PHI LỘ – Năm 1917, khi hiện ra tại Fátima (Bồ Đào
Nha) với ba trẻ chăn chiên – Luxia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày... Hãy cầu
nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân... Ta là Mẹ Mân Côi.
Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. ...Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ
thắng!”
Năm 2017 là dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện
ra tại Fátima, chúng ta hãy nhắc nhở nhau về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn
năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã
cho biết rằng mỗi lần đọc một kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi
đẹp, và đọc xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng.
Trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là
tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Mừng. Chuỗi Mân Côi quan trọng
vì là “Kinh Thánh tóm gọn.” Khi lần chuỗi Mân Côi với Năm Sự Mừng, chúng ta
thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm hy vọng về sự sống vĩnh hằng trên
Nước Trời, đồng thời thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng
sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu
Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.
1. THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ (Lc 1:26-38; Is
7:10-15)
Chúng ta cầu xin
được “ở khiêm nhường,” tức là biết sống khiêm nhường. Khiêm nhường, khiêm hạ
hoặc khiêm nhu cũng là một, “khiêm” nào cũng khó. Chữ K mà thật là khó “ca” quá
chừng! Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, vô cùng quan trọng
đối với bất kỳ ai, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền
hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29) Đức Mẹ là người luôn sống khiêm nhường, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa nhưng lại
chỉ nhận mình là Nữ Tỳ của Chúa. (Lc 1:38)
Sau khi biết tin
Chị Ê-li-da-bét cũng có hỉ tín và chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã vội
vã đi thăm Chị. Khi hai người mẹ phấn khởi, Đức Maria đã chúc tụng Thiên Chúa
bằng bài Magnificat, trong đó có đề cập đức khiêm nhường: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người
nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:25) Thánh Phaolô cũng khuyên sống
khiêm nhường: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban
ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự
khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em
khi đến thời Người đã định.” (1 Pr 5:5-6) Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho
từng người, không ai biết trước, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động đúng lúc, đúng
thời theo kế hoạch của Ngài.
Người khiêm
nhường thì hiền lành. Khiêm nhường là nhân đức cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đã
đặt là một trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay
ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa
làm gia nghiệp.” (Mt 5:4) Tuy nhiên, nên nhớ rằng càng làm lớn càng dễ ỷ
lại, kiêu ngạo, do đó, càng cần đức khiêm nhường hơn bao giờ hết. Trồng rừng
phải mất nhiều thời gian, nhưng đốt rừngchỉ trong thoáng chốc, chỉ cần một que
diêm. Que diêm đó là thói kiêu ngạo!
2. ÐỨC MARIA ĐI VIẾNG BÀ THÁNH YSAVE (Lc 1:39-56)
Chúng ta cầu xin
được “lòng yêu người,” yêu mọi người như chính mình.Biết tin Chị Isave
(Êlidabét) mang thai được sáu tháng rồi, Đức Maria đã vội vã lên đường đến
nhà Anh Chị Dacaria và Êlidabét. Đường sá xa xôi, đồi núi hiểm trở, lại
phải lội bộ, nhưng Đức Maria không ngần ngại. Không chỉ thăm viếng, Đức Maria còn
ở lại ba tháng để giúp đỡ bà Chị đang bụng mang dạ chửa, chờ cho Chị được mẹ
tròn, con vuông, rồi mới về nhà. Đức Maria làm tất cả chỉ vì lòng yêu thương.
Vâng, đạo Công
giáo được mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Đúng vậy, vì Chúa Giêsu dạy chúng ta
phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. (Ga 13:34; Ga
14:12) Thánh sử Gioan cũng minh định: “Chúng
ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” (1 Ga 4:7)
Thích người thích
mình, yêu người yêu mình, đó là lẽ thường, không có gì đặc biệt, vì những người
không có niềm tin vào Đức Kitô mà họ cũng vẫn làm, thậm chí các loài động vật
cũng sống như vậy thôi. Vì thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải “cao cấp” hơn như
vậy thì mới xứng đáng là con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Ngài: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng
loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện
cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của
Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như
kẻ bất chính.” (Mt 5:43-45) Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không thiên vị
bất kỳ ai. (x. Gl 2:6; Cv 10:34)
Thánh Gioan Tông
Đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu,” và so sánh rất cụ thể: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại
ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến
Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20) Hai chữ yêu thương có
thể rút gọn còn một chữ YÊU, ngắn gọn và đơn giản, nhưng lại rất khó thực hành
đúng mức. Bài học giản dị nhất mà lại khó nhất, chúng ta cứ học mãi mà vẫn chưa
thuộc!
3. ÐỨC MẸ SINH CHÚA GIÊSU NƠI HANG ĐÁ (Lc 2:1-14; Mt
2:1-12; Gl 4:1-7)
Chúng ta cầu xin
được “lòng khó khăn.” Ở đây, danh từ “khó khăn” không có nghĩa là “khó tính,” “khó nết,” “khó chịu,” “khó ưa,”… mà là sống nhân đức khó nghèo, sống tinh thần
khó nghèo, có tinh thần khó nghèo sẽ dẫn tới hành động, thể hiện sự khó nghèo.
Thật vậy, nghèo khó hoặc thanh bần là một trong ba lời khấn chính của các tu
sĩ, những người sống theo lời khuyên Phúc Âm trong đời sống thánh hiến.
Khi Con Thiên
Chúa giáng sinh tại Belem, thiên thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em
sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm
trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Trẻ sơ sinh được bọc tã là chuyện bình
thường, nhưng vấn đề là “nằm trong máng cỏ”. Khi chào đời, người ta không được
sinh ra trong nệm ấm, chăn êm, thì cũng được sinh ra ở một nơi tương đối đàng
hoàng, có giường chiếu hẳn hoi. Chỉ những ai “đẻ rơi” mới ở ngoài đường hoặc
ngoài đồng. Vậy mà Con Thiên Chúa lại sinh trong cảnh nghèo khó hơn bất cứ ai
trong chúng ta. Sau khi được báo tin, các mục đồng đã liền hối hả ra đi theo
hướng ánh sao. Kinh Thánh cho biết: “Đến
nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Đúng y như lời báo của các thiên
thần.Quá đỗi bất ngờ, hoàn cảnh của Thánh Gia khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Chúa Giêsu đã
chọn cách sống nghèo không giống ai, đó là Ngài làm gương để dạy chúng ta phải
sống nhân đức nghèo khó. Ngài muốn chúng ta chia sẻ vật chất với người khác,
giúp đỡ người khác, và Ngài đặt động thái sống nghèo khó là Mối Phúc thứ nhất
trong Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Bài học giáng sinh là bài học
về nhân đức nghèo khó. Lối sống hưởng thụ, tìm an nhàn là đối nghịch với nhân
đức nghèo khó, tất nhiên cũng “đối lập” với Thiên Chúa.
4. ÐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lc 2:22-40)
Chúng ta cầu xin
được “vâng lời và chịu lụy.” Vâng lời là một nhân đức và là một trong ba lời
khấn chính của các tu sĩ. Vâng lời liên quan chịu lụy, chịu đựng. Kinh Thánh
xác định: “Vâng lời trọng hơn của lễ.” (1
Sm 15:22; Tv 50:8-9) Khi Sứ thần Gáprien truyền tin, Đức Maria đã e ngại
và bối rối vì chưa hiểu. Sau khi được giải thích, Đức Maria đã mau mắn chấp
nhận:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Quả thật, đức vâng
lời rất quan trọng. Vì tin tưởng nên mới yêu mến, do đó mà không chần chừ, sẵn
sàng vâng lời ngay, vâng lời trong mọi hoàn cảnh.
Chúa Giêsu luôn
vâng lời. Sau ba ngày mê mải lo việc của Chúa Cha, khiến Đức Maria và Đức Giuse
phải khổ sở đi tìm, Đức Maria “trách yêu” Con Trai Giêsu, Ngài cho cha mẹ biết
lý do, nhưng Ngài vẫn đi xuống cùng với cha mẹ, theo cha mẹ trở về Nadarét và
hằng vâng phục cha mẹ. (x. Lc 2:51) Ngài là Thiên Chúa nhưng khi chấp nhận làm
Con trong một gia đình, Ngài vẫn giữ đức vâng lời, vẫn tôn trọng và theo ý muốn
của cha mẹ.
Nói đến vâng lời,
chúng ta thường cho rằng người nhỏ phải vâng lời người lớn, bề dưới phải vâng
lời bề trên,… Tuy nhiên, nếu như vậy thì vẫn phiến diện, vì chúng ta đôi khi
vẫn phải “vâng lời” người nhỏ hơn mình khi người nhỏ hành động đúng. Khi người
lớn sai trái thì không thể bắt người dưới vâng lời!
5. ÐỨC MẸ TÌM ĐƯỢC CHÚA GIÊSU TRONG ÐỀN THÁNH (Lc 2:42-52)
Chúng ta cầu xin được “giữ
nghĩa cùng Chúa luôn.” Ơn này rất quan trọng, vì Chúa Giêsu là cây nho, còn
chúng ta là cành nho, cành không thể tách khỏi thân, dù chỉ trong khoảnh khắc,
nghĩa là chúng ta phải luôn được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì
không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Vâng, thiếu Ngài trong
một giây thôi, chúng ta sẽ trở thành hư không chứ đừng nói làm nên trò trống
gì.
Giữ nghĩa cùng
Chúa là không lầm lũi trong “bóng đen tội lỗi,” luôn sống trong ơn thánh, như
vậy là cố gắng nên thánh từng ngày. Sau khi gặp lại cha mẹ, Chúa Giêsu đã ngoan
ngoãn vâng lời và cùng cha mẹ trở về nhà, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm
cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2:52) Ước gì
mỗi chúng ta cũng biết cố gắng noi gương Chúa Giêsu để luôn được người đời yêu
mến và được Thiên Chúa thương xót.
Cố gắng hoàn
thiện thật lòng chứ không giả hình. Chúng ta có thể “che mắt” người đời chứ
không thể che giấu Thiên Chúa. Vả lại, cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi
ra thôi. Thật thú vị vì Chúa Giêsu đã xác định: “Cứ xem quả thì biết cây.” (Mt 12:33; Lc 6:44) Rất dễ hiểu và rất
rạch ròi.
Năm Sự Vui như
ngôi sao năm cánh, mỗi cánh là một nhân đức: Khiêm nhường, yêu người, nghèo
khó, vâng lời và tín thác. Đó là những điều cần thiết để chúng ta hoàn thiện
trên hành trình về Quê Trời, trên hành trình nên thánh. Hãy mở rộng lòng để
Thần Khí Chúa biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài. (x. 2 Cr 3:18; Pl 3:21)
Nếu thực sự muốn
bước theo Đức Kitô, chúng ta phải để cho Ngài biến đổi chúng ta, nghĩa là chúng
ta để cho Ngài hóa thành nhục thể trong chúng ta, y như Ngài đã hóa thành nhục
thể trong cung lòng Đức Mẹ vậy. Khi chúng ta thưa “xin vâng” với Ngài đủ mức thì
chúng ta không còn là chúng ta nữa, chính Đức Kitô hóa thành nhục thể nơi chúng
ta, như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống,
nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống
kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến
mạng vì tôi.” (Gl 2:20) Sống bằng sự sống của Chúa thì chúng ta phải sinh
tình yêu cho mọi người, thể hiện yêu thương như Đức Kitô, và tìm kiếm tình yêu
sinh ra từ lòng yêu mến Chúa.
Quả thật, đời sống Kitô hữu thực sự là chuỗi
Mầu Nhiệm Vui kéo dài…
Thiết tưởng cũng rất nên biết rằng, trước khi
giã từ cõi thế ngày 20-2-1920, Giaxinta cho biết điều quan trọng mà chúng ta
cần lưu ý. Đó là lời khuyến cáo của Đức Mẹ: “Nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì tội
xác thịt hơn là vì các lý do khác. Những tội đó xúc phạm Chúa rất nặng. Nhiều
cuộc hôn nhân không tốt, họ không làm vui lòng Chúa và không thuộc về Thiên
Chúa. Các linh mục phải khiết tịnh, rất khiết tịnh. Họ không được bận rộn với
bất cứ thứ gì khác ngoài việc quan tâm Giáo hội và các linh hồn. SỰ BẤT TUÂN
CỦA CÁC LINH MỤC ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ RẤT LÀM MẤT LÒNG
CHÚA. Đức Mẹ không thể ngăn cản bàn tay của Chúa Con khỏi trừng phạt thế giới
vì nhiều tội trọng. Hãy nói với mọi người rằng Thiên Chúa ban ân sủng qua Trái
Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Hãy bảo họ cầu xin ân sủng từ Mẹ, và Thánh Tâm Chúa
Giêsu muốn được tôn kính cùng với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria.”
Những lời này rất đáng để chúng ta nghiêm túc
suy tư mà tự chấn chỉnh cách sống như Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy
nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo Trái Tim Đức Mẹ tháng 5-2015, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc – Hoa Kỳ, và báo ĐMHCG số 22, 10-2016, Dòng Chúa Cứu Thế – Kỳ Đồng, Saigon]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment