Chúa Giêsu cũng dạy phải thực hiện những điều tốt lành, nếu chỉ như vậy thì Chúa Giêsu cũng chẳng khác gì các thánh nhân. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu có cái rất đặc biệt, hoàn toàn khác người, thậm chí còn “ngược đời.” Đó là yêu kẻ thù: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6:28)
Đồng thời Chúa Giêsu cũng có “cái khác” là đặt mối tương quan “ba chiều” như một tam giác có liên quan chặt chẽ với nhau đối với các cạnh và các góc: Thiên Chúa → Tôi (chúng tôi, chúng ta) → Tha nhân. Để dễ nhớ, có thể gọi là “mối tương quan 3T.” Thật vậy, bất kỳ mối quan hệ nào cũng có Thiên Chúa ở giữa. Ngài là “dấu cộng,” là “dấu nối” để liên kết chúng ta.
Chúa Giêsu còn nói rõ: “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38) Tương tự Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” (Mt 6:12) Một kiểu “triệt buộc” thật thú vị. Quan trọng ở “cái đấu” mà chúng ta “đong” cho nhau đầy hay vơi!
Nói đến tội lỗi, chúng ta thấy có hai nhân vật “nổi tiếng” trong Phúc Âm theo Thánh Luca và Thánh Gioan: Người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11) và người phụ nữ tội lỗi. (Lc 7:36-50) Hai tội nhân trong hai vụ án đều là “ả,” là phụ nữ, là nữ giới. Tuy nhiên, nam giới đừng thấy vậy mà tưởng mình “ngon lành.” Tội lỗi không liên quan vấn đề giới tính đâu đấy!
Vụ Án Thứ Nhất: NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH
Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ. Và toàn dân đến với Ngài để nghe Ngài “thuyết pháp.” Chắc chắn Chúa Giêsu không chỉ nói những lời hay, điều tốt, mà Ngài còn có duyên ăn nói, có tài thu hút nhân tâm, làm say mê mọi người từ già tới trẻ. Ai cũng khoái vô cùng, mê như điếu đổ. Rất tiếc là chúng ta là hậu sinh nên không được “giao lưu trực tuyến” với Ngài.
Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình để Đức Giêsu xét xử. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Nham hiểm thật! Họ nói thế nhằm thử Ngài, “gài bẫy” Ngài, để họ có bằng cớ tố cáo Ngài. Nhưng Ngài tỉnh queo, chẳng nói chẳng rằng, cứ thản nhiên cúi xuống lấy ngón tay viết lung tung trên đất, y như lũ trẻ nghịch cát vậy. Độc đáo dữ nghen!
Họ lấy làm lạ vì Ngài im lặng, không phản ứng gì ráo trọi. Họ tranh nhau hỏi Ngài đủ thứ, quậy không chịu được. Thấy họ dai như đỉa, Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ ngon mà lấy đá mà ném trước đi.” Nói xong rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Lạ nhỉ? Họ im re. Người này nhìn người kia, kẻ lắc đầu, người trợn mắt, người le lưỡi. Rồi chẳng ai bảo ai, họ lần lượt “rút lui có trật tự,” bỏ của chạy lấy người, lớn tuổi lủi đi trước, nhỏ tuổi rút theo sau, nhìn như thủy triều rút cạn. Chúa Giêsu hay quá sức. Thú vị thật đấy!
Chỉ còn lại mình ên Đức Giêsu, còn “chị Ba ngoại tình” vẫn đứng lặng như trời trồng ở giữa khu đất trống. Nhìn thấy thương lắm! Chúa Giêsu ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Cho thêm tiền thì họ cũng chẳng dám! Người đàn bà khép nép và lí nhí: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11)
Chị ta tròn mắt, dụi mắt và vỗ đầu xem mình tỉnh hay mơ. Không lẽ là sự thật ư? Đúng thật rồi, một giấc-mơ-có-thật. Khó mà có thể tin nổi! Chắc hẳn lúc đó chị sụp xuống lạy sống Chúa Giêsu và miệng rối rít nói lời cảm ơn không ngớt. Chị thầm nghĩ: “Chưa thấy ai hiền và tốt như ông này!”
Vụ Án Thứ Nhì: NGƯỜI PHỤ NỮ TỘI LỖI
Vào một ngày đẹp trời, một người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Ngài đến nhà ông ta dùng bữa. Bỗng một phụ nữ, vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị rón rén đứng lặng phía sau, sát chân Ngài. Chị nức nở khóc, hai vai rung mạnh vì chị cố nén cơn xúc động. Mặt mũi tèm lem vì phấn son gặp nước, nhìn chị như kép hát bội vậy. vừa thấy mắc cười vừa thấy tội nghiệp. Chị khóc sướt mướt như cha chết. Chị lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài và lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy ngứa mắt hết sức, phụ nữ lẳng lơ thế không biết! Ông Pharisêu đã mời Ngài liền nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Chấy khôn hơn rận, đầu bằng hạt đậu mà tưởng bằng trái bưởi. Đức Giêsu biết bụng ông ta “đau bao tử,” hơi thở hôi rình, nên Ngài lên tiếng bảo: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông giật thót vì đang miên man nghĩ, vội thưa ngay: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Ngài thản nhiên: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Tự dưng nói chuyện nợ nần, kỳ vậy ta? Ông Simôn vừa gãi đầu vừa đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.” Được khen trước mặt mọi người, ông Si-môn nở mũi to, vừa cười khoái chí vừa gật gù.
Nhưng bỗng dưng ông Si-môn như bị điện giật khi Đức Giêsu nói với ông mà lại quay về phía người phụ nữ: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Ngại hết sức, đang nói cái kia lại xía cái này, ông Simôn thấy mắc cở muốn độn thổ luôn!
Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Lại kỳ nữa! Vì thế mà những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Họ đúng là những người “đau bao tử” kinh niên, không thuốc nào trị nổi rồi. Chúa Giêsu không thèm để ý chuyện nhỏ nhặt, rách việc! Ngài âu yếm nhìn và nhẹ nhàng nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an!” (Lc 7:50)
Đám thực khách nhìn nhau… cười trừ. Chắc hẳn “chị Năm tội lỗi” là gái làng chơi, “bán hoa” hạng sang chứ chẳng thường đâu, bằng chứng là chị xài nước hoa hảo hạng kia mà. Chị bị mọi người khinh miệt, thế nhưng giờ thì chị sướng rơn vì được Chúa Giêsu biến đổi chị bằng nỗi chạnh lòng thương xót, bằng lòng nhân từ.
Thánh sử Gioan (Ga 12:1-8) cho biết: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Giữa chúng ta luôn có liên hệ, dù ít hay nhiều, dù xa hay gần, về điều tốt lành đã đành, mà ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới.
Hai “vụ án” trên đây dạy chúng ta về lòng nhân từ, lòng thương xót, nỗi chạnh lòng trắc ẩn đối với những người “yếu kém” hơn mình về bất cứ phương diện nào – cả đời thường và tâm linh. Chắc rằng đã nhiều lần chúng ta trở thành Philatô vì chúng ta xét đoán và kết án tha nhân, những anh chị em cùng một Cha trên trời. Tội của chúng ta lớn lắm!
Mùa Chay, chúng ta cùng đấm ngực ăn năn, và cùng đọc lại để ghi nhớ lời Chúa Giêsu: “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38)
Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa, chúng con cũng xin lỗi nhau, nhất là đối với những người bị chúng con kết án. Xin biến đổi chúng con, xin tái tạo trái tim mới và ban lại niềm vui ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment