Saturday, December 4, 2021

TIẾNG SÓNG

Đi Tiên Phong Sống Nơi Hoang Địa
Gọi Sám Hối Ngay Giữa Cuộc Đời

Thánh Gioan Tẩy Giả là “dấu cộng” của Cựu Ước và Tân Ước, được gọi là Tiền Hô (người dọn đường cho Chúa Giêsu), là Tẩy Giả (người làm phép rửa cho Chúa Giêsu), và là người rất… “bụi đời” – vì ông “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3:4) Thế nhưng “kẻ bụi đời” đó lại được mệnh danh là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” [Lc 1:76 – Thánh ca Chúc Tụng (Benedictus), và “nên cao cả trước mặt Chúa.” (Lc 1:15) Tuy vậy, ông Gioan vẫn khiêm hạ, nhận mình là người “không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu.” (Lc 3:16)

Cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả có nhiều “điểm lạ.” Mẹ ông mang tiếng là son sẻ (ngày nay gọi là “vô sinh”), nhưng Thiên Chúa đã thương nhậm lời cầu xin và cho bà mang thai khi bà đã luống tuổi. Còn cha ông, vì không tin vợ mình mang thai nên bị câm cho đến khi bé Gioan chào đời và chịu phép cắt bì. Khi đó, mọi người cũng thấy lạ nên để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1:66)

Và rồi đứa trẻ ấy “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.” (Lc 1:80) Thánh Gioan Tẩy Giả còn khiêm nhường hơn khi ông nói về Đức Giêsu: “Người phải NỔI BẬT lên, còn tôi phải LU MỜ đi.” (Ga 3:30) Bác Gioan nhà ta thật lạ. Gọi là “bác” cho thân thiện, đúng cấp bậc dòng họ, và cũng hợp với ngôn ngữ Việt Nam, vì ông là anh họ của Thầy Giêsu.

Cái gì cũng có nguyên nhân và hệ quả. Công minh và công bằng rạch ròi: Trời sinh một bậc kỳ tài là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời bắt người đó phải trải qua trăm cay ngàn đắng.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng không ngoài quy luật đó. Cuối cùng, ông còn phải chết nhục nhã bằng cách bị chém đầu vì một vũ nữ lăng loàn trắc nết, (x. Mt 14:3-11; Mc 6:17-19) chứ không được chết hiên ngang ngoài pháp trường như những vị tử đạo khác. Mà cũng tại ông vua nhu nhược Hêrôđê, vì mê gái, đã lỡ hứa cho cô gái đó bất cứ thứ gì, dù là nửa quốc gia. Khiếp thật! Thế nhưng cô ta không cần nửa đất nước mà chỉ khoái cái thủ cấp của Bác Gioan thôi.

Tuy nhiên, ông Gioan Tẩy Giả vẫn được Đức Kitô đề cao: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11:11)

Thánh Gioan Tẩy Giả gợi nhớ hình ảnh Thánh Gióp, một người chịu nhiều đau khổ và mất mát đến tột cùng. Giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài.” (G 38:8-10) Rồi Ngài cho ông biết: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (G 38:11) Tự do cũng phải có giới hạn ngay trong sự tự do.

Tiếng sóng vỗ ngàn năm vẫn thế, chỉ mạnh và nhẹ khác nhau. Tiếng sóng có lúc da diết, có lúc êm đềm, có lúc lãng mạn, có lúc sôi nổi, và có lúc lại thét gào dữ dội. Khi biển lặng, sóng vỗ rì rào êm đềm thật thú vị; nhưng khi biển giận dữ, không ai biết sóng thần nổi lên lúc nào, có chạy cũng không kịp!

Thánh Vịnh gia cho biết: “Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường việc Chúa làm nên và kỳ công Ngài thực hiện giữa dòng nước lũ.” (Tv 107:23-24) Thiên Chúa không là người thích đùa dai, con người quá quắt nên Ngài mới ra tay uy lực, không phải để triệt hạ mà để tỉnh thức lương tâm con người: “Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.” (Tv 107:25) Lúc đó, “họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc.” (Tv 107:26) Khủng khiếp quá, chịu gì nổi!

Nhưng “khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng.” (Tv 107:28-29) Thiên Chúa “hay quên” lắm, thế nên Ngài không hề nhớ tới lỗi lầm người ta xúc phạm tới mình trước đó. Thật may cho chúng ta! Thấy vậy, “họ vui sướng, vì trời yên bể lặng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv 107:30) Tuy nhiên, như người Việt có câu: “Bình thường chẳng nhớ đến tai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ.” Có ai bị nóng tay mà không sờ vô trái tai? Con người là thế. Chúng ta là vậy. Bạc bẽo vô cùng. Thế nên tác giả thánh vịnh thốt lên: “Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.” (Tv 107:31)

Sau khi ngã ngựa và được Chúa thức tỉnh, Thánh Phaolô phải nói ra: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” (2 Cr 5:14a) Ông giải thích: “Nếu một người đã chết thay cho mọi người thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.” (2 Cr 5:14b-15) Đó mới là cách sống ý nghĩa. Ý nghĩa vì không còn ích kỷ, không còn sống cho riêng mình nữa. Ông nói thêm: “Từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa.” (2 Cr 5:16) Tại sao? Thánh Phaolô giải thích: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cr 5:17)

Thật vậy, tất cả chúng ta đều trở nên thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô, vì chúng ta được tắm gội trong chính Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Ngài, tức là chúng ta được hưởng nhờ lòng thương xót vô biên của Ngài. Biển tình của Chúa luôn vỗ sóng, chúng ta phải lắng nghe tiếng-sóng-mời-gọi-tha-thiết ấy để có thể mau mắn đáp lại. Chúng ta hãy noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả luôn lắng nghe và hành động theo Ý Chúa, luôn khiêm nhường và đề cao Chúa một cách tuyệt đối.

Thánh sử Mác-cô kể rằng, chiều hôm ấy, Đức Giêsu bảo các môn đệ cùng sang bên kia sông. Các ông chở Ngài đi, vì Ngài đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Ngài. Nhưng bỗng dưng một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các ông thấy Sư phụ tỉnh rụi như không có chuyện gì, thế nên các ông vội đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38)

Đức Giêsu thức dậy, vẫn điềm tĩnh. Nếu là chúng ta, chắc hẳn chúng ta bực mình và càu nhàu dữ lắm. Nhưng Ngài không nói gì, không hề trách các đệ tử. Rồi Ngài ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” (Mc 4:39) Lạ thay, gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Ngài bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4:40) Ngài hỏi nhẹ nhàng mà các ông đau điếng. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4:41)

Con người yếu đuối và kém đức tin thế đó. Không thể nói “ngon.” Các môn đệ tận mắt chứng kiến Sư phụ làm nhiều phép lạ mà vẫn chưa đủ lòng tin, thậm chí còn hoang mang ngay khi ở bên Thầy mình. Thật vậy, “nói trước thì bước không qua.” Chúng ta cũng vậy, e rằng còn tệ hơn nữa kìa!

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu thay nguyện giúp chúng ta luôn biết dành vị trí ưu tiên số một cho Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Đại Dương Lòng Thương Xót, xin thêm đức tin cho chúng con, (Lc 17:5) xin dạy chúng con biết lắng nghe Tiếng-Sóng-Chúa và xin làm sóng lòng chúng con yên lặng dù biển đời vẫn động. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

ĐỐ VUI KINH THÁNH

Gioan Tẩy Giả ngày xưa
Ăn gì và mặc thứ gì biết không?

Gioan sống bụi khác thường
Dây da làm nịt, áo lông lạc đà
Đồ ăn đơn giản, qua loa
Mật ong, châu chấu cho qua tháng ngày
(xem Mc 1:6)

No comments:

Post a Comment

Comment