Gieo giống (gieo hạt) là công việc của nông
dân. Có nhiều loại hạt giống, mùa nào thứ nấy: Lúa, bắp (ngô), đậu,… Công việc
gieo giống cực nhọc về thể lý: làm đất, tưới nước, bón phân, làm cỏ, canh giữ,…
Nhà nông đầu tắt mặt tối, không ngơi tay, như ca dao nói: “Làm nông ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng.”
“Ăn cơm đứng” thì dễ hiểu, còn “ăn cơm nằm”
không phải là thoải mái, mà vì mệt quá, ngồi không nổi nên phải nằm mà ăn. Vừa
nằm vừa ăn đâu có dễ! Không chỉ cực nhọc về thể lý mà còn cực nhọc cả về tinh
thần: chọn giống, chọn thời điểm, tính theo thời tiết, chờ đợi thu hoạch,...
Hạt giống nhỏ bé nhưng có thể lớn mạnh thành
cây tươi tốt lớn mạnh, sinh nhiều hạt khác. Nhưng hạt giống có thể vô ích, vì
cứ nằm im trong bao, nếu không có Người Gieo Giống. Người gieo giống sẽ thất
nghiệp nếu không được sai đi.
Về ý nghĩa tâm linh, người gieo giống được
gọi là tư tế, người chuyên lo việc phụng tự đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô
nói: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong
Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế;
mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” (Dt 10:11) Đó là thời
Cựu ước, lễ vật là những tế vật bình thường như chiên, bò, bồ câu,…
Thời Tân Ước, tế vật không còn là những thứ
trần tục mà là chính Đức Kitô, Thánh Lễ được cử hành hằng ngày ở khắp nơi cũng
vẫn là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô xác định: “Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người
đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày
các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần,
mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.” (Dt
10:12-14) Đặc biệt là “điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy.”
(Dt 10:15) Thời Cựu Ước, các tư tế phải dâng lễ vật nhiều lần, còn thời Tân Ước, Đức Kitô chỉ dâng một lần là đủ.
Lễ vật được dâng để đền tội cho dân. Đức Kitô
cũng dâng lễ vật là chính Ngài để đền tội thay chúng ta. Thiên Chúa trước sau
như một, không quên lời hứa và luôn giữ trọn. Thánh Phaolô cho biết: “Sau khi phán: Đây là giao ước Ta sẽ lập với
chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ
khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc
gian ác của chúng nữa.” (Dt 10:16-17) Nhân loại còn phạm tội nên còn cần
đền tội, và ai đã được Thiên Chúa tha thứ thì không cần đền tội nữa: “Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ
đền tội nữa.” (Dt 10:18)
Đức Chúa tuyên phán rõ ràng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi
bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con. Từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng
quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.” (Tv 110:1-2) Rồi Đức Chúa lại phán bảo: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy
hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha,
Cha đã sinh ra Con.” (Tv 110:1-3) Đó là lời nói về Thượng Tế Kitô. Kỳ lạ là
Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, vì Ngài luôn trọng chữ Tín.
Lời hứa đó là: “Muôn thuở, Con là Thượng
Tế theo phẩm trật Menkixêđê.” (Tv 110:4)
Trước giờ chịu khổ nạn, vào chiều tối Thứ Năm
Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để thực sự ở lại với
chúng ta và hiện diện giữa chúng ta cho tới tận thế. Những người được Ngài trao
quyền cử hành Bí tích cao trọng này là các linh mục, các tư tế được tuyển lựa
giữa muôn người. Đó cũng là những người lãnh sứ vụ gieo Hạt Giống Đức Tin mỗi
ngày.
Thánh sử Máccô kể: Đức Giêsu lại bắt đầu
giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên
Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều.
Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra
gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có
hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;
nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi
vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những
hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba
mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” (Mc 4:3-8; Mt 13:1-9;
Lc 8:4-8) Cách nói của Ngài cụ thể và đầy hình tượng, có vẻ giản dị vậy mà khó
hiểu, và chính các đệ tử ruột cũng có vẻ rất mơ hồ, không đủ sức hiểu hết.
Kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu nói: “Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 4:9; Mt
13:9; Lc 8:8) Một lời ngắn gọn, súc tích và thấm thía. Ai cũng có tai để nghe,
ngay cả người điếc cũng vẫn có thể “ngóng.” Nhưng vấn đề là có MUỐN NGHE hay
không, nghe rồi có MUỐN HIỂU hay không, hiểu rồi có MUỐN LÀM hay không.
Chúa Giêsu cô đọng trong bốn loại người như
bốn loại hạt được gieo: hạt ở vệ đường, hạt trên sỏi đá, hạt trong bụi gai, hạt
trên đất tốt. Có lẽ đây là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu giải thích cặn kẽ.
– HẠT Ở VỆ ĐƯỜNG là người vừa nghe lời thì
Satan liền đến giật mất lời đã gieo nơi họ. Loại người này cũng là người chỉ
nghe cho vui, nghe để mà nghe, biết để mà biết, không chút quan tâm.
– HẠT TRÊN SỎI ĐÁ là người nghe lời thì liền
vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau
đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Loại người này ra
vẻ “chiên ngoan” lắm, mở miệng ra là nói chuyện đạo đức, nhưng đó chỉ là lúc
“xuôi chèo, mát mái” hoặc “ăn nên, làm ra,” khi cầu nguyện không được như ý thì
họ chán ngay, họ viện đủ lý do: nhưng, nếu, giá, bởi, tại, vì,… Rõ ràng họ
thiếu cái Tâm, thế nên CÁI LO TO HƠN CÁI ĐỨC.
– HẠT TRONG BỤI GAI là người nghe lời, nhưng
những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm
lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Loại người này “cao
cấp” hơn loại người thứ hai. Họ bận rộn đủ thứ, chạy ngược bước xuôi để mong
sao mình được quyền cao, chức trọng. Vì “sự nghiệp vĩ đại” mà họ không ngần
ngại đè bẹp người khác, dù người đó là thân thuộc hoặc quen biết. Vì sĩ diện,
họ không muốn “hy sinh đời bố, củng cố đời con,” mà chính họ phải là người “hét
ra lửa” và ung dung tự tại như ông hoàng.
– HẠT TRÊN ĐẤT TỐT là người nghe lời và đón
nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.
Loại người này thì dễ hiểu. Họ thật lòng chuyên cần việc thiện, vì Chúa chứ
không vì bất kỳ thứ gì khác. Tuy nhiên, những người này cũng có thể bị tha nhân
chê bai, dè bỉu, khinh miệt, xa tránh,… Nhưng họ không quan tâm, chỉ miễn sao SỐNG
ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA mà thôi.
Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại hai và ba.
Tuy nhiên, mức độ và cách thức có thể khác nhau. Do đó, Hạt Đức Tin không thể
lớn mạnh theo thời gian. Cầu mong mỗi chúng ta đều là Hạt Đức Tin mau nảy mầm
và mau phát triển lớn mạnh!
Lạy
Thiên Chúa, chúng con yếu đuối lắm, xin soi sáng và nâng đỡ chúng con luôn. Xin
giúp chúng con biết chân thành đón nhận Ý Chúa, dù có thể đó là điều trái ý
riêng của chúng con, để chúng con có thể càng ngày càng tiến bộ trên đường nhân
đức, trở nên hạt trên đất màu mỡ. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô,
Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG số 389, tháng 01-2019, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Hạt Giống Hiệp Nhất – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/hat-giong-hiep-nhat.html
✽ Những Hạt Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/nhung-hat-oi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment