Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

GIÁNG SINH – KHỞI ĐẦU NIỀM HY VỌNG

Mọi sự đều có khởi đầu. Sự khởi đầu rất quan trọng. Người ta thường nói: “Đầu xuôi, đuôi lọt.” Những người ngoài Công giáo rất coi trọng sự khởi đầu, trong kinh doanh và buôn bán, người ta gọi là khai trương.

Kinh Thánh nói về sự khởi đầu đời thường của nhân gian: “Cưới vợ là khởi đầu sự nghiệp, là có một trợ lực tương xứng, và một cột trụ để tựa nương.” (Hc 36:24) Sự khởi đầu rất quan trọng, nhưng phải là khởi đầu tốt lành, đúng đắn, nếu không sẽ kéo theo hệ lụy xấu xa và nguy hiểm. Tại sao vậy? Kinh Thánh giải thích: “Vì khởi đầu, nguyên nhân và tột đỉnh của bất cứ một sự dữ nào, ấy là việc thờ ngẫu tượng không tên.” (Kn 14:27)

Đọc một bài thơ hoặc một bài văn, chúng ta biết chắc có tác giả. Hát một ca khúc, chúng ta biết chắc có nhạc sĩ. Và những thứ khác cũng tương tự, nhìn một vật, chúng ta biết chắc có người làm ra nó. Vũ trụ này không thể tự nhiên mà có, chắc chắn phải có Đấng tạo dựng nên nó.

Kinh Thánh xác định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.” (St 1:1) Thánh Gioan nói về Đấng Ngôi Hai Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.” (Ga 1:1-2)

Khởi đầu của công cuộc cứu độ là việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đó là Đại lễ Giáng Sinh. Sau khi Ông Bà Nguyên Tổ bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, nhân loại đi vào “ngõ cụt tội lỗi,” nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương nên Ngài đã hứa ban Con Một đến cứu độ. Và rồi Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến thế gian để khởi đầu niềm hy vọng cho nhân loại: hy vọng Ơn Cứu Độ.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót và hết mực yêu thương chúng ta, điều đó được Kinh Thánh mô tả rạch ròi: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12:20-21)

Vì thế, chúng ta vô cùng hân hoan trong niềm hy vọng thánh đức. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12:12) Nói về Lễ Giáng Sinh, thi sĩ Edgar Guest (1881-1951, Anh quốc) có cách nhận xét thú vị: “Noël là một ngày thực sự đem lại niềm hy vọng và sự hứa hẹn đối với nhân loại.”

Câu chuyện “Hope For Christmas” (Hy Vọng Giáng Sinh) là tự truyện của một người. Chuyện kể thế này…

Mùa lễ, tết đang đến, nhưng thời buổi khó khăn nên kinh tế vẫn giảm sút. Suốt vài tháng, tôi đến một nhà thờ mới. Các thông điệp hằng ngày đầy tính nhân đạo đối với chúng tôi, nhất là niềm hy vọng trong thời buổi khó khăn này. Các thông điệp đó luôn khuyến khích tôi, tôi muốn làm theo và tạo sự thay đổi trong cuộc sống của ai đó.

Rất nhiều người trong năm qua đã mất niềm tin, và quan trọng hơn, mất niềm hy vọng về một tương lai xán lạn hơn. Người ta cảm thấy thất vọng. Đường phố trở nên nguy hiểm hơn, tệ nạn nhiều hơn... Tôi nghĩ đến những người vô gia cư, về cách mà họ tìm ra sức mạnh để sống tiếp và cách mà họ vui đón Noël.

Đối diện nhà thờ là một công viên, tôi chú ý đến nhiều người vô gia cư lang thang ở đó. Tôi muốn làm cho họ Noël năm nay đặc biệt, hy vọng gợi nhớ cho họ về những dịp Noël trước, khi họ còn có gia đình và bạn bè. Vâng, tôi muốn tạo một Noël đặc biệt cho họ.

Tôi mua một số quà Noël gói trong giấy màu sáng có hình Ông già Noël. Vừa thực tế vừa ý nghĩa, tôi mua đủ thứ bánh kẹo. Nhưng đối với tôi như vậy là chưa đủ đặc biệt. Rồi tôi nhìn thấy những con gấu bông lông trắng mịn có nơ đỏ ở cổ.

Đa số dân vô gia cư ở công viên này là đàn ông. Họ có thích quà của tôi hay không? Các bạn tôi là Marlene, Jerry, Ken Marlene, Jerry và Ken cùng tôi chuẩn bị quà giáng sinh. Nhạc Noël vang lên thánh thót khắp nơi, chúng tôi cởi mở và cảm thấy mình làm đúng với công việc của mình. Chúng tôi đặt những gói quà và bánh kẹo vào các túi xách, kể cả những con gấu bông. Sáng sớm hôm Noël, chúng tôi ra công viên, chúng tôi mua thêm cà-phê và bánh bao ở dọc đường...

Đến công viên, chúng tôi thấy có ít người ở đó nên nói với nhau: “Hy vọng mình đủ số quà.” Thấy chúng tôi, khoảng hơn 20 người đến bên xe chúng tôi, nhưng không biết họ muốn gì khi chúng tôi xuống xe. Nhìn họ có vẻ mệt mỏi hoặc thất vọng khi họ thấy những bao đồ của chúng tôi.

Chúng tôi chia quà cho mọi người ngay tại đó xong, những người đàn ông kéo chúng tôi đến một cái lều, nơi họ vẫn cùng nhau ăn uống hằng ngày. Chúng tôi pha cà-phê nóng và chia bánh bao cho họ. Không ai hỏi chúng tôi xem trong các bao kia có gì. Mọi người đều kiên nhẫn, ngồi thoải mái cùng ăn bánh và nhâm nhi cà-phê.

Khi chúng tôi nói: “Chúc mừng Giáng Sinh mọi người,” họ đồng thanh chúc lại chúng tôi như vậy. Họ cười rạng rỡ và gương mặt hớn hở. Rồi chúng tôi bắt đầu phân phát các túi quà. Có người lấy hai túi vì quên, nhưng rồi họ lại trao cho người khác và nói “Chúc mừng Giáng Sinh.” Một người đàn ông trẻ thấy con gấu bông liền nói: “Tôi nhận con gấu này nha!” Nói rồi anh ôm con gấu và vỗ về nó, đôi mắt anh long lanh.

Cách thể hiện của họ làm cho chúng tôi phấn khởi – cách mà họ dành cả hai giờ đồng hồ để mở rộng con tim với nhau, quên đi những gian khổ và chia sẻ với nhau mọi thứ. Ra về, chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và hy vọng một tương lai tươi sáng ở phía trước. Chúng tôi lên xe, họ vẫy chào cho đến khi chúng tôi đi xa khuất…

Một câu chuyện đơn giản với những tâm hồn dung dị nhưng đôn hậu, đầy tính nhân bản và đậm đà tình yêu thương, mặn mà lòng thương xót. Sự chia sẻ đó mang tính liên đới Kitô giáo. Thật tuyệt vời biết bao, đúng như Thánh Phaolô đã xác nhận: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.” (Ep 4:4) Tất cả chúng ta đều là huynh đệ trong Đại Gia Đình của Thiên Chúa – bất kể màu da, sắc tộc, giai cấp, địa vị, giới tính, tuổi tác,…

Không có Đức Kitô, chúng ta không có niềm hy vọng: “Trước kia anh em là dân ngoại trong thân xác, bị kẻ mệnh danh là ‘giới cắt bì’ – nhưng cắt bì trong thân xác, do tay người phàm – gọi là ‘giới không cắt bì,’ anh em hãy nhớ lại rằng thuở ấy anh em không có Đấng Kitô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này.” (Ep 2:11-12)

Thánh Gioan có ước mong rất thực tế: “Ứớc chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha.” (1 Ga 2:24) Tác giả Thánh Vịnh cũng tha thiết ước mong: “Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa, hy vọng của con đặt ở nơi Ngài.” (Tv 39:8) Đó cũng chính là niềm hy vọng cháy bỏng trong suốt cuộc đời của chúng ta.

Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh còn xác định thêm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến.” (Tv 62:2) Để chỉ dựa vào Thiên Chúa, ánh mắt và hy vọng của chúng ta đều phải tập trung vào Ngài. Hy vọng là đức cậy, một trong ba nhân đức đối thần.

Nhưng mức độ hy vọng như thế nào? Thánh nử Tiến sĩ Thérèse de Lisieux (Teresa Hài Đồng Giêsu) nói: “Bất cứ hy vọng nào cũng không thể là tột cùng, và cũng không thể là quá mức, hy vọng của chúng ta càng lớn thì cái được càng nhiều.” Thánh nữ chân thành cho biết thêm: “Để được ân sủng thì tâm linh, con người cần phải đơn độc một mình, trong sạch, và tràn trề hy vọng để tiếp đón Thiên Chúa thì mới kết quả.”

Có thể coi Đức Cậy là “nhịp cầu” nối Đức Tin và Đức Mến (Đức Ái). Vì tin tưởng (Đức Tin) nên chúng ta hy vọng (Đức Cậy), vì hy vọng nên chúng ta yêu mến (Đức Ái). Ba nhân đức đối thần là cột trụ sinh ra nhiều nhánh khác, đó là các nhân đức đối nhân (loại này rất nhiều). Đức Ái là nhân đức cao trọng nhất trong ba nhân đức đối thần: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:13) Đức Mến cao trọng vì nhân đức này vẫn tồn tại ở kiếp sau, trên Thiên Đàng không còn Đức Tin và Đức Cậy nữa.

Hiện nay, vì hy vọng được lãnh nhận Ơn Cứu Độ, được trở thành công dân vĩnh viễn của Nước Trời, mà chúng ta phải tự khó với chính mình, thoải mái với tha nhân, cố gắng hoàn thiện và làm điều thiện, như Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin.” (Gl 6:10)

Cuối năm đời thường và cũng là cuối năm Phụng Vụ. Mùa Vọng đến là lúc khởi đầu Năm Mới Phụng Vụ, và Lễ Giáng Sinh cũng gần kề. Khởi đầu luôn làm cho người ta phấn khởi, phấn khởi vì hy vọng tràn trề. Hãy tin tưởng và hy vọng, nhưng cũng phải không ngừng cầu nguyện: “Xin Chúa nhớ lại lời phán cùng tôi tớ, lời ban niềm hy vọng cho con.” (Tv 119:49)

Niềm hy vọng đang dạt dào trong mỗi chúng ta, hãy chứng tỏ điều đó bằng cách hợp lời với ca đoàn thiên thần hát vang Điệp Khúc Thiên Đường đã được ngân vang trên vòm trời Bêlem trong đêm Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo ĐMHCG tháng 12-2016, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

1 nhận xét:

Comment