“Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:15-20)
Có bạn trẻ ấm ức và thắc mắc: “Cha mẹ làm tôi buồn về loại nhạc tôi nghe,
nói loại nhạc đó trái luân lý. Âm nhạc cũng có thể trái luân lý sao?”
Âm nhạc là một trong các tặng phẩm tuyệt vời
mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Âm nhạc hay sẽ gợi hứng, xoa dịu, làm nhẹ
lòng, thêm sức sống, ca ngợi, gợi cảm xúc sâu sắc, và nâng lòng lên trời cao.
Herbert Spencer viết: “Âm nhạc phải được
xếp hạng cao nhất trong nghệ thuật. Âm nhạc làm cho con người hạnh phúc hơn mọi
thứ khác.”
Cũng như các tặng phẩm tốt lành của Thiên
Chúa, âm nhạc có thể bị xuyên tạc và bị lạm dụng. Ví dụ, lạm dụng rượu dẫn đến
nghiện rượu. Hoặc lạm dụng tình dục khiến người ta cư xử sai lầm, nguy hại và
đê tiện. Bạn phán đoán thế nào nếu loại nhạc bạn nghe là loại nhạc tốt hay xấu?
Chúa Giêsu có cách hướng dẫn hiệu quả để bạn
theo khi Ngài bảo chúng ta phán đoán bằng hoa trái của cây: “Cứ XEM họ sinh hoa quả nào thì biết họ LÀ
AI. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ
cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt KHÔNG THỂ sinh quả
xấu, cũng như cây xấu KHÔNG THỂ sinh quả tốt.” (Mt 7:16-18) Nói cách khác,
cái gì tốt sẽ sinh kết quả tốt. Hãy tự hỏi mình xem loại nhạc bạn nghe có sinh
“hoa trái của Chúa Thánh Thần” hay không.
Âm nhạc làm cho bạn cảm thấy thế nào? Yêu
thương hơn, an bình hơn, tử tế hơn, tin tưởng hơn, vui vẻ hơn, kiên nhẫn hơn,
đại lượng hơn, thoải mái hơn, trong trắng hơn,…?
Nếu vậy thì có thể tốt. Nhiều bài thánh ca
hoặc nhạc đạo tạo nên các cảm giác này. Mặt khác, âm nhạc sai trái hoặc trái
luân lý khi nó tạo ra hậu quả xấu. Hãy cẩn thận với loại nhạc tình ủy mị và
nhạc beat quyến rũ, đôi khi chúng ta không thấy có mối liên quan giữa nhịp điệu
hoặc tiết điệu của âm nhạc và ca từ. Cũng hãy tự hỏi mình xem âm nhạc làm cho
bạn cảm thấy thế nào? Tức giận, kích dục, tự thương hại, xa rời thực tế, ảo
giác, quyến rũ, ích kỷ, ưa vật chất, gợi tính chất ma quái,...
Gọi là nghe nhạc nhưng có lẽ ít người có thể
“nghe” được âm nhạc, thường thì chỉ nghe lời là chính – gọi là nghe hát, nghe
ca khúc. Ca khúc thì có lời, ca từ phải có chất thơ và mang tính nghệ thuật –
kể cả Thánh Ca. Có những bài lời thô thiển, thiếu tính nghệ thuật. Nếu là Thánh
Ca còn liên quan vấn đề tín lý, không đơn giản.
Một điều cũng không kém phần quan trọng: Bạn
cũng nên xem lại cách sống của các nhạc sĩ hoặc ca sĩ mà bạn “thần tượng,” được
người ta đề cao là “ngôi sao.” Họ có thực sự xứng đáng được ủng hộ, có xứng
đáng với sự tôn trọng, có sống yêu thương, có thể hiện tính nhân bản, có yêu
quý công lý và sự thật? Họ có gợi lên điều tốt nhất nơi bạn?
Hãy tránh các loại nhạc sinh hoa trái xấu –
kể cả phim ảnh, sách báo, phim ảnh, chương trình ti-vi, chương trình biểu diễn,…
Hãy ghi nhớ lời cảnh báo của các nhà lập trình máy vi tính: “Rác trong, rác ngoài.” (Garbage in,
garbage out.) Thật chí lý khi tiền nhân xác định: “Cẩn tắc vô ưu!”
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment