Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

BẢN HỢP XƯỚNG MẦU NHIỆM

Câu chuyện tình Chúa giáng sinh là vấn đề muôn thuở và là đề tài thời sự nóng hổi đối với bất kỳ ai – dù ngoại giáo hay tín nhân, dù hữu thần hoặc vô thần, bởi vì sự giáng sinh của Hài Nhi Giêsu không còn là chuyện riêng của Công giáo hoặc Kitô giáo, mà là câu chuyện mang tính quốc tế, toàn cầu. Ai cũng phải công nhận rằng Lễ Giáng Sinh có điều gì đó kỳ diệu khôn tả.

Công tâm mà nói, không có một nhân vật nào được cả thế giới chú ý như Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô. Trong cái se lạnh hoặc giá lạnh – tùy vùng miền hoặc quốc gia, lòng người ta lắng xuống như đông đặc trong hơi lạnh, và có cái gì đó chộn rộn theo ánh đèn chớp nháy trên cửa các nhà dọc theo đường đi, từ thành thị tới thôn làng. Giai điệu nhạc giáng sinh réo rắt, dù là nhạc đời, khiến người ta không thể bình lặng như những ngày bình thường.

DẠO KHÚC

Địa danh Bethlehem (Belem hặc Bêlem) là nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra, một nơi có thật, thế giới phải công nhận chứ không là nơi bịa đặt hoặc truyền thuyết. Bethlehem có nghĩa đen là “Nhà Thịt Cừu Non” – tiếng Ả Rập là بيت لحم (Bayt Laḥm), tiếng Hy Lạp là Βηθλεέμ (Bethleém), tiếng Do Thái là בית לחם (Beit Lehem, nghĩa là “Nhà Bánh Mì”).

Belem là thuộc Palestine, miền trung Bờ Tây, cách Giêrusalem khoảng 10 km (6,2 dặm) về phía Nam. Belem có khoảng 30.000 cư dân, là thủ phủ của Nha Thủ Hiến Belem (Bethlehem Governorate), thuộc chính quyền quốc gia Palestine (Palestinian National Authority) và là Trung tâm Văn hóa & Du lịch của Palestine. Theo địa lý, Belem ở độ cao 775 m (2.542,7 ft) so với mực nước biển, và ở độ cao 30 m (98,4 ft) so với Giêrusalem và các vùng lân cận.

Trong lịch sử nhân loại, có hàng triệu trẻ thơ đã, đang và sẽ trở thành những vị vua, quốc trưởng, tổng thống,… nhưng chỉ một lần có một Vị Vua hóa thân thành Hài Nhi, đó là Đức Giêsu Kitô – Đấng Thiên Sai, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất. Ngài xuất hiện sau rất nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới, nhưng Ngài lại có trước từ muôn thuở, vì Ngài là Đấng tự hữu và tạo dựng muôn loài muôn vật.

Khoa học gia kiệt xuất Isaac Newton (1643-1727) minh định: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những gì được ghi chép trong Kinh Thánh, vì Kinh Thánh được viết bởi những người được Thiên Chúa mặc khải. Tuy khoa học chưa có thể khiến chúng ta hiểu rõ khởi nguyên của vạn vật, nhưng những điều đó dẫn dắt chúng ta hướng về Đấng Sáng Tạo vẫn bao quát hết thảy mọi thứ trong vũ trụ. Cả vũ trụ này đều do Thiên Chúa tạo nên, không có gì ngẫu nhiên.” Người ta càng giỏi càng nhận biết Thiên Chúa, không cố chấp dị hợm như những người giỏi nửa vời.

Chúng ta đang sống những giây phút cuối cùng của Mùa Vọng, tín nhân cần duy trì can đảm để sống cho trọn nỗi mong chờ trong niềm hy vọng Con Thiên Chúa giáng sinh vì yêu thương chúng ta và ở với chúng ta để chia vui sẻ buồn của kiếp phàm nhân.

Qua Kinh Thánh, chúng ta biết đã có những nhân vật quan trọng là mẫu gương điển hình cho chúng ta về cách sống Mùa Vọng. Đó là ngôn sứ Isaia, người “mở đường” Gioan Tẩy Giả, ông già Simêon, bà tiên tri Anna,… đặc biệt là Đức Giuse và Đức Maria. Các vị này đã can đảm sống trọn Mùa Vọng và đã được mãn nguyện. Cần cố gắng tỉnh thức Mùa Vọng này, Mùa Vọng của cuộc đời riêng và Mùa Vọng đối với ngày Chúa Giêsu quang lâm.

Sự thật không thể trật. Ngày xưa ngôn sứ Isaia đã xác định: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.” (Is 62:1-3) Chính các điều đó chắc chắn ứng nghiệm khi Con Thiên Chúa giáng sinh. Đó là hồng ân quá lớn lao bởi lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, mặc dù chúng ta hoàn toàn bất xứng.

Thật diễm phúc vì khi đó, chúng ta sẽ được tự do, thoát mọi sầu khổ: “Chẳng ai còn réo tên ngươi là đồ-bị-ruồng-bỏ!, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bạc duyên đơn,’ nhưng ngươi được gọi là ‘ái khanh lòng Ta,’ xứ sở ngươi nức tiếng là ‘duyên thắm chỉ hồng.’ Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62:4-5) Rất cụ thể với cách ví von của Kinh Thánh, để trí tuệ phàm nhân của chúng ta có thể hiểu được.

Với cách dẫn chứng cụ thể, Thánh Phaolô cho viết: “Sau khi truất phế vua Saun, Người đã cho ông Đavít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đavít, con của Giesê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.” (Cv 13:22-24) Điều đáng lưu ý là khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.” (Cv 13:25) Sự khiêm nhường của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả tuyệt vời quá! Đó là bài học lớn cho mỗi chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Qua trình thuật Mt 1:18-25 (≈ Lc 2:1-7), Thánh sử Mátthêu cho biết cuộc truyền tin cho Đức Giuse Công Chính, cho biết gốc tích của Đức Giêsu Kitô: Đức Maria, mẹ Người, đã thành hôn với Đức Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, Đức Maria đã có thai. Như sét đánh mang tai khi nghe tin động trời như vậy, Đức Giuse bối rối, khó xử, khổ tâm, bỏ thì thương mà vương thì tội. Ngài không muốn tố giác Vị Hôn Thê, vẫn tin Nàng thánh thiện, thế nên ngài định tâm rời bỏ Nàng cách kín đáo, an toàn cho cả hai. Nhưng khi Đức Giuse toan tính và ngủ thiếp đi, sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Tất cả sự việc này xảy ra để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, Đức Giuse đã làm như sứ thần nói và vui vẻ đón vợ về nhà. Tuy là vợ chồng nhưng hai người không ăn ở với nhau. Khi Đức Maria sinh một con trai, Đức Giuse đặt tên cho con trẻ là Giêsu, đúng như lời sứ thần báo mộng chín tháng trước đó.

Cuối cùng, hai Đấng đã hoàn tất Mùa Vọng khi Hài Nhi Giêsu sinh ra tại hang đá Belem trong một đêm khuya giá lạnh, giữa tiếng ca đoàn thiên thần đồng thanh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)

GIAI KẾT

Bản nhạc nào cũng có giai kết, dù là bản trường ca. Không có gì vô tận trên đời này. Giai điệu mong chờ cũng có hồi kết. Mùa Vọng nào cũng sẽ kết thúc. Và Giờ G đã điểm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14) Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ngài là Đấng Ái Tử, Đấng Emmanuel, là Ngôi Hai Thiên Chúa, và là Vua Công Lý. Nơi mỗi tín nhân, niềm vui dâng cao và tự nhủ: “Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Thiên Chúa, là Đức Vua cao cả.” (Tb 13:16) Và cùng chia sẻ niềm vui đó với người khác – đặc biệt là người nghèo: “Các bạn nghèo hãy vui lên!” (x. Tv 34:3; Tv 69:33)

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; 1 Cr 2:10) thấu suốt mọi tâm can, (Cn 16:2; Cn 21:2; Kn 1:6; Kn 7:23; Gr 11:20; Gr 20:12; Cv 15:8; Rm 8:22) và Ngài chuẩn bị đầy đủ từ trước muôn thuở muôn đời.

Thánh Gioan xác định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, không có Người thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1:1-3) Ngôi Lời đó đã hóa thành nhục thể, mặc xác phàm, trở nên hoàn toàn giống phàm nhân – trừ tội lỗi. Thật vậy, “điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1:4-5)

Chính Ngôi Lời Nhập Thể là Ánh Sáng Cứu Độ hằng chiếu soi muôn dân. Trong đêm năm xưa tại Belem, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần trấn an và động viên: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy MỘT TRẺ SƠ SINH BỌC TÃ, NẰM TRONG MÁNG CỎ.” (Lc 2:11) Các mục đồng là những chứng nhân đầu tiên về việc Con Chúa giáng sinh làm người. Họ diễm phúc vì họ đơn sơ, thật thà, hèn mọn, khiêm nhường,…

Mỗi dịp mừng Chúa giáng sinh, khi lặng nhìn hang đá, chúng ta thấy một gia đình nghèo thực sự. Nghèo nhưng không Hèn theo kiểu Việt ngữ nói là Nghèo Hèn. Thiên Chúa tối cao mà lại tự nguyện hóa thân là một Hài Nhi yếu đuối, không thể tự vệ, và còn sinh ra trong cảnh nghèo hèn tới mức không thể nghèo hèn hơn nữa. Nghèo thì Khó. Bài học nghèo khó thật là khó học thuộc. Một phần khó học thuộc “bài học nghèo” vì chúng ta không muốn học: Cách làm hang đá ngày nay sang trọng quá, nhìn vào thấy như “khách sạn cao cấp” vậy. Do đó, ý tưởng về sự nghèo khó dần dần trở nên lỗi thời, nhất là trong xã hội ngày nay, người ta coi trọng vật chất – chẳng khác gì duy vật, thường đánh giá con người qua hình thức bề ngoài, sự thành công bị “định giá” theo vật chất, thậm chí cả sự giỏi giang cũng bị định giá theo kiểu đó.

Chúa Giêsu tự hạ đến tột cùng, trở thành Đệ Nhất Hàn Vương. Ngài muốn dạy chúng ta bài học nghèo khó mà là nhân đức nghèo khó – Nghèo Khó chứ không Khó Nghèo, bởi vì người ta sẽ lấy cớ mà biến ra Khó Mà Nghèo!

Thánh “phượng hoàng” Gioan nói: “Ai giữ lời Ngài dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.” (1 Ga 2:5) Chia sẻ là một cách sống khôn ngoan. Tặng phẩm giáng sinh tuyệt vời nhất dành cho nhau là chính Chúa Giêsu, đem Chúa Giêsu đến cho những ai chưa nhận biết Ngài. Giáng Sinh là bài học sống động về Mầu Nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế: lên đường, ra khơi, vào đời, dấn thân phục vụ, hành động tự nguyện vì yêu mến Chúa mặc dù mình không có trách nhiệm đó. Có thể chỉ là nụ cười thân ái, cái bắt tay nhau thân thiện, lời nói cảm thông, an ủi,... Đó là cách kiến tạo hòa bình giản dị nhưng rất cụ thể, rất thực tế và thực sự sống tâm tình Chúa Giáng Sinh.

Tình Khúc Giáng Sinh có giai điệu du dương, thánh thót, và có giai kết tròn đầy, viên mãn, êm đềm,... mà không cần phải kiểu cách chi phức tạp. Có thể đơn giản chỉ im lặng ngắm nhìn Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ tâm hồn mình, lắng lòng xuống để cảm nghiệm tình yêu cao cả Thiên Chúa dành cho mình: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Như vậy cũng đủ mừng Chúa giáng sinh rồi, Ngài chẳng muốn những thứ khác đâu.

Lạy Thiên Chúa, xin bảo vệ sự sống của mọi người, đặc biệt là các thai nhi và trẻ em. Xin ban những gì cần thiết cho những ai thiếu thốn – về tinh thần hoặc vật chất, để họ có thể vượt qua mọi khó khăn giữa cuộc đời nhiêu khê ngày nay, nhất là trong lúc dịch Cúm Tàu Cộng còn nhiều nguy cơ. Xin Ngài gia tăng miễn nhiễm, gìn giữ và chữa lành thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Giáng Sinh – 2021

 Giáng Sinh Suy Tư về Sự Chết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment