Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

DẤU CHỈ

Có nhiều loại dấu chỉ. Dấu chỉ có thể là điềm báo tốt hoặc xấu (gở). Dấu chỉ bình thường thì thường được gọi là dấu hiệu. Về sức khỏe, dấu chỉ được gọi là triệu chứng – điềm báo xấu về một chứng bệnh nào đó.

Dấu chỉ có ở mọi lĩnh vực: tôn giáo, xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường, y tế, giao thông, thời tiết,… kể cả tâm linh. Thấy mây vần vũ, người ta đoán có thể mưa; thấy người khác khóc, người ta biết họ buồn; thấy người khác cười, người ta biết họ vui. Vô vàn dấu hiệu chúng ta thấy hằng ngày.

Cần biết dấu chỉ để chuẩn bị hoặc “chấn chỉnh” điều gì đó. Chúa Giêsu nói về dấu chỉ thời tiết bình thường để nói về dấu chỉ thời đại: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy tất cả những điều đó, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.” (Mt 24:32-33; Mc 13:28-29; Lc 21:30-31)

Thời Cựu Ước, dấu chỉ của giao ước là phép cắt bì, (Cv 7:8) dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm là các vầng sáng trên vòm trời (St 1:14), dấu chỉ của một tâm hồn hạnh phúc là nét mặt vui tươi, (Hc 13:26) dấu chỉ giữa Thiên Chúa với dân chúng là các ngày sabát. (Ed 20:12)

Dấu chỉ có thể là các động thái. Chẳng hạn, quỳ là dấu chỉ của lòng sám hối, tôn thờ và cầu xin, (Cv 7:50; Cv 9:40; Cv 20:30; Kn 41:43; Et 3:2; Lc 5:8; Lc 22:41) đứng là dấu chỉ kính trọng, đứng còn là tư thế của kẻ sống lại, (Kh 7:9; Kh 15:2) là tư thế của những người vượt qua về miền đất hứa, (Xh 12:11) là tư thế của những con người tự do, (Ga 5:1; Ep 6:1-4) chắp tay hoặc khoanh tay chỉ sự nghiêm trang, kính trọng, đấm ngực chỉ sự khiêm nhường sám hối, dang tay chỉ sự cầu nguyện, làm dấu Thánh Giá là dấu chỉ nhận thức và tuyên xưng đức tin Kitô giáo, thinh lặng là dấu chỉ suy tư, suy niệm hoặc cầu nguyện,... Có nhiều dạng dấu chỉ.

Trình thuật Cv 14:21-26 cho biết về công việc truyền giáo: Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông Phaolô và Banaba trở lại Lýtra, Icôniô và Antiôkhia. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, khuyên họ giữ vững đức tin và xác định: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” Lời xác định này cũng nhắc nhở và thức tỉnh mỗi chúng ta hôm nay. Chắc chắn không thể cứ tà tà hoặc cứ khơi khơi mà được vào Nước Trời. Không phải Chúa “chơi ép” hoặc hù dọa, mà đó là sự thật minh nhiên, vì Nước Trời là Viên Ngọc Quý Giá Nhất.

Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục. Sau khi ăn chay và cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin. Rồi hai ông đi qua miền Pixiđia mà đến miền Pamphylia, rao giảng lời Chúa tại Pécghê, rồi xuống Áttalia. Từ đó hai ông vượt biển về Antiôkhia, nơi mà trước đó các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành. Công việc gì cũng có mức độ khó khăn khác nhau, khó có thể nói việc nào khó hoặc dễ hơn việc nào. Chắc chắn công việc truyền giáo còn khó khăn hơn nhiều, rất cần sự kiên trì. Vả lại, việc chúng ta làm thì cứ làm cho tròn bổn phận, kết quả hay không là do Chúa quyết định.

Ai cũng muốn công việc đạt kết quả, không ai muốn thất bại. Nhưng đó là ý muốn của chúng ta, còn ý Chúa có thể khác. Cần tâm niệm là “làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr 16:14) và “xin cho ý Chúa được thể hiện.” (Cv 21:14) Thiên Chúa chí minh và chí thiện, Ngài thông suốt mọi sự, là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Ngài đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Thất bại có thể là điều xấu đối với chúng ta, nhưng trong cách nhìn của Thiên Chúa, thất bại lại tốt cho chúng ta, ít nhất là Ngài muốn chúng ta không kiêu ngạo vì ỷ mình thành công hơn người khác.

Tác giả Thánh Vịnh đã thành tâm cầu nguyện: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.” (Tv 145:10-12) Thiên Chúa vĩnh hằng, “triều đại Ngài thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn, Ngài thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.” (Tv 145:13) Vì thế, hãy khôn ngoan mà nhận ra mình hèn yếu để khả dĩ tín thác vào Ngài mà thôi!

Thiên Chúa tốt lành, chính Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ và tặng ban trời mới đất mới cho những ai thành tín. Thánh Gioan kể lại thị kiến: “Bấy giờ, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” (Kh 21:1-2) Tất cả đều mới. Cái gì mới thì lạ. Rất kỳ diệu. Rồi sau đó, Thánh Gioan nghe có tiếng hô to từ phía ngai: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21:3-4) Rõ ràng. Rạch ròi. Hoàn toàn là sự thật, chắc chắn chứ không chút gì mơ hồ. Rồi Đấng-ngự-trên-ngai còn tuyên phán thêm: “Này đây Ta ĐỔI MỚI MỌI SỰ.” (Kh 21:5a) Và như vậy, tính xác thực càng được nâng cao hơn nữa!

Trình thuật Ga 13:31-35 cho biết loại dấu chỉ đặc biệt: Những lời cáo biệt của Chúa Giêsu trước cuộc khổ nạn và quy luật yêu thương tuyệt đối.

Khi Giuđa ra khỏi phòng, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” Một câu ngắn mà từ ngữ “tôn vinh” xuất hiện tới 5 lần. Khi nghe Sư Phụ Giêsu nói vậy, có lẽ các đệ tử vui lắm, vì có thể đã đến lúc mình cũng được sống sung sướng nhờ Thầy.

Nhưng không phải như họ tưởng, vì Chúa Giêsu nói tiếp: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được,’ bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.” Ui da! Sao vậy nhỉ? Tưởng đâu… Ai dè…! Có lẽ họ bắt đầu lờ mờ hiểu về “sự chẳng lành” nào đó sắp xảy ra... Vâng, nhưng làm sao các đệ tử hiểu được hết ý cao siêu của Thầy, vì họ còn là phàm nhân và đầy mơ ước trần tục, còn Thầy là “người cõi trên” mà!

Cuối cùng, Chúa Giêsu cho họ biết dấu hiệu đặc biệt nhất: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ NHẬN BIẾT anh em là môn đệ của Thầy ở ĐIỂM này: là anh em có LÒNG YÊU THƯƠNG NHAU.” Cũng chỉ một câu ngắn mà chữ “yêu thương” được lặp lại tới 4 lần.

Đạo của Đức Kitô Giêsu đơn giản là Đạo Làm Người, là Nhân Đạo, điều mà ai cũng cần, tôn giáo nào cũng cần, xã hội nào cũng cần, thể chế nào cũng cần,… Nói chung là AI CŨNG CẦN, mà CẦN thì PHẢI THỰC HIỆN. Hoàn toàn hợp lý, mình muốn có thì phải thể hiện với người khác. Luật Yêu là Khuôn Vàng Thước Ngọc để đo lường trong cuộc sống: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7:12; Lc 6:31)

Thánh Phaolô đã đúc kết: “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. Yêu thương là chu toàn lề luật.” (Rm 13:8 và 10) Hiền triết Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) đã dạy đệ tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.) Tương tự, hiền triết Aristotle (384-322 trước công nguyên) cũng dạy: “Đừng áp đặt trên người khác những điều mà bạn không thích.”

Trong Do Thái giáo có hai trường phái đạo đức: Trường phái của Shammai chủ trương khắc khổ, và trường phái của Hilel chủ trương phóng khoáng. Một hôm, có một người đến xin học tập với Shammai, anh ta thưa: “Thưa thày, tôi muốn làm môn đệ thày, nhưng trước hết, xin thày cho tóm gọn luật phải giữ trong bao lâu tôi còn có thể đứng trên một chân để nghe thầy giảng.” Shammai liền đuổi anh ta đi và trao cho một cuốn sách dày về luật mà ông đang cầm trên tay. Anh ta đến gặp Hilel và cũng nói với ông lời ấy, Hilel nói với anh ta: “Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác, đó là tóm tắt về luật.” Anh ta giác ngộ và nhận thấy đó là BÀI HỌC QUÝ GIÁ NHẤT ở đời.

Các dấu chỉ quen thuộc cho biết ai là “người của Thiên Chúa” đã được chính Đức Kitô Giêsu giới thiệu qua Bát Phúc. (Mt 5:3-12) Và các dấu chỉ về lòng thương xót được trình bày qua Mười Bốn Mối Thương Người – gồm bảy mối thương về thể lý và bảy mối thương về linh hồn.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết nhận biết Thánh Ý Ngài qua các dấu chỉ của chính cuộc đời con, đặc biệt là các dấu chỉ của thời đại, nhờ đó con khả dĩ tuân phục và thi hành để Thánh Ý Ngài nên trọn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Định Hướng Ơn Gọi Cho Con Cái
     https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/inh-huong-on-goi-cho-con-cai.html
Nhận Thức Ơn Thiên Triệu
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/04/nhan-thuc-on-thien-trieu.html
Tâm Lý Học & Ơn Gọi Linh Mục
     https://tramthienthu.blogspot.com/2013/08/tam-ly-hoc-va-on-goi-linh-muc.html
Vườn Ươm Ơn Thiên Triệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment