Friday, December 14, 2018

ƯỚC VỌNG

Đời sống mau sinh nhiều hoa trái
Cái rìu đã đặt sát gốc cây
Chúa cầm nia sảy cho sạch lúa
Thóc mẩy thu vào, lép đốt ngay
Đó là lời nhắn nhủ và cảnh báo của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được Thánh sử Luca cho biết. (Lc 3:9 và 17) Lời lẽ ngắn gọn nhưng súc tích, nhẹ nhàng mà mạnh mẽ và thẳng thắn.
Ngôn sứ Mikha cho biết: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi CÔNG BÌNH, quý yêu NHÂN NGHĨA và KHIÊM NHƯỜNG bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6:8) Thánh Vịnh gia nói về công lý: “Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ, để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức, khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai.” (Tv 10:17-18)
Chắc chắn ai cũng có những ước vọng chính đáng cho chính mình – và cho người khác. Ước vọng đơn giản nhất là có nước uống khi khát, có thức ăn khi đói, hoặc được nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Về tâm linh, chúng ta luôn khao khát Thiên Chúa – Đấng giải thoát chúng ta khỏi trầm luân. Đặc biệt trong Mùa Vọng và suốt Đời Vọng, chúng ta khao khát Giọt-Mưa-Giêsu hơn bao giờ hết!
Muốn đẹp thì phải chịu đau, muốn khỏe thì phải khổ luyện, muốn giỏi thì phải chuyên cần, muốn nhẹ thì phải buông,... Cái gì cũng có cái giá của nó, không thể cứ ước rồi có được. Chẳn có ông tiên nào rảnh mà cho ba điều ước như ngày xưa đâu! Có những ước vọng có vẻ đơn giản mà lại khó lắm, đó là “ước vọng vượt qua chính mình.” Khó vì cái tôi bé xíu mà to đùng, nặng nề cũng vì nó, thế mới phải buông, nhưng sao mà khó buông quá!
Khó mà làm được mới đáng nói, mới đáng công. Ước vọng “chiến thắng chính mình” là “giết chết” cái tôi, và cũng là một dạng vác thập giá. Khó lắm, căng lắm, mệt lắm! Nhưng không cố gắng thì không thể bình an. Thánh Vịnh gia cho biết: “Triều đại Thiên Chúa đua nở HOA CÔNG LÝ, và THÁI BÌNH THỊNH TRỊ tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.” (Tv 72:7) Công lý và hòa bình luôn có mối liên quan lẫn nhau: KHÔNG CÓ CÔNG LÝ, KHÔNG CÓ HÒA BÌNH – NO JUSTICE, NO PEACE. Chắc chắn như vậy. Thế nhưng công lý là gì và thế nào?
Công lý là lẽ phải, lý lẽ chung và tự nhiên đã đúng với mọi người, không cần chứng minh. Triết gia John Rawls (1921-2002, Hoa Kỳ) nhận định: “Công lý là ĐẶC TÍNH TIÊN QUYẾT của tất cả các ĐỊNH CHẾ XÃ HỘI.” Còn Giáo hội Công giáo hiểu rằng “công lý và hoà bình là DẤU CHỈ của THỜI THIÊN SAI, là TRIỀU ĐẠI của VUA VINH HIỂN.” Công lý bao gồm sự công bằng xã hội, sự liêm khiết, tính hợp lý, sự phán quyết công minh, phù hợp pháp luật, và trên hết là THỰC HIỆN LUẬT CHÚA – bao gồm luật tự nhiên ghi khắc trong lòng con người và luật được Thiên Chúa truyền dạy.
Danh nhân Horatio Walpole (1717-1797), bá tước thứ tư của Oxford, sử gia nghệ thuật, tiểu thuyết gia và chính trị gia người Anh, nói: “CÔNG LÝ là hành động của SỰ THẬT hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. SỰ BẤT CÔNG LÀ ĐỘNG THÁI CỦA SỰ DỐI TRÁ.” Một cách định nghĩa và so sánh thật là thú vị.
Còn bác học Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý lý thuyết người Đức đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921, nói: “Về sự thật và công lý, KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT giữa những vấn đề lớn nhỏ, vì những điều liên quan tới cách con người được ĐỐI XỬ đều GIỐNG NHƯ NHAU.” Sự bình đẳng – về mọi phương diện – cũng chính là công lý. Ông cũng có cách so sánh giản dị mà thâm thúy thế này: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ bé; hiểu biết càng ít thì cái tôi càng to lớn.” Người Việt có kiểu so sánh khá thực tế: “Thùng rỗng kêu to.”
Từ cổ chí kim, thời nào cũng vậy, xã hội loài người luôn có rất nhiều điều bất công, giới có chức có quyền càng yếu kém năng lực thì bất công xảy ra càng nhiều, dân chúng khổ sở vô cùng. Trong cuộc sống, chúng ta bất công với người khác là một chuyện, đôi khi chúng ta còn bất công với chính mình, thậm chí bất công cả với Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên chúng ta. Ngài là Đấng chí thánh, chí thiện, chí minh và chí công, luôn rạch ròi mọi điều: “Ta chuộng lẽ công minh, ghét chuyện cướp bóc gian tà, nên Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu.” (Is 61:8)
Lặp đi lặp lại, nhắc tới nhắc lui, rồi Thiên Chúa vẫn tiếp tục tái xác định: “Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi NHÂN NGHĨA, CÔNG BÌNH và CHÍNH TRỰC trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. Sẽ đến những ngày Ta sẽ HẠCH TỘI MỌI KẺ CẮT BÌ MÀ KỂ NHƯ KHÔNG.” (Gr 9:23-24) Ngài không nói đùa, nói chơi, mà Ngài nói thật, nói là làm, và rồi chính “tay hữu Chúa thi hành công lý.” (Tv 48:11) Khi Chúa Giêsu đứng trước mặt tổng trấn Philatô, một con người đầy quyền lực, Ngài vẫn trước sau như một và khẳng khái minh định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Sự thật và công lý thuộc về nhau, từ đó mới có bình an đích thực – bởi vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát con người mọi thứ xiềng xích. (x. Ga 8:32)
Từ ngàn xưa, qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã đặt vấn đề về liên quan công lý và hòa bình: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.” (Is 48:18) Công lý là điều tối quan trọng, luôn được đề cập trong Kinh Thánh: “Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.” (Tv 36:7) Chúa Cha cũng đề cập công lý khi nói rõ về Chúa Con: “Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.” (Mt 12:18) Chính Chúa Giêsu sẽ “theo công lý mà xét xử và giao chiến,” (Kh 19:11) và “trời mới và đất mới là nơi công lý ngự trị.” (2 Pr 3:13)
Rất chân thành, ngôn sứ Xôphônia mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.” (Xp 3:14) Đó cũng là lời mời gọi chúng ta – những người đang mong chờ Đấng Công Bình. Tại sao lại reo hò vui mừng như vậy? Sự kiện rất minh nhiên: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.” (Xp 3:15) Thế thì không thể không reo vui, không thể không hát mừng, bởi vì người ta không thể trì hoãn niềm vui sướng trào dâng.
Cũng từ ngàn xưa, người ta đã nói với Giêrusalem thế này: “Sion ơi, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời. Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương, Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa.” (Xp 3:16-18a) Và ngày nay, chúng ta cũng đang được nhắn nhủ như vậy. Hạnh phúc ấy quá lớn, lớn đến nỗi cứ ngỡ mình ngủ mơ. Thế nhưng không phải là giấc mơ hoặc chiêm bao, nhéo mặt vẫn thấy đau, như vậy là còn rất tỉnh táo. Điều đó hoàn toàn là sự thật, chân vẫn đạp đất, không phải chuyện trên cung trăng hay cổ tích.
Chắc chắn Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta thoát khỏi mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bất hạnh,... Đó là ngày Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, ngày khởi đầu công cuộc cứu nhân độ thế. Và ngày đó, chúng ta vui mừng cùng nhau cất lời xưng tụng: “Lạy Đức Chúa, con dâng lời cảm tạ: Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi.” (Is 12:1) Đồng thời chúng ta cũng sẽ hân hoan xác nhận: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Người siêu việt.” (Is 12:2-4) Thật phúc thay cho những ai tin nhận Đấng Emmanuel là Con Thiên Chúa với hai bản tính.
Mỗi khi bất ngờ được người mình quý mến đến thăm, chúng ta vừa ngạc nhiên vừa vui mừng và thường nói là “rồng đến nhà tôm”. Được người quyền cao chức trọng tới thăm, chúng ta còn vui mừng hơn nhiều. Mức độ vui mừng lên tới tột cùng và khôn tả, đó là khi được chính Con Thiên Chúa tới thăm. Ôi, thế thì không thể im lặng, và chúng ta hăng hái thúc giục nhau như dân Chúa xưa: “Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường. Dân Sion, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!” (Is 12:5-6)
Người ta nói “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí,” thế mà chúng ta lại có niềm vui này nối tiếp nỗi mừng kia, thảo nào Thánh Phaolô nhắn nhủ và động viên chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong NIỀM VUI CỦA CHÚA. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em ĐỪNG LO LẮNG GÌ CẢ. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà GIÃI BÀY trước mặt Thiên Chúa NHỮNG ĐIỀU anh em THỈNH NGUYỆN.” (Pl 4:4-6) Thiên Chúa biết rõ chúng ta cần gì, nhưng Ngài muốn chúng ta chứng tỏ niềm tin đó một cách cụ thể, và ích lợi đạt được không dành cho Ngài mà dành cho chính chúng ta.
Thật vậy, ngôn sứ Isaia cũng đã xác định rạch ròi: “Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại.” (Is 30:19) Ích lợi rõ ràng, và rồi “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí chúng ta ĐƯỢC KẾT HỢP VỚI ĐỨC KITÔ GIÊSU.” (Pl 4:7) Ngược lại thì bất lợi, như Thánh Phaolô mạnh mẽ nói: “Ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22)
Về cách thực hiện công lý và hòa bình, trình thuật Lc 3:10-18 cho chúng ta biết cách thức cụ thể chứ không mơ hồ hoặc viển vông. Các động từ cần thiết cho việc sống yêu thương hoặc sống lòng thương xót là các động thái rất ư bình thường, thế nhưng lại có tác dụng phi thường: Chia sẻ, cho, trao, tặng, biếu,... Đó là cách thực hiện công lý, mà thực hiện công lý chính là kiến tạo hòa bình. Rất lô-gích!
Thánh sử Luca cho biết rằng, một hôm có đám đông hỏi ông Gioan Tẩy Giả về những việc cần làm. Ông trả lời: “Ai có hai áo thì CHIA cho người không có; ai có gì ăn thì cũng LÀM NHƯ VẬY.” Lúc đó cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa, gọi ông Gioan là Thầy và xin ông chỉ cho biết những gì phải làm. Ông bảo họ: “ĐỪNG đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi và ông bảo họ: “CHỚ hà hiếp ai, cũng ĐỪNG tống tiền người ta, HÃY an phận với số lương của mình.” Những mệnh lệnh cho biết các động thái liên quan công lý.
Các động từ ở thể mệnh lệnh cách thật đáng lưu ý, vì đó là các động từ chứng tỏ việc tuân thủ luật công lý: Đừng đòi hỏi nhiều, chớ hà hiếp ai, đừng tống tiền ai, và cứ an phận thủ thường, bằng lòng với những gì mình có. Đó cũng chính là dạng bí quyết sống hạnh phúc ngay ở “vũng lầy” thế gian này. Tâm bình an thì sống thanh thản. Không so đo để dễ dàng chấp nhận những gì mình có, thế là hạnh phúc. Càng so đo càng tự dày vò mình, tự làm khổ mình, và rồi cũng dễ ghen tỵ với người khác – thế thì hóa ra là phi yêu thương, phi công lý và phi chân lý. Như vậy là đối lập với Thiên Chúa.
Thuở xa xưa, lúc mọi người đang trông chờ, ngóng đợi Đấng Cứu Thế, trong thâm tâm ai nấy đều đặt vấn đề: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!” Thế nhưng ông Gioan trả lời thẳng thắn với họ: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi KHÔNG ĐÁNG CỞI QUAI DÉP cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Trước đó, ông cũng đã lên tiếng mạnh mẽ: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Lc 3:9)
Lời lẽ của ông Gioan ngắn gọn, đơn giản, nhưng rất thực tế, nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, êm đềm mà đáng sợ, bởi vì trong đó hàm chứa luật công lý, luật công bằng, và luật bác ái. Tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc.
Về vấn đề công lý và hòa bình, có lần bà Aung San Suu Kyi (sinh năm 1945) đã nhận định rất chí lý: “Chỉ có một nhà tù đích thực là sự sợ hãi, chỉ có một tự do đích thực là thoát khỏi sự sợ hãi đó.” Sự thật đó chính là công lý. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều biết rằng “không có công lý thì không có hòa bình,” nhưng điều trước tiên cần có và phải có là TÌNH YÊU THƯƠNG, thể hiện bằng cách sống lòng thương xót như Chúa Giêsu đã dạy. Có yêu thương thì mới biết động lòng trắc ẩn, có biết chạnh lòng thì mới có thể tha thứ, có biết tha thứ thì mới có công lý, và khi nào có công lý thì sẽ có hòa bình. Một chuỗi hệ lụy “chặt chẽ”, không thể tách rời, một chuỗi ân tình hòa quyện vào nhau vô cùng vững chắc.
Vấn đề Công Lý và Hòa Bình cũng liên quan vấn đề Sự Sống, chạm đến Sự Sống là chạm đến Thiên Chúa. Đây là một thông tin đáng buồn hồi cuối năm 2015: “Chỉ trong vòng năm tuần đã có 645 thai nhi bị sát hại do tệ nạn phá thai tại một số cơ sở ý tế của thành phố Hải Phòng.” Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có 64 thai nhi bị sát hại. Thật kinh khủng! Số thai nhi này đã được Nhóm Bảo Vệ Sự Sống tại Hải Phòng đón nhận và hiệp dâng thánh lễ lúc 14 giờ 30 ngày 26-11-2015. Các thai nhi vô tội này được an táng tại nghĩa trang Gx Trang Quan.
Nhưng theo thống kê trung tuần tháng 12-2018, người ta cho biết một sự thật phũ phàng và khủng khiếp hơn: TẠI VIỆT NAM, MỖI NGÀY CÓ HƠN 800 TRƯỜNG HỢP NẠO PHÁ THAI. Tỷ lệ tăng nhanh về sự ác. Thật đáng buồn, và cũng thật khốn thay!
Còn theo thống kê quốc tế, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai nhiều nhất Đông Nam Á, và là một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai nhiều nhất thế giới. Không chỉ vậy, Việt Nam còn là “khu trù mật” cho tệ nạn buôn người (phụ nữ và trẻ em) và cung cấp nội tạng cho Tàu cộng. Điều đó cho thấy Việt Nam là đất nước tràn lan sự ác, ngập đầy tội lỗi, đặc biệt là loại trọng tội về sát sinh và vi phạm công lý. Tội lỗi thì đáng bị trừng phạt thôi: Rìu đã đặt sát gốc cây!
Còn nữa, thật là rùng rợn khi nghe Mẹ Têrêsa Calcutta vạch trần tội ác: MỖI NGÀY TRÊN THẾ GIỚI CÓ TỚI 130 NGÀN THAI NHI BỊ TƯỚC MẤT QUYỀN LÀM NGƯỜI. Phá thai là bất công, là phi công lý, do đó mà lòng người bất an, dẫn tới hệ lụy tất yếu là xã hội không được hưởng nền hòa bình đích thực, bởi vì chỉ có những ai thiện tâm mới được Thiên Chúa yêu thương và được hưởng bình an mà thôi. (x. Lc 2:14)
Xét về cái tệ hại thì Việt Nam được nhiều cái “hạng nhất” – cái gì cũng tệ: quản lý, kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh,… Còn về cái tốt lành thì Việt Nam bị “hạng áp chót”: Theo đánh giá về mức độ “đáng sinh sống” của 125 nước, Việt Nam là nước xếp hạng 124 – nghĩa là quá tệ, là nơi “không đáng sống.” Thật đáng buồn biết bao! Phải chăng nguyên nhân là do coi thường công lý? Coi thường công lý cũng là coi thường Thiên Chúa. Một dạng bách hại tinh vi của thời đại ngày nay vẫn đang xảy ra ngay trên đất nước chữ S nhỏ bé của chúng ta. Ước vọng của dân Việt thực tế và cháy bỏng, nhưng sao vẫn còn xa vời quá!
Tại sao vậy? Thiên Chúa chí minh, chí thiện, và hành động thế nào? Thánh Vịnh gia cho biết: “Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146:6b-9) Điều tiên quyết là chấn chỉnh và sám hối: Lỗi tại tôi mọi đàng!
Ước gì ước vọng của chúng ta được Thiên Chúa thỏa mãn và được Ngài xác định: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.” (Is 66:13)
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giải thoát Việt nhân khỏi mọi thứ kìm kẹp của sự ác, xin biến đổi và giúp chúng con biết tôn trọng Sự Thật và can đảm bảo vệ Công Lý, để chúng con luôn biết tin yêu và phụng sự Ngài, xin làm cho chúng con nên khí cụ bình an và yêu thương của Ngài. Xin ngự đến, lạy Đấng Emmanuel – Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment