Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

CHUYỆN CHÓ và LỪA

Không hiểu vì sao người ta lại nói là “tết nhất.” Có thể do “vui nhất” – bởi vì người ta nói “vui như Tết” mà. Cũng có thể do “thảnh thơi nhất” và “ăn chơi nhiều nhất.” Dù sao thì Tết vẫn là nhất, nhưng cũng có cái mệt, có cái mệt nhưng lại cũng có cái “khác thường.” Xuân thật lạ, và đúng là “Tết nhất” thật!
Thế nên, dù mệt thì cũng đáng để mệt trong niềm vui ngày Tết. Cũng vì thế, nhân dịp Xuân Mậu Tuất, xin tản mạn đôi dòng để “tám chuyện” về Con Chó.
Chúng ta biết rằng Dụ Ngôn cũng được gọi là Ngụ Ngôn. Hai danh từ này có nghĩa tương đương nhưng cũng có nghĩa khác nhau.
– Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra kiểu chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục để răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là con người hoặc thần linh.
– Dụ ngôn (parable, parabole) cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu thường sử dụng thể loại này, tức là Ngài dùng “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn.”
Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn để minh họa chân lý, dùng hình ảnh thực tế trên thế gian nhưng mang ý nghĩa trên trời. Ngài thích sử dụng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo, như Kinh Thánh đã xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn.” (Mt 13:34; Mc 4:34) Có khoảng 35 dụ ngôn trong các Phúc Âm nhất lãm.
1. NGỤ NGÔN
Có câu chuyện ngụ ngôn “Con Chó và Con Lừa” kể rằng…
Ngày xưa, có một người đàn ông sống trong một ngôi nhà nhỏ ở nông trại. Ngôi nhà của ông có rất nhiều bàn ghế đẹp còn nông trại thì trồng rất nhiều loại rau củ ngon. Ông rất tự hào về ngôi nhà và nông trại của mình.
Ông có nuôi một con lừa và một con chó nhỏ. Cả hai con đều được chủ chăm lo theo cách riêng khác nhau.
Hàng ngày, con lừa làm việc ở nông trại. Nó làm việc rất siêng năng. Nó được chủ xây cho một cái chuồng để ở vào ban đêm. Đó là một cái chuồng ấm áp và rất thoải mái. Thế nhưng, con lừa lại không bằng lòng với điều đó. Nó luôn nghĩ về con chó nhỏ: “Mình phải kẻo xe và chở hàng cả ngày dài, còn con chó nhỏ ngu ngốc đó chỉ việc chơi đùa mà lại được mọi người quan tâm!”
Mà quả thật, con chó nhỏ suốt ngày chơi đùa ở nhà. Nó rất thích chơi đùa và chơi đùa rất khéo. Chính vì thế, mọi người trong nhà đều thích nựng nó.
Sau một ngày nô đùa, tối đến, con chó nhỏ lại được ngủ trong căn phòng ấm áp ngay bên cạnh chủ nhân. Trong bữa ăn, con chó nhỏ thường làm những trò mà nó giỏi nhất. Nó ngồi trong lòng ông bà chủ và ăn những thức ăn thật ngon. Nó thật là một con chó may mắn!
Con lừa nhìn qua cửa sổ và cảm thấy rất ganh tỵ. Nó nghĩ: “Con chó đó phải rất khôn ngoan đế được ông bà chủ chú ý, cưng chiều và được ăn ngon mà chẳng phải làm gì cả như thế.” Nó thầm nghĩ: “Ước gì mình có thể giống con chó đó. Ông bà chủ sẽ cưng chiều mình và mình chẳng cần phải làm gì ngoài việc chơi đùa cả.”
Rồi một ngày nọ, nó chạy vào trong nhà và bắt đầu nô đùa giống như con chó nhỏ. Nó nhảy chồm khắp phòng. Nhưng vì quá to lớn và vụng về nên nó liên tục va vào đồ đạc, khiến căn phòng trở nên bề bộn vô cùng. Nó nghĩ “không sao” và cố sủa giống như con chó nhỏ. Thế nhưng tất cả những gì nó phát ra được chỉ là tiếng “be be” mà thôi.
Khi nhìn thấy những thức ăn thơm ngon trên bàn, nó bèn nhảy chồm lên lòng ông chủ giống như con chó nhỏ kia. Nó thầm nghĩ: “Đây có thể là bí quyết. Giờ thì ông chủ sẽ đế ý đến mình, cưng chiều mình và cho mình ăn những thức ăn ngon giống như con chó nhỏ ranh mãnh kia.”
Thế nhưng người chủ lại tỏ ra rất tức giận. Ông nhảy lên và hét lớn: “Đồ con vật vụng về! Mày nghĩ mày đang làm gì hả? Mày là con lừa chứ không phải con chó nhỏ đâu!” Nói rồi ông vớ lấy cây chổi và đuổi con lừa trở về chuồng. Bà vợ chạy sau, tay cầm cái chày cán bột còn con chó nhỏ chạy sau cùng!
Con lừa vừa kêu vừa chạy về chuồng của mình: “Be be… Be be…” Nó tự nguyền rủa mình thật ngu ngốc khi giả bộ làm con chó nhỏ. Tốt hơn nhất cứ là con lừa, làm những việc mà một con lừa nên làm, ăn thức ăn dành cho lừa và ngủ trong cái chuồng của lừa.
Con lừa tự nhủ: “Mình không giỏi làm con chó nhỏ, từ nay mình sẽ chỉ là lừa thôi.” Kể từ đó, nó chỉ làm những việc của một con lừa.
2. SUY TƯ
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chó đen giữ mực.” Ý nói về tính bảo thủ, cố chấp, không phục thiện. Người ta cũng có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Đó là nói về bản chất cố hữu của con người, không dễ gì thay đổi. Tự nhiên, khó thay đổi chứ không phải là không thể thay đổi, khó mà có thể thay đổi thì chắc chắn nên thánh.
Người này không thể là người khác. Chó đen không thể là chó trắng, chó vàng hoặc chó đốm. Chắc chắn như vậy. Nhưng người ta có thể “trở nên giống như người khác” bằng cách noi gương tốt của người khác. Ví dụ: Noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh,…
Mỗi người đều có một hoặc hai tặng phẩm. Không ai không có. Không ai bất tài, vô dụng. Thiên Chúa tạo dựng mỗi người đều có mục đích theo sự quan phòng và tiền định của Ngài. Chúng ta không thể kiêu hãnh về ơn riêng của mình mà chê trách người khác!
Ngày xưa, Thiên Chúa xác định với vua Kyrô: “Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta.” (Is 45:4) Và đó cũng là lời nhắn nhủ mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta vậy. Và hãy nghe lời Thiên Chúa giáo huấn chúng ta qua Kinh Thánh:
a. “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho MỖI NGƯỜI. Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12:6-8)
b. “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, MỖI NGƯỜI trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1 Pr 4:10)
Làm được bất cứ điều gì cũng là nhờ Hồng Ân của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã minh định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5b) Thế thì có lý do gì để mà vênh vang tự đắc? Kiêu ngạo là ngu xuẩn và điên rồ. Tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Thánh Vịnh gia đã cảm nhận và xác nhận: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 139:13-16)
Con người dễ ảo tưởng nên dễ kiêu ngạo, thế nên Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho.” (Rm 12:3) Mỗi người một việc, không việc nào hơn việc nào, không nghề nào trọng hơn nghề nào. Răng không thể chê môi yếu vì cứ phải dựa vào nó, nướu không thể ỷ lại mà chê răng không thể tự mình đứng vũng, lưỡi cũng không thể so bì với răng. Tất cả đều liên kết với nhau để thành cái miệng. Viên gạch nhỏ bé, nhưng mỗi viên gạch đều có công dụng để làm nên tòa nhà.
Con Lừa ảo tưởng nên sinh lòng ghen tỵ với con Chó, đến khi nó thử thể hiện vai trò của con Chó thì không thể. Chê và trách luôn đi đôi với nhau. Vì không vừa ý mình nên mới “chê” người khác, vì “chê” nên buông lời “trách” đủ thứ. Đó là lỗi đức ái.
Kinh Thánh cho biết: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12:9-13)
Chê trách cũng liên quan sự so sánh. Sự so sánh có thể sinh ra “tự tôn,” cảm thấy không ưa người khác, bởi vì thấy họ hơn mình về một phương diện nào đó, rồi sinh ra thâm độc, tìm cách “hạ bệ” người khác. Cũng vì so sánh mà có thể sinh ra “tự ti – mặc cảm,” hóa nhu nhược. Kiểu nào cũng cần chấn chỉnh. Tốt nhất cứ là chính mình, bình thường chứ không tầm thường, làm công việc bình thường nhưng làm một cách phi thường. Thánh Phaolô nói: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác.” (Gl 6:4)
Chính Thánh Phaolô cũng đã từng bị người ta trách là “đầy tham vọng,” và ông nói với họ: “Chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh thì họ không được khôn.” (2 Cr 10:12)
Cuối cùng, chúng ta có hai mệnh lệnh cách: [1] Mệnh lệnh cách phủ định “đừng” (không nên) – đừng hành động như con Lừa: So đo, kèn cựa, chỉ trích, chê bôi, ghen ghét,… rồi đến lượt mình làm lại chẳng ra gì – đúng là “già lừa ưa nặng,” và [2] Mệnh lệnh cách xác định “hãy” (nên) – hãy thể hiện tính đơn sơ như con Chó trong ngụ ngôn trên đây, và hãy thể hiện lòng yêu thương như con Chó trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó” (Lc 16:19-31) – con Chó thể hiện yêu thương bằng cách “liếm ghẻ chốc” cho con người nghèo khổ Ladarô. Và hãy noi gương người đàn bà Canaan luôn tin tưởng vào Thiên Chúa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” (Mt 15:21-28; Mc 7:24-30)
TRẦM THIÊN THU
Xuân Mậu Tuất – 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment