Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

CÁI NGHÈO

Giáng Sinh nhắc nhở yêu thương, bởi vì Chúa giáng sinh trong cảnh cơ hàn. Cái nghèo là cái “nổi bật” trong cảnh giáng sinh, nhưng người ta thường làm cho người khác cảm thấy vui nhộn vì sự hào nhoáng. Giáng Sinh gắn liền cái nghèo, cái nghèo gắn liền cái khổ. Nghèo thì khổ, và gọi tắt cho gọn là Nghèo Khổ.
Ai cũng biết đời là khổ – có khi là bể khổ, có khi là hố khổ, có lúc là núi khổ hoặc đồi khổ, có lúc lại là thung lũng khổ. Khổ dai như đỉa đói, dai nhách như cao su cắt không đứt. Khổ đêm, khổ ngày. Khổ gầy, khổ béo. Khổ xéo, khổ xiên. Khổ trên, khổ dưới. Khổ tới, khổ lui. Khổ mãi chẳng qua. Khổ xa, khổ gần. Khổ lầm lũi, khổ lủi thủi, khổ mà thấy tủi. Khổ đủ kiểu, đủ mức. Có nhiều thứ khổ, nhưng có lẽ cái khổ cụ thể nhất là cái nghèo – dù cái nghèo chỉ nhỏ xíu, bé tẹo teo. Khổ mãi. Khổ hoài. Khổ miết. Và… khổ tới chết!
Trong thi phẩm “Vịnh Cảnh Ngèo,” thi sĩ Nguyễn Công Trứ (1778–1858, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, nhà chính trị và quân sự thời nhà Nguyễn) đã từng than thở về phận nghèo bọt bèo, nhưng ông không bi quan mà vẫn hy vọng tương lai xán lạn:
Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần
Bởi vì nhà khó hóa bần thần
Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo
Nghĩ phận thằng cùng phải biết thân
Số khá, bĩ rồi thời lại thái
Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân
Giời đâu riêng khó cho ta mãi
Vinh nhục dù ai cũng một lần
Với trí óc nông cạn và thiển cận, con người không thể hiểu hết “ý trời” nên cho là hên – xui hoặc “số kiếp.” Có thể cũng đúng khi nói “số kiếp” – một dạng theo kiểu tiền định, bởi vì tất cả đều là Ý Chúa – dù một sợi tóc cũng không ngoài ý Ngài, sợi nào rụng hay còn thì Ngài đã đếm hết rồi. (x. Mt 10:30; Lc 12:17) Cái nghèo rất mông lung, đa dạng, không thể định mức chính xác. Vậy thế nào là nghèo? Rất khó phân định. Nhưng theo Kinh Thánh, người nghèo là người “chẳng có gì cả.” (2 Sm 12:3) Đơn giản chỉ thế thôi. Ôi, thế thì te tua, tơi tả, tê tái thật!
Như đã nói, Giáng Sinh liên quan cái khổ. Giáng Sinh sao lại nói chuyện khổ thế? Buồn lắm! Bàn chuyện nghèo không phải để than vãn, ủy mị hoặc bi quan, yếm thế, mà để nhận diện cái nghèo, biết nó để yêu quý nó, chứ không xa lánh hoặc ghê tởm. Cái nghèo đáng yêu chứ không đáng ghét, bằng chứng là Chúa Giêsu đã chọn cách sinh nghèo và sống nghèo để dạy bài học về cái nghèo. Đã và đang có các đệ tử chọn cái nghèo của Ngài để sống: Thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Teresa Calcutta,…
Ở đâu cũng thấy cái nghèo, ngay cả ở những nơi hoa lệ, đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em.” (Mt 26:11; Mc 14:7; Ga 12:8) Nghĩa là Ngài bảo chúng ta phải biết thương người nghèo. Thật lạ lùng, cái nghèo có thể là liệu pháp hoặc biệt dược để tăng lực chúng ta: “Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ.” (G 36:15) Biết vui vẻ chấp nhận cái nghèo thì có phúc, ngược lại thì hóa khốn: “Hãy coi chừng, đừng để cho mình bị giàu sang mê hoặc, hay bị lung lạc vì quà cáp bạc tiền.” (G 36:18)
Người Việt có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.” Nhiều người giàu hóa nghèo vì ỷ lại, khinh đời và khinh người, và rồi cái gì đến cũng đến, như Kinh Thánh cho biết: “Cái nghèo sẽ đến như tên du thủ du thực, cảnh bần cùng sẽ đột nhập như người có vũ trang.” (Cn 6:11 và Cn 24:34)
Chắc chắn không ai muốn nghèo, nhưng có người cố gắng mãi vẫn không “ngóc đầu” lên được, dù họ chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó chứ không hề lười biếng hoặc bất cần. Chúa rất thương những người đó, nhưng chưa tới lúc Ngài ra tay tế độ. Ngài không để ai chịu đựng quá sức, và Ngài sẽ ra tay đúng lúc: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.” (Tv 72:12-13a)
Thiên Chúa là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8:9) Mỗi dịp Giáng Sinh là thời điểm tốt để chúng ta nhận biết rõ ràng điều đó: Hang đá hoang lạnh, đám mục đồng nghèo, bầy súc vật, xung quanh vắng lặng giữa đêm khuya khoắt. Tưởng tượng cũng có thể nhận biết sự hiu quạnh như thế nào. Thật là khổ khi chẳng ai quen biết để nhờ vả trong cơn khốn khó và túng bấn!
Thánh Gia là một gia đình nghèo khổ quá chừng! Nghe hai từ “kiếp nghèo” là thấy “oải” lắm rồi. Chẳng ai muốn “dính líu” tới nó mà nó như ma trơi cứ đeo bám sát nút. Nhưng cuộc đời vẫn có vô vàn kiếp nghèo ở khắp nơi trên thế giới, ngay bên chúng ta cũng vẫn có nhiều. Kiếp nghèo như một “định mệnh” mà người ta khó có thể biến chuyển số phận. Thật vậy, ca dao Việt Nam có lời than thở này:
Cây khô tưới nước cũng khô
Người nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo
Ôi chao, sao mà bi đát quá! Cái nghèo KHÔNG LÀ TỘI nhưng có thể là “cái vạ”, bởi vì nó như quỷ tha ma ám, đeo bám người ta mà không chịu buông tha. Với kinh nghiệm trường đời, người ta thường có cách nói ví von: “Nghèo rớt mồng tơi, nghèo ho ra máu, nghèo lụi vô bờ, nghèo phơ tóc bạc, nghèo khạc ra khổ, nghèo bổ ngửa ra, quỷ tha ma bắt.” Đúng là khổ thật, khổ quốc tế, khổ kinh niên, khổ vô duyên, khổ truyền kiếp!
Nghèo khổ nhưng vẫn còn diễm phúc vì Thiên Chúa rất thương xót người nghèo. Chính Ngài đã “bắt” Thánh Tử Ngôi Hai nhập thể và nhập thế trong hoàn cảnh vô cùng nghèo hèn để đồng cam cộng khổ với nhân loại chúng ta – đặc biệt là đối với những con người nghèo hèn, bé mọn. Có thể nói rằng Lễ Giáng Sinh là… “lễ nghèo” – vì Con Chúa giáng sinh làm người trong cảnh cơ hàn, khó khăn, trong hoàn cảnh te tua, tơi tả, thê thảm!
Trở lại Belem ngày xưa, Kinh Thánh cho biết trong một đêm giá lạnh, Sứ thần báo tin cho các mục đồng biết “dấu hiệu đơn giản” về Chúa Hài Đồng – Vương Nhi Giêsu: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Thế thôi, chẳng có gì hơn. Nghèo thấy rõ. Nhìn là biết nghèo rớt mồng tơi rồi!
Rồi Thánh sử Luca cho biết: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Các mục đồng là dân nghèo thứ thiệt, nghèo “chính hiệu,” vì họ là mục đồng, những người chăn súc vật, nhưng họ chỉ là những người chăn thuê, chứ họ chẳng sở hữu con vật nào ráo trọi. Một thực-tế-buồn như vậy đấy!
Và rồi CHỈ CÓ NGƯỜI ĐÃ TỪNG NGHÈO MỚI BIẾT THƯƠNG XÓT NGƯỜI NGHÈO, ngoài ra chỉ là NÓI PHÉT (chữ “nói phét” của người miền Bắc có ý nghĩa “mạnh” hơn chữ “nói láo” của người miền Nam và Trung), vì có những người mang danh nghĩa là hoạt động tông đồ Lòng Chúa Thương Xót nhưng không hề thương xót đúng nghĩa của Chúa Giêsu. Quả thật, đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Có ăn nhạt mới biết thương mèo.” Câu nói rất đơn giản nhưng thâm thúy lắm, chí lý lắm!
Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa thương xót, vì thế bất kỳ ai cũng có TRÁCH NHIỆM và BỔN PHẬN phải loan báo Tin Mừng và loan truyền Lòng Chúa Thương Xót, chứ chẳng riêng ai. Tuy nhiên, những người được giao đặc trách thì PHẢI có cách sống tốt nổi trội hơn người khác mới là hợp lý (theo kiểu loài người) và đúng luật (theo Ý Chúa). Thực sự CHÚA CHỈ THƯƠNG XÓT NHỮNG AI KÍNH SỢ NGÀI, (Lc 1:50) ai kính sợ Ngài thì phải làm sao cho hợp lý. Cái “hợp lý” ở đây mới là mức độ “đau cái điền” (điên cái đầu, nhức đầu). Cây càng cao, gió càng lay. Tự nhiên là thế!
Liên quan vấn đề thương xót, dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10:30-37) cho thấy rõ bằng câu chuyện kể về một người bị cướp dọc đường. Thầy tư tế và thầy Lêvi đi qua, sợ khó đến thân nên bỏ đi, mặc kẻ bị nạn bán sống bán chết. Một người Samari thấy vậy thì “chạnh lòng thương,” đưa nạn nhân vào bệnh viện (hoặc trạm xá, hoặc nơi y tế nào đó), ông ta “đặt cọc” một số tiền (vì túi ông hiện chỉ có như vậy), rồi căn dặn và hứa với người chăm sóc: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Lời hứa của ông được chấp nhận chắc hẳn người ta thấy ông là người uy tín lắm.
Nói xong, Chúa Giêsu hỏi ai trong ba người đó là người-lân-cận. Thầy thông luật “vô tư” trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Chúa Giêsu chỉ nhẹ nhàng nói: “Ông HÃY ĐI, và cũng HÃY LÀM như vậy.” Lời Chúa nói với người Samari hay nói với mỗi người chúng ta? Như thế mới là thương xót! Chúng ta có can đảm nhìn và tự hỏi: Tư tế và Lêvi là ai? Họ là thầy dạy cái gì? Còn Samari là ai? Họ KHÔNG DẠY cũng KHÔNG NÓI, nhưng họ LÀM. Có ai thấy “nhức đầu” chút nào? Nếu thực sự cảm thấy “nhức đầu”, đó là dấu hiệu tốt.
Rất đa dạng Giáng Sinh, mỗi người mỗi vẻ: Giáng Sinh rộn ràng. Giáng Sinh lạnh lẽo. Giáng Sinh đẹp đẽ. Giáng Sinh huy hoàng. Giáng Sinh đầm ấm. Giáng Sinh ngọt ngào. Giáng Sinh giản dị. Giáng Sinh phức tạp. Giáng Sinh hoành tráng. Giáng Sinh lặng lẽ. Giáng Sinh hào nhoáng. Giáng Sinh tưng bừng. Giáng Sinh thánh thiện,...
Ngắm nhìn Thánh Gia nơi hang đá Belem (trong TÂM TRÍ nhiều hơn trong THỰC TẾ – vì các Hang Đá ngày nay không nghèo chút nào), có nhiều bài học giá trị liên quan nhân phẩm, nhân vị và nhân quyền. Ước mơ của người nghèo đơn giản lắm, thế mà sao lại khó hiện thực quá chừng!
Đại văn hào Victor Maria Hugo (1802–1885, Pháp quốc) nhận định: “Có ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ: sự tha hóa của đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của phụ nữ qua cơn đói, sự teo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối.” Đó là vấn đề “to lớn” khiến chúng ta phải suy tư nhiều! Cũng liên quan vấn đề nghèo, Kinh Thánh cho biết: “Trí khôn ngoan hơn cả sức mạnh, nhưng cái khôn của người nghèo lại bị khinh dể, lời người ấy nói, chẳng ai chịu lắng nghe.” (Gv 9:16) Sự thật phũ phàng biết bao!
Khi đề cập cái nghèo, chúng ta cũng nên phân biệt sự giàu – nghèo về vật chất hay tinh thần (tâm linh). Thiết tưởng cũng đáng lưu ý điều này: Người ta nghèo không phải vì CÓ ÍT mà vì MUỐN NHIỀU (sở hữu tiền bạc, của cải,... nói chung là vật chất). Đó mới thực sự là mức nghèo đáng quan ngại, thậm chí là nguy hiểm, bởi vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc. (1 Tm 6:10) Thế nhưng dạng nghèo tâm linh còn nguy hiểm hơn và đáng sợ hơn nhiều!
Rất khó phân định rạch ròi cái “khoảng” giàu – nghèo. Thật vậy, giàu có hay nghèo khổ còn phụ thuộc vào tỷ lệ giữa ƯỚC VỌNG và SỰ THỎA MÃN của mỗi người. Có người sống nghèo mà vẫn giàu (sang), có người sống giàu có mà vẫn nghèo (khổ). Riêng về lĩnh vực tâm linh, tất cả phàm nhân đều nghèo hèn trước mặt Thiên Chúa.
Sinh – tử không thể tách rời. Có câu chuyện “Cái Quan Tài” kể rằng: Ở một làng nọ có tục lệ mỗi người phải tự mua cho mình một cái quan tài để sử dụng khi nhắm mắt xuôi tay. Một hôm, có một ông lão nghèo nàn, ăn mặc rách rưới, đến trại hòm để mua quan tài. Ông lão nói với ông chủ:
– Tôi muốn mua một cái hòm.
Ông chủ trại hòm chau mày, nhăn nhó, và hỏi:
– Ở đây có 3 loại. Loại tốt nhất 100 quan tiền, loại thứ hai 50 quan tiền và loại rẻ nhất 10 quan tiền. Ông muốn mua loại nào?
Ông lão nghèo cẩn thận lấy ra từ trong áo một túi tiền. Ông đổ chúng lên sàn rồi đếm đi đếm lại. Sau đó, ông đưa mắt nhìn về phía ông chủ trại hòm:
– Cho tôi loại 10 quan tiền.
Ông chủ trại hòm nhìn ông lão với thái độ khinh dể, rồi hất hàm về phía người làm công:
– Ra phía sau trại, lấy rồi chở về nhà cho lão ấy!
Đúng lúc đó, một ông lão trông có vẻ giàu có cùng đi với hai tên hầu. Ông ta bước vào, lên giọng ngông nghênh:
– Chọn cho ta một cái hòm loại tốt nhất. Bao nhiêu tiền cũng được.
Ông chủ trại cúi chào rồi bảo:
– Thưa ngài, loại đắt nhất 100 quan ạ.
Ông lão giàu có quay sang nhìn ông lão nghèo với cặp mắt thương hại:
– Như ông chắc không có tiền mua loại đắt nhất rồi.
Ông lão nghèo vừa mỉm cười vừa điềm đạm nói:
– Thì ra NGƯỜI NGHÈO và NGƯỜI GIÀU khi chết cũng KHÁC NHAU, nhưng KHÁC NHAU chỉ 90 quan tiền.
Ông lão nghèo trả tiền rồi ra về cùng với cái hòm giá 10 quan tiền, trong khi lão nhà giàu và ông chủ trại vẫn đứng trơ ra vì cái triết lý sâu sắc của ông lão nghèo nàn kia.
Chuyện đời vẫn thường như thế. Giàu thì hay chảnh, nghèo mà còn chảnh thì đáng quan ngại hơn. Danh lợi và vật chất không thể mang xuống mồ, thế nên hãy cố gắng sống tốt và sống hữu ích. Giàu – nghèo hoặc sang – hèn gì thì khi nằm xuống cũng tay trắng, và chỉ cần ba thước đất.
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Đời người ngắn ngủi, và chẳng còn gì ngoài nắm tro, có còn chăng là lòng yêu thương nhân hậu vẫn lưu lại trong lòng người khác... Hơn – kém nhau là ở chỗ đó. Lựa chọn thái độ sống là chọn chỗ tốt cho mình trước mặt Thiên Chúa và trong lòng người đời khi mình vĩnh viễn ra đi...
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài miễn cho con hai điều này thôi, và con sẽ không trốn để khỏi giáp mặt Ngài: Xin đừng để tay Ngài đè nặng lên con, và đừng làm con kinh hoàng sợ hãi. (G 13:20-21) Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con. (Cn 30:7-9) Một lần Ngài phán dạy, con nghe được hai điều, rằng: Ngài nắm quyền uy và giàu lòng nhân hậu; rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người. (Tv 62:12-13) Amen.
TRẦM THIÊN THU
Kính Mừng Chúa Giáng Sinh – 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment