Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

HAI VẤN ĐỀ

Con Chúa Giáng Trần Nêu Gương Nghèo Khó
Thế Nhân Vươn Dậy Thể Hiện Mến Thương

Tứ thời, bát tiết, bốn mùa luân phiên – Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Đông có hơi lạnh khiến người ta co mình lại thì thời gian một năm cũng đang dần khép lại. Các Mùa Phụng Vụ cũng tương tự. Hết Mùa Thường Niên là kết thúc Năm Phụng Vụ cũ, bắt đầu Năm Mới bằng Mùa Vọng và Giáng Sinh.

Dù là ai – kể cả người vô thần, người ta vẫn luôn cảm thấy kỳ diệu đối với Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, có nhiều vấn đề liên quan, không chỉ chuyện vui mà còn có cả chuyện không vui. Tất nhiên thôi. Đối với tín nhân, Giáng Sinh gợi suy tư, vì Chúa Giêsu hóa thân là một Hài Nhi sinh ra trong cảnh đơn nghèo. Ngài tự hạ mình xuống ở với chúng ta, chấp nhận nghèo khó vì yêu thương chúng ta – những tội nhân xấu xa, bất xứng. Mầu Nhiệm Nhập Thể cao vời khôn ví: Verbum Caro Factum Est – Ngôi Lời hóa thành nhục thể.

Giáng Sinh gợi nhớ Vườn Địa Đàng và Ông Bà Nguyên Tổ. Sự sa ngã của Ađam và Êva được gọi là Felix Culpa, nghĩa là “sự sa ngã may mắn” hoặc “sự rủi ro có phúc.” Kitô giáo gọi đó là Tội Nguyên Tổ, và được coi là Tội Hồng Phúc, vì nhờ vậy mà nhân loại được đón nhận Con Thiên Chúa là Đức Kitô Giêsu xuống thế làm người để cứu độ và phục hồi cương vị làm con cái đối với những ai thật lòng tin nhận Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất.

Đại dịch Cúm Tàu là cơ hội để người ta nhìn lại chính mình – đối với Thiên Chúa và tha nhân. Cậu bé Abhigya Anand 14 tuổi, người Ấn Độ, đã tiên báo đúng vài lần liên quan dịch bệnh bùng phát vừa qua, liệu cậu có đúng khi cảnh báo dịch bệnh còn khủng khiếp hơn vào tháng 4-2022 hay không? Có thể, bởi vì người ta có vẻ vẫn chưa thực sự quan ngại. Người ta đã cảnh báo về chủng Nipah virus còn “đáng sợ” hơn Corona virus. Trước đây virus đánh vào buồng phổi, trung tâm điều khiển hơi thở – nơi cho biết có sự sống, và Nipah tiếp tục “đúng quy trình” của ma quỷ là “đánh” vào trung tâm sự sống, nhưng cao cấp hơn – nhắm vào đầu não của sự sống là bộ não. Do đó, nguy cơ tử vong khoảng 40%–70% thì thật đáng sợ!

Tại sao não là bộ chỉ huy? Đó là trung tâm đầu não, bởi vì có thể là người ta bại liệt, thậm chí là “như chết” mà người ta vẫn có thể cảm nhận, bởi vì bộ não còn sống – mặc dù người ngoài không cảm thấy bệnh nhân còn thở. Có thể nói rằng xưa nay chưa từng có đại dịch nào độc ác và nguy hiểm như Cúm Tàu – nói thẳng ra là Tàu Cộng, không liên quan các hiền nhân Trung Hoa tốt lành. Nhân sao, vật vậy. Vật thế nào tố cáo người như thế.

Cuộc sống có nhiều thứ cảnh báo, chắc chắn không như chuyện dự báo thời tiết. Tuy nhiên, cảnh báo là một chuyện, còn người ta có thực sự ý thức hay không lại là chuyện khác. Thiên Chúa đã cảnh báo mạnh mẽ: “Nếu không sửa đổi, Thiên Chúa sẽ phạt GẤP BẢY LẦN.” (Lv 26:18, 21, 24, 28) Có lời cảnh báo tức là đã có nhiều tội lỗi, Thiên Chúa tiếp tục cảnh báo: “Đừng gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công GẤP BẢY LẦN.” (Hc 7:3) từng nói: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mt 23:37; Lc 13:34) Chúa Giêsu cũng cảnh báo quá nhiều, xưa người ta không quan tâm thì nay người ta cũng vẫn bỏ ngoài tai, chỉ nghe để biết hoặc cho vui vậy thôi. Và rồi chuyện gì đến cũng đến...

I. NHÂN ĐỨC

Chúa Giêsu giáng sinh trong cảnh nghèo khó. Chính Ngài đề cao lối sống nghèo khó và gọi đó là một mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Như vậy, sự nghèo khó cũng là một nhân đức. Người ta muốn sống ung dung sung sướng, chứ không dễ gì dám sống nghèo khó. Cái nghèo và cái lạnh liên quan lẫn nhau. Người nghèo thiếu quần áo, chăn mền,… thế nên họ phải chịu đựng cái lạnh. Cái lạnh thân xác dẫn tới cái lạnh tâm hồn – vì cô đơn. Nghèo thì Khó, Khó thì Khổ. Việt ngữ thường ghép lại là Nghèo Khó hoặc Nghèo Khổ, thậm chí là Nghèo Hèn.

Luôn có điều kỳ lạ khi Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mọi thứ đề lạ lùng. Lạ từ nội tại tới ngoại tại. Giáng Sinh tại Việt Nam chỉ se lạnh một chút, chẳng thấm gì so với cái lạnh của Hài Nhi Giêsu năm xưa, nhưng cũng là lời nhắc để chúng ta nhớ tới cái lạnh của những phận người cơ nhỡ, cô đơn, nghèo khó, thiếu thốn cả những thứ cơ bản nhất,... Việt ngữ thật chí lý khi nói là giá lạnh hoặc lạnh giá, cái “giá” này mới “đáng giá,” buốt thấu xương, chứ cái “lạnh” chưa thấm thía chi đâu!

Cái lạnh ngoại tại gợi nhớ tới cái lạnh tâm hồn, cái lạnh linh hồn, cái lạnh tâm linh. Cái lạnh này khủng khiếp, cái lạnh giá băng. Đó là điều thực sự đáng quan tâm và quan ngại. Cuộc sống có những cái lạnh khác nhau:

1. TINH THẦN – Đó là cái lạnh của những người đơn độc, mồ côi, neo đơn, thất vọng, bị xa lánh, bị ghen ghét,... Họ không có ai để chia sẻ, mà có chia sẻ cũng chẳng mấy ai quan tâm. Thật khổ tâm với “khoảng lạnh” như vậy!

2. LINH HỒN – Đó là cái lạnh của những người khô khan, nguội lạnh, tội lỗi, niềm tin lung lay, bước đời chao đảo, mất phương hướng,... Thật đáng thương với “khoảng lạnh” như vậy!

3. TÂM LINH – Đó là cái lạnh của những người vô cảm trước nỗi khổ của người khác – như ông Simon chê phụ nữ tội lỗi kia xức dầu thơm chân Chúa Giêsu và khóc vì sám hối, (Lc 7:36-50) như Thầy tư tế và Thầy Lêvi không hề chạnh lòng thương xót người lân cận, cam tâm bỏ mặc nạn nhân dở sống dở chết, (Lc 10:30-37) như người Pharisêu kiêu hãnh khi cầu nguyện tại đền thờ, (Lc 18:10-14) người Pharisêu phạm tội ngay trong lúc cầu nguyện, thờ phượng. Thật đáng sợ với “khoảng lạnh” như vậy!

Là Vua của các vua và Chúa của các chúa, thế mà Ngài lại sinh nơi hang đá, nơi máng lừa, thực sự vô cùng kỳ lạ, chúng ta không thể hiểu nổi. Thiên Chúa là Đấng tạo tác muôn loài, làm cho mọi sự hiện hữu từ hư vô, vậy mà Ngài lại xuống thế gian ở với loài người, sinh ra nơi hèn hạ và nghèo khó nhất, chứ không uy nghi như người ta tưởng. Con Thiên Chúa giáng sinh là sự kiện độc nhất vô nhị, quá đỗi kỳ diệu, phàm nhân không thể hiểu và không thể lý giải, vì đó là mầu nhiệm – Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Còn kỳ lạ hơn nữa: Chúa Giêsu không chỉ sinh ra ở ngoài đồng, mà Ngài còn sống ở ngoài đường, và rồi chịu chết trên đồi hoang, dẫu chỉ một chỗ tựa đầu cũng không có, (Mt 8:20; Lc 9:58) trong khi con chồn còn có hang, con chim còn có tổ, chính chúng ta là thụ tạo và là tội nhân, vậy cũng có mái nhà – dù nghèo nàn, dù ở thuê, dù ăn nhờ ở đậu. Ôi, mầu nhiệm cao vời, lòng thương xót khôn ví!

Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Tạo Hóa, Chúa Giêsu giàu có và sang trọng bậc nhất, nhưng vì thương xót phàm nhân nghèo hèn, khốn khổ, Ngài chấp nhận hóa thân là một Hài sinh ra trong cảnh thiếu thốn tột cùng tại cánh đồng Belem. Dĩ nhiên Thiên Chúa có nhiều cách để cứu độ chúng ta, thậm chí Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi tội lỗi của cả nhân loại này đều được tha bổng, nhưng Ngài đã chọn cách mặc xác phàm để trí óc phàm nhân chúng ta có thể hiểu và phần nào khả dĩ cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Ngài, chứ chúng ta không thể thấu hiểu tình yêu thương cao cả đó.

Chắc chắn không ai muốn nghèo, nhưng nhân đức nghèo khó lại quan trọng và liên quan vận mệnh đời đời của chúng ta. Trong trình thuật Tin Mừng nói về cảnh Phán Xét Chung, Chúa chúc phúc cho những ai biết thương người nghèo khổ: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25:34-36) Đó là vấn đề cụ thể về Đức Ái Kitô giáo – thương yêu và thương xót.

Hang đá Belem ngày xưa không hấp dẫn và thu hút người ta như ngày nay. Đó là hang đá xấu xí, tăm tối, hôi tanh, bẩn thỉu,… là nơi dành cho đàn súc vật trú qua đêm. Còn ngày nay, nhìn hang đá mà thấy như “khách sạn” sang trọng chứ chẳng thấy nghèo khó. Quả thật, có gì đó “bất thường” khi nhìn vào hang đá ngày nay. Than ôi!

Không biết vì người ta đua nhau hay khoe mẽ mà càng ngày người ta càng “xây dựng” hang đá đồ sộ, trang trí rườm rà, cầu kỳ, và tất nhiên chi phí tốn kém lắm – có nơi tốn cả trăm triệu đồng Việt Nam. Chúng ta chê người ta xây dựng tượng đài tốn bạc tỷ, tại sao chúng ta cứ xu thời như vậy? Ngay cả tư gia cũng vậy, nhà này đua với nhà kia, giáo xứ này cạnh tranh với giáo xứ nọ, hang đá càng to càng hãnh diện. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta mừng đón Ngài kiểu đó!

Thử nhìn vào hang đá mà suy tư. Chỉ thấy vẻ hào nhoáng cho vui mắt, bởi vì cái chính bị che khuất, còn những cái phụ lại quá nổi bật, thậm chí có nhiều hang đá nhìn mãi mới thấy Hài Nhi Giêsu, Đức Maria và Đức Giuse. Thiên Chúa muốn dạy chúng ta về nhân đức “khó nghèo” mà chúng ta lại theo kiểu “khó mà nghèo.” Con cháu Lạc Hồng chúng ta muốn Việt hóa nên có nơi làm một mái tranh, nhưng cái lều hoặc cái chòi đó lại lấp lánh ánh điện nhiều màu sắc. Phi thực tế. Bởi vì không nhà nghèo nào mà lại sang như vậy!

Thiên Chúa không cấm chúng ta trang trí một chút để kỷ niệm ngày Con Một Ngài giáng trần, nhưng đừng quá đáng, vì xung quanh chúng ta còn biết bao người chịu cảnh khốn cùng, nhất là trong giai đoạn còn dịch bệnh. Nhiều nơi trên thế giới không được tham dự Thánh Lễ cả năm rồi. Đối với cuộc sống, khổ vì khó – khó vì kinh tế bị ảnh hưởng, và mức nghèo gia tăng như một hệ lụy tất yếu. Chúng ta muốn vinh danh Chúa hay vinh danh chính mình mà làm hang đá “vĩ đại” như thế? Cuối cùng, Thiên Chúa vẫn phải tiếp tục chịu đựng loài người.

Chúa Giêsu xác định: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Mt 26:11; Mc 14:7; Ga 12:8) Thật vậy, thế giới còn biết bao người nghèo, xung quanh chúng ta cũng không thiếu người nghèo, làm hang đá giản dị không chỉ gợi lên ý nghĩa của việc Con Chúa giáng sinh, mà còn dành tiền để làm việc khác cần thiết và đẹp lòng Chúa: Bác ái, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh – chia sẻ yêu thương, cụ thể là chút hiện vật. Điều đó càng tốt lành hơn trong cơn dịch bệnh thế này.

II. TỘI ÁC

Kinh Thánh nói: “Nháy mắt mím môi, nghĩ ra điều dối trá là làm sự ác rồi.” (Cn 16:30) Vì thế, không ai dám nói mình giữ lòng thanh khiết và sạch tội. (Cn 20:9) Thánh Phaolô cảnh báo: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Thời nào cũng thấy đúng với nhận xét đó.

Giáo hội kính nhớ các Thánh Anh Hài ngay sau lễ Giáng Sinh. Đó là các “thánh nhi tử đạo” vì Chúa Hài Đồng, nguyên nhân là sự hèn hạ của ác vương Hêrôđê. Lễ này gợi suy tư về hai thái cực đối nghịch nhau: Sự trong trắng – vô tội, và sự độc ác – tà tâm.

Tin Mừng cho biết: Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2:8) Nói năng ra vẻ tốt bụng lắm, nhưng đó chỉ là mưu ma chước quỷ thâm độc của kẻ ác, nguy hiểm hơn nữa là kẻ này có quyền hành.

Các nhà chiêm tinh an tâm ra đi khi nghe nhà vua nói thế. Họ là những người tốt nên không hề nghi ngờ Hêrôđê. Từ lúc đó, ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại tiếp tục dẫn đường cho họ. Vừa trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Và họ được ngôi sao dẫn đến tận nơi có Hài Nhi. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là Bà Maria, và họ sấp mình thờ lạy Ngài. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược để dâng tiến Hài Nhi.

Tuy nhiên, sau đó họ được báo mộng rằng đừng trở lại gặp vua Hêrôđê, và đi lối khác mà trở về. (Mt 2:12) Có lẽ lúc này các nhà chiêm tinh mới thấy rõ chân tướng độc ác của Hêrôđê, thế nên họ đã không dám quay lại triều đình. Phàm phu tục tử không thể “qua mặt” được Thiên Chúa! Và cũng là để điều này ứng nghiệm lời ngôn xứ từ ngàn xưa: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.” (Mt 2:15)

Không thấy các nhà chiêm tinh trở lại, vua Hêrôđê biết mình bị hố, thế nên ông ta cảm thấy bị lừa nên nổi giận. Ông ta sai thuộc hạ đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Rõ ràng là quá hèn hạ mà không biết nhục. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.” (Mt 2:18) Không ai sống mãi ở đời này, dù là hiền nhân hoặc ác nhân, ngay cả những người trường thọ nhất. Tất nhiên ác vương Hêrôđê cũng phải chết. Chết thật chứ không chết giả. Thế nhưng “dòng dõi” của ông ta còn nhiều, hiện diện ngay trong xã hội ngày nay.

Chẳng có đâu xa, ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều Hêrôđê vẫn hằng ngày rảo bước khắp các hang cùng ngõ hẻm... Nơi nào cũng có, chỗ nào cũng thấy – dù phố hay quê. Đó là các “bản sao” của ác vương Hêrôđê. Họ là ai mà cứ “lộng hành” như vậy?

Khắp nơi vẫn xuất hiện những kẻ mang “máu lạnh” của ác vương Hêrôđê. Ngày nay thông tin cập nhật nhanh nhờ internet, có nhiều tin về những vụ bạo hành trẻ em. Có những người là bảo mẫu mà lại nhẫn tâm đạp chết trẻ thơ vô tội; có những ác phụ mang danh cô giáo nhà trẻ dùng phương pháp “sư phạm” ác độc là hành hạ các trẻ thơ đủ kiểu như bóp mũi, bóp cổ, gí đầu xuống đất, dốc đầu ngược vào lu nước, tát thẳng tay, đánh đập không chút thương hại; có những người rình rập để bắt cóc trẻ thơ đem bán; có những người mẹ cam tâm giết con bằng cách phá thai hoặc vứt bỏ núm ruột của mình ở nơi nào đó; có những y bác sĩ sẵn sàng “giúp” người ta phá thai; và còn nhiều hành động tinh vi dã man mà người ta nhẫn tâm đối xử với trẻ em vô tội.

Tại Việt Nam, có lần người ta đã từng phát hiện nhiều trẻ em bị chôn vùi trong đống rác tại Đá Mài – Thái Nguyên, có em được sinh ra khỏe mạnh và lành lặn nhưng bị người ta đâm vài nhát dao cho chết. Chỉ trong hai tuần lễ, có nơi người ta phát hiện tới 600 thai nhi bị sát hại. Thật tàn nhẫn và kinh khủng quá! Thai nhi là sinh linh, là thụ tạo của Thiên Chúa, nhưng chúng lại bị tước mất quyền sống, không được sinh ra để làm người. Làm hại thai nhi và trẻ em, hoặc bất cứ người nào, là tội phạm thượng vì dám xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao.

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ – United States Declaration of Independence, ngài Thomas Jefferson (1743-1826, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1801-1809) đã đề cập BA QUYỀN CƠ BẢN KHÔNG THỂ BỊ TƯỚC ĐOẠT của con người: Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền Sở Hữu. Luật đời mà như thế thì tại sao chúng ta dám khinh suất Thánh Luật của Thiên Chúa?

Ngày xưa, ác vương Hêrôđê chỉ giết các trẻ em trong vùng Bêlem và lân cận từ hai tuổi trở xuống. Nhưng ngày nay, các ác nhân giết bất kỳ ai và ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí giết cả cha mẹ và thân nhân của họ. “Dòng dõi” Hêrôđê ngày nay thâm độc hơn, tinh vi hơn, và khó nhận ra hơn. Nếu có bị phát hiện thì họ viện nhiều lý do để biện hộ cho hành vi ác độc của mình. Ác nhân luôn lắm chiêu trò lươn lẹo, lọc lừa, xảo trá. Đó là một loại đại dịch cũng nguy hiểm không khác gì Cúm Tàu Cộng.

Tiền nhân nói chí lý: “Được vạ thì má đã sưng.” Nếu pháp luật có xét xử và kết án đúng mức thì trẻ em cũng đã chết rồi. Chỉ tội nghiệp các trẻ em vô tội mà bị sát hại một cách oan uổng! Những kẻ làm cớ vấp phạm mà còn đáng bị buộc cối đá lớn vào cổ rồi bị ném xuống biển (Mc 9:42) thì những kẻ phạm tội sát nhân vì tham lam và ích kỷ đáng bị trừng phạt thế nào? Chắc hẳn không thoát khỏi “nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng” mãi mãi – nếu không thành tâm ăn năn sám hối!

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin cho chúng con vui sống trong Thánh Luật của Ngài và được hưởng bình an đích thực của Ngài. Xin cứu thế giới khỏi mọi sự dữ, xin tác động mọi người ý thức bảo vệ sự sống và thể hiện văn minh yêu thương. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Emmanuel và Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Kính Mừng Chúa Giáng Sinh – 2021

 Sẵn Sàng Đón Đấng Emmanuel

 TRƯỜNG CA GIÁNG SINH (nhạc bản, 9 đoạn, 16 trang A4)
 Nhiệm Mầu Tình Chúa Yêu Thương – https://youtu.be/3ABCKBJCe-E
 Sao Sáng Đức Tin – https://youtu.be/Bja1Hf25DSs
 Ngôi Lời – https://youtu.be/J9uveLLSx1Y
 Hướng Về Belem – https://youtu.be/u1fPobbAgqE
 Ân Tình Giáng Sinh – https://youtu.be/cEirb9RC9ZQ
 Cung Giáng Sinh – https://youtu.be/tKz04pXnSeg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment